Liên kết web
Số lượt truy cập

16

2025163

Hợp tác trao đổi thông tin

Tập huấn về Kinh tế học đáp ứng vấn đề giới và bảo trợ xã hội

12/05/2017
Trong các ngày từ 10-15/2/2014, tại Hà Nội đã diễn ra khóa tập huấn về Kinh tế học đáp ứng vấn đề giới và bảo trợ xã hội. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho các cán bộ Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới 2013-2014” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID) hỗ trợ tài chính; Cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc (UN Women) và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phối hợp triển khai. Mục tiêu của khóa tập huấn là nhằm bổ sung kiến thức về Giới và Kinh tế học phát triển, cũng như cung cấp các công cụ và khung phân tích giới có gắn với vấn đề bảo trợ xã hội cho các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.

Khóa tập huấn được tiến hành theo phương pháp đồng tham gia, kết hợp giữa bài giảng, bài tập thảo luận, bài tập thực hành và làm việc theo nhóm. Khóa tập huấn được thiết kế để phù hợp với trình độ đa dạng của học viên, trải rộng qua nhiều học phần, bao gồm: các khái niệm cơ bản về giới và kinh tế; lao động không được trả công; việc làm và thị trường lao động; giới và nghèo đói; giới và kinh tế học vĩ mô.

Tại hầu hết các quốc gia, thời gian dành cho các công việc không được trả công nhiều hơn thời gian sử dụng vào công việc được trả công. Học phần Lao động không được trả công giúp cho học viên tiếp cận sâu hơn khái niệm về lao động không được trả công, đồng thời tìm hiểu vì sao lao động không được trả công được xem xét hoặc bỏ qua trong quá trình hoạch định chính sách. Một mục đích khác của học phần này là nêu bật những sai sót thường gặp trong công tác thu thập và trình bày các số liệu về kinh tế và xã hội. Học phần cũng đưa ra những hướng dẫn chung liên quan tới lao động không được trả công trong quá trình hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, học phần cũng gợi mở các cách thức để ước lượng và đánh giá giá trị công việc chăm sóc không được trả công.

Tiếp theo những phân tích về lao động không được trả công như là một thành tố quan trọng trong phân bổ thời gian và nguồn lực trong các hoạt động kinh tế, học phần Việc làm và thị trường lao động đưa ra những phân tích về giới từ góc độ lao động và thị trường lao động trong bối cảnh của châu á và Thái Bình Dương, bao gồm những vấn đề như cung ứng lao động và cấu trúc việc làm bị chia tách, đưa đến một bức tranh đầy đủ hơn về phân bổ thời gian và nguồn lực. Học phần cũng đưa ra bài tập lập bản đồ việc làm và thảo luận các chính sách việc làm từ góc độ giới.

Học phần Giới và nghèo đói giới thiệu những định nghĩa và thước đo về nghèo đói trong thu nhập và tiêu dùng, đồng thời tìm hiểu mối quan hệ giữa nghèo đói và cấu trúc hộ gia đình. Học phần này cũng trang bị cho học viên khả năng bóc tách các chiều cạnh giới trong sự vận động của nghèo đói.

Nhằm giúp học viên nghiên cứu kinh tế học vĩ mô có tính nhạy cảm giới, học phần Giới và kinh tế học vĩ mô giới thiệu và trình bày chi tiết một số khía cạnh quan trọng của kinh tế học vĩ mô, bao gồm cơ cấu hạch toán xã hội, dòng lưu chuyển của thu nhập và sản phẩm, tổng chi tiêu nội địa, số nhân, gia tốc và phân tích hai khoảng chênh lệch. Kinh tế học vĩ mô thường được xem là không quan tâm đến các mối quan hệ phát sinh từ giới. Nó nghiên cứu và tìm hiểu về môi trường kinh tế nói chung nhưng hiếm khi đề cập đến vấn đề giới, mà nếu có, thì giữ thái độ trung lập. Xem xét kinh tế vĩ mô dưới góc độ giới cũng chính là xem xét các mối quan hệ tương hỗ qua lại giữa chúng. Phân tích về giới trong kinh tế học vĩ mô nhấn mạnh cả hai khía cạnh: (i) sự thẩm thấu của các mối quan hệ giới trong các khái niệm kinh tế vĩ mô; và (ii) những thiếu hụt trong đo lường các hoạt động kinh tế như công việc chăm sóc không được trả công của các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Cuối khóa tập huấn, các học viên được chia nhóm 3 người tham gia bài tập thiết kế các nghiên cứu bảo trợ xã hội đáp ứng vấn đề giới ở Việt Nam. Các bài tập này sau đó được thu thập lại, chọn lọc và phát triển hoàn chỉnh thành những đề tài nghiên cứu trong tương lai.

 

Đ.H.L


Các tin cũ hơn.................................................