Liên kết web
Số lượt truy cập

20

2623930

Chi tiết tạp chíSố 4 - 2019

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU GIA ĐÌNH VÀ GIỚI TRÂN TRỌNG THÔNG BÁO

Tác giả: Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới

Trang: 96

Căn cứ theo Quyết định số 29/QĐ-HĐGSNN ký ngày 10 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước Phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2019, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới (tiếng Việt) và Vietnam Journal of Family and Gender Studies (tiếng Anh) đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước phê duyệt nâng điểm từ 0,5 lên 0,75 từ năm 2019. Tạp chí được tính điểm chính thức thuộc Hội đồng Giáo sư liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới

Hội thảo quốc gia “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Khuyến nghị chính sách”

Tác giả: Đức Tuyến

Trang: 94-96

Nhằm triển khai các cam kết của Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và Chiến lược quốc gia về Bình đẳng Giới giai đoạn 2011-2020, năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn chủ đề hoạt động là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Hưởng ứng “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, ngày 24/6/2019 tại Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Khuyến nghị chính sách” nhằm cung cấp căn cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất các giải pháp tăng cường hơn nữa không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Hội thảo đã thu hút sự tham dự của nhiều đại biểu từ nhiều cơ quan, ban ngành như: Văn phòng Quốc hội; Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội; Hội Bảo vệ Trẻ em Việt Nam; Tổ chức UN Women tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực gia đình, giới, phụ nữ và trẻ em, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương… Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam đã thành công trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh cho người dân và địa vị phụ nữ ngày càng được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội. Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng xâm hại tình dục, quấy rối tình dục, phá thai không an toàn, đuối nước, tai nạn giao thông, thiên tai... đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang xảy ra và tạo ra bức xúc cho xã hội. Hội thảo được tổ chức với mong muốn làm rõ thực trạng an toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái hiện nay, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách với mong muốn tạo ra không gian an toàn trong gia đình, cộng đồng, nơi làm việc. GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo trong bài phát biểu khai mạc. Theo đó, Việt Nam là một nước được đánh giá là an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, tuy nhiên, hiện vẫn còn gặp phải những vấn đề bất bình đẳng đối với phụ nữ trong tham gia xã hội và dễ gây tổn thương đến trẻ em. Các bài tham luận và trao đổi tại Hội thảo sẽ đóng góp về mặt xây dựng chính sách, luật pháp, môi trường để tạo ra một không gian an toàn không giới hạn cho phụ nữ và trẻ em. Hội thảo đã lựa chọn được 38 tham luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, các nhà hoạch định và thực thi chính sách về vấn đề các chủ đề liên quan đến không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Trong một ngày hoạt động, 11 bài tham luận được trình bày tại hội thảo trong 4 phiên. Phiên 1 với chủ đề “Cơ sở lý luận và thực tiễn của Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, gồm 4 bài trình bày. Trong báo cáo đề dẫn mở đầu cho Hội thảo, PGS. TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã giới thiệu khái quát về khái niệm “không gian an toàn”. Khái niệm này được xuất hiện cuối thể kỷ XX và có lịch sử phát triển cùng phong trào nữ quyền, sự đấu tranh cho đa dạng xu hướng tính dục và chống phân biệt chủng tộc. Không gian an toàn đề cập đến không gian tâm lý và trải nghiệm, bảo vệ khỏi các tác hại về tâm lý hoặc cảm xúc, hay như một không gian trong đó những người tham gia có thể thể hiện một cách cởi mở cá tính của họ. Bản chất không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái là nơi mà phụ nữ và trẻ em gái có thể tới bất kỳ khi nào với