Điểm nhấn
- Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới
- Hội thảo khoa học: "Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"
- Tọa đàm khoa học "Vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu khoa học xã hội"
- Hội nghị Đối thoại giữa Chi ủy, Lãnh đạo viện với đảng viên, viên chức và người lao động Viện nghiên cứu Gia đình và Giới 6 tháng đầu năm 2024
- Chi bộ Viện nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Cuộc thi “Nét đẹp và giá trị gia đình Việt Nam” hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2024
- Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đi thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ
- Tổng mục lục Tạp chí 2023
- Viện nghiên cứu Gia đình và Giới phát động phong trào thi đua và ký Giao ước thi đua năm 2024
- Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ : “Đầu tư vào Phụ nữ - Đẩy nhanh tiến độ phát triển”
Liên kết web
Số lượt truy cập
40
2787607
Chi tiết tạp chíSố 5 - 2010
Tuổi kết hôn ở Việt Nam và các yếu tố tác động
Dựa trên kết quả một số nghiên cứu thực nghiệm, bài viết tìm hiểu một số đặc điểm của khuôn mẫu tuổi kết hôn lần đầu ở Việt Nam, mối quan hệ của nó với quá trình hiện đại hoá, vai trò của nhà nước và tác động của chiến tranh. Bài viết chỉ ra rằng quá trình hiện đại hóa và chiến tranh là nhân tố quyết định làm tuổi kết hôn tăng đáng kể trong mấy thập kỷ qua. Tác giả dự báo khả năng tuổi kết hôn của nam nữ ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mặc dù ở nhịp độ chậm hơn. Bài viết cũng chỉ ra một số trở ngại trong việc kiểm chứng các giả thuyết xung quanh các yếu tố tác động đến khuôn mẫu tuổi kết hôn trong các nghiên cứu cho đến nay về vấn đề này.
Di cư hôn nhân Việt Nam - Hàn Quốc: Những vấn đề đặt ra
Vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài là điều bình thường, được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ, song hiện nay có nhiều vấn đề nảy sinh từ các cuộc hôn nhân này. Từ các nguồn tài liệu sẵn có, bài viết tập trung xem xét thực trạng vấn đề kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc và những vấn đề đặt ra với cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng Việt - Hàn, cũng như các hoạt động hỗ trợ hiện nay cho những cuộc hôn nhân này. Tác giả cũng cho rằng để đảm bảo được vai trò và khả năng xây dựng gia đình của các cặp vợ chồng quốc tế trong thực hiện các chức năng kinh tế, xã hội, chính trị, thoả mãn tình cảm, giáo dục.. cần hướng tới mục tiêu mang lại sự hoà nhập cho các cô dâu nước ngoài vào xã hội, cũng như thiết lập các hoạt động hỗ trợ và có sự điều chỉnh chính sách từ cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc.
Định hướng nghề nghiệp cho con cái
Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang phát triển nhanh chóng với nhiều ngành nghề mới xuất hiện, nhu cầu việc làm của xã hội đang thay đổi, tuy nhiên khá nhiều thanh thiếu niên lại đang lúng túng trong việc lựa chọn ngành nghề. Việc định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên sao cho phù hợp với khả năng và nhu cầu của xã hội đang là vấn đề mà toàn xã hội và các bậc phụ huynh quan tâm. Trên cơ sở phân tích số liệu từ cuộc điều tra về gia đình nông thôn trong chuyển đổi thực hiện năm 2009 ở xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, bài viết xem xét các định hướng nghề nghiệp của cha mẹ cho con cái trong gia đình ở khía cạnh: hành động hướng nghiệp, mong muốn của cha mẹ về nghề nghiệp con và các yếu tố tác động. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các bậc cha mẹ đều mong muốn con cái thoát ly khỏi nông thôn và có công việc ổn định. Tiêu chí làm việc trong khu vực kinh tế nhà nước vẫn được đa số phụ huynh coi trọng, tuy nhiên tiêu chí này được lựa chọn ít hơn ở những gia đình cha mẹ làm công chức và có học vấn cao. Vai trò định hướng nghề nghiệp cho con cái của gia đình được đánh giá là vai trò chủ đạo song nhà trường, nhóm bạn bè và đặc biệt là internet được coi là những kênh thông tin rất quan trọng góp phần hỗ trợ cho việc định hướng nghề nghiệp đạt hiệu quả.
Ảnh hưởng của gia đình đối với giáo dục đại học của thanh niên Hà Nội
Dựa trên số liệu của Điều tra Vị thành niên và Thanh niên Hà nội năm 2006, bài viết tìm hiểu ảnh hưởng của gia đình đối với giáo dục đại học của thanh niên. Trong bối cảnh các gia đình Việt Nam thực sự quan tâm và kỳ vọng vào giáo dục bậc đại học cho con em mình, tác giả tập trung tìm hiểu ảnh hưởng của gia đình đối với việc theo học đại học và đối với học lực của sinh viên. Sử dụng mô hình phân hồi quy đa biến, có thể giải thích được 20,8 % tác động của gia đình đối với tỷ lệ theo học đại học của thanh niên và chỉ giải thích 6,8% tác động của gia đình đối với học lực khá giỏi của thanh niên ở bậc đại học. Kết quả phân tích cụ thể cho thấy nếu việc thanh niên theo học đại học chịu ảnh hưởng đáng kể của gia đình thì thành tích học tập (khá giỏi) của thanh niên ở bậc đại học là do các yếu tố ngoài gia đình quyết định nhiều hơn. Các yếu tố này có thể là năng lực của mỗi cá nhân hoặc khuôn mẫu trong trường học hay đặc thù của thiết chế giáo dục ở Việt Nam.
