Liên kết web
Số lượt truy cập

270

2032903

Chi tiết tạp chíSố 2 - 2022

Yếu tố văn hóa truyền thống và duy lý đối với sự hỗ trợ của con cái cho cha mẹ cao tuổi trong công việc gia đình ở Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Hữu Minh, Trần Quý Long

Trang: 3-16

Bài viết phân tích các chiều cạnh văn hóa truyền thống và duy lý trong sự hỗ trợ công việc gia đình (được hiểu gồm việc nhà và sản xuất, kinh doanh hộ gia đình) của con cái cho cha mẹ. Số liệu phân tích từ Khảo sát sức khoẻ người cao tuổi tiến hành năm 2018 ở Hà Nội, Ninh Bình và Quảng Bình, với 8.106 trường hợp. Yếu tố văn hóa truyền thống được đo lường thông qua các biến số về tuổi, sức khoẻ, mức sống và tình trạng song toàn của cha mẹ; giới tính và học vấn của con. Chiều cạnh duy lý được thể hiện thông qua các biến số về tuổi con, vị trí nơi con sống so với nơi ở của cha mẹ và mức độ cha mẹ giúp con cái công việc gia đình. Phương pháp phân tích hai biến và đa biến được sử dụng. Kết quả phân tích cho thấy sau khi kết hôn và sống riêng, con cái vẫn có trách nhiệm quan tâm, hỗ trợ cha mẹ trong các công việc gia đình. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ của con cái đối với cha mẹ khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Nói cách khác, trong điều kiện của xã hội phát triển, các khuôn mẫu truyền thống về việc chăm sóc cha mẹ được bảo lưu một cách linh hoạt. Yếu tố khoảng cách giữa nơi con sống và nơi ở của cha mẹ có vai trò quan trọng. Đồng thời, kết quả phân tích gợi ra rằng tác động của các yếu tố văn hóa truyền thống và duy lý không phải diễn ra hoàn toàn độc lập mà có sự hòa quyện với nhau trong mối quan hệ trợ giúp của con cái đối với cha mẹ. Một số lưu ý cho các phân tích tiếp theo cũng đã được gợi ra trong bài viết.

Một số vấn đề bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và định hướng giải pháp

Tác giả: Trần Tuyết Ánh, Nguyễn Hoài Sơn, Hà Thị Thanh Tuyền

Trang: 17-30

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Luật được ban hành và thực thi đã mang lại những kết quả nhất định trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn là một vấn nạn xã hội của Việt Nam. Những vụ việc bạo lực gia đình được phát hiện, xử lý chỉ là phần nổi của tảng băng chìm rất lớn và bạo lực gia đình vẫn là vấn đề khó nói, nhạy cảm, khép kín đằng sau cánh cửa của không ít gia đình. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tồn tại nhiều bất cập, cả về nội dung lẫn quá trình thực thi trong đời sống. Bài viết này phân tích những bất cập đó và thảo luận về một số định hướng giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung Luật để phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

Hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện hiện nay

Tác giả: Đoàn Kim Thắng

Trang: 31-41

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện có vai trò quan trọng và cần được phát huy. Sự hỗ trợ của nhân viên công tác xã hội đã làm tăng thêm sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh khi đến điều trị tại bệnh viện. Bài viết này phân tích hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện, qua khảo sát thực tế tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội năm 2019-2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy tại một số bệnh viện đã triển khai hoạt động công tác xã hội nhằm giúp người bệnh giải quyết các nhu cầu xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện; tuy nhiên khả năng hỗ trợ của hoạt động công tác xã hội đối với bệnh nhân điều trị nội trú trong bệnh viện còn gặp những hạn chế về nguồn lực con người, đồng thời giữa đội ngũ nhân viên CTXH cũng có sự khác biệt rõ nét về trình độ, nhận thức và năng lực chuyên môn.

Sinh kế của gia đình làm du lịch cộng đồng ở làng rau Trà Quế, thành phố Hội An trong bối cảnh dịch Covid-19

