Liên kết web
Số lượt truy cập

35

1963400

Chi tiết tạp chíSố 2 - 2020

English Summaries

Tác giả: PV

Trang: 140-144

Hội thảo khoa học “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam”

Tác giả: Thanh Mai

Trang: 138-139

Ngày 5/6/2020, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam”. Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp nhà nước “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta”. Đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số (DTTS) và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”. Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ các kết quả nghiên cứu bước đầu và thảo luận, tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo nghiên cứu của đề tài. Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các cơ quan thực hiện công tác quản lý của nhà nước, cơ quan nghiên cứu về bình đẳng giới, các viện nghiên cứu, trường đại học ở Hà Nội: Ban Luật pháp chính sách và Ban Tôn giáo dân tộc thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Văn hóa… PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thay mặt cơ quan chủ trì phát biểu khai mạc Hội thảo đã phân tích, nêu rõ những điểm bối cảnh đáng chú ý về mặt xã hội, chính sách nhà nước khi Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới triển khai đề tài cấp nhà nước “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta”. Đề tài bắt đầu được triển khai từ giữa năm 2017 đến nay là ba năm. Sau 3 năm thực hiện thu thập thông tin tại 14 nhóm DTTS thuộc 8 tỉnh đại diện các vùng miền dân tộc, khu vực, đề tài đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu và sản phẩm mới nhất là cuốn sách mới xuất bản về các kết quả nghiên cứu của đề tài. Nội dung đã tập trung vào tìm hiểu thực trạng bình đẳng giới ở vùng DTTS trên rất nhiều các lĩnh vực như: chính trị, giáo dục, lao động-việc làm, chăm sóc sức khỏe, đời sống gia đình, vấn đề bạo lực trên cơ sở giới và đánh giá hiệu quả, tác động của thực hiện chính sách về bình đẳng giới ở vùng DTTS. Những kết quả nghiên cứu của đề tài được kỳ vọng sẽ cung cấp được những cơ sở khoa học cho đề xuất quan điểm, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả hơn các quy định của luật pháp, chính sách về bình đẳng giới ở vùng DTTS đến năm 2030. Qua đó, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới vùng DTTS nói riêng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đang cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới, và đặc biệt trong một vài năm gần đây thì chỉ số khoảng cách giới, bình đẳng giới của Việt Nam có xu hướng xếp hạng kém hơn. GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Chủ nhiệm đề tài trình bày một số điểm chính trong đề tài “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta”. Chủ nhiệm đề tài đã giới thiệu chung về đề tài, nêu các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của đề tài, phạm vi nghiên cứu, các khái niệm cơ bản, lý thuyết và cách tiếp cận, phương pháp. Chủ nhiệm đề tài cũng nêu rõ mục tiêu, nội dung của hội thảo cũng như một số vấn đề cần thảo luận tại hội thảo. Hội thảo chia làm hai phiên: Phiên 1 gồm có 3 báo cáo: “Một số lý thuyết và cách tiếp cận nghiên cứu về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số do TS. Dương Kim Anh trình bày; “Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở vùng dân tộc thiểu số do TS. Trần Thị Hồng trình bày; “Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm ở vùng dân tộc thiểu số” do TS. Lê Ngọc Lân trình bày. Phiên 2 gồm có 3 báo cáo: “Bạo lực giữa vợ và chồng ở vùng dân tộc thiểu số” do TS. Bùi Thị Hương Trầm trình bày; “Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số” do ThS. Trần Quý Long trình bày; “Thực trạng và hiệu quả thực hiện chính sách bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số” do PGS.TS. Đặng Thị Hoa trình bày. Sau khi kết thúc các phiên trình bày, các đại biểu tham dự Hội thảo đã sôi nổi thảo luận và phát biểu ý kiến về các báo cáo. Các ý kiến thảo luận tập trung vào các chủ đề: thực trạng bình đẳng giới ở vùng DTTS; các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thực hiện bình đẳng giới cho đồng bào DTTS như phong tục tập quán, nét đặc trưng của đồng bào DTTS…; đặc biệt nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến hiệu quả của chính sách và những giải pháp mà báo cáo đề tài nêu ra về mặt chính sách liên quan đến lao động-việc làm, bình đẳng giới, bạo lực gia đình ở vùng DTTS… Các diễn giả cũng đã lắng nghe, chia sẻ và giải đáp những vấn đề đã trình bày trong báo cáo cũng như những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện đề tài. Kết thúc hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Chủ nhiệm đề tài đã cám ơn tất cả các đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra những ý kiến đóng góp sâu sắc và phong phú, đặc biệt là ý kiến đề xuất các giải pháp về mặt chính sách về thúc đẩy và nâng cao bình đẳng giới ở khu vực dân tộc thiểu số tốt hơn.

Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới xét duyệt cấp cơ sở các đề tài cấp Bộ và các đề tài cấp Cơ sở năm 2021 và 2022

Tác giả: Huyền Dân, Thanh Mai

Trang: 136-137

Trong khuôn khổ hoạt động khoa học năm 2020, ngày 17/4/2020, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức xét duyệt cấp cơ sở các đề tài cấp Bộ năm 2021-2022. Tiếp đó, ngày 21/4/2020, Viện tổ chức xét duyệt cấp cơ sở thuyết minh đề tài khoa học cấp Cơ sở năm 2021. Thành viên Hội đồng xét duyệt bao gồm các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực xã hội học, dân tộc học trong và ngoài Viện. Các đề tài cấp Bộ được xét duyệt bao gồm 03 đề tài: 1. Đề tài “Sức khỏe tâm thần của học sinh trung học và các yếu tố tác động” do TS. Đặng Bích Thủy làm chủ nhiệm tập trung tìm hiểu một số vấn đề về sức khỏe tâm thần trong học sinh trung học và các yếu tố tác động, trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị về phòng ngừa các rủi ro đối với sức khỏe tâm thần trong nhóm học sinh này. Đề tài sử dụng tiếp cận phát triển của trẻ em và lý thuyết hệ thống sinh thái xã hội trong phân tích. Dự kiến khảo sát thực tế, khoảng 600 học sinh sẽ tham gia khảo sát định lượng; 88 học sinh tham gia thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu, 48 phụ huynh tham gia thảo luận nhóm, 12 giáo viên/cán bộ đại diện cho nhà trường, ngành giáo dục, y tế, văn hoá, lao động - thương binh - xã hội tham gia trả lời phỏng vấn định tính; 2. Đề tài “An sinh xã hội của người cao tuổi dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc: chính sách và thực tiễn” do TS. Lê Ngọc Lân làm chủ nhiệm nhấn mạnh việc rà soát các nhóm chính sách an sinh xã hội (về đời sống kinh tế, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội) và việc thực hiện chính sách đối với người cao tuổi dân tộc thiểu số miền núi phía bắc. Nghiên cứu tiếp cận từ góc độ an sinh xã hội, chính sách xã hội và lý thuyết về sự phụ thuộc. Số người cao tuổi tham gia bảng hỏi định lượng là 300 người, phỏng vấn sâu là 30 người, và thảo luận nhóm tập trung là 48 người; 3. Đề tài “Phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài: Thực trạng và một số vấn đề xã hội đang đặt ra” do PGS.TS. Trần Thị Minh Thi làm chủ nhiệm nghiên cứu tình hình hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam hiện nay nhằm nhận diện các vấn đề xã hội đang đặt ra và sự