Liên kết web
Số lượt truy cập

106

1933237

Chi tiết tạp chíSố 3 - 2012

Nghiên cứu giá trị con cái ở gia đình: Một số vấn đề lý luận

Tác giả: Ngô Thị Tuấn Dung

Trang: 3-14

Bài viết khái quát một số quan điểm lý thuyết vận dụng cách tiếp cận giá trị con cái để tìm hiểu những chiều cạnh, diễn biến và các yếu tố tác động đến quá trình nhân khẩu học ở gia đình và xã hội. Tác giả cho rằng các nghiên cứu về chủ đề này đã góp phần kiểm định mức độ tin cậy của các luận điểm về “giá trị con cái”, thể hiện qua chức năng tái sinh sản xã hội của cha mẹ và quan hệ tương hỗ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang chuyển đổi, việc tìm hiểu cơ sở lý luận và cách vận dụng tiếp cận “giá trị con cái” gắn với việc phân tích các yếu tố tác động như điều kiện kinh tế - xã hội, giáo dục, đặc điểm và chính sách phúc lợi nhà nước, v.v. sẽ giúp nhận diện rõ hơn về hôn nhân - gia đình, xu hướng nhân khẩu học, quan hệ liên thế hệ và quan hệ giới ở gia đình và xã hội.

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 15-26

Trẻ em là nguồn nhân lực quý giá trong tương lai, chính vì vậy việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em có ý nghĩa rất quan trọng. Chăm sóc sức khỏe trẻ em không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố vĩ mô từ các chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn bị chi phối trực tiếp từ các đặc trưng kinh tế - xã hội của từng hộ gia đình. Qua việc phân tích các yếu tố tác động đến việc chăm sóc sức khỏe trẻ em ở Việt Nam, bài viết cho thấy trẻ em ở những hộ gia đình có mức sống thấp, là người dân tộc thiểu số, sống vùng sâu vùng xa gặp nhiều bất lợi hơn trong việc được chăm sóc sức khỏe so với nhóm trẻ em khác. Điều này phần nào phản ánh sự khác biệt về điều kiện địa lý, cơ cấu kinh tế xã hội, về hệ thống y tế và cũng như thái độ đối với hành vi chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em. Nghiên cứu nhấn mạnh đến vai trò của gia đình, đặc biệt là vai trò quan trọng của người mẹ trong suốt chu trình mang thai, sinh đẻ, nuôi nấng chăm sóc trẻ tới lúc trưởng thành. Để chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ em đạt hiệu quả hơn nữa, bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền giáo dục tới những người mẹ cũng cần phải cuốn hút nam giới tham gia nhằm làm thay đổi khả năng nhận thức và hành vi ứng xử trong chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Bình đẳng giới trong lãnh đạo chính trị ở Việt Nam: Nhìn từ góc độ cấu trúc

Tác giả: Lê Thị Thục

Trang: 27-41

Bài viết xem xét những yếu tố mang tính cấu trúc có tác động đến bình đẳng giới trong lãnh đạo chính trị ở Việt Nam, bao gồm: trình độ phát triển kinh tế - xã hội, lao động và việc làm, giáo dục và đào tạo của đất nước. Các vấn đề này đều bao chứa những yếu tố rào cản, bên cạnh thuận lợi, đối với sự tiến bộ của phụ nữ trong lãnh đạo chính trị. Về mặt lý thuyết, việc phân tích các yếu tố này có thể giúp hình dung được những tác động tới nguồn ứng viên nữ có khả năng đảm nhận các vị trí lãnh đạo chính trị trong bộ máy lãnh đạo của đất nước. Song theo tác giả, các vấn đề về cấu trúc cần được lưu tâm giải quyết đồng thời với sự quan tâm đến những vấn đề thuộc về thể chế, chính sách và văn hóa.

Vai trò giới trong các gia đình người khuyết tật ở thành phố Hồ Chí Minh

Tác giả: Nguyễn Thị Từ An

Trang: 42-52

Bài viết phân tích vai trò giới trong các gia đình người khuyết tật (NKT) ở ba dạng tật khiếm thính, khiếm thị và khuyết tật vận động ở thành phồ Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở mỗi gia đình NKT đều có cách thức phân công công việc sao cho phù hợp với từng dạng tật của người vợ hoặc người chồng. Trong hầu hết các gia đình NKT, người chồng đóng vai trò chủ yếu trong việc tạo thu nhập, còn người vợ làm công việc nhà, chăm sóc và giáo dục con. Đối với hoạt động cộng đồng, sự phân công còn tùy thuộc vào sự quan tâm và dạng tật của người vợ hoặc người chồng. Mặc dù, người khuyết tật, nhất là người khiếm thị luôn nhận được sự giúp đỡ từ phía người thân, nhưng kết quả từ nghiên cứu này đã phần nào minh chứng cho những nỗ lực vượt qua khó khăn và định kiến xã hội của NKT để tiến tới hôn nhân, sinh con và xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Khả năng tham gia của phụ nữ dân tộc ít người: Nhìn từ góc độ nhóm “im lặng’’

