Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học năm 2014 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới
Tác giả: Hải Nam
Trang: 144
Trong khuôn khổ hoạt động khoa học thường niên năm 2015, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức hội thảo khoa học trình bày các kết quả nghiên cứu khoa học năm 2014 của Viện. Tham dự Hội thảo gồm có lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.
PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng, khai mạc hội thảo. Hội thảo được chia làm 2 phiên với các chủ đề: Nghiên cứu về phụ nữ, trẻ em và thanh niên và Nghiên cứu về gia đình.
Phiên thứ nhất với chủ đề Nghiên cứu về phụ nữ, trẻ em và thanh niên, dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Hữu Minh và TS. Đặng Thị Hoa, gồm 3 báo cáo: Tổng quan về các chính sách thúc đẩy sự phát triển phụ nữ ở Việt Nam từ năm 2000 đến nay - ThS. Đặng Thanh Nhàn; Tổng quan một số vấn đề lý luận về buôn bán trẻ em - ThS. Đặng Bích Thuỷ; Một số khía cạnh văn hoá và lối sống của thanh niên Hà Nội qua các cuộc khảo sát gần đây - TS. Trần Thị Hồng.
Những phát hiện chính trong các nghiên cứu về phụ nữ, trẻ em và thanh niên có tính khái quát và thực tiễn cao. Các ý kiến thảo luận hướng đến việc áp dụng lý thuyết vào phân tích đặc thù Việt Nam và đưa ra hướng để các nghiên cứu tiếp tục khai thác sâu hơn về chủ đề này.
Phiên thứ hai của hội thảo, dưới sự chủ trì của PGS.TS Lê Ngọc Văn và TS. Trần Thị Minh Thi, gồm các báo cáo về chủ đề Nghiên cứu về gia đình như: Một số khía cạnh của các mối quan hệ cơ bản trong gia đình người dân Hà Nội đầu thế kỷ 21 (qua một số cuộc khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) - ThS. Lê Ngọc Lân; Một số khía cạnh giới trong quan hệ vợ chồng của người dân Hà Nội qua các cuộc khảo sát gần đây - ThS. Lỗ Việt Phương; Tổng quan một số vấn đề về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu mâu thuẫn vợ chồng - ThS. Trần Thị Vân Nương.
Các ý kiến thảo luận tại phiên này cũng nhấn mạnh rằng việc vận dụng lý thuyết vào nghiên cứu gia đình ở Việt Nam hiện nay và gắn với một số kết quả khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới là hết sức cần thiết.
Các báo cáo khoa học được trình bày tại hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp cả về nội dung và phương pháp nghiên cứu. Đánh giá kết quả của hội thảo này, PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh cho rằng hội thảo đã đạt được mục tiêu giới thiệu và chia sẻ các kết quả nghiên cứu của Viện trong thời gian qua, gợi mở các hướng nghiên cứu tiếp theo; đồng thời hội thảo cũng là một cơ hội để nhiều nhà nghiên cứu trẻ được tham gia thảo luận và trao đổi, làm giàu kinh nghiệm về phương pháp nghiên cứu, kỹ năng trình bày kết quả nghiên cứu và các kỹ năng phân tích vấn đề nghiên cứu của mình.
Triển khai thực hiện Đề tài cấp Nhà nước “Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi nước ta hiện nay”
Tác giả: Nguyễn Đức Tuyến
Trang: 143
Năm 2014, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới được giao nhiệm vụ thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi nước ta hiện nay” (Mã số: KX 02.21/11-15) do TS. Đặng Thị Hoa là chủ nhiệm đề tài. Thời gian thực hiện đề tài trong 2 năm (2014-2015).
Mục tiêu chung của đề tài: Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi; dự báo xu hướng, đề xuất quan điểm và giải pháp quản lý hôn nhân xuyên biên giới từ nay đến năm 2020.
Các mục tiêu cụ thể gồm:
- Làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vấn đề hôn nhân xuyên biên giới và quản lý xã hội đối với hôn nhân xuyên biên giới trong bối cảnh hiện nay.
- Đánh giá thực trạng tình hình hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở miền núi nước ta: đặc điểm, nguyên nhân và vấn đề đặt ra trong giai đoạn đến 2020.
- Nhận diện và phân tích các yếu tố tác động đến hôn nhân xuyên biên giới.
- Phân tích và làm rõ những tác động của hôn nhân xuyên biên giới tới phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi, đặc biệt là địa bàn vùng biên giới.
- Đề xuất hệ quan điểm và định hướng giải pháp quản lý hôn nhân xuyên biên giới ở các tỉnh miền núi nước ta thời gian tới.
