Điểm nhấn
- Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới
- Hội thảo khoa học: "Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"
- Tọa đàm khoa học "Vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu khoa học xã hội"
- Hội nghị Đối thoại giữa Chi ủy, Lãnh đạo viện với đảng viên, viên chức và người lao động Viện nghiên cứu Gia đình và Giới 6 tháng đầu năm 2024
- Chi bộ Viện nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Cuộc thi “Nét đẹp và giá trị gia đình Việt Nam” hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2024
- Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đi thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ
- Tổng mục lục Tạp chí 2023
- Viện nghiên cứu Gia đình và Giới phát động phong trào thi đua và ký Giao ước thi đua năm 2024
- Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ : “Đầu tư vào Phụ nữ - Đẩy nhanh tiến độ phát triển”
Liên kết web
Số lượt truy cập
30
2787681
Chi tiết tạp chíSố 6 - 2016
Ngày 6/12/2016 tại Hà Nội, Học viện Dân tộc (thuộc Uỷ ban Dân tộc) và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học công bố một số kết quả bước đầu của đề tài “ảnh hưởng của phong tục tập quán các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới”.
TS. Đặng Thị Hoa, đại diện cho nhóm nghiên cứu đã trình bày một số nét chính:
Mục tiêu chính của đề tài: Đánh giá thực trạng ảnh hưởng của phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc đến hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó đề xuất giải pháp phát huy yếu tố tích cực của phong tục tập quán trong xây dựng nông thôn mới.
Một số kết quả nghiên cứu chính:
- Đặc điểm các dân tộc miền núi phía Bắc: có tính liên kết, cộng đồng cao; có nhiều phong tục tập quán truyền thống chi phối các hoạt động sản xuất và sinh hoạt thường ngày, người dân khó chấp nhận sự thay đổi; tâm lý sống dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên; tập quán trong chăm sóc sức khỏe và KHHGĐ còn nhiều hạn chế…
- Đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc gặp nhiều trở ngại trong việc xây dựng nông thôn mới.
- Một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa phù hợp với thực tiễn ở vùng miền núi phía Bắc: ví dụ tiêu chí về quy hoạch sử dụng đất, về sử dụng nhà văn hóa, về xây dựng chợ, về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, về cơ cấu thu nhập và sản xuất phi nông nghiệp...
Một số đề xuất bước đầu: Nhà nước cần có chính sách, kế hoạch truyền thông, vận động người dân, đặc biệt chú ý các chính sách liên quan đến hôn nhân, gia đình, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tích cực. Cần điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với đặc thù văn hóa, kinh tế - xã hội vùng miền núi phía Bắc.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã trình bày tham luận về những vấn đề cụ thể: ThS. Bùi Thị Hương Trầm: “Ảnh hưởng của phong tục tập quán các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc đến tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới”; ThS. Sầm Thuỳ Dương: “Thực trạng ảnh hưởng của phong tục tập quán người Mông đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang”; ThS. Trần Quý Long: “Hoạt động kinh tế hộ gia đình của người dân tộc thiểu số trong bối cảnh tác động của phong tục tập quán ở một số địa bàn khảo sát”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều đóng góp để hoàn thiện các báo cáo và tư vấn cho các hoạt động của đề tài trong giai đoạn tiếp theo. TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đã đánh giá cao các kết quả bước đầu của đề tài, tính khoa học của các báo cáo và gợi ý đề tài nên tập trung phát hiện những phong tục tập quán tích cực hoặc gây trở ngại đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới, đồng thời chú ý đến những đặc điểm riêng của từng dân tộc, nhóm dân tộc, từng vùng điều kiện tự nhiên... để từ đó đề xuất những chính sách, chương trình vận động phù hợp nhằm thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới ở nơi đây.
Ngày 14 tháng 11 năm 216, trong khuôn khổ Chương trình cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quản lý, đề tài “Gia đình trung lưu ở Việt Nam với các quá trình phát triển kinh tế -xã hội - văn hóa”, do Hội Xã hội học Việt Nam chủ trì, đã tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và phương pháp trong nghiên cứu tầng lớp trung lưu và gia đình trung lưu ở Việt Nam”.