Tác giả: Phan Thị Hoàn

Trang: 42-54

Dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, sau đó lan ra khắp thế giới, cho đến nay đã hơn 2 năm, gây tác động mạnh mẽ lên lĩnh vực du lịch và lao động trong ngành này. Trước cú sốc đó, mỗi nhóm chủ thể kinh tế có cách ứng phó riêng dựa trên nền tảng vốn sinh kế của họ. Nghiên cứu sự điều chỉnh trong sinh kế của gia đình làm du lịch cộng đồng ở làng rau Trà Quế, thành phố Hội An khi dịch Covid-19 xảy ra nhằm cung cấp thêm nghiên cứu trường hợp về chiến lược ứng phó của hộ gia đình đối với cú sốc về kinh tế - chủ đề nghiên cứu phát triển đã và đang được quan tâm. Trên cơ sở phỏng vấn sâu đại diện 15 hộ gia đình thuộc 3 nhóm hoạt động du lịch tại Trà Quế về hoạt động sinh kế trước và sau khi có dịch Covid-19, nghiên cứu cho thấy chiến lược ứng phó nổi bật của hộ ngoài việc tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu là sự quay trở lại hoạt động sản xuất nông nghiệp và tìm kiếm công việc tạm thời. Tuy nhiên, sinh kế của các hộ gia đình này cũng đứng trước bối cảnh tổn thương kép khi vừa chịu tác động của dịch Covid-19 vừa chịu tác động của thiên tai.

Vai trò chăm sóc con của người cha trong gia đình nông thôn Việt Nam hiện nay (Qua một nghiên cứu định tính tại huyện Thạch Thất, Hà Nội)

Tác giả: Lê Thị Hồng Hải

Trang: 55-66

Hiện nay phụ nữ bắt đầu tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động, nên nam giới dần dần tham gia làm việc nhà và chăm sóc con cái nhiều hơn. Dựa trên dữ liệu một cuộc nghiên cứu định tính về vai trò người cha trong gia đình nông thôn Việt Nam hiện nay, bài viết tìm hiểu việc thực thi vai trò “người cha chăm sóc” của nam giới tại địa bàn nghiên cứu là nơi chịu nhiều tác động bởi quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy hình ảnh “người cha chăm sóc” nổi lên khá đậm nét thể hiện ở việc “lấp vào chỗ trống” của người vợ trong việc chăm sóc con cái theo từng giai đoạn phát triển của trẻ. Khi con còn nhỏ, người cha đã tham gia vào việc tắm rửa, cho con ăn... Khi con đi học, người cha tham gia vào việc đưa đón con đi học, họp phụ huynh, uốn nắn, đưa con vào nền nếp, hướng dẫn làm việc nhà. Khi con đến tuổi dậy thì, người cha dành thời gian trao đổi, chia sẻ với con về những vấn đề liên quan đến giới tính, tình bạn khác giới, v.v.

Thực trạng dịch vụ công tác xã hội đối với phụ nữ nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh

Tác giả: Phạm Thị Hà Thương

Trang: 67-78

Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ dịch vụ công tác xã hội đối với người nghèo nói chung và phụ nữ nghèo nói riêng nhằm giảm nghèo. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gặp không ít khó khăn, thách thức do vừa phải chống dịch vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế xã hội nhưng Thành phố vẫn thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với người nghèo. Thông qua việc được hỗ trợ các dịch vụ công tác xã hội (dịch vụ dạy nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn, trợ giúp pháp lý, tư vấn/tham vấn), đời sống của gia đình phụ nữ nghèo được cải thiện đáng kể. Bởi phụ nữ nghèo là những người có trình độ học vấn thấp, ít hiểu biết, các mối quan hệ giao tiếp hạn chế nên họ chưa tự tin khẳng định bản thân và thiếu thông tin về các dịch vụ hỗ trợ. Nếu được động viên, hỗ trợ tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động của tập thể và cộng đồng, phụ nữ nghèo có cơ hội nâng cao khả năng hội nhập, khả năng tự khẳng định mình. Chính vì vậy, dịch vụ công tác xã hội đối với phụ nữ nghèo được xem như biện pháp phòng ngừa những khả năng rủi ro có thể xảy ra trong đời sống của họ.

Vai trò của nữ trí thức trong công tác xã hội và hoạt động phục vụ cộng đồng

Tác giả: Đỗ Thị Thanh Thủy

Trang: 79-92

Sử dụng dữ liệu của nghiên cứu “Khảo sát về năng lực chuyên môn và quản lý của phụ nữ 56-60 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh” do Trung tâm nghiên cứu Giới và Xã hội trường Đại học Hoa Sen thực hiện, bài viết phân tích vai trò của nữ trí thức trong công tác xã hội và hoạt động phục vụ cộng đồng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc các nữ trí thức đến với nghề công tác xã hội và hoạt động phục vụ cộng đồng là sự tình cờ và do khả năng ngoại ngữ, nhưng việc gắn kết lâu dài với nghề là do sự đam mê, sự mong muốn giúp đỡ người khác, và mong muốn sự thay đổi tích cực của xã hội. Đồng thời, tố chất nữ và tính chất đặc thù hướng tới phụ nữ của các dự án phát triển tạo nên lợi thế của các nữ trí thức trong công việc này. Nghiên cứu cũng cho thấy mặc dù gặp phải các rào cản nhưng các nữ trí thức lớn tuổi tích lũy được nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ và đây là lợi thế giúp các nữ trí thức làm phát triển cộng đồng hiệu quả hơn khi còn trẻ.

