Liên kết web
Số lượt truy cập

18

1963160

Chi tiết tạp chíSố 3 - 2022

Khác biệt giới trong ứng phó của nông dân với thiên tai

Tác giả: Đặng Thanh Nhàn

Trang: 118-131

Bài viết sử dụng nguồn số liệu nghiên cứu định lượng và định tính của đề tài “Ứng phó của phụ nữ miền Trung với biến đổi khí hậu” với 368 bảng hỏi hộ gia đình và 25 phỏng vấn sâu được thực hiện tại tỉnh Ninh Thuận vào năm 2017-2018. Qua phương pháp phân tích tài liệu, tần suất, tương quan hai biến số và hồi quy logistic, kết quả nghiên cứu cho thấy tác động của thiên tai là khác nhau tới mọi người trong cộng đồng, thậm chí ảnh hưởng khác nhau đối với từng thành viên trong cùng một hộ gia đình. Có sự khác biệt giới trong mức độ chịu ảnh hưởng của thiên tai cũng như cách thức ứng phó với thiên tai của nông dân. Phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác ứng phó với thiên tai song do sự phân bố không đều về quyền, nguồn lực và các quy tắc tiêu chuẩn văn hóa... đã hạn chế đến khả năng của họ so với nam giới trong việc hành động ứng phó với thiên tai, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.

Định hướng của phụ nữ Hà Nội về các giá trị gia đình hiện nay

Tác giả: Trần Thị Hồng, Phạm Thị Thanh Hương

Trang: 104-117

Tìm hiểu định hướng của phụ nữ Hà Nội về các giá trị gia đình hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong việc nhận diện các giá trị đang được phụ nữ vun đắp trong gia đình Hà Nội. Phân tích số liệu khảo sát 621 phụ nữ ở 8 xã/ phường tại Hà Nội trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp thành phố “Vai trò của phụ nữ và Hội Liên hiệp phụ nữ trong giữ gìn giá trị gia đình truyền thống và xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới” do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội thực hiện năm 2021-2022, bài viết chỉ ra rằng trong đời sống kinh tế, vật chất của gia đình, phụ nữ Hà Nội đang hướng tới các giá trị thiên về chất lượng cuộc sống như “ăn ngon, mặc đẹp”, “có điều kiện tham gia các hoạt động du lịch, giải trí”. Trong quan hệ gia đình, phụ nữ Thủ đô nhận thức khá rõ nét về những giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp cần giữ gìn như chung thủy vợ chồng, hòa hợp giữa các thành viên gia đình… đồng thời những giá trị tiến bộ, văn minh như thành viên gia đình bình đẳng trong bày tỏ ý kiến, quan điểm, vợ chồng cùng chia sẻ công việc gia đình… cũng đang được phụ nữ Thủ đô định hướng cho gia đình của mình.

S7ự hài lòng với hôn nhân trong đời sống vợ chồng ở Việt Nam

Tác giả: Trần Thị Thanh Loan

Trang: 94-103

Vận dụng phương pháp phân tích nhân tố, hai biến và hồi quy đa biến Logistics, bài viết mô tả thực trạng và kiểm chứng tác động của các yếu tố đến sự hài lòng hôn nhân. Bài viết dựa trên số liệu khảo sát “Nhận thức và thái độ về gia đình” thuộc Khảo sát so sánh gia đình Châu Á của Đại học Kyoto do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện tại Hà Nội và Cần Thơ. Kết quả cho thấy đại đa số người dân đều hài lòng với hôn nhân. Ở những gia đình, hai vợ chồng có sự chia sẻ các mối quan tâm chung, thường xuyên trao đổi liên lạc và quan tâm đến nhau trong những dịp đặc biệt có khả năng hài lòng với hôn nhân nhiều hơn. Các chỉ báo thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng nhau và đời sống tình dục hòa hợp có tác động không đáng kể đến sự hài lòng hôn nhân. So sánh hai địa bàn nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt nhất định về khuôn mẫu tác động đến sự hài lòng hôn nhân trong đời sống vợ chồng.

Khái niệm sức khỏe tâm thần và một số lưu ý trong nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của học sinh trung học phổ thông

Tác giả: Đặng Bích Thủy

Trang: 84-93

“Sức khỏe tâm thần” là một khái niệm rất phức tạp bởi tính chất đa dạng của các chiều cạnh liên quan đến sức khỏe tâm thần. Việc vận dụng khái niệm này trong các nghiên cứu về sức khỏe tâm thần cũng xuất hiện những sự khác biệt trong cách hiểu, đặc biệt là khi tiếp cận từ các góc độ khác nhau như y học, tâm lý học, xã hội học. Bên cạnh việc chia sẻ những quan điểm và cách hiểu đối với khái niệm sức khỏe tâm thần và các khái niệm liên quan, tác giả nhấn mạnh một số vấn đề cần lưu ý khi thao tác hóa những khái niệm này trong nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của học sinh trung học phổ thông, nhằm tránh đưa ra bức tranh sai lệch, nhầm lẫn giữa các vấn đề về rối loạn sức khỏe tâm thần và những biểu hiện tâm sinh lý bình thường trong giai đoạn vị thành niên của nhóm học sinh thuộc độ tuổi này.

