Phân công lao động và quyền quyết định trong gia đình nông thôn đồng bằng Bắc Bộ
Tác giả: Vũ Mạnh Lợi, Trịnh Thị Quang, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Khánh Bích Trâm, Đặng Vũ Hoa Thạch
Trang: 3-16
Nghiên cứu trường hợp xã Hiên Vân về phân công lao động trong gia đình đã khắc phục thiếu sót của các nghiên cứu trước đây bằng việc mở rộng thêm diện những việc nhà, bao gồm cả các loại việc được cho là nữ giỏi hơn nam và các loại việc được cho là nam giỏi hơn nữ. Mặc dù khuôn mẫu phân công lao động cho thấy đóng góp của cả nam và nữ vào các công việc trong hộ gia đình phù hợp với quan niệm truyền thống về năng lực so sánh của nam và nữ, phụ nữ nhìn chung vẫn là người dành nhiều thời gian hơn cho các công việc trong gia đình. Trong gia đình, phụ nữ vẫn là lực lượng chính, đảm đương phần lớn gánh nặng việc nhà. Về quyền ra các quyết định trong gia đình, nói chung hai vợ chồng cùng bàn bạc ra quyết định là hình thức phổ biến nhất đối với hầu hết các khía cạnh của đời sống gia đình. Tuy nhiên, vợ là người quyết định nhiều hơn chồng đối với công việc sản xuất của gia đình. Đây là điều rất khác với các nghiên cứu trước đây. Tỷ lệ phụ nữ là người ra quyết định chính hay là người đồng ra quyết định chính cũng ngang bằng với nam giới ở những việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho các thành viên và những hoạt động xã hội chung của cả hai vợ chồng. Điều này gợi ra rằng phụ nữ đang có xu hướng gia tăng ảnh hưởng của mình trong những hoạt động xã hội ngoài gia đình.
Nghi lễ vòng đời của người Muslim
Tác giả: Nguyễn Bình
Trang: 17-27
Dù ít hay nhiều, cuộc đời mỗi người đều phải gắn kết với một cộng đồng nào đó và phải trải qua những nghi lễ vòng đời. Tuy nhiên, trong một cộng đồng tôn giáo thì nghi lễ vòng đời trở thành một mắt xích quan trọng, vừa để thể hiện đức tin và sự tôn nghiêm của tôn giáo ấy đối với các tín đồ vừa là sợi dây cố kết cộng đồng, đồng thời ở một mức độ nhất định là sự thể hiện khác biệt giữa tôn giáo này với tôn giáo khác trong một xã hội có nhiều tôn giáo cùng tồn tại. Bài viết này trình bày một số nội dung cơ bản về nghi lễ vòng đời người của cư dân theo Islam giáo nói chung và qua đó có sự so sánh với các cộng đồng thực hành đức tin theo Islam giáo ở Việt Nam.
Tình cảm vợ chồng trong tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam
Tác giả: Lê Huy Thực
Trang: 28-33
Người Việt Nam rất coi trọng cuộc sống gia đình chính vì vậy trong kho tàng tục ngữ, thơ ca dân gian có nhiều câu triết luận nói về tình cảm vợ chồng, tình nghĩa phu thê. Bài viết này tìm hiểu một số biểu hiện tình cảm giữa vợ và chồng trong xã hội truyền thống qua phân tích một số các câu tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam. Quan hệ hôn nhân biến đổi theo thời đại khác nhau, cho dù như vậy nó vẫn chia sẻ những giá trị chung như sự chung thủy, tình yêu thương và sự chia sẻ trách nhiệm giữa vợ và chồng trong gia đình, và sẽ là những giá trị vẫn còn được đề cao trong xã hội hiện đại ngày nay.
Những phẩm chất cần có của phụ nữ Việt Nam thời đại mới
Tác giả: Bùi Thị Ngọc Lan
Trang: 34-40
Bài viết dưới đây tập trung làm rõ những phẩm chất: có tri thức, có năng lực làm chủ khoa học, công nghệ và có kỹ năng nghề nghiệp, giúp phụ nữ có thể thích ứng một cách linh hoạt với điều kiện mới nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bản thân, gia đình và góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.
Nữ thanh niên xung phong Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ
Tác giả: Kim Văn Chiến
Trang: 41-50
Phần lớn các tác phẩm văn học, phim tài liệu và báo chí ở Việt Nam hiện nay kể về cuộc đời của những người phụ nữ trẻ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Các tác phẩm này đã nêu lên số phận của một số nữ thanh niên tình nguyện xung phong ra chiến trường và những công việc vất vả của họ nơi tiền tuyến. Đó là một thời để nhớ, đó là một huyền thoại, một ký ức, một kỷ niệm… của những thiếu nữ ở độ tuổi 18-20, sẵn sàng quên tuổi thanh xuân của mình góp sức cho cuộc chiến đấu bên cạnh những người nam giới. Bài viết miêu tả hình ảnh phụ nữ trẻ Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ mà tác giả cho là lực lượng đặc biệt của cuộc chiến tranh này, đồng thời nêu lên vai trò, những đóng góp và những khó khăn của họ nơi tiền tuyến.
