Điểm nhấn
- Hội thảo khoa học: "Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"
- Tọa đàm khoa học "Vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu khoa học xã hội"
- HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA CHI ỦY, LÃNH ĐẠO VIỆN VỚI ĐẢNG VIÊN, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆN NGHIÊN CỨU GIA ĐÌNH VÀ GIỚI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024
- CHI BỘ VIỆN NGHIÊN CỨU GIA ĐÌNH VÀ GIỚI TỔ CHỨC SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ: ĐOÀN KẾT THỐNG NHẤT TRONG ĐẢNG THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
- Cuộc thi “Nét đẹp và giá trị gia đình Việt Nam” hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2024
- Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đi thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ
- Tổng mục lục Tạp chí 2023
- Viện nghiên cứu Gia đình và Giới phát động phong trào thi đua và ký Giao ước thi đua năm 2024
- Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ : “Đầu tư vào Phụ nữ - Đẩy nhanh tiến độ phát triển”
- Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024
Liên kết web
Số lượt truy cập
34
2623985
Chi tiết tạp chíSố 6 - 2018
Phân công lao động giữa vợ và chồng trong công việc gia đình ở nông thôn Bắc Bộ giai đoạn 1976-1986
Tóm tắt: Trên cơ sở bộ số liệu “Phân công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tiến hành năm 2018, bài viết tìm hiểu thực trạng phân công công việc gia đình giữa vợ và chồng trong gia đình thông qua việc sử dụng phương pháp phân tích tương quan hai biến và ba biến. Kết quả cho thấy, công việc nội trợ do người vợ thực hiện là chính, người chồng chủ yếu đảm nhận các công việc mang tính kỹ thuật, còn các công việc nặng và công việc mang tính nghi lễ, thăm hỏi lại có sự chia sẻ hài hòa giữa hai vợ chồng. Yếu tố quy mô gia đình, nghề nghiệp của chồng, mô hình chung sống sau hôn nhân và việc hai vợ chồng sống gần nhau có sự tác động nhất định đến việc phân công công việc gia đình giữa vợ và chồng trong thời kỳ này.
Quyền quyết định giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn Nam Định giai đoạn 1976-1986
Tóm tắt: Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài “Quyền quyết định giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” thực hiện năm 2018. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, gia đình nông thôn Việt Nam giai đoạn 1976-1986 cũng nằm trong bối cảnh chung của xã hội thời kỳ hậu chiến, người chồng từ chiến trường quay về tiếp tục nắm giữ quyền quyết định những việc lớn trong gia đình và người vợ lại chủ yếu quyết định các công việc nội trợ. Tuy nhiên, điểm mới thu được trong nghiên cứu này đó là, sự nắm quyền tuyệt đối của người chồng trong các quyết định trong gia đình đã không còn nữa, thay vào đó xuất hiện xu hướng hai vợ chồng cùng quyết định trong hầu hết các công việc của gia đình.
Tóm tắt: Nghiên cứu này sử dụng phương pháp hồi cố để thu thập các thông tin về đời sống vợ chồng những năm đầu sau kết hôn giai đoạn 1976-1986 khi nước ta hoàn toàn giải phóng. Kết quả cho thấy đa số các cặp vợ chồng phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế để duy trì đời sống ổn định. Những giả định về mâu thuẫn trong lối sống do sự tái hợp sau khoảng thời gian dài xa cách vì chiến tranh, hoặc sự thích ứng do quá trình tìm hiểu trước hôn nhân khá ngắn đều không thể hiện rõ nét. Nhu cầu về kinh tế, cơm ăn, áo mặc bộc lộ vượt trội hơn nhu cầu chia sẻ tình cảm lứa đôi.
Tóm tắt: Dựa trên mẫu phỏng vấn 394 trường hợp kết hôn giai đoạn 1976-1986 tại ba xã thuộc tỉnh Thái Bình, bài viết tìm hiểu mô hình sắp xếp nơi ở sau hôn nhân và các biến thể của mô hình cư trú ở nhà chồng khu vực nông thôn miền Bắc Việt Nam thời kỳ này. Kết quả cho thấy, ngoài mô hình sống với nhà vợ và sống riêng thì đại đa số nơi ở sau hôn nhân của các cặp vợ chồng kết hôn giai đoạn 1976-1986 là sống với nhà chồng (trên 90%). Và mô hình sống với nhà chồng không đơn thuần và bất biến mà có các biến thể về không gian và thời gian. Việc sắp xếp nơi ở sau hôn nhân thời kỳ này phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế, đặc điểm nhân khẩu, và các mong đợi của cá nhân/gia đình.
Hoàn cảnh tìm hiểu bạn đời ở nông thôn Bắc Bộ giai đoạn 1976 -1986 và các yếu tố tác động
Tóm tắt: Cùng với những biến động mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội, mô hình hôn nhân trong giai đoạn 1976-1986 tiếp tục biến đổi, bắt đầu từ hoàn cảnh tìm hiểu bạn đời. Trên cơ sở phân tích dữ liệu điều tra định lượng của đề tài “Gia đình nông thôn Bắc Bộ giai đoạn 1976-1986”, bài viết cho thấy có sự dịch chuyển theo hướng tăng cường sự tự chủ, chủ động của cá nhân trong việc tìm kiếm người bạn đời. Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển này không dẫn tới sự thoát ly hoàn toàn ảnh hưởng của gia đình, vai trò của gia đình, dòng họ… vẫn được duy trì ở một mức độ nhất định. Các yếu tố như nghề nghiệp tại thời điểm kết hôn, đoàn hệ hôn nhân và cư trú cùng địa phương có ảnh hưởng đến mức độ chủ động trong việc tìm kiếm bạn đời của cá nhân.
