Liên kết web
Số lượt truy cập

14

2024644

Chi tiết tạp chíSố 2 - 2021

Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau và tác động đến việc phát huy giá trị gia đình: Khuyến nghị giải pháp

Tác giả: Tạ Thị Thu Thảo Trang, Trần Bích Thủy, Lê Minh Đức

Trang: 126-139

Tóm tắt: Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới cho đến thời điểm hiện nay. Bên cạnh những thách thức về chuyển dịch lao động, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, già hóa nhanh còn dẫn đến sự chuyển đổi trong quy mô và cấu trúc gia đình. Bài viết phân tích các tác động của mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau - một tổ chức xã hội tự nguyện tại cộng đồng được Chính phủ chủ trương nhân rộng - đối với việc phát huy giá trị gia đình thông qua cải thiện cuộc sống của các thành viên mà phần lớn là người cao tuổi và phụ nữ, từ đó đưa ra một số khuyến nghị giải pháp nhằm phát huy giá trị gia đình trong bối cảnh già hóa dân số. Phân tích số liệu từ các dự án đã triển khai thực tiễn tại các địa phương cho thấy đây là mô hình hiệu quả trong chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, góp phần trực tiếp và gián tiếp phát huy các giá trị gia đình. Với 8 mảng hoạt động toàn diện và đa dạng, mô hình đã góp phần nâng cao thu nhập, sức khỏe thể chất và tâm thần, kiến thức và kỹ năng, sự tự tin, vui vẻ, đoàn kết, sự thấu hiểu và giúp đỡ lẫn nhau giữa và trong các thế hệ. Nhờ đó mà người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi nữ, ngày càng có tiếng nói, vị trí và vai trò hơn trong giải quyết các vấn đề và các mối quan hệ trong gia đình. Đây là một mô hình hiệu quả cần được tích cực nhân rộng nhằm góp phần phát huy các giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới.

Ly hôn xám hiện nay - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp

Tác giả: Vũ Thị Minh Ngọc, Nguyễn Hoàng Anh

Trang: 114-125

Tóm tắt: Ngày nay, ly hôn ở độ tuổi trung niên (còn gọi là ly hôn bạc hay ly hôn xám) đang dần trở nên phổ biến. Ly hôn xám có xu hướng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam trong vài thập kỷ gần đây. Bài viết “Ly hôn xám hiện nay - nguyên nhân và giải pháp” điểm lại thực trạng ly hôn ở độ tuổi trung niên trên thế giới và ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu phân tích nguyên nhân, ảnh hưởng của ly hôn xám nhằm đề xuất một số khuyến nghị đối với hiện tượng này, mong muốn góp phần bảo toàn gia đình và các giá trị tốt đẹp của gia đình trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay.

Giá trị hôn nhân, gia đình - Góc nhìn của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Thủy, Đinh Thị Nguyệt

Trang: 102-113

Tóm tắt: Dựa trên nguồn số liệu của một số nghiên cứu lớn ở Việt Nam và số liệu khảo sát trực tuyến đối với 279 bạn trẻ từ 16-30 tuổi tại Việt Nam năm 2021, bài viết tập trung phân tích quan điểm của thế hệ trẻ Việt Nam về giá trị hôn nhân - gia đình cũng như các yếu tố tác động đến giá trị hôn nhân - gia đình, đồng thời đề xuất một số giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị hôn nhân - gia đình trong giai đoạn mới. Kết quả nghiên cứu cho thấy gia đình vẫn là một giá trị quan trọng không thể thay thế, giới trẻ có xu hướng tin tưởng vào gia đình và cha mẹ; nhận định khá rõ ràng về giá trị hôn nhân, độ tuổi kết hôn, tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời; và chấp nhận, cởi mở dần với một số hiện tượng hôn nhân gia đình mới. Những yếu tố tác động đến giá trị hôn nhân hiện đại được giới trẻ nhận định chủ yếu là liên quan đến thể chế, văn hóa, hội nhập quốc tế đặc biệt yếu tố kinh tế. Dựa trên những kết quả của bài viết, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp phát huy giá trị hôn nhân gia đình đối với giới trẻ hiện nay.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nông thôn thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới

Tác giả: Nguyễn Xuân Dũng, Phạm Thị Hương Giang

Trang: 87-101

Tóm tắt: Mô hình hợp tác xã kiểu mới đã và đang cho thấy hiệu quả tích cực đối với khu vực nông thôn thông qua việc nâng cao năng suất và hiệu quả lao động, từng bước thực hiện xóa đói giảm nghèo và cải thiện các vấn đề xã hội ở khu vực nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề quyền năng kinh tế của phụ nữ nông thôn trong mô hình hợp tác xã kiểu mới còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu làm rõ. Theo đó, bài viết tập trung bàn về quyền năng kinh tế của phụ nữ nông thôn trong mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Việt Nam hiện nay từ đó có các giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ nông thôn thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Mong muốn và kỳ vọng về những phẩm chất của con cái: Tương đồng và khác biệt từ góc nhìn của con và cha mẹ

Tác giả: Nguyễn Tuấn Anh

Trang: 75-86

Tóm tắt: Ở mỗi gia đình, cha mẹ thường kỳ vọng con mình trở thành người toàn diện về trí tuệ và đạo đức, nhân cách. Bằng việc sử dụng bảng hỏi điều tra dạng tự khai báo (phiên bản trực tuyến) đối với 150 gia đình dành cho đối tượng phỏng vấn là các cặp cha mẹ và người con đang học trung học phổ thông của hộ gia đình (gồm 150 người cha, 150 người mẹ và 150 người con), kết quả nghiên cứu cho thấy, trẻ mong muốn nhất bản thân mình trở thành người “có lòng nhân ái và sống yêu thương”; trong khi đó, cha mẹ lại mong muốn con trở thành người “chăm học; cần cù, có ý chí và chăm lao động”. Kỳ vọng của cha và mẹ về những phẩm chất cần có ở người con trai cũng khác người con gái do xuất phát từ quan niệm về vai trò xã hội của mỗi giới. Nghề nghiệp của cha mẹ cũng là biến số điều tiết ảnh hưởng đến kỳ vọng của cha mẹ về những phẩm chất cần có ở con. Kết quả nghiên cứu góp phần vào việc định hướng, giáo dục các giá trị, phẩm chất cho con lứa tuổi trung học phổ thông của các bậc cha mẹ hiện nay.

Loại hình gia đình mới ở Việt Nam: Gia đình một thành viên

Tác giả: Tống Thùy Linh

Trang: 64-74

Tóm tắt: Giống như hầu hết các nước ở châu Á, biến đổi kinh tế - xã hội và thay đổi trong nhân khẩu học ở Việt Nam đã dẫn đến những thay đổi trong gia đình ở nước ta. Chức năng của gia đình biến đổi, hình thái gia đình trở nên đa dạng hơn. Loại hình gia đình một thành viên tăng dần theo thời gian và chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số gia đình Việt Nam. Dựa trên nguồn số liệu thứ cấp từ kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở của Tổng cục Thống kê (2014, 2019) và một số công trình nghiên cứu khác, bài viết tập trung làm rõ xu hướng tăng gia đình một thành viên ở Việt Nam thời gian qua. Đồng thời, bài viết chỉ ra một số nhân tố dẫn tới thực trạng trên. Kết quả cho thấy, tỷ lệ gia đình một người ở khu vực thành thị luôn cao hơn so với khu vực nông thôn. Tốc độ tăng gia đình một người đạt khoảng 3% trong 10 năm. Sự tăng trưởng loại hình gia đình trên chủ yếu xuất phát từ: sự thay đổi trong xu hướng kết hôn, lựa chọn lối sống độc thân và sự gia tăng người cao tuổi sống đơn thân.

Xây dựng tiêu chí gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay

Tác giả: Trần Tuyết Ánh, Nguyễn Hoài Sơn

Trang: 56-63

Tóm tắt: Trên cơ sở số liệu của đề tài khoa học cấp bộ “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay” của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch năm 2018-2019, nghiên cứu nhằm xác định cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở Việt Nam, từ đó đề xuất và hoàn thiện tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy các gia đình đề cao các yếu tố tình cảm, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình chứ không phải các yếu tố vật chất. Đặc biệt, mức sống hay điều kiện kinh tế gia đình không phải là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến sự hài lòng về quan hệ gia đình. Sự quan tâm, chia sẻ giữa các thành viên gia đình mới là yếu tố thúc đẩy sự hài lòng về mối quan hệ này. Như vậy, các hoạt động giáo dục nhằm thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng và sẻ chia trong gia đình là chìa khóa cho hạnh phúc gia đình trong bối cảnh biến đổi xã hội hiện nay.

