Liên kết web
Số lượt truy cập

17

1933249

Chi tiết tạp chíSố 3 - 2013

Vận dụng lý thuyết và phương pháp xã hội học trong nghiên cứu gia đình ở Việt Nam

Tác giả: Phạm Văn Bích

Trang: 3-19

Bài viết điểm lại một số lỗi phổ biến trong vận dụng lý thuyết xã hội học và phương pháp thu thập thông tin về gia đình mà nhiều nghiên cứu thường mắc trong thời gian qua, chỉ ra thiếu sót và nêu hướng khắc phục nhằm nâng cao tính khoa học của việc nghiên cứu gia đình.

Vốn xã hội và kinh tế hộ gia đình qua hoạt động của các nhóm tín dụng phi chính thức ở nông thôn Bắc Trung Bộ

Tác giả: Nguyễn Tuấn Anh

Trang: 20-32

Bài viết bàn về vai trò vốn xã hội trong lĩnh vực tín dụng phi chính thức của các hộ gia đình nông thôn tại hai địa phương ở Bắc Trung Bộ. Kết quả nghiên cứu từ thực địa cho thấy: Thứ nhất, nhóm tín dụng xoay vòng là một loại tín dụng phi chính thức phổ biến ở nông thôn. Tham gia vào nhóm tín dụng này các hộ gia đình có được một nguồn vốn tài chính quan trọng. Thứ hai, vốn tài chính tích lũy được từ các nhóm tín dụng xoay vòng đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của các hộ gia đình như giải quyết công việc gia đình, để sản xuất, kinh doanh, hoặc tiết kiệm. Thứ ba, vốn xã hội là cơ sở cho hoạt động của các nhóm tín dụng xoay vòng. Nói cách khác, nhóm tín dụng xoay vòng là điều kiện/môi trường qua đó vốn xã hội được chuyển đổi thành vốn tài chính, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình nông thôn.

Phân công lao động theo giới trong gia đình: cách nhìn mới cho một chủ đề cũ

Tác giả: Trần Thị Vân Nương

Trang: 33-44

Những năm qua, vấn đề phân công lao động trong gia đình đã được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu về phụ nữ, gia đình và giới. Dựa vào các nguồn tài liệu đã công bố và một số nghiên cứu đã thực hiện, bài viết điểm qua về lịch sử phân công lao động theo giới trong gia đình; bình luận một số kết quả của các nghiên cứu trước đó về chủ đề này; sau cùng là luận bàn một cách nhìn mới trong nghiên cứu phân công lao động theo giới trong gia đình trước bối cảnh biến đổi gia đình ngày nay.

Chính sách pháp luật và cơ chế bình đẳng giới của Thụy Điển -một vài gợi ý cho Việt Nam

Tác giả: Phạm Đi

Trang: 45-54

Bài viết dưới đây giới thiệu tới bạn đọc chính sách pháp luật và cơ chế bình đẳng giới của Thụy Điển. Chính phủ Thụy Điển đã ban hành hàng loạt các chính sách và lập pháp về bình đẳng giới; thúc đẩy, phát huy tác dụng trọng yếu về bình đẳng giới; xem bình đẳng giới là một lực lượng phát triển xã hội; kiến lập nên một mạng lưới xã hội ủng hộ và thực thi bình đẳng giới. Diễn biến phát triển của chính sách phúc lợi gia đình và việc làm của phụ nữ; mạng lưới ủng hộ xã hội về chống bạo lực đối với phụ nữ và những thành tựu lớn của việc phụ nữ tham chính ở Thụy Điển cho thấy bình đẳng giới không phải là một khẩu hiệu, một lời tuyên ngôn mà là một phương thức sống, lối sống, một phương thức tư duy, một giá trị xã hội thực sự ở Thụy Điển.

Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng nền kinh tế xanh, sạch

Tác giả: Lê Thi

Trang: 55-64

Bài viết bàn về vai trò của người phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng nền kinh tế xanh, sạch, với tư cách là người đảm nhiệm chính công việc gia đình, tham gia nhiều khâu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và trong lĩnh vực buôn bán, dịch vụ. Phụ nữ ở nông thôn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế xanh, sạch, nhưng trên thực tế còn có nhiều yếu tố cản trở họ phát huy vai trò này, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vấn đề sử dụng nhân tài là cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị

Tác giả: Võ Thị Mai

Trang: 61-68

Bài viết bàn về vấn đề sử dụng nhân tài là giới nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh đến việc làm thế nào khắc phục các rào cản đối với cán bộ nữ khi tham gia vào các vị trí lãnh đạo cấp cao và đề xuất một số giải pháp về vấn đề này. Theo tác giả, các nhà lãnh đạo là cán bộ nữ ngoài những phẩm chất của một nhân tài, họ còn có những phẩm chất mang đặc thù giới nữ nói riêng, do vậy, đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà hoạch định chính sách phải biết phát hiện, đào tạo, trọng dụng và tôn vinh nhân tài nữ, tạo cho họ môi trường, để làm việc và cống hiến.

Phụ nữ tham gia nghiên cứu và giảng dạy triết học: Khó khăn từ nhiều phía

Tác giả: Lê Thị Thanh Hà

Trang: 69-75

Bài viết phân tích những khó khăn của phụ nữ làm công tác nghiên cứu và giảng dạy triết học, từ đó đưa ra một số giải pháp để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào công tác này. Phân tích cho thấy phụ nữ làm công tác nghiên cứu và giảng dạy triết học gặp nhiều trở ngại về thời gian và cơ hội nghề nghiệp. Gánh nặng công việc gia đình và những định kiến giới cũng là những lý do khiến phụ nữ trong ngành khoa học này khó đạt được những thành tựu như mong muốn.

Nhận diện chủ nghĩa nữ quyền Pháp thế kỷ XX qua một số đại diện tiêu biểu

Tác giả: Nguyễn Việt Phương

Trang: 76-87

Chủ nghĩa nữ quyền là một xu hướng tư tưởng đang dần tạo dựng được ảnh hưởng đáng kể trong dòng chảy tư tưởng phương Tây đương đại, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam. Nói đến chủ nghĩa nữ quyền đương đại, người ta thường nhắc đến chủ nghĩa nữ quyền Pháp như là một trong những nhánh phát triển mạnh mẽ nhất của nó. Nhằm góp phần nhận diện một số đặc điểm của chủ nghĩa nữ quyền Pháp thế kỷ XX, bài viết phân tích tư tưởng của những đại diện tiêu biểu của nó là Simone de Beauvoir, Julia Kristeva, Luce Irigaray, và Hélène Cixous.

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 3/2013

Tác giả:

Trang: 1-96

Mục lục số 3/2013 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Phạm Văn Bích Vận dụng lý thuyết và phương pháp xã hội học trong nghiên cứu gia đình ở Việt Nam 3 Nguyễn Tuấn Anh Vốn xã hội và kinh tế hộ gia đình qua hoạt động của các nhóm tín dụng phi chính thức ở nông thôn Bắc Trung Bộ 20 Trần Thị Vân Nương Phân công lao động theo giới trong gia đình: cách nhìn mới cho một chủ đề cũ 33 Phạm Đi Chính sách pháp luật và cơ chế bình đẳng giới của Thụy Điển -một vài gợi ý cho Việt Nam 45 Lê Thi Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng nền kinh tế xanh, sạch 55 Võ Thị Mai Vấn đề sử dụng nhân tài là cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị 61 Lê Thị Thanh Hà Phụ nữ tham gia nghiên cứu và giảng dạy triết học: Khó khăn từ nhiều phía 69 Nguyễn Việt Phương Nhận diện chủ nghĩa nữ quyền Pháp thế kỷ XX qua một số đại diện tiêu biểu 76 Trịnh Thị Năm Báo cáo nghiên cứu Quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam: Bức tranh khái quát và Khung pháp lý để giải quyết 88 Thông báo mời viết bài cho Hội thảo: “Gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh” 95