Đến dự hội thảo có Phó chủ nhiệm chương trình, Thư ký chương trình và chủ nhiệm các đề tài thuộc chương trình; đại diện cơ quan chủ trì đề tài - Hội Xã hội học Việt Nam – có Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội, các ủy viên Thường vụ và ủy viên BCH Hội; các giảng viên đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền …; các nhà nghiên cứu từ Viện Xã hội học, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Hội Khoa học Kinh tê Việt Nam ...
Ngoài báo cáo đề dẫn của chủ nhiệm đề tài, Hội thảo được nghe 4 tham luận trình bày về những vấn đề liên quan tới tầng lớp trung lưu, gia đình trung lưu và cách đo lường. Cụ thể là các báo cáo: 1)Tầng lớp trung lưu: lịch sử - hiện tại và xu hướng biến đổi (GS.TS. Nguyễn Đình Tấn); 2) Phương pháp xác định và đo lường tầng lớp trung lưu ở Việt Nam (TS. Đỗ Thiên Kính); 3) Đo lường sự phát triển của tầng lớp trung lưu Việt Nam theo cách tiếp cận kinh tế học (TS Lê Kim Sa); 4) Vai trò và quan hệ tương tác của gia đình trung lưu với phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa (PGS.TS. Nguyễn Xuân Mai).
Sau phần báo cáo các tham luận, nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đã có ý kiến trao đổi sôi nổi về những vấn đề liên quan đến lý luận và phương pháp luận trong nghiên cứu tầng lớp trung lưu và gia đình trung lưu ở Việt Nam hiện nay. Đã có những tranh luận liên quan đến cách tiếp cận để đo lường tầng lớp trung lưu: một chiều hay đa chiều, các ngưỡng thu nhập và phân nhóm nghề nghiệp… Các ý kiến đều thống nhất cho rằng việc xác định và đo lường tầng lớp trung lưu, đặc biệt là gia đình trung lưu ở Việt Nam hiện nay là không dễ dàng và cần sử dụng tiếp cận đa chiều trong đo lường, xác định tầng lớp trung lưu và gia đình trung lưu. Có gợi ý nên dựa trên lý thuyết phân tầng xã hội của Max Weber để xác định và đo lường gia đình trung lưu theo 5 chiều cạnh: của cải, quyền lực chính trị, uy tín xã hội, năng lực thị trường, và cơ hội cuộc sống (life chance). Đặc biệt, khi lựa chọn các chỉ báo định lượng, nên sử dụng những chỉ báo mà thế giới đã làm để có thể so sánh với các kết quả nghiên cứu của đề tài.
Hội thảo đã thực sự là dịp để các nhà khoa học trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tri thức về lý luận và phương pháp nghiên cứu một chủ đề khá rộng và phức tạp - Tầng lớp trung lưu và Gia đình trung lưu ở Việt Nam.
Trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” (KX-16/19) do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì thực hiện, trong các ngày 9-11/11/2016 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức các hội thảo khoa học về lý luận và phương pháp nghiên cứu của 03 đề tài cấp Bộ trọng điểm thuộc Chương trình cấp Bộ nói trên do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì thực hiện. Đến dự Hội thảo có đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình KX-16/19, các Chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình, đại diện Ban Quản lý khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các thành viên chính tham gia các đề tài thuộc Chương trình, các nhà nghiên cứu và giảng dạy từ các viện nghiên cứu và các trường đại học tại Hà Nội.
Ngày 9/11/2016: Chủ đề “Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu về hôn nhân”
Hội thảo thuộc Đề tài “Những đặc điểm cơ bản của hôn nhân ở Việt Nam hiện nay và những yếu tố ảnh hưởng” (KHXH-GĐ/16-19/02) do GS.TS. Nguyễn Hữu Minh làm Chủ nhiệm.