Giáo dục gia đình và những vấn đề đặt ra hiện nay

Tác giả: Nguyễn Thị Mai Hoa

Trang: 45-55

Tóm tắt: Gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, vừa chịu sự tác động mạnh mẽ, liên tục của các chuyển biến xã hội, vừa là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của gia đình mà Đảng và Nhà nước ta luôn đặt mục tiêu xây dựng gia đình gắn với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Và cùng với quá trình đổi mới đất nước, gia đình Việt Nam đã trải qua những chuyển biến quan trọng, từ kiểu mẫu truyền thống sang kiểu gia đình với những đặc điểm mới, hiện đại hơn. Bài viết này tập trung nhận diện những vấn đề đang đặt ra đối với gia đình và giáo dục gia đình hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp để góp phần thực hiện mục tiêu vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Thực trạng và giải pháp xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam từ kết quả Tổng kết Đề án 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”

Tác giả: Phạm Gia Cường

Trang: 33-44

Tóm tắt: Công tác gia đình luôn được Đảng ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng việc ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo quan trọng. Năm 2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cho thấy một số kết quả công tác xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam. Bài viết nêu ra những kết quả thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW TW “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” với những thành tựu đáng ghi nhận, đồng thời cũng nêu ra một số điểm hạn chế trong công tác xây dựng gia đình. Từ đó, tác giả phân tích nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan của những hạn chế trong công tác xây dựng và phát triển gia đình. Bài viết cũng đưa ra một số giải pháp nhằm xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sự phối hợp hiệu quả của các cấp, các ngành và đoàn thể nhân dân trong xây dựng gia đình; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình...

Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại và một số vấn đề đang đặt ra

Tác giả: Trần Thị Minh Thi

Trang: 13-32

Tóm tắt: Dựa trên một số kết quả của đề tài “Các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì thực hiện năm 2017-2018 và số liệu thống kê về hôn nhân, gia đình từ các cuộc Tổng Điều tra Dân số, Nhà ở của Tổng cục Thống kê, bài viết phân tích một số giá trị nổi bật của gia đình Việt Nam hiện nay và đưa ra khuyến nghị về các giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong bối cảnh mới. Kết quả nghiên cứu về giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cho thấy rõ nét các biểu hiện phong phú của giá trị gia đình truyền thống và giá trị gia đình hiện đại, sự bền vững của văn hóa trong hiện đại hóa, sự chuyển đổi từ giá trị hiện đại sang hậu hiện đại, khác biệt giới, và sự ảnh hưởng của quá trình thể chế hóa hệ thống pháp luật và chính sách đến việc hình thành các giá trị và quan niệm mới của các gia đình. Bốn giá trị gia đình quan trọng bài viết đề xuất cần quan tâm trong giai đoạn tới đó là an toàn, thịnh vượng, bình đẳng, trách nhiệm.

Vun đắp giá trị gia đình trong thời kỳ mới - Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Tác giả: Bùi Thị Hòa, Đào Thị Vi Phương

Trang: 3-12

Tóm tắt: Dựa trên kết quả hoạt động thực tiễn của Hội và phân tích tổng quan các nghiên cứu về giá trị gia đình, bài viết tập trung làm rõ nội hàm của một số giá trị tiêu biểu, cốt lõi hiện nay của gia đình Việt Nam cần tiếp tục vun đắp, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước, với vai trò của người phụ nữ và nhiệm vụ của tổ chức Hội. Các giá trị tiêu biểu đó là: Văn hóa gia đình Việt Nam với các giá trị đạo đức, nền nếp, nhân văn cần tiếp tục giữ gìn, phát huy; Giá trị hôn nhân và con cái trong gia đình Việt Nam cần tiếp tục khẳng định; Phát triển kinh tế hộ, tạo lập thu nhập bền vững từ đóng góp của mỗi thành viên; Yếu tố bình đẳng, tiến bộ trong gia đình hiện đại cần được thấm sâu trong gia đình Việt Nam. Từ đó, bài viết đưa ra một số khuyến nghị cụ thể nhằm phát huy vai trò của tổ chức Hội trong vun đắp giá trị gia đình, xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.