Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu giữa Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc
Tác giả: Hà Đông
Trang: 96
Ngày 16/10/2015, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã có tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu cùng đoàn đại biểu của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc nhằm tăng cường trao đổi và hợp tác giữa hai bên. Tham gia hội thảo có đông đảo các cán bộ của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và cán bộ của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc. Ngoài ra, hội thảo còn thu hút sự tham gia của cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Học viện Phụ nữ Việt Nam. Do thời gian hạn hẹp, hội thảo có 02 bài trình bày của Viện Phụ nữ Phát triển Hàn Quốc và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.
Đại diện của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc đã có bài trình bày về “Cách thức thể chế hoá các chính sách liên quan đến lồng ghép giới”. Hiện nay, lồng ghép giới đã được quy định trong hệ thống luật pháp của Hàn Quốc và thể hiện qua bốn khía cạnh chính sau: (1) giáo dục về bình đẳng giới, (2) thống kê giới, (3) phân tích giới và (4) xây dựng chính sách. Vì vậy, việc đánh giá tác động giới có vai trò quan trọng và góp phần xây dựng các chính sách hướng tới đảm bảo bình đẳng giới và mang lại lợi ích cho các đối tượng hưởng lợi. Quy trình lồng ghép giới từ kết quả nghiên cứu vào trong xây dựng các chính sách đã được trình bày rõ thông qua các ví dụ minh hoạ cụ thể.
Về phía Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, TS. Trần Thị Minh Thi đã trình bày “Một số chiều cạnh chính sách phụ nữ ở Việt Nam hiện nay”. Ba nhóm chính sách được tập trung làm rõ gồm các chính sách liên quan đến bình đẳng giới, chính sách hôn nhân và gia đình và các chính sách về hoạt động chăm sóc.
Buổi hội thảo đã thành công tốt đẹp. Đại diện của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ giữa hai Viện như nội dung đã ký trong biên bản ghi nhớ giữa hai Viện. PGS. TS. Nguyễn Hữu Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã khẳng định mối quan hệ gần gũi giữa hai Viện và cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy sự trao đổi và hợp tác giữa hai Viện trong thời gian tới.
Hội thảo đề tài cấp Nhà nước KX02.21/11-15: Quản lý hôn nhân xuyên biên giới với ổn định, phát triển xã hội
Tác giả: Thanh Loan
Trang: 95
Trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi nước ta hiện nay” (KX02.21/11-15) thuộc Chương trình “Nghiên cứu khoa học phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam đến năm 2020”, ngày 05 tháng 11 năm 2015, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Quản lý hôn nhân xuyên biên giới với ổn định, phát triển xã hội”.
Mục đích của Hội thảo là chia sẻ một số kết quả nghiên cứu chính của đề tài và trao đổi khoa học về các vấn đề liên quan đến hôn nhân xuyên biên giới, quản lý xã hội vùng biên giới.
Thành phần tham dự có đại diện đến từ 15 cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các tổ chức NGO và các nhà khoa học quan tâm.
Hội thảo đã được nghe và thảo luận về 6 báo cáo tham luận. Tham luận 1: Tiếp cận lý thuyết nghiên cứu về hôn nhân xuyên biên giới; tham luận 2: Chính sách quản lý cô dâu nước ngoài ở một số nước và vùng lãnh thổ ở Đông á; tham luận 3: Chính sách dân tộc của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; tham luận 4: Đặc điểm hôn nhân xuyên biên giới của các tộc người ở miền núi Việt Nam; tham luận 5: Một số vấn đề về hôn nhân và quản lý xã hội vùng biên giới qua kết quả khảo sát; tham luận 6: Giải pháp tăng cường hiệu quả phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình cho đồng bào khu vực biên giới.
