Liên kết web
Số lượt truy cập

44

2034928

Chi tiết tạp chíSố 3 - 2020

Hội thảo khoa học “Báo cáo kết quả sơ bộ nghiên cứu khoa học năm 2020” của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới

Tác giả: Thanh Mai

Trang: 137-138

Trong ba ngày 3, 4 và ngày 7 tháng 9 năm 2020, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức Hội thảo khoa học “Báo cáo kết quả sơ bộ nghiên cứu khoa học năm 2020”. Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ các kết quả nghiên cứu giữa kỳ, trao đổi học thuật nhằm hoàn thiện về mặt lí luận, phương pháp và nội dung nghiên cứu để nâng cao chất lượng của các báo cáo tổng hợp đề tài cấp Bộ và đề tài cấp Cơ sở. Hội thảo gồm làm 5 phiên họp với 9 báo cáo thuộc Đề tài cấp Cơ sở năm 2020 và 4 báo cáo thuộc Đề tài cấp Bộ năm 2019-2020. Các kết quả nghiên cứu thuộc hệ đề tài cấp Cơ sở năm 2020 được trình bày gồm các báo cáo sau: 1) “Sử dụng thời gian của học sinh trung học phổ thông ở đô thị” (Nghiên cứu trường hợp Hà Nội) của ThS. Trần Quý Long tập trung trình bày đặc điểm về sử dụng thời gian của học sinh trung học phổ thông (THPT) ở các hoạt động như làm việc nhà, học tập, vui chơi giải trí, online và phân tích những yếu tố ảnh hưởng; 2) “Sự kì thị học đường trong học sinh trung học hiện nay” (Nghiên cứu trường hợp Hà Nội) của ThS. Vũ Thị Cúc trình bày về sự kỳ thị học đường trong học sinh THPT hiện nay trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng bị kỳ thị trong học sinh, hướng tới xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh; 3) “Tác động của mạng xã hội đến việc học tập của học sinh THPT ở Hà Nội” của Phan Thị Thanh Mai trình bày những tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đối với việc học tập ở trường của học sinh THPT ở Hà Nội và đưa ra những giải pháp để giúp học sinh sử dụng mạng xã hội hợp lý và hiệu quả hơn; 4) “Mâu thuẫn giữa con cái đang học THPT và cha mẹ” của ThS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh trình bày về mức độ nghiêm trọng của mâu thuẫn giữa con cái và cha mẹ, phản ứng của con cái khi mâu thuẫn với cha mẹ và cách giải quyết; 5) “Vai trò người cha trong gia đình nông thôn Việt Nam hiện nay” của ThS. Lê Thị Hồng Hải đã trình bày một số kết quả ban đầu về vai trò người cha trong chăm sóc đời sống vật chất, chăm sóc sức khỏe, trong giáo dục và định hướng nghề nghiệp; 6) “Quan niệm của sinh viên về quyền của người đồng tính hiện nay” của ThS. Nguyễn Đức Tuyến trình bày về quan niệm của sinh viên về các quyền của người đồng tính như: quyền được công nhận trước pháp luật; quyền được bình đẳng, không phân biệt đối xử; quyền được an toàn cá nhân và riêng tư; quyền được kết hôn, lập gia đình, sinh con; 7) “Khả năng tham gia thị trường lao động của người cao tuổi đô thị sau nghỉ hưu” (Nghiên cứu trường hợp tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) của ThS. Phan Huyền Dân, tập trung trình bày về khả năng tham gia thị trường lao động của người cao tuổi (NCT) ở khu vực đô thị sau nghỉ hưu, từ góc độ NCT tự đánh giá về các nguồn vốn của bản thân và lý giải sự khác biệt về loại hình lao động mà NCT đô thị sau nghỉ hưu tham gia; 8) “Gắn kết xã hội và sự hài lòng với cuộc sống của người cao tuổi hiện nay (Nghiên cứu tại Hà Nội) của ThS. Nguyễn Hà Đông trình bày về mức độ tham gia vào các hoạt động xã hội, mức độ hài lòng với cuộc sống và mối quan hệ giữa sự gắn kết xã hội với sự hài lòng với cuộc sống của người cao tuổi hiện nay. 9) “Quyền quyết định của phụ nữ và nam giới trong gia đình dân tộc Chăm ở Ninh Thuận” của ThS. Trần Thị Thanh Loan trình bày thực trạng sự tham gia của người vợ trong việc quyết định làm ăn kinh tế ở gia đình dân tộc Chăm và các yếu tố tác động. Các kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp Bộ 2019-2020 được trình bày vào phiên họp thứ 4 và 5 với 4 báo cáo: 1) “Vai trò người cao tuổi trong xã hội Việt Nam đang già hóa” của PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, tập trung phân tích vai trò của NCT trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục và xã hội hóa và chính trị; 2) “Chất lượng tham gia của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị cấp cơ sở” của TS. Trần Thị Hồng trình bày về chất lượng tham gia của cán bộ nữ vào hệ thống chính trị cấp cơ sở nhằm đề xuất các giải pháp tăng cường sự tham gia và phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị cấp cơ sở; 3) “Mối quan hệ của người đã xây dựng gia đình riêng với anh chị em ruột ở Việt Nam hiện nay” (Nghiên cứu trường hợp Ninh Bình) của GS.TS. Nguyễn Hữu Minh phân tích sự về hỗ trợ giữa anh chị em ruột trong sản xuất kinh doanh và hỗ trợ trong việc làm và thăng tiến nghề nghiệp; 4) “Lựa chọn hôn nhân và các hình thức chung sống của công nhân khu công nghiệp” (Nghiên cứu trường hợp tỉnh Bình Dương) của PGS.TS. Đặng Thị Hoa và TS. Bùi Thị Hương Trầm, tập trung phân tích quan niệm về mục tiêu hôn nhân, cơ hội kết hôn, tình huống gặp gỡ người bạn đời và tiêu chí lựa chọn người bạn đời, các hình thức chung sống và một số vấn đề đặt ra đối với đối tượng công nhân ở khu công nghiệp Bình Dương. Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tích cực thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp cho các báo cáo trình bày. Đánh giá chung về tiến độ và kết quả của các đề tài, PGS. TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng, về cơ bản, các đề tài đã đảm bảo tốt việc triển khai nội dung nghiên cứu và tiến độ thực hiện. Những nhận xét của đồng nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng các đề tài và trên cơ sở các ý kiến đóng góp ý đề nghị các chủ nhiệm đề tài tiếp tục hoàn thiện báo cáo, và đồng thời nhấn mạnh Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu khoa học của Viện chia sẻ kinh nghiệm và có thêm cơ hội trau dồi kiến thức về lĩnh vực nghiên cứu gia đình và giới, phụ nữ.