GS.TS. Nguyễn Hữu Minh đã nêu rõ mục tiêu, nội dung nghiên cứu của đề tài, đó là: xác định các đặc điểm của sự hình thành hôn nhân; các đặc điểm sắp xếp nơi ở sau kết hôn; nhận diện những trải nghiệm hôn nhân của các cặp vợ chồng, đặc biệt trong giai đoạn đầu chung sống; đánh giá chất lượng một số khía cạnh của hôn nhân; đánh giá tác động của các điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội đến hôn nhân hiện nay; dự báo xu hướng biến đổi đặc điểm hôn nhân ở nước ta trong thời gian tới và đề xuất những định hướng chính sách cho vấn đề hôn nhân.
Đề tài sẽ tập trung nghiên cứu về đặc điểm hôn nhân ở nước ta hiện nay, như: tình trạng hôn nhân, số lần kết hôn, vấn đề hôn nhân cận huyết; tìm hiểu và lựa chọn bạn đời: ý nghĩa của hôn nhân trong cuộc sống, môi trường và hình thức tìm hiểu, tiêu chí lựa chọn bạn đời, người quyết định hôn nhân, và cách thức quyết định hôn nhân; về tuổi kết hôn và nơi ở sau khi kết hôn: tuổi kết hôn trung bình lần đầu, tuổi kết hôn sớm, các loại hình sắp xếp nơi ở hiện tại, các loại hình sắp xếp nơi ở ngay sau khi kết hôn, quan niệm về sống chung/sống riêng; về trải nghiệm và chất lượng hôn nhân: cách ứng xử giữa vợ và chồng, đời sống cảm xúc của vợ chồng, các biến cố xảy ra trong đời sống vợ chồng và cách ứng phó, sự hài lòng/không hài lòng trong hôn nhân, chia sẻ thời gian và hoạt động giữa vợ và chồng…
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo viên trình bày các tham luận:
(1) Một số cách tiếp cận nghiên cứu hôn nhân - GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới;
(2) Khuôn mẫu cư trú sau hôn nhân từ tiếp cận sinh thái học văn hóa và hàm ý đối với nghiên cứu khuôn mẫu cư trú sau hôn nhân ở Việt Nam - PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn;
(3) Một số vấn đề về phương pháp đo lường chất lượng hôn nhân - PGS.TS. Phan Thị Mai Hương, Viện Tâm lý học;
(4) Đánh giá, đo lường chất lượng hôn nhân (qua tìm hiểu một số nghiên cứu trên thế giới) - TS. Vũ Thị Thanh, Viện Nghiên cứu Con người;
(5) Một số vấn đề phương pháp nghiên cứu hôn nhân cận huyết cần quan tâm ở Việt Nam - TS. Nguyễn Đức Mạnh, Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em.
Ngày 10/11/2016: Chủ đề “Tiếp cận lý thuyết và thang đo trong nghiên cứu giá trị gia đình”
Hội thảo thuộc đề tài “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay” (KHXH-GĐ/16-19/10) do TS. Trần Thị Minh Thi làm chủ nhiệm.
Đề tài góp phần xác định những giá trị cơ bản của gia đình và yếu tố ảnh hưởng đến giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay, từ đó góp phần chỉ ra một số xu hướng biến đổi giá trị cơ bản của gia đình trong thời gian tới. Đề tài tập trung làm rõ cơ sở lí luận và thực tiễn của giá trị cơ bản của gia đình đồng thời phân tích một số khía cạnh cơ bản của giá trị của gia đình như ý nghĩa của hôn nhân và gia đình, quan niệm, thái độ của cá nhân về các khía cạnh kinh tế, tâm lý, tình cảm, con cái, các mối quan hê trong gia đình và những yếu tố ảnh hưởng từ chiều cạnh truyền thống và hiện đại của giá trị gia đình Việt Nam hiện nay, qua đó dự báo một số khuôn mẫu giá trị gia đình trong thời gian tới; và nêu lên một số khuyến nghị chính sách nhằm phát huy giá trị cơ bản của gia đinh Việt Nam.