Đề tài đã triển khai điều tra thực địa tại 6 tỉnh biên giới: Quảng Ninh, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Nghệ An và Kon Tum. Tiến hành khảo sát 1550 bảng hỏi cá nhân, 18 cuộc tọa đàm nhóm với cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, xã và thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn sâu người kết hôn xuyên biên giới, đại diện gia đình có người kết hôn xuyên biên giới... Việc triển khai thực hiện khảo sát gặp rất nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, đối tượng khảo sát chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới. Đề tài có rất ít cơ hội tiếp cận với các cô dâu lấy chồng xuyên biên giới mà chủ yếu thu thập thông tin qua người thân và cộng đồng. Tuy nhiên, nhóm cán bộ nghiên cứu tham gia thực hiện đề tài có nhiều kinh nghiệm và trách nhiệm cao, các khó khăn trở ngại đã được khắc phục.
Ngoài ra, đề tài đã tiến hành khảo sát tại tỉnh Xiêng Khoảng (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) và trao đổi khoa học về các vấn đề liên quan đến hôn nhân xuyên biên giới với các nhà khoa học của Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào và Viện Khoa học xã hội Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc).
Hiện nay, nhóm chuyên gia thực hiện đề tài đang xử lý dữ liệu, tổng hợp, phân tích, viết các báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp và dự kiến tổ chức hội thảo kết quả nghiên cứu của đề tài vào tháng 10.2015. Dự kiến đề tài sẽ hoàn thành và nghiệm thu tháng 12.2015.
Lao động xuyên biên giới của người dân ở một số địa phương vùng biên khu vực Đông Bắc
Tác giả: Trần Quý Long
Trang: 130-142
File toàn văn đính kèm: Tải về
Lao động bên kia biên giới là một thực tế phản ánh hệ quả tất yếu của tình trạng thiếu việc làm cũng như nhu cầu nâng cao thu nhập của người dân ở khu vực biên giới Đông Bắc Việt Nam. Dựa trên số liệu của khảo sát của đề tài cấp nhà nước “Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội của các tỉnh miền núi nước ta trong phát triển bền vững”, bài viết phân tích về thực trạng lao động xuyên biên giới của người dân ở một số địa phương vùng biên khu vực Đông Bắc và các yếu tố tác động. Kết quả phân tích đa biến cho thấy nhóm đối tượng có khả năng sang bên kia biên giới làm thuê nhiều hơn ở nam giới và tập trung chủ yếu vào những nhóm tuổi trẻ hơn. Người dân tộc Kinh và người có học vấn cao hơn có ít khả năng lao động ở bên kia biên giới hơn so với người dân tộc thiểu số và người có học vấn thấp. Thành viên ở hộ gia đình có mức sống khá nhất và không thiếu đất sản xuất có khả năng đi lao động bên kia biên giới thấp hơn so với những người khác. Nghiên cứu cho thấy vấn đề lao động xuyên biên giới đang bộc lộ những hậu quả cần quan tâm trong quản lý xã hội. Do đó, ngoài việc thông tin, tuyên truyền và tăng cường công tác quản lý, thì việc hướng dẫn cụ thể cho người dân khi đi lao động bên kia biên giới theo đúng quy định là rất cần thiết.
Thực trạng việc làm và mối quan hệ với hôn nhân ở khu vực biên giới
Tác giả: Trần Thị Hồng
Trang: 116-129
File toàn văn đính kèm: Tải về
Trên cơ sở dữ liệu của đề tài cấp nhà nước “Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội của các tỉnh miền núi nước ta trong phát triển bền vững” (KX 02.21/11-15), bài viết tìm hiểu tình trạng lao động, việc làm của các hộ gia đình và cư dân từ 15 tuổi trở lên sống ở địa bàn vùng biên giới. Đồng thời, bài viết nhận diện mối liên hệ giữa hai vấn đề xã hội đang được quan tâm là tình trạng lao động xuyên biên giới với tình trạng kết hôn xuyên biên giới. Kết quả nghiên cứu chỉ ra một số vấn đề đáng quan tâm trong công tác quản lý và phát triển xã hội. Thứ nhất, lao động nông, lâm nghiệp là hoạt động chủ yếu của người dân vùng biên giới. Thiếu vốn, thiếu đất sản xuất vẫn đang là những rào cản trong phát triển sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình. Thứ hai, tình trạng lao động xuyên biên giới đã và đang diễn ra ở một bộ phận dân cư nhất định, đặc biệt là ở dân cư vùng biên giới Việt - Trung, thường diễn ra bất hợp pháp. Thứ ba, lao động xuyên biên giới là môi trường thuận lợi để hình thành hôn nhân xuyên biên giới. Ngược lại, hôn nhân xuyên biên giới cũng lại là yếu tố làm tăng khả năng đi làm việc xuyên biên giới.