Nhìn chung các báo cáo tham luận tại hội thảo đã trình bày ngắn gọn, xúc tích về phương pháp luận trong nghiên cứu hôn nhân xuyên biên giới; cung cấp bức tranh chung về tình hình kết hôn xuyên biên giới và các vấn đề xã hội có liên quan ở các tỉnh miền núi Việt Nam và trên thế giới. Trong phần thảo luận, một số chuyên gia cho rằng vấn đề hôn nhân xuyên biên giới là một vấn đề phức tạp, do đó, giải pháp được đề xuất là cần quán triệt các chủ trương, chính sách của nhà nước; giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ và người dân về pháp luật và chính sách của Nhà nước; xây dựng chính sách cho phù hợp với người dân và đặc biệt là giải quyết những vấn đề đang đặt ra về hôn nhân xuyên biên giới.
Kết thúc chương trình hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, đại diện Ban tổ chức, khẳng định cần có một số nghiên cứu tiếp theo về chủ đề này cũng như cần tìm hiểu thêm vấn đề về quản lý, chính sách đối với hôn nhân xuyên biên giới để có thể lý giải được đầy đủ kết quả tích cực và tiêu cực của hiện tượng này.
Hội thảo Quốc tế “Các chiều cạnh giới của sự tách biệt xã hội: hướng tới những chính sách toàn diện hơn đối với phụ nữ”
Tác giả: Trần Thị Cẩm Nhung
Trang: 92-94
Ngày 29/9/2015 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề: “Các chiều cạnh giới của sự tách biệt xã hội: Hướng tới những chính sách toàn diện hơn đối với phụ nữ.” Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và Ban Hợp tác Quốc tế được Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giao nhiệm vụ trực tiếp chuẩn bị cho Hội thảo này.
Khoảng 120 đại biểu trong nước và quốc tế đã đến tham dự Hội thảo và chia sẻ nhiều thông tin, kết quả nghiên cứu về các chiều cạnh giới của sự tách biệt xã hội và gợi ý nhiều vấn đề chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và sự hòa nhập của phụ nữ ở Việt Nam. Các đại biểu bao gồm các nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia: Vương quốc Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nepal, Singapore; các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy về khoa học xã hội tại Hà Nội; các cơ quan hoạch định chính sách về lĩnh vực bình đẳng giới, gia đình, và dân tộc thiểu số ở Việt Nam là Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và ủy ban Dân tộc; các tổ chức hoạt động về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và phụ nữ như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, CSAGA, CEPEW; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như UNDP, UN Women, UNFPA, AusAID, Asia Foundation, Hội đồng Khoa học Xã hội Hoa Kỳ (SSRC),…
Hội thảo quốc tế khai mạc bằng bài phát biểu của GS.TS Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, và Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. Tiếp đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, đã thay mặt Ban tổ chức trình bày báo cáo đề dẫn nêu lên một số khía cạnh lý luận của vấn đề tách biệt xã hội từ góc độ giới, các chính sách của Nhà nước Việt Nam nhằm khắc phục tách biệt xã hội, cũng như những vấn đề cần được tập trung thảo luận trong Hội thảo. Các bài phát biểu đều nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo quốc tế này và tầm quan trọng của việc thúc đẩy bình đẳng giới nhằm giảm thiểu sự tách biệt xã hội và các chính sách phát triển toàn diện cho phụ nữ và những nhóm tách biệt xã hội khác.
Các nội dung của Hội thảo tập trung vào 3 chủ đề chính: i) Những vấn đề lý luận của sự tách biệt xã hội nhìn từ lăng kính giới liên hệ với thực tiễn Việt Nam; ii) Sự tiếp cận với các nguồn lực xã hội của phụ nữ; iii) Vấn đề chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn của các nhóm tách biệt xã hội.
