Liên kết web
Số lượt truy cập

16

2024284

Chi tiết tạp chíSố 1 - 2021

Hôn nhân đồng tính ở Nhật Bản - Một vài liên hệ với Việt Nam

Tác giả: Lưu Thị Thu Thủy, Bùi Thị Hồng, Nguyễn Thị Thu Nguyệt

Trang: 122-133

Tóm tắt: Hôn nhân đồng tính luôn là chủ đề gây tranh cãi tại nhiều quốc gia. Các cuộc tranh luận về quyền cho người đồng tính (LGBT) đã diễn ra trong nhiều thập kỷ và là chương trình nghị sự xã hội ở nhiều nước trong đó có Nhật Bản. Bằng việc tổng quan các tài liệu nghiên cứu chuyên ngành, bài viết đưa ra một cái nhìn toàn diện về thực trạng hôn nhân đồng tính ở Nhật Bản trên quan điểm pháp lý cũng như chính sách của chính phủ Nhật Bản, từ đó liên hệ với vấn đề hôn nhân đồng tính ở Việt Nam. Bài viết cho thấy Nhật Bản đã có những thay đổi chính sách và quan điểm đáng chú ý về hôn nhân đồng tính. Tại Việt Nam cũng có những nét khá tương đồng: mặc dù hôn nhân đồng tính vẫn chưa được chính thức thừa nhận, nhưng trong thời gian gần đây xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn đối với vấn đề này, cho thấy trong tương lai gần những vấn đề liên quan đến hôn nhân đồng tính sẽ được giải quyết triệt để.

Thực trạng và giải pháp phòng ngừa hành vi xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi ở thành phố Đà Nẵng

Tác giả: Lê Đức Thọ

Trang: 112-121

Tóm tắt: Bài viết tổng quan về thực trạng hành vi xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi trên bàn thành phố Đà Nẵng. Nội dung bài viết đề cập đến việc thực hiện chủ trương, chính sách của thành phố Đà Nẵng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Kết quả cho thấy, mặc dù Đà Nẵng đã làm rất tốt công tác phòng, ngừa hành vi xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi, nhưng số vụ xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi vẫn diễn ra khá phức tạp thể hiện ở tình trạng xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em gái có chiều hướng gia tăng. Bài viết cũng nêu lên hậu quả của hành vi xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi và đề xuất một số giải pháp nhằm phòng ngừa hành vi xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Quan niệm của sinh viên về quyền bình đẳng, hôn nhân và nuôi con của người đồng tính (Nghiên cứu trường hợp sinh viên một trường đại học ở Hà Nội)

Tác giả: Nguyễn Đức Tuyến

Trang: 100-111

Tóm tắt: Bài viết tập trung vào khảo sát quan niệm của sinh viên Hà Nội về ba quyền mà người đồng tính (LGBT) đang bị bất bình đẳng, đó là: quyền không bị phân biệt đối xử, quyền hôn nhân và quyền có con, nuôi con. Về quyền không bị phân biệt đối xử với người LGBT, nghiên cứu cho thấy xã hội vẫn còn kỳ thị đối với người LGBT, nhưng tỷ lệ cao sinh viên ủng hộ quyền bình đẳng của người LGBT. Sinh viên nhận thấy ảnh hưởng về tinh thần đối với quyền tự do của người LGBT là nghiêm trọng nhất, hơn cả ảnh hưởng về luật pháp và y tế. Về quyền hôn nhân của người LGBT, nghiên cứu cho thấy một tỷ lệ sinh viên có sự phân biệt về yêu đương, tình dục và hôn nhân đồng giới, nhưng về cơ bản vẫn ủng hộ quyền yêu đương và hôn nhân của người LGBT. Điều này là tương tự trong quan niệm và nhận thức của sinh viên thuộc diện khảo sát về quyền nuôi con của người LGBT.

