Liên kết web
Số lượt truy cập

30

2073920

Chi tiết tạp chíSố 2 - 2023

Một số vấn đề lí luận về bình đẳng giới và hướng áp dụng trong nghiên cứu ở Việt Nam

Tác giả: Trần Thị Minh Thi

Trang: 3-18

Tại Việt Nam, bình đẳng giới theo hướng thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ luôn là một trọng tâm ưu tiên nhằm tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Với những chiều cạnh phức tạp và thách thức trong định nghĩa bình đẳng giới, nội hàm khái niệm và những tiếp cận lý thuyết về bình đẳng giới là cơ sở lí luận nghiên cứu quan trọng để tham chiếu, phân tích, nghiên cứu về bình đẳng giới ở Việt Nam.

Tác động của đại dịch Covid-19 đến khía cạnh kinh tế gia đình (Nghiên cứu trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh)

Tác giả: Bùi Thị Minh Hà

Trang: 19-36

Đại dịch Covid-19 vừa qua đã tấn công nền kinh tế toàn cầu và kinh tế của các gia đình, đặc biệt ở khu vực đô thị. Không ngoại lệ, Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh) cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Phân tích ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới kinh tế các hộ gia đình tại TP. Hồ Chí Minh trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư là trọng tâm của bài viết này. Bài viết sử dụng cả hai phương pháp: định lượng với hơn 200 bảng hỏi và định tính với 10 phỏng vấn sâu để thu thập thông tin, phân tích dữ liệu phục vụ nghiên cứu này. Nghiên cứu đã phát hiện, hầu hết các gia đình khảo sát đều chịu thiệt hại về mặt kinh tế bởi đại dịch Covid-19. Đặc biệt, nhóm nhập cư và lao động tự do là những nhóm dễ bị tổn thương hơn. Bên cạnh các giải pháp tự thân bằng nguồn lực nội tại của mình, gia đình còn sử dụng các giải pháp xã hội, vận dụng các nguồn lực xã hội để giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế, đảm bảo được sự sinh tồn của gia đình trong bối cảnh khó khăn. Nghiên cứu phát hiện các gia đình đô thị TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt nhóm nhập cư khá hạn chế về nguồn lực kinh tế, không có nguồn tiền tiết kiệm hoặc tài chính, bị chao đảo khi sự cố xảy ra nên gặp khó khăn trong việc đối phó với những rủi ro. Từ những phát hiện nghiên cứu, các gia đình đô thị được khuyến nghị sẽ tự xây dựng, cải thiện những hạn chế của mình, đặc biệt cần có kế hoạch tài chính dự phòng. Chính quyền đô thị có thể xây dựng chính sách hỗ trợ nhóm gia đình dễ bị tổn thương để đối phó với các rủi ro trong tương lai.

Việc làm của lao động nữ Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Tác giả: Hoàng Thị Quyên

Trang: 54-69

Bài viết tập trung phân tích những xu hướng chuyển đổi về việc làm của lao động nữ Việt Nam dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0), đồng thời phân tích khả năng thích ứng về nghề nghiệp của phụ nữ trong bối cảnh mới. Số liệu trong bài viết lấy từ điều tra lao động, việc làm do Tổng cục Thống kê công bố và dữ liệu từ cuộc điều tra về di động nghề nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 do tác giả thực hiện, với mẫu nghiên cứu là 784 người trong độ tuổi lao động, trong đó có 348 lao động nữ. Kết quả nghiên cứu cho thấy ba xu hướng chuyển đổi việc làm của lao động nữ Việt Nam diễn ra dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đó là: 1) Suy giảm việc làm tại một số ngành thông qua xu hướng thay thế lao động; 2) Thay đổi các kỹ năng nghề nghiệp; và 3) Thay đổi bản chất việc làm và các quan hệ lao động. Có thể thấy, bối cảnh mới đã và đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với quá trình chuyển đổi việc làm của lao động nữ, đáng tiếc năng lực thích ứng về nghề nghiệp của họ hiện còn khá thấp. Do đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể sẽ làm sâu sắc hơn tình trạng bất bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm tại Việt Nam.

Chiến lược sinh kế phi nông nghiệp của phụ nữ ở vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp (Nghiên cứu trường hợp xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội)

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hường

Trang: 70-83

Bài viết này nghiên cứu về chiến lược sinh kế phi nông nghiệp của phụ nữ tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội trong bối cảnh các hộ dân nơi đây bị thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp và các công trình công cộng. Dựa vào kết quả khảo sát thực tiễn, bài viết sẽ so sánh sự biến đổi sinh kế phi nông nghiệp trước thu hồi đất và sau thu hồi đất của nhóm phụ nữ ở địa bàn nghiên cứu. Nghiên cứu cũng chỉ ra có ba loại hình phi nông nghiệp được phát triển và tạo dựng: thứ nhất là kinh doanh, buôn bán; thứ hai là làm dịch vụ; thứ ba là làm thuê. Loại hình dịch vụ và làm thuê mới xuất hiện sau khi thu hồi đất. Điều đó đã cho thấy sự linh hoạt và tính thích ứng cao của phụ nữ trong bối cảnh khó khăn.