1. Những vấn đề lý luận và khái quát về các chiều cạnh giới của sự tách biệt xã hội. Đây là phiên họp định hướng chung cho các chủ đề cụ thể của sự tách biệt xã hội sẽ được trình bày ở hai phiên họp chuyên đề sau đó. Phiên họp chung bao gồm 4 báo cáo của: Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới của Chính phủ; 2 nhà nghiên cứu của Việt Nam và Vương quốc Anh về vấn đề tách biệt xã hội đối với các nhóm đặc thù của Việt Nam – nhóm người dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ (UN Women Việt Nam) về xu hướng, thách thức và đề xuất các chính sách phát triển toàn diện cho phụ nữ. Các thảo luận tại phiên họp này tập trung vào việc tìm ra khái niệm về sự tách biệt xã hội và phân biệt với khái niệm về bất bình đẳng, khác biệt. Các vấn đề của các nhóm tách biệt như dân tộc thiểu số, người di cư, người cao tuổi, và các vấn đề văn hóa như tảo hôn, chuẩn mực xã hội, công việc gia đình không được trả công đã được các đại biểu đưa ra thảo luận.
2. Phụ nữ tiếp cận với các nguồn lực xã hội. Phiên họp gồm 5 bài trình bày của 2 đại biểu quốc tế và 3 nhà nghiên cứu của Việt Nam về những cản trở đối với việc tham gia vào các vị trí lãnh đạo và quản lý, trong việc tiếp cận và quản lý các nguồn lực phát triển, đào tạo nghề của các nhóm tách biệt như phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ ly hôn và so sánh với trường hợp Nepal. Các báo cáo của chủ đề này đã chỉ ra thực trạng và yếu tố tạo ra tách biệt giới, trong đó yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng. Các thảo luận trong phiên họp này đặt ra một số vấn đề như: khi so sánh với Nepal, Việt Nam và Nepal đều có nhiều yếu tố văn hóa cản trở sự tham chính của phụ nữ nhưng tỷ lệ tham chính của phụ nữ Nepal lại cao hơn trong khi Việt Nam có hệ thống chính sách rất toàn diện? Tách biệt giới có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng miền? Những yếu tố nào sẽ thúc đẩy hòa nhập về giới cho các nhóm tách biệt xã hội?
3. Chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn. Có 5 báo cáo được trình bày tại phiên họp này, trong đó có 3 báo cáo của các đại biểu Việt Nam về thực trạng và các giải pháp chính sách về phòng chống bạo lực gia đình ở Việt Nam của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về các vấn đề gia đình ở Việt Nam; đặc điểm và sự tách biệt của phụ nữ khuyết tật trong tương quan với nam giới khuyết tật; những yếu tố cản trở phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, các đại biểu đã lắng nghe báo cáo của đại biểu Hàn Quốc trình bày về sự tách biệt trong thụ hưởng chính sách chăm sóc sức khỏe của nhóm phụ nữ nuôi con, không làm việc và 1 báo cáo của đại biểu từ Singapore về vai trò của giáo dục đối với vị thành niên và gánh nặng của việc sinh con đã tạo ra sự tách biệt đối với vị thành niên. Một lần nữa các thảo luận tại phiên họp này nhấn mạnh đến vai trò của yếu tố văn hóa, phong tục tập quán, giáo dục, và nâng cao nhận thức nhằm giảm thiểu sự tách biệt của các nhóm này.
Sau các phiên họp chủ đề, toàn thể đại biểu tham gia một phiên họp chung tổng kết lại các nội dung thảo luận và các vấn đề đặt ra trong từng phiên họp chuyên đề. Phiên họp này đã cung cấp lượng thông tin phong phú và tổng quát, rất hữu ích cho các nhà nghiên cứu và giảng dạy về vấn đề tách biệt xã hội qua lăng kính giới ở Việt Nam và các chia sẻ từ các nhà nghiên cứu quốc tế.
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, GS.TS Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã nhấn mạnh rằng Hội thảo đã khẳng định sự đồng thuận giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế và các nhà hoạch định chính sách trong vấn đề giảm thiểu tách biệt xã hội thông qua thúc đẩy bình đẳng giới và gợi mở nhiều gợi ý cho việc nghiên cứu, xây dựng và phát triển chính sách ở Việt Nam trên bình diện giới để các nhóm tách biệt xã hội, đặc biệt là nữ giới, trẻ em gái, người khuyết tật… được phát triển toàn diện và hòa nhập. Hội thảo đã cung cấp một lượng kiến thức phong phú và chuyên sâu về các chiều cạnh giới của sự tách biệt xã hội và là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, đào tạo và những người quan tâm.