Tóm tắt: Dựa trên số liệu khảo sát thuộc hệ đề tài cơ sở về chủ đề lịch sử gia đình giai đoạn 1976-1986 do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới triển khai năm 2018 tại hai xã Nghĩa Hùng và Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, bài viết tìm hiểu sự trợ giúp về mặt tinh thần giữa cha mẹ và con cái ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn này, bên cạnh sự trợ giúp về mặt vật chất thì những hoạt động trợ giúp về mặt tinh thần như: bố mẹ giúp con trông cháu khi còn nhỏ, chăm sóc cháu khi ốm đau, chăm con khi sinh nở hoặc đau ốm, giúp con giải hòa khi có xung đột gia đình… đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp cho các đôi vợ chồng trẻ tạo lập nền tảng gia đình ổn định trong thời gian 5 năm đầu mới kết hôn. Sự tương trợ lẫn nhau, lá lành đùm lá rách, giữa các thành viên thân tộc này cũng phản ánh một nét đẹp truyền thống xuyên suốt lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Tóm tắt: Bài viết mong muốn tìm hiểu thông tin về tác động của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tới đời sống kinh tế hộ gia đình (HGĐ) từ những con người xã hội sống trong giai đoạn 1976-1986, từ đó đưa ra nhận định đa chiều về một giai đoạn lịch sử dân tộc. Nội dung bài viết dựa trên tổng quan nghiên cứu và kết quả khảo sát định lượng đã chọn lọc 346 mẫu phù hợp trong tổng 411 người dân kết hôn giai đoạn 1975-1985 tại 02 xã thuộc tỉnh Thái Bình, phỏng vấn sâu 15 đối tượng, 2 thảo luận nhóm (TLN) với những người có trải nghiệm và nhận thức sâu sắc về giai đoạn này. Kết quả cho thấy sự đối lập giữa một bên là chỉ có tỉ lệ thấp những ý kiến cho rằng HTX khiến đời sống kinh tế HGĐ kém hơn so với trước năm 1975 và một bên là còn nhiều đói nghèo về vật chất và sự trì trệ trong tinh thần lao động ở HTX. Nguyên nhân của sự đối lập này bắt nguồn từ thực tế là hiệu quả kinh tế mà HTX đã mang lại cho HGĐ thấp hơn nhiều so với mong đợi của họ khi tham gia HTX.
Hoạt động kinh tế hộ gia đình ở khu vực nông thôn Bắc Bộ giai đoạn 1976-1986
Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu hoạt động kinh tế hộ gia đình ở khu vực nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986. Đây là giai đoạn áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở miền Bắc cho cả nước sau khi thống nhất và còn được gọi là thời kỳ bao cấp. Hoạt động kinh tế hộ gia đình trong giai đoạn 1976-1986 được thực hiện theo cơ chế hoạt động của hợp tác xã là nhận khoán việc (1976-1980) và nhận khoán sản phẩm (1981-1985). Đất đai thuộc sở hữu tập thể của hợp tác xã nông nghiệp cho nên thành viên hộ gia đình chỉ có thể tham gia lao động với tư cách là xã viên. Nguồn nhân lực lao động trong hoạt động kinh tế hộ gia đình chỉ được đào tạo theo cơ chế tự đào tạo, cha truyền con nối và sử dụng lao động sống là chủ yếu. Tỷ lệ hộ gia đình thuần nông nghiệp và hỗn hợp chiếm hầu hết, rất ít hộ hoạt động theo hình thức phi nông nghiệp. Có thể nói, hộ gia đình luôn luôn là đơn vị kinh tế độc lập, phát triển một cách tự chủ và năng động dù thuộc loại hình thức kinh tế nào, ở trình độ tổ chức và hoạt động sản xuất kinh doanh như thế nào. Các hình thức kinh tế hợp tác không “hòa tan” hộ gia đình vào tập thể. Ngược lại, các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trở thành điều kiện, môi trường để hỗ trợ cho sự phát triển đầy đủ hơn của các hoạt động kinh tế hộ gia đình.
Tác động của tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại đến chức năng gia đình Việt Nam hiện nay
Tóm tắt: Trên cơ sở quan điểm toàn diện khi nhìn nhận về các vấn đề của đời sống gia đình, trong bài viết, tác giả chỉ ra và phân tích sự tác động của tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại đến các chức năng gia đình Việt Nam như: chức năng sinh đẻ, chức năng kinh tế, chức năng giáo dục, chức năng thoả mãn nhu cầu tâm lý, tình cảm của vợ chồng. Từ đó, nhằm phát huy những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại đến chức năng gia đình Việt Nam hiện nay.