Liên kết web
Số lượt truy cập

18

2937350

Tin hoạt động

Giới thiệu Mô hình Làm cha mẹ tích cực và bộ tài liệu “Gia đình hạnh phúc”

14/01/2025
Số liệu Điều tra Các mục tiêu Phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 cho biết 72,4% trẻ em từ 1-14 tuổi đã phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong hộ gia đình trong một tháng trước cuộc điều tra. Trẻ em trai (74,4%) có nguy cơ bị bất kỳ hình thức xử phạt nào cao hơn một chút so với trẻ em gái (70,3%). Trong bối cảnh các biện pháp xử phạt bằng bạo lực đối với trẻ em vẫn đang diễn ra phổ biến trong gia đình, Tổ chức Tầm nhìn thế giới (WVI) tin rằng bằng cách trang bị cho cha mẹ kiến thức, kỹ năng đối xử với trẻ một cách công bằng, ân cần, nhân từ sẽ tạo môi trường sống an toàn và yêu thương cho trẻ em, tăng cường mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ - con cái, giúp trẻ em phát triển toàn diện. Vì thế, từ năm 2016, WVI hỗ trợ thực hiện Mô hình Làm cha mẹ tích cực (LCMTC) tại một số địa bàn dự án thuộc các tỉnh Hải Phòng, Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đắk Nông, v.v..

Để chuẩn bị cho việc triển khai giai đoạn chiến lược tiếp theo, WVI đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (IFGS) thực hiện đánh giá hiệu quả mô hình LCMTC, rà soát bộ tài liệu của mô hình LCMTC mang tên “Gia đình hạnh phúc” gồm sổ tay dành cho cha mẹ và sổ tay của người hướng dẫn.

 

Mô hình LCMTC được WVI thực hiện ở cộng đồng với các giai đoạn: Lựa chọn đối tác ở địa phương và xây dựng các nhóm nòng cốt ở cộng đồng; Trang bị kiến thức, kỹ năng cho nhóm nòng cốt; Tập huấn cho các nhóm cha mẹ ở cộng đồng; Trao quyền cho cộng đồng (qua các nhóm nòng cốt) thúc đẩy tập huấn cho cha mẹ và tạo môi trường khuyến khích cha mẹ/người chăm sóc trẻ áp dụng những giá trị và kỹ năng đã học vào cuộc sống hằng ngày (thông qua hội thảo chuyên đề lồng ghép với các nhóm ở cộng đồng, tổ chức các sự kiện gia đình, v.v..).

 

Các tài liệu của Mô hình được biên soạn bởi WVI và trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác, tiếp tục được Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam biên tập lại theo hướng lồng ghép yếu tố và thực hành về Bình đẳng giới, Khuyết tật và Hòa nhập xã hội (GEDSI), học hỏi các bài học kinh nghiệm từ thực địa, đảm bảo phù hợp về văn hóa và xã hội của Việt Nam.

 

Các tài liệu “Gia Đình Hạnh Phúc” được xây dựng dựa trên năm khái niệm quan trọng: tạo không gian để Yêu thương và Bao dung; tìm những hạt giống Thiện lành; tìm những cơ hội để Tha thứ và những lý do để bày tỏ lòng Biết ơn. Các tài liệu hướng dẫn gia đình tiến đến cuộc sống trọn vẹn bằng cách tập trung vào tiến trình: Xử trí quá khứ, Nhận biết hiện tại, Hình dung tương lai, và Theo đuổi ước mơ. Trải qua các tiến trình này, cha mẹ/ người chăm sóc trẻ có cơ hội suy ngẫm từ trải nghiệm của bản thân về các giá trị gia đình, nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ nhằm mang lại cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa cho trẻ em.

Sổ tay dành cho cha mẹ được cung cấp cho cha mẹ/ người chăm sóc trẻ sử dụng trong suốt quá trình tham gia khóa Tập huấn Gia Đình Hạnh Phúc. Cha mẹ sẽ ghi lại những trải nghiệm và suy nghĩ của bản thân để suy ngẫm và thay đổi nhằm mang lại cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa cho con em mình. Cha mẹ cũng có thể tiếp tục sử dụng sổ tay sau khóa tập huấn để luôn luôn tự động viên mình tiếp tục thực hiện các cam kết dành cho gia đình, đặc biệt là cho con em của mình nhằm đạt đến một cuộc sống trọn vẹn và yêu thương từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 

Tổ chức Tầm nhìn thế giới hy vọng rằng trong quá trình học tập và suy ngẫm về “Gia đình Hạnh phúc”, cha mẹ có thể nhận ra những tổn thương trong quá khứ để yêu thương, bao dung và tha thứ trong hiện tại; cũng như được trang bị kiến thức, kỹ năng để theo đuổi những ước mơ dành cho gia đình mình. Kết quả đánh giá của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã chỉ ra tính hiệu của Mô hình qua các chỉ báo sau. Thứ nhất, mối quan hệ vợ chồng được cải thiện theo hướng tăng sự sẻ chia, yêu thương. Các hoạt động trò chuyện, dành lời khen cho nhau, có cử chỉ thân mật, âu yếm, cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau chăm sóc con cái thường xuyên diễn ra ở các gia đình người hưởng lợi hiện nay. Thứ hai, mâu thuẫn giữa vợ và chồng trong gia đình có xu hướng giảm và nếu có thường được giải quyết bằng sự bao dung, tha thứ. Thứ ba, trẻ em được quan tâm, tôn trọng và yêu thương hơn. Đa số cha mẹ đã nhận thức được việc cần tôn trọng ý kiến của trẻ, trò chuyện với trẻ về vấn đề giới tính, thể hiện tình yêu thương với trẻ bằng những cử chỉ âu yếm chứ không phải đòn roi, và nói lời xin lỗi trẻ trong trường hợp nhất định. Tỷ lệ cha mẹ có các tương tác tích cực như trên với con tăng lên so với trước khi tham gia Mô hình. Thứ tư, cha mẹ ít có hành vi nói nặng lời/ mắng chửi/ đánh trẻ em. Số liệu định lượng khảo sát về ứng xử của cha mẹ khi con mắc lỗi cho thấy đa số cha mẹ lựa chọn cách thức nhắc nhở, phân tích đúng sai.

 

Có thể nói, mô hình làm cha mẹ tích cực và các tài liệu hướng dẫn đã góp phần vào việc xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc như mục tiêu Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định 2238/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 30/12/2021) hướng tới, trong đó có mục tiêu cụ thể là phấn đấu 100% các địa phương có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở.

 

Trần Thị Hồng