Liên kết web
Số lượt truy cập

311

2029943

Chi tiết tạp chíSố 3 - 2021

Pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới trên cơ sở pháp luật quốc tế về quyền con người

Tác giả: Vũ Ngọc Bình

Trang: 127-135

Tóm tắt: Bài viết tổng quan những vấn đề liên quan cần được xem xét trong quá trình thực hiện cam kết quốc tế về bình đẳng giới và hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam trên cơ sở tinh thần và nội dung Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), cũng như phương hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới trong giai đoạn tới. Trên cơ sở đó, đưa ra những khuyến nghị hướng tới việc hoàn thiện và áp dụng pháp luật về bình đẳng giới và quyền con người trong bối cảnh thực tiễn về văn hóa, kinh tế và xã hội của Việt Nam.

Những khó khăn, rào cản đối với phụ nữ làm quản lý (Nghiên cứu trường hợp nữ lãnh đạo, quản lý Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Tác giả: Nguyễn Thị Vân Hạnh

Trang: 117-126

Tóm tắt: Sự vắng mặt và thiệt thòi của phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo, quản lý là một vấn đề không mới nhưng vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu vì tầm quan trọng và khả năng lớn của những tác động mà nó có thể đem lại. Thông qua một cuộc khảo sát và một số phỏng vấn sâu đối với khách thể là những nữ cán bộ quản lý tại một trường đại học công lập, bài viết này hướng tới việc góp phần cung cấp thêm các tư liệu để tìm hiểu và phân tích một số rào cản, khó khăn đối với các nữ lãnh đạo, quản lý làm việc trong môi trường học thuật. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra một số trở ngại về thể chế, chính sách, định kiến xã hội, gánh nặng gia đình và rào cản tâm lý bản thân của các nữ lãnh đạo, quản lý. Từ đó, tác giả đưa ra một số gợi ý cho việc khắc phục những tồn tại và làm giảm những khó khăn đối với các nữ lãnh đạo, quản lý, đóng góp cho việc xây dựng bình đẳng giới nói chung và trong lĩnh vực quản lý nói riêng.

Ảnh hưởng giá trị tôn giáo tới việc hình thành giá trị văn hóa trong gia đình Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Quế Hương, Nguyễn Thị Hòa, Đỗ Thị Thu Hường

Trang: 103-116

Tóm tắt: Trong gia đình Việt Nam từ xa xưa đến ngày nay vẫn luôn có những giá trị cơ bản mang mẫu số chung như kính trên dường dưới, con cháu hiếu thuận, vợ chồng chung thủy, anh em hòa thuận, v.v. Các giá trị đó của gia đình Việt Nam được làm sâu sắc thêm trong quá trình hội nhập với những giá trị tôn giáo khác nhau từ nền tảng văn hóa phương Đông (Nho giáo, Phật giáo) và văn hóa phương Tây (Công giáo). Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã phần nào tác động đến các hệ giá trị gia đình làm cho các hệ giá trị không còn như trước khiến con người mất niềm tin vào cuộc sống. Nhằm tìm hiểu những ảnh hưởng của giá trị tôn giáo tới việc định hình các giá trị văn hóa cơ bản của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, bài viết giới thiệu một số giá trị tôn giáo, giá trị văn hóa gia đình, từ đó phân tích những tác dụng của giá trị tôn giáo trong đời sống gia đình Việt Nam hiện nay.

Mối quan hệ giữa khuôn mẫu sử dụng thời gian với sự hài lòng của người cao tuổi về cuộc sống từ những nghiên cứu của nước ngoài

Tác giả: Phan Thuận

Trang: 91-102

Tóm tắt: Bằng phương pháp tổng quan tài liệu, bài viết tập trung làm rõ mối quan hệ giữa khuôn mẫu sử dụng thời gian với sự hài lòng cuộc sống của người cao tuổi ở một số nước trên thế giới. Khuôn mẫu sử dụng thời gian là thời gian của cá nhân dành cho các hoạt động tái sản xuất, sản xuất và thư giãn mỗi ngày. Người cao tuổi ở một số nước trên thế giới dành càng nhiều thời gian cho hoạt động tạo thu nhập và hoạt động chăm sóc cá nhân thì sự hài lòng với cuộc sống càng thấp; ngược lại, khi họ dành nhiều thời gian cho hoạt động nhàn rỗi, đặc biệt là hoạt động nhàn rỗi tích cực thì càng có sự hài lòng với cuộc sống. Từ những bằng chứng nghiên cứu này, bài viết gợi mở một số hàm ý chính sách đối với công tác chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam trong bối cảnh già hóa dân số đang ngày càng gia tăng.

Hệ giá trị xã hội của thế hệ Z và người cao tuổi thế hệ X qua một điều tra xã hội học tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tác giả: Nguyễn Hữu Hoàng

Trang: 78-90

Tóm tắt: Dựa trên một khảo sát xã hội học trực tuyến với 82 khách thể, bài viết tìm hiểu và phân tích hệ giá trị xã hội cơ bản của những người trẻ (ở đây gọi là thế hệ Z) ở Thành phố Hồ Chí Minh trên một số chiều cạnh chủ yếu là hệ giá trị về cuộc sống, hệ giá trị về quan hệ xã hội, hệ giá trị về lí tưởng, niềm tin và tình cảm trong mối tương quan so sánh với hệ giá trị xã hội đó ở người cao tuổi thế hệ X. Kết quả cho thấy, cùng với sự biến đổi không gian và điều kiện sống ngày càng hiện đại, hội nhập quốc tế và độ “mở” ngày càng cao, thang bậc giá trị cũng như hệ giá trị xã hội theo nhìn nhận, suy nghĩ và đánh giá của thế hệ Z đang biến đổi đa chiều, phức tạp. Điều này khiến giới nghiên cứu, các nhà quản lý, nhà giáo dục của Việt Nam cần có những quan tâm thích đáng và những chính sách kịp thời, hiệu quả trong thời gian tới.