Thực trạng và cách giải quyết của học sinh trung học phổ thông khi gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần (Nghiên cứu tại Cần Thơ và Bắc Giang)

Tác giả: Lê Thu Hiền, Trần Thị Hà

Trang: 89-99

Tóm tắt: Dựa trên việc phân tích số liệu định lượng và định tính của Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu các hoạt động nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần cho học sinh trung học phổ thông” do Học viên Thanh thiếu niên Việt Nam chủ trì thực hiện năm 2020, bài viết mô tả thực trạng về sức khỏe tâm thần (SKTT) của học sinh trung học phổ thông (THPT) và cách giải quyết của các em khi gặp vấn đề về tâm lý, tình cảm và mối quan hệ bạn bè. Kết quả phân tích cho thấy, có khoảng gần 1/3 số học sinh có biểu hiện về sức khỏe tâm thần ở mức ranh giới và gần 1/10 số học sinh ở mức rối loạn. Trong số các khó khăn liên quan đến sức khỏe tâm thần, khi gặp khó khăn trong vấn đề về tâm lý tình cảm và bạn bè, những cách giải quyết được học sinh THPT lựa chọn nhiều nhất là: tự tìm cách giải quyết, nói chuyện với bạn bè, nói chuyện với bố mẹ và tìm hiểu thông tin qua internet, các diễn đàn dành cho học sinh hay những người có cùng vấn đề. Trong đó việc tự tìm cách giải quyết được học sinh lựa chọn ở mức cao nhất và học sinh nữ có điểm trung bình trong việc lựa chọn cách giải quyết này cao hơn học sinh nam.

Người cao tuổi và ý nghĩa của việc tham gia các đoàn thể xã hội

Tác giả: Nguyễn Hà Đông

Trang: 77-88

Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu về ý nghĩa của việc tham gia các đoàn thể xã hội đối với đời sống tinh thần của người cao tuổi thông qua phân tích dữ liệu định tính của Đề tài cấp Cơ sở “Gắn kết xã hội và sự hài lòng với cuộc sống của người cao tuổi hiện nay” (Nghiên cứu tại Hà Nội) do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện tại Hà Nội năm 2020. Kết quả phân tích cho thấy hầu hết người cao tuổi là thành viên của một số đoàn thể xã hội có tính phổ biến ở địa phương. Tuy cho rằng hoạt động của các đoàn thể dành người cao tuổi hiện nay còn mang tính hình thức và có những điểm hạn chế nhưng với người cao tuổi sự tham gia vào các đoàn thể này thực sự đã mang lại cho họ niềm vui, không phân biệt giới tính, trình độ học vấn, tình trạng sức khỏe, độ tuổi. Ý nghĩa đặc biệt đối với người cao tuổi khi tham gia các đoàn thể xã hội đó là giúp cho người cao tuổi duy trì cảm giác họ vẫn là thành viên của cộng đồng, xã hội chứ không cảm thấy bị cô lập, bị tách rời khỏi xã hội. Điều này không chỉ khẳng định rằng nhu cầu được gắn kết xã hội của người cao tuổi là một thực tế mà còn cho thấy vai trò tích cực của sự tham gia hoạt động đoàn thể xã hội đến đời sống tinh thần của lớp thế hệ này.

Vai trò của người cao tuổi trong việc thực hành và truyền dạy các giá trị tín ngưỡng và tập quán xã hội