Bình đẳng giới ở Việt Nam: Một vài vấn đề trong thực hiện chính sách cán bộ nữ
Tác giả: Võ Thị Mai
Trang: 51-59
Dựa trên những số liệu thực tế, bài viết chỉ ra những thành tích và hạn chế trong việc thực hiện các chính sách về Giới và Bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước trong công tác cán bộ nữ. Mặc dù phụ nữ tham gia gần bằng nam giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng so với nam giới vẫn còn ít nữ làm cán bộ lãnh đạo, quản lý; ít nữ có vị trí nắm giữ và thực thi quyền lực trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bài viết cũng đưa ra các giải pháp và khuyến nghị nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả của việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước về tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Buôn bán phụ nữ và trẻ gái trở thành gái mại dâm - sự vi phạm nghiêm trọng về quyền con người
Tác giả: Lê Thị Lan Phương
Trang: 60-66
Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu cho đến nay về nạn buôn bán người, bài viết cho thấy việc buôn bán phụ nữ và trẻ em gái phục vụ cho mục đích mại dâm là vi phạm nghiêm trọng quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái trên các khía cạnh về bản chất công việc, điều kiện làm việc tồi tệ, về tính thường xuyên bị bạo lực và lạm dụng cũng như sự cách ly xã hội liên quan đến định kiến và phân biệt đối xử. Theo tác giả, quyền của phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán trở thành gái mại dâm không chỉ bị vi phạm bởi những kẻ buôn bán, khách hàng, chủ chứa và ma cô mà đôi khi còn bởi chính gia đình, cộng đồng và xã hội nơi họ sinh sống. Việc tồn tại của buôn bán phụ nữ và trẻ em gái cho mục đích mại dâm, do đó, làm tăng sự lệ thuộc, yếu kém của phụ nữ và trẻ em gái.
Bàn về nam tính ở Việt Nam
Tác giả: Vũ Hồng Phong
Trang: 67-80
Bài viết trình bày những cách nhìn phổ biến về nam tính ở Việt Nam trong các công trình nghiên cứu khoa học xã hội. Bài viết cho rằng những nghiên cứu về nam tính hiện nay tập trung chủ yếu vào đàn ông người Kinh, tộc người có dân số lớn nhất Việt Nam, và ít chú trọng vào đàn ông thuộc các tộc người thiểu số. Những mô tả về đàn ông người Kinh có xu hướng đơn điệu, như thể chỉ có một mẫu hình nam tính phổ quát chung. Những mô tả về nam tính này có thể được phân thành ba loại: người đàn ông không chung thủy, người đàn ông bạo lực, và người đồng tính nam với nguy cơ nhiễm HIV/AIDS. Điều này có lẽ bị ảnh hưởng bởi công thức rất điển hình của ngành y tế công cộng, đó là tìm ra các “nhóm nguy cơ”. Nhiều học giả đã tập trung vào mô tả các mặt tiêu cực của nam tính trong văn hóa người Kinh và liên hệ đến sự chịu đựng của phụ nữ.
Tổng quan về sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với nam có quan hệ tình dục đồng giới tại Việt Nam
Tác giả: Mai Xuân Thu, Lê Cự Linh
Trang: 81-90
Tình dục đồng giới nam là một vấn đề nhạy cảm đã tồn tại trong xã hội từ lâu, nhưng những hiểu biết về nó còn sơ sài và chưa rõ ràng. ở Việt Nam, tình dục đồng giới nam được coi là điều trái với tự nhiên, đi ngược lại với thuần phong mĩ tục. Những chuẩn mực xã hội đó đã khiến nam có quan hệ tình dục đồng giới tự kỳ thị bản thân và chịu sự miệt thị và phân biệt đối xử từ phía gia đình và cộng đồng xã hội, điều đó hạn chế khả năng tiếp cận với quyền lợi và dịch vụ xã hội của họ. Bài viết trình bày các đặc điểm xã hội và tình dục của nam có quan hệ tình dục đồng giới ở Việt Nam, thực trạng kỳ thị và phân biệt đối xử mà họ đang phải chịu đựng, cũng như nhấn mạnh tới sự tham gia của chính quyền cũng như vai trò của truyền thông trong việc thay đổi cách nhìn của cộng đồng đối với vấn đề nhạy cảm này.
Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 1/2013
Tác giả:
Trang: 1-96
Mục lục số 1/2013
TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG
Vũ Mạnh Lợi, Trịnh Thị Quang, Nguyễn Hồng Thái,
Nguyễn Khánh Bích Trâm, Đặng Vũ Hoa Thạch Phân công lao động và quyền quyết định trong gia đình nông thôn đồng bằng Bắc Bộ
3
Nguyễn Bình Nghi lễ vòng đời của người Muslim
17
Lê Huy Thực Tình cảm vợ chồng trong tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam
28
Bùi Thị Ngọc Lan Những phẩm chất cần có của phụ nữ Việt Nam thời đại mới
34
Kim Văn Chiến Nữ thanh niên xung phong Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ
41
Võ Thị Mai Bình đẳng giới ở Việt Nam: Một vài vấn đề trong thực hiện chính sách cán bộ nữ
51
Lê Thị Lan Phương Buôn bán phụ nữ và trẻ gái trở thành gái mại dâm - sự vi phạm nghiêm trọng về quyền con người
60
Vũ Hồng Phong Bàn về nam tính ở Việt Nam
67
Mai Xuân Thu, Lê Cự Linh Tổng quan về sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với nam có quan hệ tình dục đồng giới tại Việt Nam
81
Hương Trầm Hội nghị Triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và tham vấn dự thảo đề án thành phần của Chiến lược (khu vực miền Bắc) 91
Lỗ Việt Phương Hội thảo Nghiệm thu kết quả nghiên cứu “Thực trạng mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội” 92
Đào Hồng Lê Tổng mục lục Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới năm 2012 94