Liên kết web
Số lượt truy cập

24

2013349

Chi tiết tạp chíSố 4 - 2012

Phong tục và nghi lễ liên quan đến việc cưới, việc tang ở Hà Nội

Tác giả: Lê Ngọc Văn

Trang: 3-15

Dựa trên các kết quả điều tra xã hội học thực nghiệm, bài viết trình bày về thực trạng và xu hướng biến đổi các phong tục về việc cưới và việc tang ở thành phố Hà Nội những năm gần đây. Kết quả phân tích cho thấy các phong tục và nghi lễ truyền thống trong việc cưới và việc tang thời kỳ đổi mới có xu hướng phục hồi mạnh mẽ so với thời kỳ bao cấp trước đây. Điểm mới so với truyền thống là hầu hết các gia đình ở Hà Nội đều sử dụng dịch vụ có trả tiền cho việc cưới hỏi, tang ma. Một sự thay đổi khác là trong khi việc tổ chức cỗ bàn ăn uống trong các đám tang có xu hướng giảm đi đáng kể thì ngược lại, các đám cưới lại có xu hướng tiệc mặn ngày càng to, phạm vi khách mời ngày càng mở rộng và xu hướng “thương mại hóa đám cưới” (thu lợi trong đám cưới) đang làm biến dạng bản chất văn hóa của đám cưới.

Thực trạng đưa tin về bạo lực gia đình trên báo điện tử ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Phạm Hương Trà

Trang: 16-28

Dựa trên kết quả phân tích 554 bài viết của 6 báo điện tử ở Việt Nam năm 2009 và 2010, bài viết tìm hiểu thực trạng đưa tin về bạo lực gia đình trên một số báo điện tử. Kết quả phân tích cho thấy khuôn mẫu bạo lực gia đình được phản ánh nhiều nhất trên báo điện tử là bạo lực giữa vợ và chồng. Hình thức bạo lực được tập trung nhiều nhất là bạo lực thân thể. Trong khi đó, bạo lực tình dục và bạo lực tình cảm ít được nhắc đến. Đặc biệt, rất ít bài đề cập từ 3 hình thức bạo lực trở lên. Theo tác giả, hầu hết các bài báo đều đã cố gắng phản ánh thực trạng và nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, tuy chưa hẳn tất cả các phản ánh này đều chuẩn xác.

Lựa chọn giới tính thai nhi ở Việt Nam: Một số vấn đề thực tiễn cần quan tâm hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Cúc

Trang: 29-39

Bài viết dưới đây tổng quan một số kết quả nghiên cứu đã có về vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi ở Việt Nam trên một số khía cạnh như những yếu tố tác động đến việc lựa chọn giới tính khi quyết định sinh con, ảnh hưởng của chính sách xã hội đến hiện tượng này... Quan niệm gia trưởng truyền thống với tâm lý ưa thích con trai cùng với chính sách giảm sinh và sự phát triển của công nghệ y học hiện đại là những yếu tố góp phần làm gia tăng hiện tượng lựa chọn giới tính khi sinh hiện nay. Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách, qui phạm pháp luật nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, tuy nhiên, bài viết chỉ ra, nhiều bằng chứng cho thấy việc ngăn chặn của pháp luật hiện nay còn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Chăm sóc và giáo dục con trong gia đình có vợ hoặc chồng di cư lao động