Sau báo cáo của TS. Trần Thị Minh Thi, Chủ nhiệm đề tài, Hội thảo được nghe các tham luận:
(1) “Giá trị mối quan hệ vợ-chồng, cha mẹ-con cái, gia đình-dòng họ, gia đình-cộng đồng hiện nay - một số nhận thức bước đầu về lý thuyết và thang đo” - PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam;
(2) Giá trị gia đình ở Việt Nam nhìn từ khía cạnh lý luận và phương pháp luận - PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người;
(3) Giá trị kinh tế của gia đình hiện nay: khái niệm, lý thuyết, và các chỉ báo đo lường - GS.TS. Lê Ngọc Hùng, Phó Viện trưởng, Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;
(4) Một số chiều cạnh phương pháp luận trong nghiên cứu giá trị gia đình - GS.TS. Trịnh Duy Luân, Hội Xã hội học Việt Nam;
(5) Lý thuyết và thang đo ý nghĩa hôn nhân và gia đình - Th.S. Trần Quý Long, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.
Ngày 11/11/2016: Chủ đề “Một số vấn đề lý luận và phương pháp trong nghiên cứu về bạo lực gia đình”.
Hội thảo trong khuôn khổ đề tài “ảnh hưởng của các yếu tố môi trường xã hội và kinh tế đến bạo lực gia đình hiện nay” (KHXH-GĐ/16-19/04) do TS. Đặng Thị Hoa làm Chủ nhiệm.
Nghiên cứu về bạo lực gia đình là một chủ đề được nhiều nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội quan tâm trong những năm gần đây. Tình trạng bạo lực gia đình diễn ra không phụ thuộc vào vùng địa lý, tộc người hay trình độ phát triển của xã hội mà xuất hiện ở nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới. Các loại hình bạo lực gia đình cũng hết sức đa dạng và phức tạp. ở Việt Nam, vấn đề bạo lực gia đình đang trở thành một vấn nạn xã hội, hành vi bạo lực là rõ ràng, nhưng những yếu tố nào dẫn tới các hành vi bạo lực đang là vấn đề cần được làm rõ. Tính chất nghiêm trọng của bạo lực gia đình vẫn có xu hướng gia tăng và phạm vi mở rộng đến nhiều đối tượng và ngày càng phức tạp hơn. Mục tiêu của Hội thảo là làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề bạo lực gia đình hiện nay ở Việt Nam, xác định rõ hướng tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và đo lường thực trạng bạo lực gia đình và các yếu tố tác động đến bạo lực gia đình.
Sau báo cáo của TS. Đặng Thị Hoa, Chủ tài nhiệm Đề tài, Hội thảo được nghe các các tham luận:
(1) “Những vấn đề đặt ra khi nghiên cứu về bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay” - TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
(2) “Bạo lực gia đình từ các góc nhìn văn hoá, cấu trúc và hành động xã hội” - PGS.TS. Lê Ngọc Văn, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới;
(3) “Một số lý thuyết áp dụng trong nghiên cứu về bạo lực gia đình” - ThS. Đặng Bích Thuỷ, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới;
(4) “Một số cách tiếp cận nghiên cứu về bạo lực gia đình trên thế giới” - TS. Dương Kim Anh, Học viện Phụ nữ Việt Nam;
(5) “Một số lưu ý về khung phân tích và đo lường trong nghiên cứu bạo lực gia đình” - GS. TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học có cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tri thức về lý luận và phương pháp luận về các chủ đề nghiên cứu của 03 đề tài là hôn nhân, giá trị cơ bản của gia đình hiện nay, bạo lực gia đình ở Việt Nam và trên thế giới. Kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và phương pháp luận trong nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Ứng phó của phụ nữ với thiên tai và biến đổi khí hậu
Dựa trên nguồn số liệu đề tài nghiên cứu “Nhận thức và ứng phó với biến đổi khí hậu của phụ nữ vùng duyên hải Bắc bộ - Nghiên cứu trường hợp xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng”, được thực hiện năm 2015, bài viết tìm hiểu nhận thức và ứng phó của phụ nữ với biến đổi khí hậu (BĐKH) và các yếu tố tác động. Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong công tác ứng phó BĐKH, tham gia vào nhiều công việc mang tính chất khắc phục và giảm nhẹ tác động của rủi ro thiên tai. ứng phó với BĐKH của phụ nữ phụ thuộc vào nghề nghiệp, mức độ ảnh hưởng của BĐKH và năng lực thích ứng của họ. Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp lẫn các công việc chăm sóc gia đình, người phụ nữ đều có tỷ lệ tham gia các hoạt động ứng phó cao hơn so với nam giới. Tuy nhiên bất bình đẳng giới trong phân công lao động việc nhà và học vấn thấp là yếu tố hạn chế năng lực ứng phó của phụ nữ với BĐKH.