Như lời phát biểu khai mạc của Ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội thảo này đã đạt được các mục tiêu ban đầu đề ra là “thực sự giúp các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách tăng cường mối liên kết vì mục tiêu phát triển xã hội toàn diện, đưa ra chính sách và các biện pháp tăng cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ yếu thế được tiếp cận các nguồn lực xã hội, được chăm sóc sức khỏe và bảo vệ nhằm giảm nghèo đói và thu hẹp bất bình đẳng giới, từ đó đưa ra những chính sách xã hội có tính cân bằng và toàn diện hơn đối với phụ nữ.”
Với những kết quả trên, sau khi Hội thảo kết thúc, hy vọng những tư liệu và kết quả của Hội thảo sẽ được xuất bản nhằm chia sẻ tri thức khoa học về chủ đề này đến với nhiều nhà nghiên cứu, cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách và hoạt động về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở Việt Nam.
Một số tiếp cận lý thuyết giải thích xu hướng tiêu dùng qua mạng Internet
Tác giả: Trần Thị Minh Xuân
Trang: 84-91
File toàn văn đính kèm: Tải về
Trong những năm gần đây, kinh doanh qua mạng Internet là một xu thế mới và gần như là một kênh bán hàng chủ đạo bên cạnh các phương thức bán hàng truyền thống. Đây không chỉ là vấn đề cách thức mua và bán hàng hóa mà còn liên quan đến sự thay đổi trong văn hóa tiêu dùng của người dân. Thông qua việc đi sâu tìm hiểu những mô hình lý thuyết có liên quan, nghiên cứu dưới đây đã đưa ra những lí giải cho sự thay đổi hành vi này. Tòa soạn xin giới thiệu một cái nhìn từ góc độ lý thuyết về hình thức kinh doanh qua mạng Internet hiện nay.
Xây dựng và phát triển đội ngũ tài năng trẻ Việt Nam: Các hoạt động chính và những vấn đề đặt ra
Tác giả: Tống Mạnh Hùng
Trang: 77-83
File toàn văn đính kèm: Tải về
Đầu tư phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực tài năng đã trở thành vấn đề chiến lược và quốc sách của nhiều quốc gia. Đối với nước ta, kể từ khi thực hiện “Đổi mới” (năm 1986) và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế thì việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trẻ tài năng luôn là vấn đề cấp bách đặt ra. Bài viết điểm lại một số kết quả nổi bật trong xây dựng và phát triển đội ngũ tài năng trẻ Việt Nam, đồng thời nêu ra những yêu cầu trong nghiên cứu và đánh giá công tác này.
Một số khía cạnh giá trị của thanh niên làng nghề vùng Đồng bằng sông Hồng hiện nay
Tác giả: Trương Thị Thu Thủy
Trang: 66-76
File toàn văn đính kèm: Tải về
Từ dữ liệu nghiên cứu của đề tài cấp cơ sở năm 2013: “Định hướng giá trị của vị thành niên và thanh niên làng nghề vùng Đồng bằng sông Hồng trong phát triển làng nghề bền vững”, bài viết nêu lên một số vấn đề cần quan tâm trong phát triển làng nghề vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) từ khía cạnh giá trị của thanh niên làng nghề. Sự lựa chọn ưu tiên các giá trị kinh tế và giá trị cá nhân, cũng như xu hướng từ bỏ nghề thủ công của nhiều thanh niên làng nghề có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển làng nghề trong tương lai bởi nhân lực trẻ, lành nghề là lực lượng kế thừa những kỹ thuật tinh hoa của nghề thủ công, là yếu tố then chốt để làng nghề có thể tồn tại và phát triển lâu dài.
