Liên kết web
Số lượt truy cập

16

1933256

Chi tiết tạp chíSố 3 - 2011

Những rào cản đối với phụ nữ khi tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân

Tác giả: Phạm Thu Hiền

Trang: 3-13

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên những phát hiện tại hai cuộc khảo sát thuộc Dự án Nâng cao năng lực Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Ninh Thuận do Oxfam Anh thực hiện hồi tháng 4 năm 2009 và tháng 7 năm 2010, bài viết phân tích những rào cản đối với phụ nữ trong quá trình tham gia ứng cử Hội đồng nhân dân các cấp, cụ thể là rào cản về nhận thức; rào cản về năng lực; rào cản về cách thức, thủ tục bầu cử và rào cản về văn hóa. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đưa ra những giải pháp can thiệp nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Hình ảnh người phụ nữ trong quảng cáo

Tác giả: Trần Thị Anh Thư

Trang: 14-23

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa vào hình ảnh phụ nữ được thể hiện trong các khuôn hình quảng cáo phát sóng trên truyền hình, bằng phương pháp thống kê và phân tích nội dung các mục quảng cáo được phát sóng trong chương trình “Phim Việt giờ vàng”, tác giả bài viết muốn chứng minh rằng định kiến giới vẫn còn phổ biến trong xã hội Việt Nam. Dù là những thước phim quảng cáo phản ánh về người phụ nữ hiện đại, nhưng hình ảnh của phụ nữ vẫn không thoát ra khỏi khuôn khổ vai trò truyền thống, gắn liền với gian bếp và các hoạt động chăm sóc gia đình. Trong khi đó, nam giới vẫn với hình ảnh là những người thành đạt trong xã hội, sáng tạo ra những giá trị vật chất có giá trị, nhưng chưa sẵn sàng để chia sẻ những gánh nặng trong công việc nhà với nữ giới.

Sự hòa nhập với môi trường mới và những khó khăn của nữ lao động xuất khẩu tại Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình

Tác giả: Phan Thị Thanh Mai

Trang: 24-34

File toàn văn đính kèm: Tải về

Sự hòa nhập môi trường sống và lao động mới luôn là một vấn đề lớn đối với lao động xuất khẩu nói chung và nữ lao động xuất khẩu nói riêng. Kết quả khảo sát tại xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình năm 2010 của Viện Gia đình và Giới cho thấy, bên cạnh những rào cản về văn hóa, phong tục tập quán và ngôn ngữ, người nữ lao động xuất khẩu phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn như sự cô đơn, mức lương thấp và thời gian làm việc kéo dài. Nhóm nữ giúp việc gia đình có mức lương cao hơn so với nhóm nữ công nhân nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Đa số các nữ lao động xuất khẩu lựa chọn giải pháp cam chịu khi đối mặt với các khó khăn. Rất ít chị biết cách phản kháng đúng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình khi bị chủ quỵt lương hay đối xử bất công.

Mối quan hệ giữa hạnh phúc gia đình và công danh sự nghiệp đối với cán bộ nữ

Tác giả: Võ Thị Mai

Trang: 35-42

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết này đề cập đến mối quan hệ giữa hạnh phúc gia đình và công danh sự nghiệp đối với người phụ nữ nói chung và cán bộ nữ trong hệ thống chính trị nói riêng. Tác giả cho rằng mối quan hệ giữa hạnh phúc gia đình và công danh là bài toán nan giải bởi để giải quyết tốt mối quan hệ này người phụ nữ không chỉ phải nỗ lực vượt qua những khó khăn, cản trở từ phía gia đình, xã hội và từ chính bản thân họ. Để cân đối và làm hài hòa được công việc gia đình và phát triển sự nghiệp thì người phụ nữ cần rất nhiều sự ủng hộ và tạo điều kiện từ phía gia đình, cộng đồng và xã hội.

Văn hóa gia đình

Tác giả: Lê Ngọc Văn

Trang: 43-54

File toàn văn đính kèm: Tải về

Từ hướng tiếp cận xã hội học về văn hóa, tác giả bài viết đưa ra cách hiểu về khái niệm văn hóa gia đình: những đặc trưng, quy luật hình thành và phát triển; cấu trúc, chức năng; đối tượng và các nội dung nghiên cứu của văn hóa gia đình. Hướng tiếp cận xã hội học về văn hóa gia đình có thể giúp cho các nhà nghiên cứu xã hội học gia đình có thêm những cơ sở khoa học cho việc triển khai các công trình nghiên cứu văn hóa gia đình và sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam.

