Liên kết web
Số lượt truy cập

20

2073262

Chi tiết tạp chíSố 3 - 2023

Ba thập niên nghiên cứu gia đình của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới - Một số thành quả bước đầu

Tác giả: Nguyễn Hữu Minh

Trang: 3-17

Trong ba thập niên qua, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã triển khai thực hiện nhiều nghiên cứu về chủ đề gia đình, cả thực hiện nghiên cứu trong nước và hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu quốc tế, nghiên cứu các vấn đề đương đại và những vấn đề lịch sử. Dựa vào báo cáo đề tài khoa học và công trình công bố của các tác giả trong Viện, bài viết này tổng quan một số thành quả nghiên cứu về gia đình của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trong 30 năm qua theo các chủ đề sau: hệ thống hóa và vận dụng những vấn đề lý luận và phương pháp nghiên cứu về gia đình; nghiên cứu về sự hình thành gia đình; nghiên cứu về các mối quan hệ gia đình.

Bình đẳng giới ở Việt Nam: Một số kết quả và vấn đề đang đặt ra

Tác giả: Trần Thị Minh Thi

Trang: 18-33

Trên cơ sở rà soát, tổng hợp những số liệu, thông tin về bình đẳng giới của Liên hợp quốc, Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và của một số cơ quan nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam những năm gần đây, bài viết tập trung phân tích một số kết quả về thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam trong các lĩnh vực và các vấn đề đang đặt ra. Kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam đang đạt được những kết quả nhanh và ấn tượng về bình đẳng giới trong các lĩnh vực như chính trị, lãnh đạo, quản lý, kinh tế - lao động - việc làm, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, bình đẳng giới còn nhiều vấn đề đặt ra để có thể đạt được bình đẳng giới bền vững, thực chất như quyền của phụ nữ trong hệ thống chính trị còn hạn chế, mức độ đại diện còn thấp, chưa có quy định thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của các giới vào quá trình xây dựng pháp luật, trưng cầu ý dân, thảo luận, quyết định và giám sát thực hiện chính sách và pháp luật, các công việc cộng đồng. Phụ nữ gặp nhiều rào cản hơn trong tiếp cận nguồn lực nhất là nhóm yếu thế, ngoài ra định kiến giới về vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội cản trở cơ hội phát triển của phụ nữ.

Nhận diện một số biến đổi gia đình ở Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới

Tác giả: Hoàng Văn Dũng

Trang: 34-48

Bài viết xem xét bốn khía cạnh chính của sự biến đổi gia đình: những biến đổi của hình thái học gia đình; chức năng gia đình; mối quan hệ giữa các thành viên; và mối quan hệ nam-nữ. Bài viết rút ra một số kết luận như sau: dù xuất hiện các hiện tượng ly hôn, sống thử tiền hôn nhân, gia đình cha mẹ đơn thân hay tái tạo lập (gia đình tái hôn), gia đình Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng hôn nhân. Gia đình vẫn đảm bảo các chức năng kinh tế và xã hội. Thiết chế này mất dần đi chức năng sản xuất nhưng duy trì và tăng cường chức năng tiêu dùng, trong khi chức năng kế thừa tài sản có nhiều thay đổi. Gia đình vẫn đảm bảo chức năng xã hội hóa, chức năng bảo vệ, chức năng đoàn kết liên thế hệ hay chức năng sinh sản; trong khi chức năng điều tiết tình dục đã biến đổi sâu sắc vì nhiều mối quan hệ tình dục đã vượt ra khỏi khuôn khổ hôn nhân. Gia đình Việt Nam mang tính quan hệ hơn khi khía cạnh tình cảm, dân chủ dần được ưu tiên. Gia đình vừa mang tính riêng tư hơn nhưng cũng mang tính lĩnh vực công hơn với vai trò ngày càng gia tăng của Nhà nước.

Hạnh phúc của phụ nữ Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 49-63

Bài viết phân tích các yếu tố nhân khẩu học - xã hội ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng hạnh phúc của phụ nữ 15-49 tuổi qua việc sử dụng số liệu Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021. Kết quả phân tích 10.770 phụ nữ ở độ tuổi 15-49 được khảo sát cho thấy có 64,4% phụ nữ cho biết họ hạnh phúc với cuộc sống và theo kết quả phân tích những yếu tố thuộc về đặc trưng cá nhân và gia đình đều có khả năng giải thích một cách có ý nghĩa thống kê đối với tình trạng hạnh phúc của phụ nữ. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các chính sách không chỉ tập trung nhiều hơn vào nhóm phụ nữ trung niên, dân tộc thiểu số, mức sống thấp mà còn là cách thức mang lại hạnh phúc cho phụ nữ thông qua việc cải thiện giáo dục và mối quan hệ xã hội.