cảm giác an toàn và được trao quyền và có thể tiếp cận thông tin, giáo dục, hoạt động giải trí, hỗ trợ và dịch vụ. Không gian an toàn có thể được phân theo nhiều chiều cạnh, như: không gian địa lý, không gian mạng, không gian gia đình, cộng đồng, xã hội v.v. được nghiên cứu từ nhiều cách tiếp cận, gợi ý các hàm ý lý luận và thực tiễn cho xã hội Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam đã giới thiệu tổng quan các cam kết quốc tế và khu vực liên quan đến xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ lao động di cư (quốc tế) và một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam. Phiên 2 gồm 2 bài tham luận với chủ đề “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại nơi công cộng”. Các báo cáo đề cập đến thực trạng sự an toàn của phụ nữ trong xã hội như vấn đề mua bán phụ nữ và trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số; vấn đề tạo không gian công cộng an toàn cho phụ nữ trong kiến trúc đô thị; không gian trong môi trường giáo dục được thể hiện các quan niệm về hình phạt đối với học sinh; thái độ của thanh niên về vấn đề quấy rối tình dục trong nhà trường; mô hình Ngôi nhà Bình yên của Hội phụ nữ. Các báo cáo cho thấy ở Việt Nam hiện nay, phụ nữ và trẻ em đã được Nhà nước quan tâm và đã đạt được các thành quả tốt đẹp nhưng vẫn còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái. Sự ảnh hưởng này không chỉ diễn ra không gian xã hội mà còn xảy ra ngay tại môi trường giáo dục cũng như nơi làm việc của phụ nữ và trẻ em. Phiên 3 có chủ đề “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình” với 2 bài tham luận. Theo các nhà khoa học, không gian gia đình được coi là không gian an toàn nhất cho trẻ em và phụ nữ, tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em đã phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn sự mất an toàn ngay trong chính gia đình của mình. Các báo cáo tập trung làm rõ vấn đề bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em trong gia đình, chỉ ra những hình thức bạo lực gia đình, hiện trạng bạo lực gia đình và ảnh hưởng của bạo lực gia đình đến phụ nữ và trẻ em. Theo đó, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những hạn chế về mặt luật pháp, chính sách cũng như vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan, đoàn thể và cộng đồng trong việc giải quyết vấn đề này. Phiên 4 có chủ đề “Xây dựng không gian an toàn về chính sách và giải pháp can thiệp”, với 3 báo cáo tham luận. Các diễn giả và nhiều đại biểu đã đề xuất ban hành, chỉnh sửa các chính sách, luật pháp liên quan đến đảm bảo môi trường lao động an toàn cho phụ nữ, đảm bảo không gian an toàn trong cộng đồng, không gian an toàn trong gia đình, không gian an toàn trong môi trường kỹ thuật số, trong môi trường học đường... Các tham luận và phát biểu tại Phiên 4 cũng giới thiệu một số mô hình/kinh nghiệm tạo lập không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên thế giới và ở các quốc gia Asean. Kết luận bế mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ghi nhận thành công của Hội thảo với sự đóng góp của các tham luận cũng như các phát biểu, tranh luận tại Hội thảo. Phó Chủ tịch đã tóm tắt và chỉ ra các vấn đề còn nổi cộm, vướng mắc trong đảm bảo không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em và đánh giá cao các ý kiến xây dựng những hàm ý chính sách có tính khả thi để tạo lập không gian thực sự an toàn bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em. Từ các cách tiếp cận khác nhau, các nhà khoa học và các nhà thực thi chính sách đã làm rõ các lý thuyết, đánh giá thực trạng và gợi mở các hàm ý chính sách trong bảo vệ và mang đến không gian an toàn phụ nữ và trẻ em. Theo đó, gia đình Việt Nam vẫn là môi trường có vai trò quan trọng nhất trong việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, để có một không gian thực sự lành mạnh và an toàn cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của cộng đồng, của các tổ chức xã hội, của nhà nước trong việc xây dựng không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Tổng quan chính sách và nghiên cứu về bạo lực học đường và bạo lực học đường trên cơ sở giới ở Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Ngọc Ánh, Trần Huy Hoàng, Bùi Thanh Xuân