Mô hình hộ gia đình kinh doanh tại chợ truyền thống ở đô thị hiện nay (Nghiên cứu trường hợp chợ Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Tác giả: Hoàng Thị Thu Hằng

Trang: 84-94

Dựa vào nguồn tài liệu thứ cấp và kết quả nghiên cứu định tính về các hộ gia đình kinh doanh tại một chợ truyền thống ở Hà Nội, bài viết bước đầu tìm hiểu vai trò giới và mô hình hộ kinh doanh của các tiểu thương chợ truyền thống ở đô thị. Ngoài ra, bài viết còn xem xét việc trao truyền kinh doanh giữa các thế hệ trong gia đình và trong mối quan hệ họ hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy vai trò chủ sở hữu của người phụ nữ trong hộ gia đình kinh doanh thể hiện khá rõ, phụ nữ là người đảm nhiệm chính việc tổ chức và sắp xếp công việc kinh doanh. Người đàn ông tham gia vào hoạt động buôn bán nhỏ lẻ với vai trò hỗ trợ người vợ. Việc nối nghiệp công việc kinh doanh của gia đình là vấn đề quan trọng nhưng hiện không còn là nguyện vọng của một số gia đình kinh doanh. Trong khi không ít hộ gia đình tiểu thương khác lại khởi nghiệp kinh doanh nhờ sự giúp đỡ từ những mối quan hệ anh em họ hàng và sự trợ giúp này không chỉ mang tính sinh kế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội và gắn kết tình cảm trong quan hệ họ hàng.

Bảo đảm quyền của trẻ em trong đại dịch Covid-19: Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn tại Việt Nam

Tác giả: Vũ Ngọc Bình

Trang: 95-106

Đại dịch Covid-19 đã lan nhanh ra hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tác động tới tất cả mọi người. Trẻ em là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương và ảnh hưởng nặng nề nhất, phải gánh chịu hậu quả lâu dài từ đầu năm 2020. Việc thực hiện quyền trẻ em bị gián đoạn và bị ảnh hưởng tác động xấu trên các lĩnh vực cơ bản như giáo dục, dinh dưỡng-sức khỏe, chăm sóc, bảo trợ xã hội, phát triển, bảo vệ, tham gia… trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Bảo đảm quyền trẻ em trong đại dịch là ưu tiên đặt ra cho mọi người trong xã hội từ các góc độ và cấp độ khác nhau. Bài viết này gồm ba phần. Phần 1 nêu tác động của bệnh dịch Covid-19 trên thế giới cũng như ở Việt Nam với trẻ em và đây là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Phần 2 xác định những việc đã và đang thực hiện về quyền trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch nhìn từ góc độ pháp lý và thực tiễn. Phần 3 đưa ra một số khuyến nghị cho việc tăng cường pháp luật và việc thực hiện trên thực tế trước mắt cũng như lâu dài quyền trẻ em trên tất cả các mặt sống còn, phát triển, bảo vệ và tham gia của trẻ em.

Tội phạm có yếu tố giới: Một số vấn đề đặt ra

Tác giả: Phạm Đi

Trang: 107-115

Vấn đề tội phạm nói chung, tội phạm có yếu giới nói riêng không phải là vấn đề mới mẻ nhưng chưa bao giờ “lỗi thời”, thậm chí ngày càng mang tính thời sự, bởi trong bối cảnh và tình hình mới như hiện nay, nhất là xu thế toàn cầu hóa, số hóa và phát triển nhanh chóng các hình thức truyền thông mà cụ thể là truyền thông xã hội thì tội phạm có yếu tố giới có xu thế gia tăng ở trên thực tế, cả trên không gian mạng; về số lượng, cả về hình thức và tính chất phức tạp của nó. Thực tế đó đòi hỏi phải tiến hành nhận diện một cách thấu đáo, khoa học, có hệ thống về vấn đề tội phạm có yếu tố giới, tìm ra nguyên nhân, hệ thống giải pháp tương ứng để từng bước khắc phục, hạn chế, đẩy lùi vấn nạn này. Trên cơ sở phân tích một số thực trạng và nguyên nhân, bài viết đưa ra một số khuyến nghị mang tính giải pháp trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề quản lý nhà nước về văn hóa, tăng cường các hoạt động giáo dục, tuyên truyền để nâng cao kiến thức về giới, hình thành lăng kính giới về tiếp cận tội phạm, góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.