Tác giả: Phan Thị Thanh Mai, Hà Thị Minh Khương

Trang: 40-49

Bài viết phân tích việc chăm sóc và giáo dục con ở các hộ gia đình trước khi người vợ hoặc chồng di cư lao động tự do và trong thời gian người vợ/chồng di cư. Nghiên cứu này cho thấy, trong gia đình có vợ/chồng di cư thì công việc chăm sóc và giáo dục con chủ yếu do người còn lại ở nhà đảm nhiệm là chính, nói cách khác vai trò quán xuyến công việc gia đình thuộc về chồng hoặc vợ của người đi di cư. Và như vậy đã có sự thay đổi vai trò trong các gia đình có vợ di cư, từ chỗ người chồng tham gia làm chính việc chăm sóc và giáo dục con với tỷ lệ rất thấp, nhưng khi người vợ đi làm ăn xa thì hầu hết họ lại tự mình đảm nhiệm công việc này. Bên cạnh đó, một bộ phận những người vợ/chồng di cư vẫn về nhà để trực tiếp hoặc gián tiếp giải quyết việc chăm sóc và giáo dục con. Điều này cho thấy sự linh hoạt trong phân công công việc gia đình khi người vợ/chồng đi làm ăn xa, vừa đảm bảo duy trì việc chăm sóc và giáo dục con, vừa đảm bảo thu nhập cho kinh tế hộ gia đình.

Một số hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân Hà Nội (qua Khảo sát Nhu cầu hưởng thụ văn hóa, 2011)

Tác giả: Lê Ngọc Lân

Trang: 50-63

Dựa trên kết quả cuộc khảo sát về Nhu cầu hưởng thụ văn hóa được thực hiện tại Hà Nội năm 2010-2011, bài viết phân tích một số hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của người dân hiện nay như lễ chùa, thờ cúng tại nhà và tham gia các hoạt động lễ hội. Bài viết cho thấy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong đời sống tinh thần nói chung và trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng vẫn được duy trì và tương đối đồng thuận. Mặc dù có những thay đổi về kinh tế - xã hội, các thiết chế văn hóa truyền thống vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng. Theo tác giả, việc chỉ ra những điểm khác biệt giữa những nhóm xã hội khác nhau, ở các khu vực khác nhau trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sẽ là những gợi ý tốt trong việc xây dựng các chính sách nhằm tăng cường đời sống văn hóa tinh thần ở khu dân cư, phát huy những mặt tích cực trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và ngăn ngừa, hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực hoạt động này, làm lành mạnh hơn môi trường xã hội cho cuộc sống của người dân.

Phụ nữ Việt Nam di cư sang các nước Đông Á để kết hôn: Hành trình làm quen và hòa nhập

Tác giả: Vũ Thị Thanh Nhàn, Trần Giang Linh, Vũ Thành Long

Trang: 64-75

Bài viết(1) dựa trên phân tích 40 phỏng vấn sâu với các cô dâu Việt Nam lấy chồng Đài Loan và Hàn Quốc nhằm tìm hiểu quyền tự chủ/tính chủ động (agency) của các phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài khi họ phải sống và làm quen với một môi trường hoàn toàn xa lạ, vừa phải đối phó với các quan niệm phổ biến cho rằng phụ nữ lấy chồng nước ngoài là nạn nhân và kẻ cơ hội, đồng thời phủ nhận quyền tự chủ và sự đóng góp của họ đối với cả cộng đồng nơi đi và nơi đến. Kết quả nghiên cứu cho thấy dù cuộc hôn nhân của cô dâu Việt vì mục đích nào đi chăng nữa: lấy chồng để kiếm tiền gửi về quê cho cha mẹ đẻ, để trả nợ cho họ hàng, hay đơn thuần là lấy chồng vì mưu sinh thì tự họ cũng phải làm quen và hòa nhập với cuộc sống bằng nhiều cách để có được một gia đình hạnh phúc. Điều này giúp cho chúng ta hiểu hơn về cô dâu Việt từ nhiều chiều cạnh khác nhau một cách chân thực và chính xác nhất.