Tác giả: Nguyễn Trung Kiên

Trang: 53-68

Nghiên cứu định tính này sử dụng cách tiếp cận lý thuyết từ cơ sở (grounded theory) để khảo sát và xây dựng mô hình lý thuyết về khả năng tham gia của phụ nữ H’re và Kor vào Chương trình 135 giai đoạn II và Chương trình ISP tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng hệ thống cung cấp thông tin tới người dân ở các huyện miền núi còn thiên nhiều về nam giới; khả năng tiếp cận và lưu giữ thông tin, cũng như khả năng biểu hiện ý kiến của phụ nữ H’re và Kor còn kém hơn so với nam giới; việc tham vấn ý kiến của phụ nữ từ phía chính quyền và Ban quản lý dự án chưa được chú ý. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ cả môi trường khách quan (thể chế) và từ chính người phụ nữ. Nghiên cứu này cũng cho rằng khả năng tham gia và tham vấn ý kiến của phụ nữ bị hạn chế sẽ có thể ảnh hưởng tới lợi ích của họ trong các chương trình/dự án ở địa phương.

Nhận thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý về phân tầng xã hội

Tác giả: Nguyễn Thị Thùy Linh

Trang: 69-75

Bài viết tập trung tìm hiểu nhận thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý về vấn đề phân tầng xã hội (PTXH). Nghiên cứu cho thấy có sự khác nhau trong đánh giá của nam và nữ cán bộ lãnh đạo quản lý về quan niệm thế nào là PTXH; về khía cạnh, hình thức diễn ra PTXH, và mức độ ảnh hưởng của nó đối với đời sống xã hội hiện nay. Nhận thức rõ về PTXH sẽ giúp cho cán bộ lãnh đạo quản lý nắm được bản chất và đời sống của các giai tầng xã hội khác nhau, qua đó có chính sách quản lý xã hội hiệu quả, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội, nhằm thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ly hôn ở Đà Nẵng: Nguyên nhân và những vấn đề đặt ra đối với hệ thống thiết chế xã hội

Tác giả: Trần Văn Thạch

Trang: 84-93

Bài viết đề cập đến những nguyên nhân ly hôn chính của các cặp vợ chồng ở thành phố Đà Nẵng hiện nay và những vấn đề về hệ thống thiết chế xã hội liên quan đến khía cạnh hôn nhân - gia đình. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ly hôn hoặc đầu đơn xin ly hôn tại Đà Nẵng gồm có: mâu thuẫn gia đình; bị đánh đập, ngược đãi; và ngoại tình... Tác giả cho rằng sự thất bại trong việc xây dựng và duy trì gia đình hạnh phúc để lại một hệ lụy nặng nề lên đời sống tinh thần và vật chất của các gia đình và cả xã hội. Do vậy, cần nâng cao ý thức trách nhiệm và kiến thức cho mỗi người dân, đặc biệt là các công dân trẻ tuổi, dưới nhiều hình thức.

John Stuart Mill với phong trào đòi bình quyền cho phụ nữ

Tác giả: Ngô Thị Như

Trang: 84-93

John Stuart Mill (1806-1873) là một trong những người ủng hộ phong trào giải phóng phụ nữ mạnh mẽ nhất. Tư tưởng đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ được thể hiện trong rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông. Bài viết trình bày những tư tưởng J. S. Mill về vai trò và vị trí của nữ giới trong xã hội, những đóng góp của ông đối với phong trào đòi bình quyền cho nữ giới. Nghiên cứu tư tưởng của J. S. Mill về vấn đề giải phóng phụ nữ là một cách tiếp cận không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn góp phần khẳng định tầm quan trọng của sự nghiệp vì sự tiến bộ của phụ nữ hiện nay.

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 3/2012

Tác giả:

Trang: 1-96

Mục lục số 3 năm 2012 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Ngô Thị Tuấn Dung Nghiên cứu giá trị con cái ở gia đình: Một số vấn đề lý luận 3 Trần Quý Long Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay 15 Lê Thị Thục Bình đẳng giới trong lãnh đạo chính trị ở Việt Nam: Nhìn từ góc độ cấu trúc 27 Nguyễn Thị Từ An Vai trò giới trong các gia đình người khuyết tật ở thành phố Hồ Chí Minh 42 Nguyễn Trung Kiên Khả năng tham gia của phụ nữ dân tộc ít người: Nhìn từ góc độ nhóm “im lặng’’ 53 Nguyễn Thị Thùy Linh Nhận thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý về phân tầng xã hội 69 Trần Văn Thạch Ly hôn ở Đà Nẵng: Nguyên nhân và những vấn đề đặt ra đối với hệ thống thiết chế xã hội 76 Ngô Thị Như John Stuart Mill với phong trào đòi bình quyền cho phụ nữ 84 M.K. Viện Gia đình và Giới kỷ niệm 25 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba 94 H.P. Hội thảo khoa học “Gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập” 95 P.T.H. Diễn đàn tham vấn về tình hình thực hiện Công ¬ước CEDAW tại Việt Nam 96