Tác giả: Võ Thị Mai Phương, Đặng Thị Hoa

Trang: 66-76

Tóm tắt: Tín ngưỡng và tập quán xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của cộng đồng dân tộc ở Việt Nam. Giữ gìn và phát huy giá trị của tín ngưỡng dân gian và tập quán xã hội luôn được coi là hoạt động quan trọng trong bảo tồn bản sắc văn hóa. Trong bối cảnh xã hội đang phát triển và biến đổi như hiện nay, người cao tuổi có vai trò không nhỏ trong việc tham gia giữ gìn, bảo vệ phong tục, tập quán và tín ngưỡng dân gian của các cộng đồng dân tộc. Dựa vào số liệu của Đề tài cấp Nhà nước “Vai trò của người cao tuổi trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập” năm 2019-2021, bài viết phân tích vai trò của người cao tuổi trong việc lưu giữ, thực hành và truyền dạy các giá trị tín ngưỡng và tập quán xã hội cho thế hệ con cháu. Kết quả từ nghiên cứu này cho thấy người cao tuổi có vai trò quan trọng trong hoạt động thờ cúng tổ tiên trong gia đình, hoạt động nghi lễ của dòng họ và tập quán xã hội, họ không chỉ là người giữ vai trò thực hành chính mà còn là người truyền dạy, phát huy các giá trị tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tập quán xã hội thông qua việc giảng giải truyền thụ những lễ nghi đó cho thế hệ con cháu, góp phần bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Di cư lao động từ nông thôn ra thành thị - Chiến lược thoát nghèo hay sự nghèo hóa đa chiều của phụ nữ Việt Nam?

Tác giả: Phạm Thị Thanh Dung

Trang: 53-65

Tóm tắt: Trên cơ sở các tài liệu hiện có gần đây của thế giới và Việt Nam về vấn đề di cư nói chung và di cư lao động nữ từ nông thôn ra thành thị nói riêng, bài viết tập trung phân tích vấn đề nghèo đa chiều của lao động nữ di cư từ nông thôn ra thành thị tại Việt Nam. Qua đó, bài viết muốn chứng minh nghịch lý giữa mục tiêu xóa nghèo của chiến lược sống này với thực tế về sự nghèo đói mà phụ nữ di cư lao động nội địa đang trải qua. Với cách tiếp cận đói nghèo qua ba khía cạnh về kinh tế, xã hội và sức khoẻ, nghiên cứu cho thấy sự tăng thu nhập và tăng cơ hội tiếp cận việc làm cho phụ nữ khi di cư được đánh đổi bằng những áp lực đa chiều như sức ép tài chính, công việc bấp bênh, khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội và hòa nhập xã hội tại nơi đến, các nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe thể chất cũng như áp lực tinh thần do sự phá vỡ vai trò giới và chuẩn mực giới truyền thống.

Trải nghiệm trầm cảm sau sinh của phụ nữ đô thị Hà Nội

Tác giả: Bùi Thu Hương, Lê Thị Thu Trang

Trang: 39-52

Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu về trải nghiệm trầm cảm sau sinh của phụ nữ đô thị Hà Nội sử dụng bộ số liệu nghiên cứu định tính quy mô nhỏ về cùng chủ đề do nhóm tác giả thực hiện năm 2018. Kết quả phân tích cho thấy đa số phụ nữ tham gia nghiên cứu đều có các biểu hiện và trải nghiệm trầm cảm sau sinh. Không chỉ giới hạn ở những đau đớn và thay đổi hormone tự nhiên do mang thai và sinh con, những bế tắc và bất lực của phụ nữ ở giai đoạn này còn là hệ quả của những kỳ vọng xã hội đầy mâu thuẫn và hạn hẹp liên quan đến các vai trò giới mới của phụ nữ. Do vậy, vấn đề sức khoẻ này của phụ nữ chỉ thực sự được giải quyết khi toàn xã hội có nhận thức đúng và đủ về trầm cảm sau sinh, bình đẳng giới và chia sẻ trách nhiệm, bên cạnh các chính sách và mô hình chăm sóc tích hợp sàng lọc sức khỏe tâm thần, chăm sóc tiền và hậu sản định kỳ hiệu quả.