thay đổi về giá trị hôn nhân, cấu trúc xã hội và vai trò giới ở Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Đề tài sử dụng các lý thuyết về Mất cân đối nam nữ trong độ tuổi kết hôn, Quy luật hôn nhân, Lực đẩy và hút, và Vai trò giới, cấu trúc giới. Đề tài sẽ phân tích 45 phỏng vấn sâu và nghiên cứu trường hợp thể hiện quan điểm và thái độ đối với hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Hai đề tài đầu tiên sẽ thực hiện phương pháp điều tra xã hội học, riêng đề tài thứ ba sẽ kết hợp phân tích các số liệu thống kê hiện có của Bộ và Sở tư pháp bên cạnh phương pháp nghiên cứu định tính. Năm 2021, Viện dự kiến triển khai 08 đề tài cấp cơ sở, bao gồm: (1) “Thứ bậc hạnh phúc của Việt Nam trong bảng xếp hạng hạnh phúc thế giới” do ThS. Bùi Thị Hương Trầm làm chủ nhiệm; (2) “Chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cấp cơ sở đối với người cao tuổi ở nông thôn” do TS. Trịnh Thái Quang làm chủ nhiệm; (3) “Sự gắn kết giữa trẻ vị thành niên với cha mẹ hiện nay” do ThS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh làm chủ nhiệm; (4) “Bảo vệ trẻ em trong môi trường công nghệ số: Một số phát hiện từ nghiên cứu định tính” do TS. Trương Thị Thu Thủy làm chủ nhiệm; (5) “Tôn giáo và sức khỏe tinh thần của người cao tuổi ở nông thôn” do ThS. Lỗ Việt Phương làm chủ nhiệm; (6) “Kỳ vọng và thực thi vai trò trụ cột gia đình của nam giới trong xã hội hiện nay” do ThS. Lê Thị Hồng Hải làm chủ nhiệm; (7) “Thực trạng bình đẳng giới trong việc ra quyết định ở gia đình dân tộc Dao tại Lạng Sơn” do ThS. Trần Thị Thanh Loan làm chủ nhiệm; (8) “Sự tham gia của phụ nữ trong xây dựng và thực hiện các mô hình phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng” do ThS. Đặng Thanh Nhàn làm chủ nhiệm. Các đề tài cấp Cơ sở được xét duyệt lần này đã đề cập đến nhiều chủ đề phong phú và nổi bật như: vấn đề của cha mẹ và con cái, trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, hạnh phúc, bình đẳng giới. Các đề tài nhận được những góp ý quan trọng và cần thiết từ Hội đồng khoa học về xây dựng mục tiêu nghiên cứu, lý thuyết và cách tiếp cận, nội dung nghiên cứu, khoanh vùng đúng trọng tâm đối tượng nghiên cứu, v.v. Nhìn chung, Hội đồng xét duyệt đề tài cấp Bộ và đề tài cấp Cơ sở đã đánh giá cao chất lượng chuẩn bị đề cương của các đề tài. Dự kiến các đề tài sẽ triển khai thực hiện từ đầu năm 2021.