Quan niệm về nghề nghiệp, việc làm và hạnh phúc gia đình của thanh niên Việt Nam hiện nay

Tác giả: Nguyễn Tuấn Anh

Trang: 124-136

Tóm tắt: Dựa trên dữ liệu từ ba cuộc nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn 2017-2018 với sự tham gia của 3.600 thanh niên tại 14 tỉnh, thành trên cả nước, bài viết phân tích quan niệm của thanh niên hiện nay về nghề nghiệp, việc làm và về hạnh phúc gia đình qua đó góp phần xây dựng định hướng, hỗ trợ sự phát triển nghề nghiệp và đảm bảo hạnh phúc gia đình của thanh niên trong tương lai. Kết quả nghiên cứu cho thấy thu nhập cao là tiêu chí quan trọng nhất mà thanh niên quan tâm khi lựa chọn công việc. Có trách nhiệm, tôn trọng pháp luật và say mê, tâm huyết là những giá trị nghề nghiệp có ý nghĩa lớn với thanh niên. Cũng theo thanh niên, một gia đình hạnh phúc phải dựa trên nền tảng của sự yêu thương và quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên, cùng với đó là sức khỏe và sự dân chủ bình đẳng trong gia đình. Quan niệm về việc nhất thiết phải sinh con trai của thanh niên cũng có nhiều thay đổi tích cực. Thanh niên cũng kỳ vọng một sự bình đẳng về vai trò người chồng cũng như người vợ trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

Nhu cầu về công tác xã hội của trẻ vị thành niên điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Tác giả: Đoàn Phương Thúy, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Trung Hải