Sức khỏe tinh thần của người cao tuổi và mối liên hệ với sự tham gia các hoạt động cộng đồng

Tác giả: Lỗ Việt Phương

Trang: 64-76

Sử dụng số liệu từ khảo sát do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2023 tại Nam Định với 310 người cao tuổi ở hai xã/phường, với phương pháp phân tích định lượng kết hợp định tính, bài viết phân tích chiều cạnh ảnh hưởng của sự tham gia các hoạt động cộng đồng tới sức khỏe tinh thần của người cao tuổi. Kết quả phân tích cho thấy, sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của người cao tuổi có ảnh hưởng bởi các yếu tố như giới tính, sức khỏe thể chất, nhóm tuổi, tình trạng hôn nhân của người cao tuổi. Bên cạnh đó, các dữ liệu nghiên cứu còn cho thấy hoạt động cộng đồng tại địa phương được ghi nhận có ý nghĩa đối với sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của người cao tuổi.

Thực trạng trẻ em 36-59 tháng tuổi tiếp cận giáo dục mẫu giáo ở Việt Nam

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 77-91

Những năm đầu của cuộc đời có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của trẻ về các đặc điểm nhận thức xã hội và đặt nền móng cho sự trưởng thành của trẻ sau này trong cuộc sống vì vậy đầu tư cho trẻ em ngay từ độ tuổi mầm non được cho là một trong những đầu tư tốt nhất mà các quốc gia có thể thực hiện. Dựa trên số liệu trong các báo cáo kết quả điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Điều tra đa chỉ tiêu toàn cầu của UNICEF (MICS) năm 2000, 2006, 2011, 2014 và 2020-2021, bài viết làm rõ thực trạng trẻ em từ 36-59 tháng tuổi tiếp cận giáo dục mẫu giáo giai đoạn 2006-2021. Kết quả phân tích chỉ ra rằng Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến trường trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng một phần năm số trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo nhưng chưa đến trường, tập trung vào nhóm trẻ sống ở gia đình/ khu vực hạn chế hơn về nguồn lực tài chính và xã hội. Việc nhận diện những nhóm trẻ em đang bị loại trừ ra ngoài bậc học này giúp cung cấp thêm các bằng chứng cho các biện pháp cần thiết để thúc đẩy giáo dục mầm non bao trùm ở Việt Nam.

Khía cạnh giới trong hoạt động nông nghiệp của người Khmer trong ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở Trà Vinh

Tác giả: Phan Thị Hoàn

Trang: 92-104

Người Khmer là một trong những cộng đồng dân cư sinh sống lâu đời ở tỉnh Trà Vinh, có sinh kế truyền thống gắn liền với sản xuất nông nghiệp, chủ đạo là canh tác lúa, hoa màu và chăn nuôi quy mô nhỏ. Trong hoạt động đó, nam giới thường đóng vai trò chính liên quan đến sản xuất, gắn với hình ảnh “công việc nặng” - công việc cần sức lao động thể chất, và phụ nữ thường đóng vai trò phụ trợ - “công việc nhẹ” như dặm lúa, nhổ cỏ… và nội trợ. Dựa trên nghiên cứu định tính về hai cộng đồng người Khmer tại huyện Càng Long và huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh, kết quả cho thấy hiện nay hoạt động sản xuất nông nghiệp của người Khmer đang có nhiều thay đổi nhằm ứng phó với tình trạng hạn hán-xâm nhập mặn, đặc biệt là từ sau đợt hạn hán-xâm nhập mặn cực đoan mùa khô năm 2015-2016 cho đến nay. Cùng với thay đổi đó là sự mở rộng về vai trò giới trong hoạt động kinh tế hộ gia đình.

Thái độ và hành vi bảo vệ môi trường của người dân hiện nay: Nghiên cứu trường hợp một xã nông thôn đồng bằng sông Hồng

Tác giả: Đoàn Kim Thắng

Trang: 105-119

Trong những năm qua, các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, phòng ngừa, giảm thiểu và bảo vệ môi trường (BVMT) đang trở nên cấp thiết không chỉ ở Việt Nam mà cũng là vấn đề chung của toàn thế giới. Ở Việt Nam, công cuộc Đổi mới đất nước đã và đang từng bước chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu sang hướng hiện đại, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, song thực tế cũng cho thấy phát triển kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống như: phá hủy hệ sinh thái, một số diện tích đất đai nông nghiệp bị ô nhiễm xâm nhập… Dựa vào kết quả khảo sát thực tế tại xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, bài viết phân tích thái độ và hành vi ứng xử của người dân nông thôn hiện nay về BVMT. Các phân tích dựa trên những bằng chứng khảo sát được tìm hiểu từ góc độ tương quan đa biến như: giới tính, độ tuổi, học vấn, loại hình nghề nghiệp hộ gia đình và mức sống hộ gia đình. Từ những phân tích xã hội học, có thể thấy thái độ của người dân nông thôn về BVMT khá tốt, thể hiện ở mức độ quan tâm, lo lắng đối với với các hiện tượng ô nhiễm môi trường và các hành vi tham gia BVMT. Trình độ học vấn của người dân có mối tương quan tỷ lệ thuận với thái độ và hành vi BVMT. Mức sống hộ gia đình cho thấy sự khác biệt đáng kể về mối quan tâm đến ô nhiễm môi trường và hành vi BVMT ở nông thôn.