Xâm hại tình dục trẻ em: Quyền lực giới và những khung trời bị lãng quên của “trinh tiết”

Tác giả: Nguyễn Văn Bình

Trang: 124-135

Tóm tắt: Thông qua việc tìm hiểu về nhận thức và thái độ của phụ huynh đối với vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trong khuôn khổ một đề tài nghiên cứu tại phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương năm 2015, bài viết phân tích khả năng chi phối của yếu tố quyền lực giới thể hiện qua quan niệm về nam tính và trinh tiết. Kết quả nghiên cứu cho thấy quan điểm về nam tính chi phối trong nhận diện đối tượng xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, việc đề cao giá trị trinh tiết ở phụ nữ và trẻ em gái làm nặng thêm tổn thương ở trẻ em gái và bỏ qua sự bảo vệ đối với trẻ em trai.

Nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở nước ta trong bối cảnh hiện nay

Tác giả: Nguyễn Huy Phòng

Trang: 112-123

Tóm tắt: Cùng với phụ nữ, trẻ em được xếp vào nhóm yếu thế trong xã hội cần được bảo vệ, chăm sóc, để những "mầm non" của đất nước được sống, học tập trong môi trường lành mạnh, giàu tình thương và lòng nhân ái, vị tha. Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã đạt được những kết quả nổi bật trên nhiều phương diện, nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập cần nhận diện để khắc phục nhằm đem lại cho trẻ em những kết quả tốt nhất. Bài viết giới thiệu một số thành tựu trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở nước ta trong những năm gần đây về các mặt: công tác giáo dục trẻ em; công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ; công tác nâng cao đời sống tinh thần, vui chơi giải trí cho trẻ. Từ đó, tác giả nêu lên một số giải pháp nâng cao công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Nhu cầu hướng nghiệp cho con tự kỷ trong độ tuổi vị thành niên của cha mẹ hiện nay

Tác giả: Bùi Thị Duyên, Bùi Thu Hương

Trang: 101-111

Tóm tắt: Ở Việt Nam hiện nay hoạt động hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ vị thành niên chủ yếu mang tính tự phát, tập trung ở khu vực tư nhân và chỉ dành cho các gia đình có điều kiện kinh tế cùng với đó là hệ thống chính sách và dịch vụ hỗ trợ chính thức cho việc hướng nghiệp con tự kỷ còn nhiều hạn chế đặt ra không ít thách thức cho các gia đình. Sử dụng dữ liệu của Đề tài “Nhu cầu của cha mẹ về hướng nghiệp cho con tự kỷ trong độ tuổi vị thành niên ở Hà Nội hiện nay” thực hiện năm 2018, bài viết xem xét thực trạng nhu cầu hướng nghiệp cho con tự kỷ ở độ tuổi vị thành niên từ góc độ của gia đình. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người tham gia nghiên cứu đều có nhu cầu hướng nghiệp cho con tự kỷ vị thành niên nhưng họ đang gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn nhất là chưa có cơ sở sản xuất, sử dụng lao động khuyến khích và sẵn lòng tạo điều kiện cho người tự kỷ, thông tin về dạy nghề, hướng nghiệp cho người tự kỷ còn hạn chế; ít cơ sở đào tạo, hướng nghiệp và kinh phí đào tạo tốn kém. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ mong muốn có sự tham gia và can thiệp cụ thể từ khu vực nhà nước vào các lĩnh vực như cung cấp thông tin, tổ chức đào tạo, dạy nghề cho đến kết nối và tạo các cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp để trẻ em tự kỷ vị thành niên có thể độc lập và hoà nhập xã hội thành công.

Thực trạng và giải pháp trong phòng chống bạo lực gia đình ở Đà Nẵng hiện nay

Tác giả: Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Lệ Hữu

Trang: 91-100

Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu về thực trạng vấn đề bạo lực gia đình ở thành phố Đà Nẵng hiện nay; qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố. Theo nhóm tác giả, các nhóm giải pháp bao gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường vai trò của các cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ những người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời, nâng cao nhận thức và khả năng tự vệ cho phụ nữ nhằm tránh các hành vi bạo lực gia đình.

Vấn đề bạo lực gia đình ở tỉnh Vĩnh Long: Thực trạng và giải pháp

Tác giả: Lê Thị Hồng Nhiên, Trần Thiện Khiêm

Trang: 81-90

Tóm tắt: Dựa trên tài liệu và số liệu thống kê về tình hình bạo lực gia đình ở Việt Nam và tỉnh Vĩnh Long, bài viết tập trung phân tích thực trạng bạo lực gia đình ở tỉnh Vĩnh Long trong những năm gần đây qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn chặn và hạn chế vấn đề này trong đời sống xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy bạo lực gia đình ở tỉnh Vĩnh Long đang là một trong những vấn đề xã hội gây bức xúc. Cho dù những năm gần đây tình trạng bạo lực gia đình ở tỉnh Vĩnh Long có chiều hướng giảm cả về số vụ và số người bị bạo lực, nhưng bạo lực gia đình vẫn tồn tại ở tất cả các hình thức cả bạo lực về tinh thần, thân thể, kinh tế cho đến bạo lực tình dục. Nạn nhân của bạo lực gia đình chủ yếu vẫn là phụ nữ và đáng chú ý là cả người cao tuổi trong gia đình. Xuất phát từ thực tế bạo lực gia đình tại Vĩnh Long, tác giả cho rằng để hạn chế tình trạng này cần nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng xã hội về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết trong phòng, chống bạo lực gia đình đẩy mạnh công tác tuyên truyền và việc thực hiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, đồng thời phát huy và nhân rộng hơn nữa mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình.