Viêm nhiễm đường sinh sản của phụ nữ độ tuổi sinh đẻ khu vực phía Tây Hà Nội: Thực trạng và giải pháp

Tác giả: Đoàn Kim Thắng

Trang: 76-86

Bài viết dưới đây là kết quả của cuộc khảo sát “Đánh giá thực trạng viêm nhiễm đường sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) có chồng tại khu vực phía Tây Hà Nội” năm 2010 nhằm mục đích tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng tới viêm nhiễm đường sinh sản và có những giải pháp can thiệp cho các vấn đề này. Theo kết quả nghiên cứu, có đến hơn 2/5 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc một trong các bệnh thuộc nhóm VNĐSS (48,2%) cho thấy đây là vấn đề cần lưu tâm đặc biệt khi phương pháp chủ đạo để giảm tỷ lệ sinh trong các chương trình KHHGĐ là “đặt vòng tránh thai”. Những khoảng trống trong nhận thức về nguyên nhân gây bệnh và những nhận định chưa đầy đủ về VNĐSS đã dẫn đến những thái độ không đúng mực trong phòng và điều trị bệnh. Để cải thiện tình, nghiên cứu đã đưa ra những giải pháp và kiến nghị về xã hội và y tế. Một chương trình giáo dục về VNĐSS hoàn chỉnh cho cộng đồng cần được xem là mục tiêu trọng tâm của Chương trình sức khỏe sinh sản.

Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách

Tác giả: Võ Kim Hương

Trang: 87-93

Già hóa dân số được coi là một trong những vấn đề ưu tiên trong Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 ở ViệtNam. Cũng giống như việc gia tăng dân số, dân số già hóa cũng gây ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế cũng như hạ tầng cơ sở và các dịch vụ an sinh xã hội. Vì vậy, ông Bruce Campbell, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng để các chính sách và chương trình quốc gia được thiết kế và thực hiện rộng rãi đáp ứng được nhu cầu về chăm sóc y tế và bảo trợ xã hội cho nhóm dân số cao tuổi thì Việt Nam cần phải có các chính sách và chiến lược thực tế và phù hợp được xây dựng dựa trên bằng chứng từ các nghiên cứu định tính và định lượng. Những nghiên cứu này phải phân tích mối tương quan giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế, cũng như các nhu cầu về dịch vụ xã hội dành cho người cao tuổi, là vấn đề được đặt ra trong buổi Gặp gỡ báo chí về Già hóa Dân số ở Việt Nam do UNFPA tổ chức ngày 12-5-2011. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Báo cáo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách” do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khởi xướng trong khuôn khổ chương trình Kế hoạch Một Liên hợp quốc nhằm mục tiêu cung cấp những thông tin và phân tích kỹ lưỡng, toàn diện về các vấn đề có liên quan đến già hóa dân số cũng như những gợi ý chính sách giải quyết vấn đề già hóa dân số trong những năm tới.

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới. Số 4/2012

Tác giả:

Trang: 1-96

Mục lục số 4 năm 2012 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Lê Ngọc Văn Phong tục và nghi lễ liên quan đến việc cưới, việc tang ở Hà Nội 3 Phạm Hương Trà Thực trạng đưa tin về bạo lực gia đình trên báo điện tử ở Việt Nam hiện nay 16 Vũ Thị Cúc Lựa chọn giới tính thai nhi ở Việt Nam: Một số vấn đề thực tiễn cần quan tâm hiện nay 29 Phan Thị Thanh Mai, Hà Thị Minh Khương Chăm sóc và giáo dục con trong gia đình có vợ hoặc chồng di cư lao động 40 Lê Ngọc Lân Một số hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân Hà Nội (qua Khảo sát Nhu cầu hưởng thụ văn hóa, 2011) 50 Vũ Thị Thanh Nhàn, Trần Giang Linh, Vũ Thành Long Phụ nữ Việt Nam di cư sang các nước Đông Á để kết hôn: Hành trình làm quen và hòa nhập 64 Đoàn Kim Thắng Viêm nhiễm đường sinh sản của phụ nữ độ tuổi sinh đẻ khu vực phía Tây Hà Nội: Thực trạng và giải pháp 76 Võ Kim Hương Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách 87 T.M.H. Công bố báo cáo “Đặc điểm di biến động của người hoạt động mại dâm nhìn từ góc độ giới tại 3 thành phố Việt Nam” 94 Bùi Thị Hương Trầm Hội thảo "Nhận diện những bất cập trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 từ góc độ thực tiễn" 95