Thái độ của thanh thiếu niên Hà Nội về quan hệ tình dục trước hôn nhân và các yếu tố tác động
Sử dụng số liệu của cuộc Điều tra về tình dục và sức khỏe sinh sản của thanh thiếu niên Hà Nội năm 2006, bài viết phân tích thái độ của thanh thiếu niên về quan hệ tình dục trước hôn nhân và các yếu tố tác động đến thái độ này. Kết quả cho thấy thanh thiếu niên Hà Nội nhìn chung không ủng hộ quan hệ tình dục trước hôn nhân, nhưng họ có cái nhìn cởi mở hơn so với các quan điểm truyền thống. Tỷ lệ ủng hộ quan hệ tình dục trước hôn nhân tăng lên trong trường hợp có sử dụng biện pháp tránh thai. Việc chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân ở thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố giới tính và việc họ đã có quan hệ tình dục. Nỗi lo ngại cha mẹ tức giận làm giảm mức độ đồng tình với quan hệ tình dục trước hôn nhân của thanh thiếu niên. Trong khi đó, các yếu tố tiếp cận với tài liệu khiêu dâm, có phần lớn bạn thân đã quan hệ tình dục và cảm giác bị hấp dẫn bởi người khác giới làm tăng khả năng chấp nhận hành vi này.
Quan niệm giới qua ca dao, tục ngữ Việt Nam
Trên cơ sở phân tích ca dao và tục ngữ Việt Nam, tác giả chỉ ra những quan niệm rập khuôn và các định kiến từ góc độ giới. Những quan niệm này được xem xét trên ba khía cạnh, đó là ngoại hình; tính cách, phẩm chất và vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và nam giới trong gia đình và xã hội. Tác giả cho rằng chuẩn mực kép về ngoại hình thường dẫn đến những đánh giá định kiến, thậm chí hạ thấp giá trị của người phụ nữ trong so sánh với nam giới. Ca dao tục ngữ cũng nhấn mạnh các đặc điểm phẩm chất, tính cách và vai trò, trách niệm của nam và nữ trên cơ sở khuôn mẫu giới tính rõ rệt. Tác giả cho rằng việc gắn phụ nữ với gia đình như một trách nhiệm đương nhiên, đã hạn chế cơ hội, sự lựa chọn của người phụ nữ cũng như việc thể hiện năng lực và tính độc lập của họ.
Quan niệm và thái độ của vợ chồng trẻ về bình đẳng giới trong gia đình
Bài viết dựa trên kết quả của một nghiên cứu định tính “Tìm hiểu quan niệm của những đôi vợ chồng trẻ về bình đẳng giới trong đời sống hôn nhân gia đình”. Tác giả mong muốn làm rõ quan niệm và thái độ của các cặp vợ chồng trẻ về vai trò giới trong gia đình; so sánh sự tương đồng và khác biệt trong quan niệm về bình đẳng giới giữa người chồng và người vợ; mối quan hệ giữa hạnh phúc và bình đẳng giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy quan niệm và hành vi ứng xử của những đôi vợ chồng trẻ về bình đẳng giới trong gia đình còn bị chi phối nhiều bởi quan niệm truyền thống. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mặc dù những người trẻ có tiếp nhận tư tưởng mới, như bình đẳng, quyền, tiếng nói và cơ hội ngang bằng cho cả hai giới, tuy nhiên, dưới các áp lực xã hội, họ vẫn tiếp tục duy trì các quan niệm và hành vi ứng xử có tính chất bất bình đẳng giới thể hiện qua sự phân công lao động trong gia đình, các nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, biện pháp giải quyết mâu thuẫn nhằm hướng đến mục tiêu trước mắt là sự hòa thuận và hạnh phúc gia đình. Vợ chồng trẻ nhận thức được sự cần thiết phải có yếu tố bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, họ xác định đó là mục tiêu lâu dài, khó có thể thực hiện trong giai đoạn hiện tại.
Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam Thực trạng diễn tiến và nguyên nhân
Cuốn sách “Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam - thực trạng, diễn tiến và nguyên nhân” được xuất bản năm 2009 gồm 335 trang. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, do Viện Gia đình và Giới thực hiện năm 2008, Nguyễn Hữu Minh và Trần Thị Vân Anh chủ biên.
Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 5/2010
Mục lục số 5 năm 2010
TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG
Nguyễn Hữu Minh Tuổi kết hôn ở Việt Nam và các yếu tố tác động
3
Lê Thị Quý Di cư hôn nhân Việt Nam - Hàn Quốc: Những vấn đề đặt ra
16
Đặng Thanh Nhàn Định hướng nghề nghiệp cho con cái
26
Phùng Thị Kim Anh Ảnh hưởng của gia đình đối với giáo dục đại học của thanh niên Hà Nội
39
Nguyễn Hà Đông Thái độ của thanh thiếu niên Hà Nội về quan hệ tình dục trước hôn nhân và các yếu tố tác động
52
Trần Thị Phương Anh Quan niệm giới qua ca dao, tục ngữ Việt Nam
66
Trần Thị Anh Thư Quan niệm và thái độ của vợ chồng trẻ về bình đẳng giới trong gia đình
74
Trần Thị Thanh Loan Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam Thực trạng diễn tiến và nguyên nhân
85
Lê Thanh Bình Sự tương đồng và khác biệt trong quan niệm về hôn nhân, gia đình giữa các thế hệ người Việt Nam hiện nay 90
Trần Thị Hồng Hội thảo Báo cáo kết quả Chương trình nghiên cứu khoa học năm 2009-2010 của Viện Gia đình và Giới 93
Nguyễn Đức Tuyến Hội nghị: Công bố kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 và tổng kết công tác điều tra 95