Trang: 110-123

Tóm tắt: Trẻ vị thành niên (VTN) điều trị nội trú có nhu cầu cao tiếp cận hoạt động công tác xã hội (CTXH) để được hỗ trợ thủ tục hành chính, được tư vấn khám/chữa bệnh, được kết nối khám/chữa bệnh với y, bác sỹ và để được hỗ trợ dinh dưỡng, trao quà. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu phản ánh các hoạt động CTXH tại Bệnh viện Nhi Trung ương có độ tập trung thấp vào hỗ trợ trẻ về thủ tục hành chính, về tư vấn khám/chữa bệnh, về kết nối khám/chữa bệnh với y, bác sỹ, song tập trung cao vào hỗ trợ dinh dưỡng, trao quà. Kết quả đánh giá từ phía y, bác sỹ cũng cho thấy hoạt động CTXH gần như chưa có tác động tích cực đến việc khám/chữa bệnh. Các phát hiện của nghiên cứu cho thấy nhu cầu mở rộng hoạt động CTXH tại bệnh viện là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Nhu cầu này đồng thời có ở trẻ VTN điều trị nội trú, người chăm sóc trẻ, nhân viên y tế, nhân viên CTXH và lãnh đạo bệnh viện.

Dịch vụ công tác xã hội đối với phụ nữ nghèo trên thế giới và tại Việt Nam qua các nghiên cứu

Tác giả: Phạm Thị Hà Thương

Trang: 100-109

Tóm tắt: Quan niệm về nghèo không còn đơn thuần là nghèo về thu nhập mà nó bao hàm nghèo nhìn từ các khía cạnh khác trong cuộc sống con người qua các dịch vụ xã hội cơ bản như: sức khoẻ, kiến thức, điều kiện sống. Như vậy, với cách tiếp cận nghèo đa chiều sẽ khắc phục được những nhược điểm trong phương pháp tiếp cận nghèo đơn chiều, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thực tế mà người nghèo cần được trợ giúp. Mức độ nghèo theo từng khía cạnh là khác nhau giữa các địa phương, tuỳ thuộc vào chính sách kinh tế xã hội cũng như thứ tự ưu tiên của mỗi địa phương. Trong thực tiễn, phụ nữ nghèo thường bị hạn chế về tiếp cận với giáo dục, các dịch vụ y tế cũng như các loại hình sinh kế giúp cho phụ nữ thoát nghèo. Các nghiên cứu đã đề cập đến những dịch vụ công tác xã hội (DVCTXH) đối với phụ nữ nghèo như: cải thiện việc tiếp cận giáo dục, các chương trình tín dụng cho phụ nữ nghèo vay vốn khởi nghiệp và tạo việc làm cho phụ nữ. Đồng thời, nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả các DVCTXH đối với phụ nữ nghèo, nhân viên công tác xã hội cần đẩy mạnh việc thực hiện nguyên tắc tham gia, tự chủ, tính bền vững, và trao quyền trong việc thiết kế các chiến lược giảm nghèo và thúc đẩy hội nhập xã hội.

Sự tiếp nối giá trị văn hóa trong mối quan hệ anh chị em ruột - Từ một góc nhìn định tính

Tác giả: Lê Ngọc Lân

Trang: 89-99

Tóm tắt: Bài viết về mối quan hệ anh chị em ruột dưới đây dựa trên việc phân tích các cứ liệu được rút ra từ các khảo cứu về phong tục và văn hóa gia đình, ca dao tục ngữ và một phần thông tin thu được từ một cuộc nghiên cứu về chủ đề này tại Ninh Bình đầu năm 2020. Tác giả cho rằng cùng với sự thay đổi của bối cảnh xã hội, các hình thức thể hiện sự yêu thương, gắn bó trong mối quan hệ anh chị em ruột cũng thay đổi theo. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, mối quan hệ này cũng có những đặc điểm riêng, hình thức biểu hiện có nhiều khác biệt. Và để phát huy được giá trị văn hóa gia đình, tình cảm anh chị em gắn bó, thì việc giáo dục gia đình nắm giữ vai trò nền tảng; sự gương mẫu trong ứng xử của thế hệ đi trước sẽ là bệ đỡ; và nhận thức về trách nhiệm và vai trò của mỗi người trong gia đình, trong gia đình mở rộng sẽ là yếu tố quyết định.