Quyền quyết định về các vấn đề liên quan đến con cái của vợ và chồng trong các gia đình miền núi biên giới phía Bắc Việt Nam
Tác giả: Trần Thị Vân Nương
Trang: 103-115
File toàn văn đính kèm: Tải về
Dựa vào kết quả đề tài cấp Nhà nước “Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi biên giới nước ta” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện trong hai năm 2014-2015, bài viết đề cập tới quyền quyết định của người vợ và người chồng trong các gia đình miền núi biên giới phía Bắc liên quan đến việc học hành và hôn nhân của các con. Kết quả phân tích cho thấy người có quyền quyết định chính tới vấn đề liên quan đến con cái cũng như các công việc quan trọng khác trong gia đình vẫn thuộc về người chồng, mặc dù hình thức hai vợ chồng cùng đưa ra quyết định ở một số công việc khá phổ biến. Nghiên cứu này cũng cho thấy, trong các gia đình dân tộc thiểu số, vai trò của các yếu tố học vấn và công việc của người vợ có những tác động tích cực làm tăng quyền cho người phụ nữ đối với các vấn đề liên quan đến con cái của họ.
Thực trạng dạy tiếng Việt trong gia đình Việt - Hàn tại Hàn Quốc
Tác giả: Lê Hoàng Bảo Trâm, Lê Kiều Trang
Trang: 89-102
File toàn văn đính kèm: Tải về
Bài viết phân tích thực trạng dạy và học tiếng Việt trong gia đình Việt - Hàn và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt trong gia đình Việt - Hàn tại Hàn Quốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy mục đích dạy tiếng Việt trong gia đình Việt - Hàn không chỉ giúp tăng cường mối quan hệ mẹ - con, tạo cơ hội tốt cho tương lai của con mà còn là cách truyền bá tiếng Việt của những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Nội dung dạy tiếng Việt chủ yếu là những từ ngữ dùng trong sinh hoạt hàng ngày nhưng họ cũng gặp một số khó khăn trong quá trình dạy tiếng Việt cho con như hạn chế về phương pháp dạy, về sách vở và trang thiết bị dạy tiếng Việt và môi trường thực hành tiếng Việt… Để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt, các tác giả cũng nhấn mạnh đến vai trò tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Vấn đề người mẹ đơn thân tại Hàn Quốc
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Vân
Trang: 78-88
File toàn văn đính kèm: Tải về
Bài viết tổng quan các công trình nghiên cứu về vấn đề người mẹ đơn thân tại Hàn Quốc từ những năm 1990 đến nay nhằm tìm hiểu nguyên nhân và thực trạng người mẹ đơn thân, các chính sách của chính phủ Hàn Quốc đối với người mẹ đơn thân đồng thời chỉ ra điểm hạn chế của các nghiên cứu này, từ đó đề xuất các hướng nghiên cứu thiết thực và hiệu quả hơn. Tác giả cho biết sự biến đổi của cấu trúc xã hội, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây cùng với hoàn cảnh môi trường sống là những yếu tố tác động trực tiếp đến việc phát sinh hiện tượng người mẹ đơn thân. Những người mẹ đơn thân vẫn bị xem như những người phi đạo đức hoặc thiếu trách nhiệm đối với bản thân và gia đình, con cái nên họ gặp phải sự phân biệt đối xử không chỉ ở địa bàn cư trú mà còn ở nơi làm việc gây nên những bất lợi trong việc ổn định cuộc sống. Chính sách của chính phủ Hàn Quốc hiện đang hỗ trợ người mẹ đơn thân nhưng lại không chú trọng đến quyền nuôi con, quyền làm mẹ của họ.
Đặc điểm văn hóa ảnh hưởng đến hôn nhân xuyên biên giới của người Hmông
Tác giả: Lê Thị Thỏa, Phạm Thị Cẩm Vân
Trang: 68-77
File toàn văn đính kèm: Tải về
Dân tộc Hmông là một trong những tộc người lưu giữ nhiều yếu tố tộc người trong hôn nhân, trong đó các đặc điểm về lịch sử tộc người, phong tục tập quán có những ảnh hưởng mạnh đến hôn nhân xuyên biên giới. Bài viết tập trung phân tích những đặc điểm văn hóa như tập quán di cư, quan hệ cộng đồng, quan hệ gia đình, dòng họ - là nguyên nhân sâu xa dẫn tới các cuộc hôn nhân xuyên biên giới hiện nay ở người Hmông vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào.
Một số yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến hôn nhân xuyên biên giới của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến
Tác giả: Nguyễn Thẩm Thu Hà, Sa Thị Thanh Nga
Trang: 55-67
File toàn văn đính kèm: Tải về
Các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến cư trú chủ yếu ở vùng biên giới Việt - Trung và có mối quan hệ dân tộc xuyên biên giới từ rất lâu đời. Do vậy, các trường hợp kết hôn xuyên biên giới ngày càng có xu hướng gia tăng. Nhiều yếu tố văn hóa như quan hệ cộng đồng, quan hệ hôn nhân, gia đình đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cuộc kết hôn xuyên biên giới. Bên cạnh các cuộc kết hôn đồng tộc, trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều cuộc kết hôn khác tộc do tác động của các yếu tố hiện đại và toàn cầu hóa.
