Liên kết web
Số lượt truy cập

23

2073572

Chi tiết tạp chíSố 1 - 2023

Mục lục . Số 1/2023

Tác giả: Tạp chí Gia đình và Giới

Trang: 0

Mục lục tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới. Quyển 33. Số 1. Năm 2023

Công nghệ thông tin và đời sống người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh trong đại dịch COVID-19

Tác giả: Nguyễn Hữu Hoàng

Trang: 1-18

Già hóa dân số đã và đang tác động đến kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Sự phát triển của công nghệ thông tin (IT) cùng với chuyển đổi số được kỳ vọng là “chìa khóa” tháo gỡ thách thức này ở Việt Nam, nhất là trong đại dịch COVID-19. Tác giả đã tiến hành khảo sát 128 người cao tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu: (1) Việc tiếp cận, sử dụng và trải nghiệm tiện ích công nghệ thông tin nhằm phục vụ đời sống trong đại dịch, và (2) Quan điểm, thái độ của họ về vấn đề này. Bài viết sử dụng công cụ SPSS phiên bản 25.0 để phân tích mô tả, kiểm định Chi-square, T-test, One-way ANOVA và phân tích nhân tố. 75% người cao tuổi tiếp cận thông tin về đại dịch qua báo mạng/báo điện tử, 62,5% qua kênh truyền hình quốc gia, địa phương. Để vượt qua tâm lý tiêu cực do COVID-19, người cao tuổi có xu hướng tìm đến sự trợ giúp của IT. Tuy vậy, họ cũng ít sử dụng phần mềm và công nghệ do chính quyền thiết kế khuyến cáo sử dụng để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân bởi 50% cho rằng “chưa quen cách sử dụng”. Nghiên cứu còn cho thấy người cao tuổi bày tỏ thái độ và niềm tin vào vai trò tích cực của IT đối với cuộc sống của họ trong và hậu đại dịch.

Khuôn mẫu sử dụng thời gian cho hoạt động thư giãn của người cao tuổi thành phố Cần Thơ

Tác giả: Phan Thuận

Trang: 19-35

Tóm tắt: Mục đích của bài viết là phân tích thực trạng khuôn mẫu sử dụng thời gian cho hoạt động thư giãn của người cao tuổi và các yếu tố ảnh hưởng đến khuôn mẫu này. Bài viết đã sử dụng kết quả khảo sát 399 người cao tuổi được lựa chọn từ 6 quận, huyện của thành phố Cần Thơ. Kết quả cho thấy, người cao tuổi thành phố Cần Thơ đã sử dụng dao động 4,4 giờ - 4,6 giờ/ngày cho hoạt động thư giãn tùy thuộc vào ngày trong tuần hay cuối tuần. Thời lượng dành cho hoạt động thư giãn của người cao tuổi cũng khác nhau theo từng đặc điểm như tuổi, giới tính, mức sống, tình trạng có hay không có lương hưu. Sự khác biệt này là cơ sở để tham vấn chính sách chăm sóc xã hội đối với người cao tuổi thành phố Cần Thơ, giúp họ sống vui, sống khỏe và sống có ích.

Cảm nhận về tuổi già và vị thế trong gia đình của người cao tuổi

Tác giả: Lê Minh Thiện

Trang: 36-47

Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2016 “Cảm nhận về tuổi già ở người cao tuổi” do Viện Tâm lý học chủ trì. Kết quả nghiên cứu trên mẫu chọn gồm 100 người cao tuổi ở hai nhóm người cao tuổi sống ở Tây Mỗ (một xã ven đô mới lên phường thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và nhóm thứ hai sống ở xã Quỳnh Châu (một xã thuần nông thuộc huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình). Kết quả nghiên cứu cho thấy có đến một nửa số người được hỏi cho rằng giai đoạn tuổi già là khoảng thời gian có giá trị bởi “người cao tuổi có kinh nghiệm, dạy con cháu những điều mình biết”; là giai đoạn “sống vui, sống khỏe, sống có ích” và cho họ cảm giác đã hoàn thành trách nhiệm với gia đình và xã hội. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy một tỷ lệ khá cao (80% người cao tuổi) nhận thấy tuổi già là lúc “ốm yếu, sức khỏe giảm sút”; họ cảm thấy cô đơn, tâm lý không thoải mái, tiêu cực; cho mình là gánh nặng đối với con cháu, xã hội; bản thân họ cũng bị thiếu thốn về kinh tế và tuổi già là lúc mọi thứ trở nên tồi tệ, ít hữu ích hơn.