Những thay đổi trong cơ cấu việc làm tại Nghệ An trong giai đoạn 2009-2019

Tác giả: Nguyễn Hà Đông, Trịnh Thái Quang

Trang: 73-83

Cơ cấu dân số và mối liên hệ với những cơ hội phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Nghệ An

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 60-72

Trên cơ sở phân tích kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, 2019 và những số liệu thống kê cấp huyện, bài viết phân tích cơ cấu dân số và mối liên hệ với những cơ hội phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An. Nhìn chung, dân số Nghệ An đã và đang có những thay đổi lớn cả về số lượng, chất lượng cũng như cơ cấu, và dần chuyển sang những đặc trưng của dân số sau thời kỳ quá độ. Những khác biệt trong cơ cấu dân số về giới tính, dân tộc, huyện, khu vực của dân số có thể thúc đẩy hoặc hạn chế sự phát triển kinh tế-xã hội của Nghệ An. Vì vậy, các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An cần phải được xây dựng và triển khai linh hoạt, thích ứng với đặc điểm đa dạng, biến động của cơ cấu dân số.

Thụ hưởng các trợ giúp xã hội về dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi vùng núi phía Bắc

Tác giả: Lê Ngọc Lân

Trang: 46-59

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi, trong đó có nội dung chăm sóc sức khỏe. Người cao tuổi thuộc nhóm nhận trợ cấp xã hội, người cao tuổi dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở những vùng khó khăn còn được hỗ trợ bởi những chính sách đặc thù khác - các chính sách trợ giúp xã hội. Từ những chính sách trợ giúp xã hội, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, trên cơ sở kết quả khảo sát 319 người cao tuổi tại 2 xã, phường của tỉnh Lào Cai, bài viết phân tích, đánh giá một số kết quả thụ hưởng các chính sách, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ hệ thống y tế và những trợ giúp từ cộng đồng được triển khai tại khu vực miền núi, dân tộc thiểu số. Từ đó đặt ra những vấn đề cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ, nhằm thực hiện tốt hơn các chính sách trợ giúp xã hội trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở những vùng khó khăn.

Mối quan hệ giữa các yếu tố nhân khẩu học với hôn nhân và gia đình

Tác giả: Phạm Gia Cường

Trang: 34-45

Hiện đại hóa và toàn cầu hóa đã làm biến đổi bối cảnh kinh tế, nhân khẩu học, văn hóa và sự gắn kết, các giá trị, khuôn mẫu và cấu trúc trong đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình và hôn nhân đang trải qua những thay đổi đáng kể, do các xu hướng nhân khẩu học trong những năm gần đây. Việc phân tích các chỉ số và xu hướng nhân khẩu học là tiền đề cho việc nghiên cứu hôn nhân, gia đình. Bài viết tập trung phân tích các chỉ số nhân khẩu học có liên quan đến gia đình như tỷ lệ sinh, cơ cấu dân số, quy mô hộ gia đình và tỷ lệ kết hôn, ly hôn. Tỷ lệ sinh đã ổn định, xu hướng sinh 2 con là phổ biến. Cơ cấu dân số đã bước vào thời kỳ già hóa dân số. Tỷ lệ kết hôn trong dân số từ 15 tuổi trở lên, chiếm tỷ lệ cao. Tỷ lệ ly hôn có xu hướng tăng. Quy mô gia đình giảm, bình quân phổ biến từ 2-4 người/hộ.

Xây dựng chỉ số tổng hợp về kết quả bình đẳng giới ở Việt Nam: Một đề xuất bước đầu Nguyễn Hữu Minh

Tác giả: Nguyễn Hữu Minh

Trang: 20-33

Trên cơ sở cách tiếp cận bình đẳng xã hội của Baker và cộng sự (2004) và tiếp cận năng lực của Sen (1980, 1993), Robeyns (2003), quan điểm của Liên hợp quốc và của Việt Nam về bình đẳng giới, bài viết đề xuất chỉ số tổng hợp về kết quả bình đẳng giới với 3 chỉ số thành phần, 15 chỉ số đơn. Dựa vào nguồn số liệu hiện có của Tổng cục Thống kê, các cuộc khảo sát lớn cũng như khảo sát bổ sung ở hai tỉnh Thái Nguyên, Sóc Trăng thực hiện năm 2022, chỉ số tổng hợp về kết quả bình đẳng giới ở Việt Nam đã được tính toán. Kết quả cho thấy Chỉ số tổng hợp về bình đẳng giới của Việt Nam vào thời kỳ 2019-2020 chỉ đạt được mức 0,58/1, tức là mức độ trung bình. Kết quả này cho thấy Việt Nam sẽ còn phải phấn đấu nhiều nhằm đạt được mục tiêu bình đẳng giới.

Biến đổi xu hướng kết hôn với người nước ngoài ở Việt Nam và khu vực Đông Á giai đoạn 2001-2021

Tác giả: Trần Thị Minh Thi

Trang: 3-19

Bài viết phân tích xu hướng biến đổi hôn nhân quốc tế ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Nam Á (Việt Nam) và Đông Á (Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, và Nhật Bản). Những xã hội này có những đặc điểm văn hóa, xã hội tương đồng, như đều chịu ảnh hưởng của Nho giáo, đều coi trọng gia đình, trong khi đang ở những giai đoạn khác nhau của hiện đại hóa và phát triển kinh tế. Bài viết phân tích xu hướng kết hôn với người nước ngoài qua việc tính toán số lượng và tỷ lệ hôn nhân quốc tế trên cơ sở thống kê quốc gia của Bộ Tư pháp Việt Nam, Bộ Nội vụ Đài Loan, Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Tổng cục Thống kê Nhật Bản, và Tổng cục Thống kê Trung Quốc từ 2001-2021. Bài viết cho thấy xu hướng biến đổi của kết hôn với người nước ngoài theo những thay đổi của chính sách nhập cư và gia đình quốc tế, bất bình đẳng giới, và thị trường hôn nhân của những quốc gia gửi và nhận cô dâu. Bài viết cũng cho thấy sự sụt giảm đột ngột và rất mạnh của hôn nhân quốc tế trong hai năm gần đây, 2020-2021 dưới tác động của dịch bệnh.