Bài viết tổng hợp các kết quả nghiên cứu về vai trò kinh tế của phụ nữ trong gia đình ở một số làng nghề thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ, từ đó đối chiếu với hai trường hợp khảo sát cụ thể là làng lụa Vạn Phúc và làng rèn Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội), là hai làng nghề lâu đời có đặc điểm khác nhau về tính chất công việc. Kết quả khảo sát định tính này chỉ ra rằng vai trò và vị thế kinh tế của phụ nữ ở 2 làng nghề đều được công nhận, hoàn toàn khác biệt so với những nghiên cứu trước đây về vai trò kinh tế của phụ nữ ở khu vực nông thôn không có nghề phụ. Thời gian dành cho hoạt động sản xuất tại làng nghề kéo dài hơn so với ở các khu vực chỉ làm nông nghiệp, nên có thể nói phụ nữ làng nghề vất vả hơn so với phụ nữ chỉ làm nông nghiệp, tuy nhiên, họ chủ động về thời gian, về tài chính và chủ động trong công việc. Mối quan hệ vợ chồng cũng bình đẳng hơn, thể hiện ở sự tôn trọng khi cả hai cùng đóng góp và hỗ trợ nhau hàng ngày.
Các yếu tố tác động đến quyền quyết định của phụ nữ trong chi tiêu gia đình
Dựa trên nguồn số liệu của đề tài “Khảo sát về sức khỏe, mối quan hệ gia đình và cuộc sống của người phụ nữ” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2012 tại bảy tỉnh/thành phố trên cả nước, bài viết phân tích các yếu tố tác động đến quyền quyết định của người phụ nữ với các khoản chi tiêu trong gia đình, sử dụng phương pháp phân tích hồi quy đa biến. Kết quả cho thấy: phụ nữ làm việc phi nông nghiệp có nhiều khả năng là người quyết định chủ yếu việc chi tiêu lớn trong gia đình hơn so với nhóm phụ nữ thuần nông; phụ nữ có đóng góp thu nhập bằng chồng có nhiều khả năng được quyết định các khoản chi tiêu hơn phụ nữ có đóng góp thu nhập thấp hơn chồng; phụ nữ thành thị có nhiều khả năng quyết định các khoản chi tiêu trong gia đình hơn phụ nữ nông thôn.