Thực hiện vai trò giới trong hoạt động chăm sóc, hỗ trợ phát triển cho con độ tuổi mẫu giáo ở Việt Nam

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 55-65

Tóm tắt: Nghiên cứu sử dụng số liệu Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) Việt Nam năm 2014 để tìm hiểu việc thực hiện vai trò của bố mẹ trong chăm sóc, hỗ trợ phát triển cho con ở tuổi mẫu giáo. Kết quả phân tích cho thấy, người vợ có tỷ lệ cao hơn người chồng trong các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ phát triển cho con. Bố mẹ là người Kinh, có học vấn cao hơn; gia đình có mức sống cao hơn và ít người hơn, ở khu vực thành thị và đồng bằng sông Hồng thì con được chăm sóc, hỗ trợ phát triển nhiều hơn. Có thể thấy, học vấn, địa vị kinh tế - xã hội cũng như điều kiện sống có ảnh hưởng đến việc thực hiện vai trò của bố mẹ trong hoạt động chăm sóc, hỗ trợ phát triển cho trẻ em.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của người vợ trong quyết định làm kinh tế ở gia đình dân tộc Chăm (Ninh Thuận) hiện nay

Tác giả: Trần Thị Thanh Loan

Trang: 28-40

Tóm tắt: Vận dụng các cách tiếp cận hiện đại hóa, phân bổ nguồn lực tương đối, văn hóa và phương pháp phân tích đa biến, bài viết kiểm chứng ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế-xã hội, văn hóa đến sự tham gia của người vợ trong việc quyết định làm kinh tế trong gia đình dựa trên số liệu khảo sát của Đề tài “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta” năm 2017-2020 thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia về “Những vấn đề cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” và kết quả khảo sát của Đề tài cấp Cơ sở năm 2020 “Quyền quyết định của phụ nữ và nam giới trong gia đình người dân tộc Chăm ở Ninh Thuận” của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Kết quả cho thấy, đa số người vợ đã tham gia vào các việc quyết định làm kinh tế trong gia đình. Tuy nhiên, khả năng tham gia quyết định làm kinh tế nhiều hơn ở nhóm người vợ có chồng ở độ tuổi 31-40 và ở nhóm có chồng đã từng tham gia các buổi họp/tập huấn/tuyên truyền liên quan đến nội dung bình đẳng giới; Khả năng tham gia quyết định của người vợ giảm khi thu nhập của người vợ thấp hơn chồng và vợ/chồng có quan điểm người chồng nên là người quyết định việc sản xuất/kinh doanh của gia đình.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và những vấn đề cần quan tâm giai đoạn tới

Tác giả: Trần Thị Hương

Trang: 14-27

Tóm tắt: Là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, trong các nhiệm kỳ qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam luôn xác định công tác “Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Hội. Các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án của Hội đều hướng tới hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2017-2022, các cấp Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình, trọng tâm là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được triển khai đồng bộ, toàn diện, có kết quả thiết thực. Bài viết nêu lên những kết quả nổi bật của các cấp Hội LHPN Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh nhiệm kỳ 2017-2022. Đồng thời, bài viết cũng đưa ra những vấn đề cần quan tâm của Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2022-2027 như: Xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới; Vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình, cộng đồng và xã hội; Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình…

Phân bố giữa vợ và chồng về quyền quyết định các công việc trong gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh

Tác giả: Nguyễn Hữu Minh

Trang: 3-13

Tóm tắt: Xác định giữa vợ và chồng, ai là người quyết định các công việc gia đình là chỉ báo quan trọng đo lường mức độ bình đẳng giới trong gia đình. Dựa trên phân tích số liệu khảo sát từ 1128 đại diện hộ gia đình có con tuổi 10-17 ở 6 quận/huyện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết cung cấp bức tranh sơ bộ về thực trạng vấn đề quyền ra quyết định trong các gia đình. Các phân tích hai biến và đa biến đã được áp dụng. Kết quả cho thấy sự bảo lưu truyền thống còn thể hiện khá rõ ở một số hoạt động vốn được coi là do người chồng hay người vợ quyết định như: chi tiêu hàng ngày; tổ chức giỗ, Tết; chăm sóc trẻ nhỏ (phụ nữ quyết định) và xây sửa nhà; mua đồ đạc đắt tiền; định hướng việc làm cho con; quan hệ bên ngoài gia đình (nam giới quyết định). Tuy nhiên, nhìn chung bức tranh về bình đẳng giới trong việc ai là người có quyền ra quyết định trong gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh có gam màu sáng hơn so với tình trạng của cả nước. Yếu tố học vấn và thu nhập có vai trò quan trọng đối với việc xác định ai là người ra quyết định cuối cùng trong gia đình, những người vợ có học vấn từ trung cấp trở lên là người có nhiều khả năng được quyết định cuối cùng hơn so với người vợ có học vấn thấp hơn; thu nhập ngang hoặc hơn người chồng giúp người vợ nhiều khả năng có quyền ra quyết định cuối cùng hơn. Vì vậy, nâng cao học vấn và thu nhập cho phụ nữ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong đời sống gia đình.