Thái độ của thanh niên Hà Nội về giá trị sống vì gia đình và các yếu tố tác động
Tác giả: Trần Thị Thanh Loan
Trang: 57-65
File toàn văn đính kèm: Tải về
Dựa vào số liệu Điều tra tình dục và sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên tại Hà Nội năm 2006, bài viết phân tích các yếu tố tác động tới giá trị sống vì gia đình của nam, nữ thanh niên Hà Nội trong thập niên đầu thế kỷ 21. Kết quả cho thấy các yếu tố như mối liên kết gần gũi với mẹ, nơi sinh ra và lớn lên có tác động đến khả năng đề cao giá trị sống vì gia đình của cả nam và nữ thanh niên Hà Nội. Biến số mức sống gia đình và thị hiếu về điện ảnh làm tăng khả năng có thái độ sống vì gia đình của nam thanh niên Hà Nội, nhưng lại không có tác động đáng kể đến thái độ sống vì gia đình của nữ thanh niên Hà Nội. Như vậy, kết quả từ nghiên cứu này cho thấy mối liên kết gần gũi giữa cha mẹ và con cái đóng vai trò quan trọng trong định hướng và duy trì thái độ sống tích cực vì gia đình của nam nữ thanh niên ở Hà Nội.
Quyền quyết định của người vợ trong việc giáo dục và chăm sóc con cái trong gia đình
Tác giả: Đặng Thanh Nhàn
Trang: 48-56
File toàn văn đính kèm: Tải về
Dựa trên số liệu cuộc Khảo sát về sức khỏe, mối quan hệ gia đình và cuộc sống của phụ nữ ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2012 trên địa bàn 7 tỉnh đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam của nước ta, bài viết sử dụng phương pháp phân tích hồi quy logistic để tìm hiểu các yếu tố tác động đến quyền quyết định của người vợ trong việc giáo dục và chăm sóc con cái trong gia đình. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng người vợ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, học vấn thấp, cư trú ở nông thôn và là người dân tộc thiểu số ít có cơ hội thể hiện quyền quyết định trong việc giáo dục và chăm sóc con cái hơn phụ nữ thuộc các nhóm khác.
Một số cách tiếp cận lý thuyết trong nghiên cứu khu vực kinh tế phi chính thức
Tác giả: Vũ Thị Cúc
Trang: 39-47
File toàn văn đính kèm: Tải về
Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu đã công bố, bài viết trình bày một số quan điểm về cách tiếp cận lý thuyết trong nghiên cứu khu vực kinh tế chính thức. Nghiên cứu này cho thấy để nhận diện đầy đủ về khu vực phi kinh tế các nhà nghiên cứu có thể áp dụng từng cách tiếp cận riêng lẻ hoặc kết hợp nhiều cách tiếp cận khác nhau tùy thuộc vào vấn đề nghiên cứu và bối cảnh kinh tế ở mỗi quốc gia. Việc áp dụng các quan điểm lý thuyết sẽ góp phần làm rõ vai trò quan trọng và những khác biệt về điều kiện làm việc giữa hai khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức, đặc biệt với hướng tiếp cận giới sẽ làm rõ tính chất việc làm đa dạng của phụ nữ trong khu vực phi chính thức.
Thái độ của người dân Hà Nội đối với vấn đề ly hôn: Kết quả phân tích bước đầu từ một cuộc khảo sát
Tác giả: Trần Thị Cẩm Nhung
Trang: 25-38
File toàn văn đính kèm: Tải về
Dựa trên số liệu cuộc Điều tra về nhận thức và thái độ của người dân Hà Nội về gia đình do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện tại 24 xã/phường trên địa bàn thành phố năm 2010, bài viết phân tích thái độ của người trả lời đối với vấn đề ly hôn thông qua các tình huống có thể khiến người vợ hoặc người chồng quyết định ly hôn. Các tình huống được tìm hiểu bao gồm: ngoại tình, bạo lực gia đình, khó khăn về kinh tế, mâu thuẫn về lối sống, tình trạng bệnh tật, không có con, không có việc làm hoặc khi vợ/chồng nghiện ngập, cờ bạc. Kết quả cho thấy người dân Hà Nội hiện nay có thái độ tương đối cởi mở về vấn đề ly hôn và điều này được kiểm định thông qua việc tìm hiểu mức độ tác động của các yếu tố hiện đại hóa đến thái độ của người trả lời. Trong số các yếu tố đưa vào phân tích, các yếu tố đặc trưng cho hiện đại hóa thể hiện mối quan hệ mạnh nhất với thái độ đối với ly hôn. Nhóm người có học vấn cao hơn, sống ở thành thị và trẻ tuổi hơn có thái độ ủng hộ ly hôn mạnh mẽ hơn trong các tình huống đặt ra. Tuy nhiên, trong một số tình huống, vai trò của các đặc trưng hiện đại hóa không được thể hiện rõ rệt.