Căng thẳng tâm lý - xã hội của học sinh trung học cơ sở (Nghiên cứu trường hợp tại một trường trung học cơ sở ở thành phố Huế)

Tác giả: Huỳnh Thị Ánh Phương, Nguyễn Thị Hoài Phương, Trương Thị Xuân Nhi

Trang: 48-60

Bài viết này nghiên cứu các biểu hiện căng thẳng về tâm lý - xã hội của trẻ vị thành niên ở lứa tuổi trung học cơ sở và các nguồn lực hỗ trợ trẻ ứng phó dưới góc nhìn giới dựa trên dữ liệu định tính, định lượng thu thập thông qua khảo sát tại một trường trung học cơ sở ở thành phố Huế năm 2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy học sinh có những biểu hiện căng thẳng tâm lý - xã hội trong học tập, thay đổi thể chất và mối quan hệ với bạn bè. Trong đó, tỷ lệ học sinh nữ gặp phải những biểu hiện căng thẳng tâm lý - xã hội cao hơn so với học sinh nam. Học sinh tìm kiếm sự hỗ trợ chủ yếu từ bạn bè và gia đình hoặc tự tìm cách giải quyết khi gặp khó khăn, trong khi sự tiếp cận hỗ trợ từ giáo viên rất thấp. Tỷ lệ học sinh nữ tự giải quyết các căng thẳng nhiều hơn so với học sinh nam. Bài viết cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò của gia đình và nhà trường cũng như thúc đẩy công tác xã hội học đường trong việc hỗ trợ tâm lý - xã hội cho trẻ em phù hợp với đặc điểm, giới tính và lứa tuổi.

Định hướng giáo dục - nghề nghiệp của học sinh trung học phổ thông khu vực nông thôn các tỉnh phía Bắc (Nghiên cứu tại Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Bình)

Tác giả: Dương Thị Thu Hương

Trang: 73-85

Từ đầu tháng 3 năm 2020, trong đợt dịch đầu tiên, Hà Nội bắt đầu thí điểm cho các trường tổ chức học trực tuyến nhằm ứng phó với tình hình dịch COVID-19. Đây là giải pháp hữu hiệu để tiếp tục kế hoạch học tập của các trường. Tuy nhiên, học trực tuyến cũng là tác nhân xáo trộn nếp sinh hoạt, nếp sống và làm việc của nhiều gia đình, không phân biệt tình trạng thu nhập, tôn giáo hay nghề nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy có những thay đổi trong gia đình công nhân có con học trực tuyến trong dịch COVID-19. Những thay đổi đó có thể kể đến là: không gian sinh hoạt, thời gian ăn cơm, mức độ thu nhập và chi tiêu của gia đình công nhân. Mặc dù không khảo sát cụ thể tình trạng bạo lực có diễn ra như thế nào trong gia đình công nhân nhưng nhóm nghiên cứu nhận thấy hệ quả của học trực tuyến cũng đã làm ảnh hưởng hay xuất hiện xung đột giữa cha mẹ và con cái, hay xung đột giữa các con với nhau.

Tiếp cận dịch vụ công tác xã hội của nam giới gây bạo lực gia đình ở tỉnh Quảng Ninh: Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng

Tác giả: Hoàng Tuyết Mai

Trang: 86-102

Bạo lực gia đình (BLGĐ) hiện đang là điểm nóng của các quốc gia khi vấn nạn này ngày một gia tăng, trong đó có Việt Nam. Các nghiên cứu cho thấy hoạt động nâng cao vai trò trách nhiệm của nam giới - đối tượng gây bạo lực chủ yếu là rất quan trọng nhằm giảm thiểu tình trạng BLGĐ. Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu thực trạng tiếp cận của nam giới gây ra BLGĐ với các dịch vụ công tác xã hội nhằm giảm thiểu BLGĐ. Trong đó, bao gồm các đánh giá về nhu cầu sử dụng, mức độ tiếp cận của nam giới, mức độ đáp ứng của các dịch vụ với nam giới và các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận của nam giới với các dịch vụ công tác xã hội nhằm giảm thiểu BLGĐ tại tỉnh Quảng Ninh - một trong những địa phương đi đầu trong công tác phòng chống BLGĐ và luôn quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng với 300 mẫu định lượng và 23 mẫu định tính trên ba khu vực khác nhau đặc trưng cho đặc điểm địa hình tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, khả năng tiếp cận và kết quả quá trình tham gia sử dụng của nam giới với các dịch vụ công tác xã hội nhằm giảm thiểu BLGĐ còn khá hạn chế do chịu sự tác động của các yếu tố ảnh hưởng, trong đó quan trọng nhất là yếu tố thuộc về cá nhân nam giới gây BLGĐ.