Thực hiện nghĩa vụ của con đối với cha mẹ

Tác giả: Phan Thị Luyện

Trang: 78-88

Tóm tắt: Dựa trên số liệu khảo sát năm 2020 với mẫu khảo sát định lượng là 500 người và mẫu khảo sát định tính là 50 người từ 18 tuổi trở lên trên địa bản phường Láng Hạ và Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, bài viết tìm hiểu về nghĩa vụ và vai trò của con cái trong chăm sóc và trợ giúp cha mẹ già. Kết quả nghiên cứu cho thấy nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ vẫn giữ được những nét truyền thống, con cái tôn trọng và hết lòng với cha mẹ. Tuy nhiên, nếu như trước đây phần lớn người già sống phụ thuộc vào con thì ngày nay họ đã có kế hoạch cho tuổi già do họ có thu nhập từ các nguồn khác nhau như tiền lương và tiền tiết kiệm. Các mô hình chăm sóc sức khỏe cho người già tại viện dưỡng lão chưa thu hút được sự quan tâm thích đáng của người dân.

Nhu cầu lao động ở tuổi già của người cao tuổi Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp Thành phố Đà Nẵng

Tác giả: Trịnh Thái Quang

Trang: 62-77

Tóm tắt: Tận dụng nguồn lực lao động người cao tuổi là một trong những biện pháp hữu ích nhằm thích ứng với bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam. Hiện nay, người cao tuổi tham gia thị trường lao động tương đối cao nhưng họ cũng phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn. Sử dụng số liệu từ khảo sát 400 người cao tuổi trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng trong khuôn khổ Dự án hợp tác giữa Văn phòng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), bài viết này hướng tới xem xét nhu cầu việc làm của người cao tuổi và các khác biệt giữa các nhóm người cao tuổi. Kết quả cho thấy người cao tuổi có nhu cầu lao động, tuy nhiên thu nhập không phải là yếu tố quan trọng nhất. Thay vào đó, sức khỏe, môi trường làm việc, thời gian và địa điểm làm việc là những yếu tố mà người cao tuổi quan tâm. Yếu tố thị trường như công việc sẵn có, người tuyển dụng cũng là những rào cản đáng kể đối với nhu cầu việc làm của họ. Có những khác biệt nhất định giữa nông thôn-đô thị, và nam giới-nữ giới về nhu cầu việc làm, về những khó khăn, thuận lợi và thách thức đối với họ trong quá trình tìm kiếm việc làm. Kết quả này gợi ý rằng cần phải có các hoạt động tuyên truyền về quyền lao động của người cao tuổi; các điều chỉnh chính sách theo hướng tiếp cận bình đẳng giới và lưu ý đến khác biệt vùng liên quan đến việc làm của người cao tuổi.

Vị thế và vai trò của cán bộ lãnh đạo nữ trong hệ thống chính trị cơ sở ở Việt Nam

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 48-61

Tóm tắt: Dựa trên nguồn dữ liệu định lượng và định tính của đề tài khoa học cấp bộ “Chất lượng tham gia của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị cấp cơ sở” khảo sát tại 12 xã/phường/thị trấn ở Nam Định và Hòa Bình năm 2019, bài viết đã cung cấp bằng chứng cho thấy cán bộ lãnh đạo nữ đang thực hiện tốt vai trò của mình trong hệ thống chính trị cấp cơ sở trong tương quan với vai trò của nam giới. Sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị tăng khả năng các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt các vấn đề của phụ nữ và trẻ em gái, được quan tâm giải quyết hơn. Cán bộ lãnh đạo nữ cấp cơ sở cũng đã thể hiện sự nhiệt tình, năng nổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao thông qua các hoạt động bám sát tình hình thực tế ở cơ sở, thậm chí trực tiếp tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp ở cơ sở. Đây là những bằng chứng quan trọng để đề xuất các khuyến nghị chính sách tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong hệ thống chính trị, nhất là trong bối cảnh họ đang gặp phải khá nhiều trở ngại trong quá trình thực thi vai trò, trong đó có sự tồn tại của định kiến giới.

Sử dụng thời gian của học sinh trung học phổ thông ở khu vực Hà Nội và các yếu tố ảnh hưởng