Nhận diện một số đặc điểm hôn nhân ở vùng biên giới
Tác giả: Lê Ngọc Lân
Trang: 40-54
File toàn văn đính kèm: Tải về
Trên cơ sở kết quả khảo sát 1.536 đại diện hộ gia đình, thảo luận với các cấp quản lý và người dân ở các xã biên giới 6 tỉnh (Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Nghệ An và Kon Tum), bài viết phân tích một số đặc điểm về hôn nhân hiện nay của người dân các dân tộc vùng biên giới miền Bắc và miền Trung: các yếu tố dẫn đến hôn nhân, vai trò quyết định và việc thực hiện pháp luật về hôn nhân. So sánh giữa hai nhóm: những người dân địa phương và những người kết hôn qua biên giới cho thấy có những khác biệt đáng kể về hoàn cảnh/lý do dẫn tới hôn nhân và mức độ hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn.
Chính sách nhập quốc tịch đối với các cô dâu nước ngoài ở một số nước và vùng lãnh thổ châu Á
Tác giả: Nguyễn Hà Đông
Trang: 28-39
File toàn văn đính kèm: Tải về
Hiện tượng phụ nữ đi lấy chồng nước ngoài không phải là hiện tượng mới ở khu vực châu á nhưng trong vài thập kỷ gần đây, số lượng các cặp kết hôn xuyên quốc gia tăng không ngừng gắn liền với sự hiện diện áp đảo của phụ nữ trong làn sóng di cư quốc tế. Làn sóng này đã đặt chính phủ các nước trước những thách thức không nhỏ. Bài viết tìm hiểu về chính sách nhập quốc tịch ở một số nước và vùng lãnh thổ châu á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và ở Singapore đối với các cô dâu nước ngoài. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác nhau trong chính sách nhập cư đối với các cô dâu nước ngoài trong các quốc gia và vùng lãnh thổ này nhưng nhìn chung khả năng xin nhập quốc tịch của nhóm phụ nữ này rất hạn chế; mặt khác, quyền công dân của người phụ nữ nhập cư, dù được cấp quốc tịch, chỉ được xác nhận khi nó gắn liền với địa vị là một “người vợ”, “người mẹ” của họ.
Quản lý vấn đề hôn nhân xuyên biên giới ở Việt Nam hiện nay: Chính sách và thực tiễn
Tác giả: Nguyễn Hữu Minh, Đặng Thị Hoa, Trần Thị Hồng
Trang: 15-27
File toàn văn đính kèm: Tải về
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách quản lý nhằm ổn định và phát triển vùng biên giới. Chính sách đối với hôn nhân có yếu tố nước ngoài, trong đó có hôn nhân xuyên biên giới đã từng bước được hoàn thiện và bổ sung nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên, các chính sách quản lý về vấn đề hôn nhân xuyên biên giới vẫn chưa theo kịp được với những vấn đề đang đặt ra hiện nay.
Một số cách tiếp cận trong nghiên cứu hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội
Tác giả: Đặng Thị Hoa, Nguyễn Hà Đông
Trang: 5-14
File toàn văn đính kèm: Tải về
Tiếp cận nghiên cứu hôn nhân xuyên biên giới dưới góc độ văn hóa và phát triển xã hội là một góc nhìn riêng trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Trên cơ sở những nghiên cứu về chủ đề này, bài viết đề cập tới một số khái niệm về hôn nhân xuyên biên giới, các quan điểm nghiên cứu tiếp cận dưới góc độ văn hóa tộc người và phát triển xã hội, những quan điểm lý thuyết dưới các góc nhìn của các nhà nhân học, xã hội học trong nghiên cứu về hôn nhân xuyên biên giới và liên hệ thực tiễn với đặc điểm ở Việt Nam. Xem xét với nội hàm khái niệm hôn nhân xuyên biên giới là các cuộc hôn nhân giữa những người ở các quốc gia có chung đường biên giới, tác giả cho rằng hôn nhân xuyên biên giới đang có xu hướng gia tăng trong bối cảnh phát triển, toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, và dưới góc độ phát triển xã hội, một mặt, nó tăng cường sự giao lưu, hợp tác và phát triển của các cộng đồng dân tộc hai bên biên giới, mở rộng và phát triển quan hệ văn hoá, khai thác các thế mạnh về tài nguyên văn hoá để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nhưng mặt khác lại đang diễn ra hết sức phức tạp, đặt ra những vấn đề mới trong quản lý và phát triển xã hội.