Sự thay đổi hành vi tình dục của nam giới sau ly hôn (Nghiên cứu trường hợp ở thành phố Cần Thơ)

Tác giả: Phan Thuận

Trang: 55-68

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên những phát hiện chính của đề tài “tìm hiểu đời sống tình dục của nam giới sau ly hôn ở Thành phố Cần Thơ hiện nay”, được thực hiện từ tháng 12/2009 đến tháng 8/2010, bài viết phân tích những biểu hiện thay đổi trong đời sống tình dục và các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn hành vi tình dục của nam giới sau ly hôn để lý giải vì sao nam giới sau ly hôn có những hành vi và lựa chọn hành vi tình dục này hay khác. Bài viết nhằm đem lại cho độc giả một cách nhìn toàn diện hơn, nhân văn hơn về đời sống tình dục của nam giới sau ly hôn.

Ảnh hưởng của một số nguồn lực trong việc hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình

Tác giả: Vũ Thị Thanh

Trang: 69-75

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bằng việc phân tích các tài liệu liên quan đến bạo lực gia đình ở một số nước trên thế giới, bài viết đề cập đến vai trò của các nguồn lực cá nhân và xã hội trong việc trợ giúp những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tác giả cho rằng, do phải đối mặt với nhiều cản trở khách quan và chủ quan, các nạn nhân khó có thể tiếp cận dễ dàng với các nguồn lực. Bởi vậy, việc phát triển và mở rộng các nguồn lực xã hội ngay tại cộng đồng là một điều cần thiết. Ngoài ra, các nạn nhân cũng cần được thông tin đầy đủ về các nguồn lực để có thể chủ động tìm kiếm sự trợ giúp và tự tin giải quyết tình trạng bạo lực gia đình và những hậu quả do nó gây ra.

Chính sách xây dựng gia đình mạnh khỏe ở Hàn Quốc

Tác giả: Lee Kyesun

Trang: 76-86

File toàn văn đính kèm: Tải về

Luật Cơ bản về gia đình mạnh khỏe được đánh giá là một chính sách đột phá đem lại sự chuyển biến về hình mẫu gia đình của Hàn Quốc. Từ quan điểm hướng trọng tâm là giải quyết những khó khăn về gia đình trước đó chuyển sang quan điểm dự phòng vấn đề. Luật điều chỉnh những chính sách hỗ trợ đối với mọi hình thái gia đình, đặc biệt là các gia đình thuộc khu vực khó nhìn thấy của chính sách. Với mục đích chính nhằm “xây dựng gia đình khỏe mạnh”, Luật đã thể hiện rõ trách nhiệm của nhà nước và các đoàn thể ở địa phương đối với vấn đề gia đình từng được coi là vấn đề của cá nhân.

Báo cáo chung Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ 2

Tác giả: Đào Hồng Lê

Trang: 87-93

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tiếp nối thành công của cuộc Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất năm 2003, vào năm 2008 Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phối hợp với Tổng cục Thống kê tiến hành cuộc điều tra lần thứ hai. Điều tra Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ hai cho phép đo lường những thay đổi theo thời gian và phân tích các xu hướng phát triển của thanh thiếu niên Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Báo cáo chung Điều tra quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ hai.

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 3/2011

Tác giả:

Trang: 1-96

Mục lục số 3 năm 2011 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Phạm Thu Hiền Những rào cản đối với phụ nữ khi tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân 3 Trần Thị Anh Thư Hình ảnh người phụ nữ trong quảng cáo 14 Phan Thị Thanh Mai Sự hòa nhập với môi trường mới và những khó khăn của nữ lao động xuất khẩu tại Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình 24 Võ Thị Mai Mối quan hệ giữa hạnh phúc gia đình và công danh sự nghiệp đối với cán bộ nữ 35 Lê Ngọc Văn Văn hóa gia đình 43 Phan Thuận Sự thay đổi hành vi tình dục của nam giới sau ly hôn (Nghiên cứu trường hợp ở thành phố Cần Thơ) 55 Vũ Thị Thanh Ảnh hưởng của một số nguồn lực trong việc hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình 69 Lee Kyesun Chính sách xây dựng gia đình mạnh khỏe ở Hàn Quốc 76 Đào Hồng Lê Báo cáo chung Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ 2 87 Hà Đông Diễn đàn ASEM về mạng lưới an toàn xã hội: Tăng cường hợp tác nhằm ứng phó với những thách thức hậu khủng hoảng 94 P.V. Hội nghị toàn quốc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài 95