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 37-47

Tóm tắt: Nghiên cứu phân tích số liệu khảo sát học sinh ở một trường trung học phổ thông Hà Nội. Kết quả phân tích cho thấy có sự phù hợp với lý thuyết phân bổ thời gian, cá nhân thực hiện hoạt động này ít hơn hoạt động kia là do sự phân bổ thời gian của mình. Các đặc trưng cá nhân và gia đình có mối quan hệ với việc sử dụng thời gian của học sinh trung học phổ thông. Mặc dù cùng điều kiện kinh tế - xã hội nhưng học sinh nữ vẫn phải sử dụng thời gian làm việc nhà nhiều hơn và vui chơi giải trí ít hơn học sinh nam. Có một khía cạnh tích cực là học sinh nữ sử dụng thời gian tự học ở nhà nhiều hơn học sinh nam. Học sinh ở nhóm tuổi cao hơn có số lượng thời gian sử dụng cho hoạt động làm việc nhà, tự học, đi học thêm nhiều hơn nhưng vui chơi giải trí lại thấp hơn. Điều kiện kinh tế gia đình có mối quan hệ với thời gian đi học thêm và vui chơi giải trí của học sinh và khi gia đình có mức sống cao hơn thì học sinh có thời gian đi học thêm và vui chơi giải trí nhiều hơn. Các chính sách can thiệp không chỉ nhằm mục tiêu đến trẻ em tuổi trung học phổ thông mà cần phải tác động đến sự phân bổ thời gian của các thành viên gia đình.

Chia sẻ nghĩa vụ gia đình của anh chị em ruột đã kết hôn: Nghiên cứu trường hợp tại hai địa bàn thuộc tỉnh Ninh Bình

Tác giả: Nguyễn Hữu Minh, Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Trang: 23-36

Tóm tắt: Vận dụng cách tiếp cận cơ cấu-chức năng và văn hóa, bài viết phân tích mối quan hệ anh chị em ruột trong chia sẻ nghĩa vụ gia đình về chăm sóc và phụng dưỡng bố mẹ, tổ chức lễ tang, sang cát và cúng giỗ trong đại gia đình dựa trên kết quả khảo sát 309 người ở độ tuổi 25 trở lên, đã xây dựng gia đình, có ít nhất 01 anh/chị/em ruột còn sống, tại 2 phường/xã thuộc tỉnh Ninh Bình năm 2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chuẩn mực truyền thống về vai trò quan trọng của người con trai cả/lớn nhất trong vấn đề chia sẻ nghĩa vụ của anh chị em trong đại gia đình tiếp tục được bảo lưu ở địa bàn khảo sát. Con trai cả hay con trai nói chung là người chủ yếu chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ, đồng thời là người chịu trách nhiệm chính tổ chức lễ tang/sang cát, cúng giỗ cho bố mẹ. Mặc dù vậy, những người con khác đều chủ động tham gia vào việc chuẩn bị, coi đó không phải chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi trong việc giữ gìn sợi dây liên kết tình cảm của đại gia đình. Vị thế con trai cả, con trai nói chung, mức độ gần gũi về không gian là những yếu tố quan trọng gắn liền với việc gần gũi, chăm sóc bố mẹ và việc tổ chức các lễ trọng. Tuy nhiên, có sự tương đồng giữa các nhóm xã hội về mức độ hài lòng với cách thức chăm sóc bố mẹ hiện nay cũng như không có khác biệt giữa hai địa bàn đô thị và nông thôn trong việc phân công tổ chức các lễ, điều đó cho thấy tính ổn định phổ biến của sự chia sẻ nghĩa vụ trong anh chị em ruột.

Tham gia chính trị xã hội của người cao tuổi hiện nay và các yếu tố ảnh hưởng: Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Ninh Bình

Tác giả: Trần Thị Minh Thi

Trang: 3-22

Tóm tắt: Bài viết phân tích vai trò chính trị của người cao tuổi trên các khía cạnh như mức độ đại diện tham gia và các vị thế thể hiện trong các hoạt động chính trị, xã hội tại địa phương. Nghiên cứu này cho thấy người cao tuổi là nòng cốt quan trọng trong các hoạt động chính trị, xã hội ở cộng đồng. Mức độ tham gia vào tổ chức chính trị xã hội của người cao tuổi thể hiện rõ ở các nhóm có đặc điểm nhân khẩu xã hội tích cực như sức khỏe tốt hơn, tuổi trẻ hơn, mức sống cao; hay nguồn lực kinh tế xã hội tốt hơn như mức sống cao hơn, sống ở đô thị. Những người cao tuổi tham gia vào Hội người cao tuổi, một tổ chức đặc thù mang ý nghĩa quan trọng đối với họ, thường mang những đặc điểm nguồn lực thấp hơn như sức khỏe kém, tuổi cao, đơn thân, sống một mình, nghèo, ở khu vực nông thôn, v.v. Mức độ tham gia các tổ chức chính trị của phụ nữ cao tuổi cũng thấp hơn so với nam. Nguồn thu nhập ổn định, có con cái hỗ trợ cũng là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến việc tham gia của người cao tuổi.