Vai trò của phụ nữ Khmer An Giang trong gia đình và cộng đồng: Tiếp cận thông qua nghề dệt truyền thống

Tác giả: Dương Trường Phúc

Trang: 93-101

Dựa trên trường hợp điển cứu về nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo của cộng đồng Khmer An Giang, bài viết nhằm thảo luận về vai trò và giá trị đóng góp của phụ nữ Khmer đối với gia đình và cộng đồng tộc người hiện nay. Thông qua phân tích nguồn dữ liệu sơ cấp được thu thập bằng phương pháp điều tra xã hội học và điền dã tại địa bàn nghiên cứu kết hợp với dữ liệu thứ cấp, kết quả cho thấy phụ nữ Khmer tham gia nghề dệt không chỉ góp phần đa dạng hóa sinh kế tạo thu nhập cho gia đình (giá trị kinh tế) mà còn tăng cường bảo tồn và nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống (giá trị văn hóa - xã hội).

Xu hướng lựa chọn giá trị về cuộc sống và gia đình của thanh niên hiện nay

Tác giả: Nguyễn Thị Quỳnh Hoa

Trang: 102-116

Dựa trên các kết quả khảo sát liên quan đến định hướng giá trị của thanh niên được thực hiện trong 5 năm (2016-2020), bài viết tìm hiểu xu hướng lựa chọn giá trị của thanh niên trên một số khía cạnh như: mục tiêu và ý nghĩa cuộc sống; tình yêu, hôn nhân, tình dục; hạnh phúc gia đình, khuôn mẫu ứng xử trong gia đình. Nhìn chung, thanh niên có xu hướng lựa chọn ngày càng thực tế hơn các giá trị về mục tiêu, ý nghĩa cuộc sống, có xu hướng tự khẳng định năng lực bản thân để đạt được thành công trong cuộc sống. Một số quan niệm về tình yêu, hôn nhân, gia đình của thanh niên đã thay đổi theo hướng cởi mở, thực dụng hơn. Thanh niên đề cao các giá trị thuộc về sức khỏe, hạnh phúc, sự thành đạt của con cái, coi trọng sự gắn kết, yêu thương, tính dân chủ, bình đẳng trong gia đình là những yếu tố tạo nên cuộc sống gia đình hạnh phúc. Cùng với đó, xu hướng lựa chọn các giá trị về khuôn mẫu ứng xử trong gia đình của thanh niên đã có những thay đổi theo hướng phát triển và phù hợp với bối cảnh hội nhập hơn.

Tổng quan về công tác chăm sóc người cao tuổi tại thành phố Đà Nẵng

Tác giả: Lê Đức Thọ, Bùi Văn Tuyển

Trang: 117-129

Bài viết nghiên cứu tổng quan về công tác chăm sóc người cao tuổi tại thành phố Đà Nẵng. Nội dung bài viết nêu lên những thành tựu cũng như những khó khăn trong quá trình thực hiện công tác chăm sóc người cao tuổi trong thời gian qua, trong đó tập trung các khía cạnh như công tác chăm sóc sức khỏe, chăm sóc người cao tuổi trong hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, sử dụng công trình công cộng và tham gia giao thông công cộng, chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc người cao tuổi tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Mô hình xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Quảng Bình hiện nay - Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Tác giả: Trương Diệu Hải An

Trang: 130-138

Việt Nam đang xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để đạt được mục tiêu trên, Đảng, Nhà nước yêu cầu các cấp, ngành, cộng đồng và nhân dân phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó việc chú trọng xây dựng “Gia đình văn hóa” là một trong những nhiệm vụ hết sức cơ bản. Thành quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Quảng Bình trong những năm vừa qua thu được những kết quả quan trọng nhờ vào sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là dựa trên phát huy giá trị gia đình truyền thống. Trong bài viết, tác giả nêu bật những thành công trong xây dựng gia đình văn hóa và một số vấn đề đặt ra, từ đó hướng đến những giải pháp xây dựng gia đình văn hóa trong thời gian tới.

Mục lục tạp chí. Số 2/2022

Tác giả:

Trang: 1-2

File toàn văn đính kèm: Tải về