Phương pháp lượng hóa giá trị công việc không được trả công trong gia đình: Lý thuyết và vận dụng
Bài viết sử dụng phương pháp tổng quan tài liệu để cung cấp thông tin về các phương pháp đo lường giá trị kinh tế của công việc gia đình phổ biến, đồng thời, vận dụng một số phương pháp đã được đề cập để nhận diện vai trò của phụ nữ qua công việc gia đình. Dữ liệu sử dụng để tính toán là số liệu khảo sát 299 hộ gia đình tại Thái Nguyên và Nam Định của đề tài “Đánh giá vai trò và địa vị kinh tế của phụ nữ qua công việc gia đình” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2015-2016 với phương thức thu thập thông tin qua phiếu sử dụng thời gian. Tác giả cho thấy không có một phương pháp nào có thể đưa ra câu trả lời chính xác về giá trị kinh tế của công việc không được trả công trong gia đình bởi bản chất của công việc này là không thể đong đếm được tuyệt đối. Các cách tiếp cận tính toán thường chỉ chú ý đến lượng hóa số lượng công việc và thời gian làm việc mà bỏ qua vấn đề về chất lượng lao động. Tuy nhiên, cho dù còn có những hạn chế nhất định ở mỗi phương pháp, những tính toán ban đầu về giá trị kinh tế của công việc không được trả công cung cấp bằng chứng làm lay chuyển mạnh mẽ quan niệm phổ biến cho rằng việc nhà là loại hình lao động chỉ tạo ra giá trị sử dụng, chứ không tạo ra lời lãi, không sinh lợi hoặc không kiếm ra tiền.
Các dạng thiết kế nghiên cứu chủ yếu về mâu thuẫn vợ chồng trong một số nghiên cứu quốc tế
Bài viết tìm hiểu về cách thức thiết kế các nghiên cứu về mâu thuẫn vợ chồng qua công trình khoa học xã hội của các tác giả nước ngoài với mong muốn tham khảo các dạng thiết kế và phương pháp chủ đạo để nghiên cứu về chủ đề này. Phần chính của bài viết đề cập tới một số kiểu thiết kế nghiên cứu mâu thuẫn trong hôn nhân, trong đó minh họa các bộ công cụ đo lường mâu thuẫn vợ chồng và các chỉ báo được sử dụng thường xuyên nhất. Tác giả bài viết hy vọng đây sẽ là những gợi ý cho các nghiên cứu can thiệp về mâu thuẫn vợ chồng tại Việt Nam.
Một số hình thức con cái giúp đỡ cha mẹ hiện nay
Dựa trên kết quả của đề tài nghiên cứu “Mối quan hệ giữa gia đình và dòng họ” được tiến hành tại 2 xã của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) năm 2015, bài viết dưới đây phân tích một số hình thức con cái giúp đỡ, hỗ trợ cha mẹ đẻ/ cha mẹ vợ/ chồng sống riêng ở khu vực nông thôn hiện nay. Tác giả chỉ ra rằng có sự khác biệt trong các hình thức và mức độ giúp đỡ ở những nhóm xã hội khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, nhóm tuổi/nghề nghiệp hay khoảng cách sống. Giữa con trai và con gái cũng có những khác biệt nhất định trong chăm sóc giúp đỡ cha mẹ đẻ hay cha mẹ vợ/chồng, phản ánh ảnh hưởng của mô hình sống và quan niệm truyền thống về trách nhiệm của con trai và con dâu trong gia đình tương đối rõ nét ở nông thôn Việt Nam.
Thay đổi việc làm và một số vấn đề đặt ra trong biến đổi gia đình ở nước ta hiện nay
Bài viết phân tích mức độ thay đổi việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc trong mối quan hệ với những đặc điểm cấu trúc và chức năng của gia đình trước những tác động của biến đổi xã hội theo xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững dựa trên số liệu đề tài nghiên cứu thuộc Quỹ Nafosted năm 2015-2016 về “Biến đổi gia đình trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng đến phát triển bền vững ở Việt Nam”. Nghiên cứu chỉ ra rằng nghề nghiệp vẫn là một tiêu chuẩn quan trọng trong hôn nhân khi vợ chồng cùng nghề vẫn chiếm tỉ lệ cao; có sự khác biệt về nghề nghiệp của con cái và người cha trong gia đình; các nghề nghiệp như công nhân, thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ và nội trợ hoặc đang tìm việc có sự thay đổi việc làm nhiều hơn so với nông dân; nhóm nghề đòi hỏi đào tạo chuyên môn sâu thay đổi ít hơn so với nông dân. Những yếu tố tác động có ý nghĩa là các đặc điểm nghề nghiệp, giới tính, mức sống và số năm làm việc.