Nhu cầu và sự tham gia của người dân trong sử dụng, bảo vệ nguồn tài nguyên nước (Nghiên cứu tại ba tỉnh An Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng)

Tác giả: Lê Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Lẹ, Trần Thị Phụng Hà, Trần Lê Ngọc Trâm, Nguyễn Thị Phương Thảo, Lý Văn Lợi, Đinh Thị Bạch Phượng

Trang: 103-113

Trong khoảng hơn một thập niên gần đây, khái niệm sự tham gia của cộng đồng trong quản trị tài nguyên nước mới được đặt ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng vẫn chưa phổ biến, đặc biệt là phụ nữ dù họ nằm trong nhóm dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, biến đổi khí hậu và rủi ro liên quan đến nước. Dựa trên kết quả khảo sát ở ba tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng, bài viết phân tích về nhu cầu và sự tham gia của người dân trong sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy nước là một tài sản sinh kế quan trọng và các vấn đề về nguồn nước đang ảnh hưởng bất lợi tới đời sống và sản xuất của người dân. Nghiên cứu cũng cho thấy vai trò của cộng đồng, chính quyền trong giải quyết và quản lý nguồn nước còn hạn chế; còn ở cấp độ hộ gia đình, vai trò giới trong ứng phó khi có vấn đề về nguồn nước là khá rõ, phụ nữ tham gia vào việc giải quyết khó khăn về nguồn nước thấp hơn không đáng kể so với nam giới. Việc tham gia các lớp tập huấn, tham gia vào việc quản trị nước ở địa phương của người dân, đặc biệt là phụ nữ cũng còn thấp. Vì vậy, việc tổ chức tập huấn và truyền thông về tài nguyên nước cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, là rất cần thiết để giúp họ nhận diện được các vấn đề về nguồn nước, nâng cao kỹ năng ứng phó và quản lý nguồn nước nhằm ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu và thiên tai đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động, việc làm hướng tới phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long

Tác giả: Nguyễn Yến Nhi

Trang: 114-125

Tóm tắt: Thúc đẩy bình đẳng giới là một động lực mạnh mẽ phát triển tiềm năng con người, là động lực của mọi sự phát triển. Thực hiện bình đẳng giới là vấn đề đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt hiện nay, đặc biệt là bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động - việc làm. Bằng phương pháp phân tích số liệu từ các nghiên cứu sẵn có và báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, bài viết làm rõ quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới trong lao động - việc làm, phân tích thực trạng cho thấy lao động nữ ở đồng bằng sông Cửu Long: có cơ hội việc làm ít hơn lao động nam; có vị thế việc làm thấp hơn lao động nam; có trình độ lao động thấp hơn nam; có thu nhập thấp hơn nam; thất nghiệp và di cư nhiều hơn nam. Bài viết cũng chỉ ra những nguyên nhân, hệ giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động, việc làm hướng tới phát triển bền vững tiềm năng, lợi thế con người ở đồng bằng sông Cửu Long trong tình hình mới.

Phân tích nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý nam giới trên kênh truyền hình VTV3 từ năm 2011 đến nay

Tác giả: Bùi Thu Hương, Phạm Thị Thu Phương

Trang: 126-139

Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu về cách thức các vấn đề liên quan đến giới và tình dục được khắc họa trong các quảng cáo thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý nam giới. Kết quả phân tích chín mẫu quảng cáo về cùng chủ đề phát sóng trên VTV3 từ năm 2011 đến nay cho thấy khi tiệm cận cơ thể nam giới từ góc độ y tế và sức khỏe, các quảng cáo đã sử dụng và củng cố các giá trị chuẩn mực tình dục khác giới. Trong đó, thực hành tình dục phổ biến là giữa nam và nữ, hạn chế ở quan hệ tình dục và phục vụ cho mục đích sinh sản. Khoái cảm tình dục của nữ giới được đề cập, tuy nhiên, được sử dụng như một thước đo cho mối quan hệ tình dục có chất lượng, lý tưởng và minh chứng cho nam tính của người đàn ông. Về bản chất, để tiếp thị những lời hứa phục hồi sinh lực vốn tự nhiên dồi dào của nam giới, các quảng cáo này vô hình chung đã khắc sâu thêm những kỳ vọng xã hội sẵn có về giới và tình dục, và đặt ra thêm nhiều gánh nặng cho cả hai giới.

Phân tích nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý nam giới trên kênh truyền hình VTV3 từ năm 2011 đến nay

Tác giả: Bùi Thu Hương, Phạm Thị Thu Phương

Trang: 126-139

Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu về cách thức các vấn đề liên quan đến giới và tình dục được khắc họa trong các quảng cáo thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý nam giới. Kết quả phân tích chín mẫu quảng cáo về cùng chủ đề phát sóng trên VTV3 từ năm 2011 đến nay cho thấy khi tiệm cận cơ thể nam giới từ góc độ y tế và sức khỏe, các quảng cáo đã sử dụng và củng cố các giá trị chuẩn mực tình dục khác giới. Trong đó, thực hành tình dục phổ biến là giữa nam và nữ, hạn chế ở quan hệ tình dục và phục vụ cho mục đích sinh sản. Khoái cảm tình dục của nữ giới được đề cập, tuy nhiên, được sử dụng như một thước đo cho mối quan hệ tình dục có chất lượng, lý tưởng và minh chứng cho nam tính của người đàn ông. Về bản chất, để tiếp thị những lời hứa phục hồi sinh lực vốn tự nhiên dồi dào của nam giới, các quảng cáo này vô hình chung đã khắc sâu thêm những kỳ vọng xã hội sẵn có về giới và tình dục, và đặt ra thêm nhiều gánh nặng cho cả hai giới.