Vai trò của niềm tin và thực hành tôn giáo trong việc giải quyết mâu thuẫn vợ chồng gia đình Công giáo

Tác giả: Cù Thị Thanh Thúy

Trang: 69-80

Tóm tắt: Xã hội Việt Nam đã và đang có những biến đổi không ngừng về kinh tế - văn hóa - xã hội, khiến gia đình phải đối diện với nhiều vấn đề như: cấu trúc, chức năng thay đổi, định hướng giá trị, ly hôn, ly tán, xung đột, bạo lực… đe dọa đến sự ổn định, bền vững của hôn nhân. Trong bối cảnh đó, hôn nhân Công giáo nổi lên như một điển hình về sự bền vững khi có vai trò đáng kể trong việc giúp vượt qua khủng hoảng hôn nhân, giải quyết mâu thuẫn vợ chồng. Trong bài viết này vai trò của niềm tin và thực hành Công giáo trong việc giải quyết mâu thuẫn vợ chồng thể hiện qua những nội dung cơ bản như sau: Thứ nhất, niềm tin Công giáo thúc đẩy các cặp vợ chồng giải quyết mâu thuẫn theo chiều hướng ôn hòa. Thứ hai, các thực hành tôn giáo như cầu nguyện, xưng tội, tham gia các hội đoàn tôn giáo... giúp xoa dịu tổn thương, mất mát tình cảm vợ chồng, định hướng hành vi giải quyết mâu thuẫn theo chiều hướng tích cực bằng cơ chế mở, giảng giải về các giá trị đạo đức trong hôn nhân.

Phát triển trẻ thơ và thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam

Tác giả: Vũ Ngọc Bình

Trang: 58-68

Tóm tắt: Phát triển trẻ thơ là giai đoạn phát triển quan trọng nhất cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm, nhận thức và các kỹ năng xã hội đối với mỗi con người vì vậy trẻ thơ là đối tượng đặc biệt nhất có quyền được hưởng đầy đủ các dịch vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục để được phát triển toàn diện. Bài viết tập trung phân tích vấn đề phát triển trẻ thơ và thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam, trình bày một số nhận xét và khuyến nghị của Ủy ban Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em liên quan đến công tác phát triển trẻ thơ ở Việt Nam, từ đó đưa ra một số khuyến nghị về những vấn đề cần được xem xét nhằm tăng cường và hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác phát triển trẻ thơ ở Việt Nam theo tinh thần và nội dung Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.

An sinh xã hội cho lao động di cư ở Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Tác giả: Đoàn Kim Thắng

Trang: 43-57

Tóm tắt: Lao động di cư thuộc nhóm dễ tổn thương, người lao động khó tiếp cận các chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và an sinh xã hội (ASXH) nói riêng. Nhóm đối tượng này cũng gặp nhiều bất lợi khi sống tại các thành phố lớn với mức phí sinh hoạt cao, cuộc sống thiếu các điều kiện thiết yếu… Bản thân lao động di cư cũng còn nhiều hạn chế về nhận thức, thiếu hụt về chính sách và khung pháp lý, đồng thời các rào cản về tiếp cận các dịch vụ xã hội khiến cho người di cư dễ rơi vào những rủi ro nhất định. Bên cạnh đó, lao động di cư cũng chưa được đưa vào phạm vi quản lý, vận động và hỗ trợ của chính quyền địa phương để giúp họ và gia đình vượt qua các khó khăn của cuộc sống. Bài viết dựa trên cơ sở kết quả “Điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015” do Tổng cục Thống kê tiến hành; Điều tra về thực trạng việc làm, đời sống của người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị và khu công nghiệp năm 2013 và một số cuộc khảo sát gần đây để làm căn cứ chứng minh cho vấn đề nêu trên.