Thực trạng phân chia con cái và nhà ở sau ly hôn hiện nay (Nghiên cứu trường hợp Đồng bằng sông Hồng)
Tác giả: Trần Thị Minh Thi
Trang: 12-24
File toàn văn đính kèm: Tải về
Từ nguồn số liệu thống kê hôn nhân gia đình hàng năm của Tòa án Nhân dân tối cao, hồ sơ ly hôn từ 2000-2009 ở một quận của Hà Nội và một huyện ở Hà Nam và kết quả nghiên cứu trường hợp những cặp ly hôn ở Hà Nam, bài viết phân tích thực trạng phân chia con cái chưa trưởng thành, phân chia nhà ở và mối quan hệ cha mẹ - con cái sau ly hôn. Trên cơ sở đó, đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm bảo đảm quyền và phúc lợi của cá nhân, nhất là phụ nữ, sau ly hôn. Kết quả phân tích cho thấy sau khi ly hôn trẻ em sống với mẹ là xu hướng phổ biến. Phụ nữ nông thôn giành quyền nuôi con thấp hơn phụ nữ đô thị nhưng nhận được sự chia sẻ trong việc nuôi con nhiều hơn; trong khi nam giới ở đô thị có ít trách nhiệm hơn nên việc chăm sóc trẻ em trở thành gánh nặng của những người vợ ly hôn ở đô thị. Việc phân chia nhà ở có sự khác biệt giữa nông thôn và đô thị. Người chồng ở khu vực nông thôn chủ động và chiếm ưu thế hơn trong xác định quyền sở hữu nhà ở sau hôn nhân vì thế phụ nữ nông thôn, phụ nữ nghèo, phụ nữ không nuôi con sau ly hôn gặp nhiều thiệt thòi hơn về phân chia tài sản.
Luật pháp về quan hệ vợ chồng ở Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX đến 1945
Tác giả: Phí Hải Nam
Trang: 3-11
File toàn văn đính kèm: Tải về
Thông qua việc tổng hợp phân tích tài liệu về luật pháp Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX đến năm1945, bài viết dưới đây xem xét, đánh giá pháp luật về quan hệ vợ chồng trong thời kỳ này, đi sâu phân tích các vấn đề: quyền kết hôn/ly hôn và quan hệ sở hữu tài sản của người vợ và người chồng trong hôn nhân. Giai đoạn này Việt Nam được chia thành 3 Kỳ (miền), và mỗi Kỳ áp dụng một đạo luật khác nhau. Luật pháp về kết hôn/ly hôn ở Nam Kỳ có nhiều tiến bộ hơn so với Trung Kỳ và Bắc Kỳ do luật được dựa theo luật của Pháp, tuy nhiên, nhìn chung vẫn bảo vệ mô hình gia đình phụ quyền, trong đó, người chồng chiếm giữ nhiều quyền hành và người vợ bị phụ thuộc vào người chồng. Pháp luật về sở hữu tài sản giai đoạn đầu thế kỷ XX áp dụng Bộ luật Gia Long, xoá bỏ mọi quyền sở hữu tài sản của người vợ, làm người vợ lệ thuộc kinh tế hoàn toàn vào người chồng và gia đình người chồng. Giai đoạn 1930-1945, luật về tài sản ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ có một số tiến bộ hơn Nam Kỳ, người vợ Bắc Kỳ và Trung Kỳ có được một số quyền quản lý về tài sản.