Khác biệt giới trong định hướng giá trị gia đình, học tập và mục tiêu tương lai của học sinh trung học phổ thông các tỉnh phía Bắc

Tác giả: Dương Thị Thu Hương

Trang: 28-38

Tóm tắt: Bài viết phân tích sự khác biệt về giới trong định hướng giá trị gia đình, lối sống và định hướng tương lai của học sinh trung học phổ thông (THPT) thuộc 6 tỉnh phía Bắc. Kết quả phân tích cho thấy học sinh một mặt vẫn coi trọng giá trị gia đình, gắn kết gia đình, đồng thời họ cũng thể hiện sự yêu thích và hướng đến lối sống tự do. Một mặt họ có niềm tin tương đối lớn về tương lai bản thân sẽ tốt hơn cuộc sống hiện tại của bố mẹ, học tập là phương tiện để đạt được mục tiêu tương lai, tuy nhiên họ lại chưa thực sự lạc quan ở mức cao về tương lai bản thân. Phát hiện đáng chú ý là học sinh nữ hướng đến giá trị về “tự do”, thể hiện qua điểm số đánh giá mức độ yêu thích lối sống tự do thậm chí cao hơn so với học sinh nam. Tuy nhiên, mức độ lạc quan về tương lai ở học sinh nữ thấp hơn đáng kể so với học sinh nam, thực trạng này diễn ra ở cả nhóm học sinh nữ có học lực giỏi trong mẫu nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu bổ sung thêm các căn cứ thực tiễn trong xây dựng các chiến lược giáo dục, truyền thông bồi đắp nhân cách, giá trị cho vị thành niên, thanh niên và học sinh nói riêng trong giai đoạn mới hiện nay.

Một số lý thuyết và cách tiếp cận nghiên cứu về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số

Tác giả: Dương Kim Anh

Trang: 17-27

Tóm tắt: Nghiên cứu về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số là cần thiết nhằm tìm ra khoảng cách giới đối với phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Bài viết phân tích một số lý thuyết và phương pháp tiếp cận để thấy được sự phù hợp và khả năng áp dụng trong nghiên cứu, giải thích vấn đề bất bình đẳng giới ở vùng DTTS nước ta. Qua đó, tác giả nhấn mạnh nghiên cứu về bình đẳng giới ở vùng DTTS cần sử dụng các phương pháp tiếp cận, các lý thuyết nhằm giải thích tốt nhất vấn đề giới trong các lĩnh vực chính trị, giáo dục và đào tạo, lao động và việc làm, chăm sóc sức khỏe, các vấn đề bạo lực giới; cung cấp cơ sở lý luận nền tảng nhằm chỉ ra các vấn đề giới cấp thiết đối với người dân vùng DTTS, giúp họ phát huy được sự chủ động, tự tin, tự chủ. Bài viết phân tích việc ứng dụng các lý thuyết và phương pháp tiếp cận trong Đề tài “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.

Xu hướng phân quyền trong gia đình Việt kiều Thái Lan

Tác giả: Vũ Hào Quang

Trang: 3-16

Tóm tắt: Bài viết phân tích quan hệ quyền lực thông qua các loại hình hoạt động của gia đình qua việc sử dụng số liệu của Đề tài cấp Nhà nước “Những đặc trưng cơ bản về con người và văn hóa của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay” thực hiện năm 2010. Kết quả phân tích số liệu 885 gia đình Việt kiều ở Thái Lan cho thấy xu hướng dân chủ trong việc phân chia quyền lực trong gia đình thể hiện rất rõ trong các chức năng cơ bản của gia đình. Trong quan hệ giới, dấu hiệu nam quyền của gia đình gia trưởng vẫn còn thể hiện nhưng không còn mạnh mẽ như trong gia đình Việt Nam truyền thống. Thu nhập bình quân đầu người/tháng có mối liên hệ khá chặt chẽ với các loại hình hoạt động của gia đình, thu nhập càng cao càng có quyền quyết định trong phân công lao động gia đình. Những người với thu nhập trên 3000 baht đến 5000 baht có xu hướng quyền lực mạnh nhất trong việc đưa ra các quyết định trong gia đình. Nhóm có thu nhập trên 5000 baht dường như không còn quan tâm đến các quan hệ quyền lực trong quan hệ gia đình vì họ đã thỏa mãn những nhu cầu căn bản.