Mô hình sống của công nhân ở khu công nghiệp hiện nay (Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Bình Dương)

Tác giả: Đặng Thị Hoa, Bùi Thị Hương Trầm, Vũ Thị Cúc

Trang: 29-42

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, các khu công nghiệp ở Việt Nam phát triển rất nhanh chóng, kéo theo một lực lượng công nhân đông đảo với nhiều hình thức di cư khác nhau đến sinh sống và làm việc. Có rất nhiều khó khăn đang đặt ra với gia đình công nhân bởi hầu hết họ là những người di cư, có thu nhập thấp phải thuê nhà trọ và đối mặt với nhiều vấn đề xã hội. Dựa trên kết quả khảo sát định lượng và định tính tại khu công nghiệp tỉnh Bình Dương năm 2019, bài viết phân tích mô hình sống của công nhân ở khu công nghiệp hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy người công nhân ở các khu công nghiệp có điều kiện sống và làm việc khó khăn với thu nhập thấp. Hầu hết công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp đã kết hôn gồm cả trường hợp đã đăng ký và chưa đăng ký kết hôn với mô hình gia đình gồm cặp vợ chồng và con cái. Một số mô hình sống mới xuất hiện như gia đình đơn thân và chung sống không kết hôn, sống thử, sống ghép. Những mô hình sống này đã làm cho mối quan hệ hôn nhân và gia đình ở các khu công nghiệp, khu chế xuất ngày càng trở nên phức tạp và đang đặt ra những vấn đề xã hội cần giải quyết.

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc đạt được giáo dục trung học phổ thông của trẻ em Việt Nam

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 16-28

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Đạt được giáo dục trung học phổ thông là một thành tố quan trọng trong việc xây dựng vốn con người. Nếu không có khả năng hoàn thành giáo dục trung học phổ thông thì một cá nhân sẽ rơi vào vị trí bất lợi xét theo ý nghĩa của lợi thế so sánh. Áp dụng lý thuyết vốn con người trong phân tích số liệu Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2016 cho thấy trẻ em ở những gia đình có điều kiện kinh tế - xã hội và nguồn lực cao hơn đạt được giáo dục trung học phổ thông cao hơn. Do vậy, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc tạo cơ hội bình đẳng về đầu vào cũng như đầu ra của giáo dục trung học phổ thông nhằm mang lại lợi ích toàn xã hội và giảm gánh nặng an sinh xã hội cho quốc gia. Đối với gia đình và các bậc cha mẹ, cần nhận thức rằng đầu tư chi phí tiền bạc và chi phí cơ hội, chi phí phi kinh tế là một đòi hỏi cần thiết, một nhu cầu tự thân và không loại trừ để có được thế hệ tiếp theo với nguồn vốn con người cao và chất lượng.

Thực thi chính sách bình đẳng giới trong chính trị ở vùng dân tộc thiểu số

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 3-15

Tóm tắt: Dựa trên quan điểm giới và phát triển, bài viết phân tích các chính sách và việc thực thi chính sách thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Phương pháp chính là tổng quan tài liệu, phân tích số liệu khảo sát định lượng 344 cán bộ làm việc ở Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã tại 8 tỉnh và tư liệu thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu cán bộ chủ chốt, người dân ở cộng đồng năm 2018-2019. Kết quả phân tích cho thấy, các chính sách về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đã được các địa phương triển khai theo đúng định hướng nhưng hiệu quả đạt được còn hạn chế. Thực tế tỷ lệ phụ nữ DTTS giữ các vị trí lãnh đạo còn thấp và thường chỉ giữ vị trí cấp phó. Việc thúc đẩy giáo dục thiếu định hướng, thiếu gắn kết với đầu ra và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của địa phương dẫn đến thực trạng dư thừa và lãng phí nguồn nhân lực được đào tạo. Định kiến giới về vai trò và năng lực lãnh đạo quản lý của cán bộ nữ vẫn đang là những rào cản “vô hình” đối với sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia vào vị trí lãnh đạo.