Trang: 83-93

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, bạo lực học đường nói chung và bạo lực học đường trên cơ sở giới nói riêng đang có xu hướng gia tăng và trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bài viết đề cập đến một số các chính sách của Việt Nam liên quan đến vấn đề giới, bất bình đẳng giới, bạo lực giới, bạo lực học đường trên cơ sở giới hướng đến môi trường an toàn, lành mạnh cho mọi học sinh trong học đường; cung cấp kết quả rà soát các văn bản hiện hành; các cam kết chính sách của chính phủ Việt Nam liên quan đến vấn đề giới, bất bình đẳng giới, nạn bạo lực học đường, bạo lực giới, bạo lực học đường trên cơ sở giới; tổng quan nghiên cứu về bạo lực học đường, bạo lực học đường trên cơ sở giới ở Việt Nam hiện nay. Bài viết cũng đưa ra những khuyến nghị cụ thể cho ban giám hiệu các nhà trường phổ thông về việc phòng chống bạo lực học đường trên cơ sở giới.

Bảo đảm không gian an toàn cho trẻ em nhìn từ góc độ quyền được bảo vệ

Tác giả: Phạm Thị Tính

Trang: 72-82

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chính là tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai. Do đó, việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được xác định là trách nhiệm của cả gia đình và toàn xã hội. Công ước Quyền trẻ em ra đời đã được 30 năm nhưng việc vi phạm quyền trẻ em vẫn diễn ra khá phổ biến, trong đó có tình trạng bạo lực, bóc lột và xâm hại trẻ em. Vậy, có cơ chế nào để bảo vệ trẻ em khỏi sự bóc lột, xâm hại và bạo lực, bài viết này sẽ tập trung xem xét một số vi phạm về quyền trẻ em ở Việt Nam và phân tích cơ chế bảo đảm không gian an toàn của trẻ em từ góc độ quyền được bảo vệ theo Công ước quốc tế Quyền trẻ em và pháp luật Việt Nam.

Xâm hại tình dục trẻ em trong trường học - Nhìn từ khung lý thuyết về mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng giữa thầy và trò

Tác giả: Dương Minh Thuận

Trang: 59-71

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) là một vấn nạn báo động ở cả Việt Nam và trên toàn thế giới. Theo thống kê của Bộ Công an, riêng năm 2018, cả nước đã xảy ra 1.269 vụ XHTDTE với 1.141 nạn nhân, chiếm 82% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý là số lượng vụ XHTDTE xảy ra trong không gian trường học chiếm tỷ trọng đáng kể - 6,2% tổng số vụ trong giai đoạn 2015-2018, và ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh là mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng giữa giáo viên và học sinh tạo điều kiện cho giáo viên xâm hại tình dục học sinh dễ dàng cũng như ngăn chặn nạn nhân tố cáo. Chênh lệch về quyền lực giữa giáo viên và học sinh lại càng sâu sắc hơn đằng sau những cánh cổng trường đóng kín, như trường nội trú. Vì thế, việc phân tích mối quan hệ quyền lực này là rất cần thiết để có thêm những luận cứ vững chắc nhằm đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng trên. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu, tác giả sẽ phân tích cơ chế vận hành hệ thống trường học đã tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển mối quan hệ quyền lực bất cân xứng này, và những tác động của nó tới rủi ro xảy ra xâm hại tình dục học đường cũng như khả năng lên tiếng của nạn nhân.

Mô hình liên thế hệ tự giúp nhau của người cao tuổi và vai trò của công tác xã hội (Nghiên cứu trường hợp huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa)

Tác giả: Nguyễn Văn Đồng

Trang: 46-58

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Thanh Hóa là địa phương đi đầu trong việc nhân rộng mô hình liên thế hệ tự giúp nhau, đây là mô hình chăm sóc - trợ giúp người cao tuổi dựa vào cộng đồng, mô hình đã huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp và phát huy vai trò người cao tuổi; nhờ đó đã đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của số đông người cao tuổi tại địa phương. Hoằng Hóa là huyện đầu tiên thực hiện mô hình này tại hai xã là Hoằng Lưu và Hoằng Trạch. Sau giai đoạn đầu triển khai, mô hình đã trợ giúp người cao tuổi thông qua bốn hoạt động chính như: chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ sinh kế tạo việc làm; giải trí - thể dục thể thao; truyền thông nâng cao hiểu biết về chính sách người cao tuổi.

Hành vi tiêu dùng sản phẩm may mặc của thanh niên đô thị: Một tiếp cận xã hội học giới

Tác giả: Đào Thúy Hằng

Trang: 34-45

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên các quan điểm nghiên cứu trước đó về sự khác biệt giới trong hành vi tiêu dùng nói chung, bài viết này sử dụng dữ liệu từ khảo sát về hành vi tiêu dùng sản phẩm may mặc của thanh niên tại Hà Nội để so sánh sự khác biệt giới ở một vài khía cạnh của hành vi này như là một nghiên cứu trường hợp. Bài viết bàn luận về hành vi tiêu dùng của thanh niên đô thị dưới góc độ giới bao gồm: khác biệt giới trong mức độ quan tâm và chi trả cho sản phẩm may mặc, thời điểm mua, nguồn thông tin về sản phẩm, cách xử lý sản phẩm sau sử dụng và quan điểm về chức năng của hành vi tiêu dùng.

Vai trò và vị thế của người phụ nữ Nhật Bản trong gia đình hạt nhân hiện nay: So sánh, đối chiếu với Việt Nam

Tác giả: Lưu Thị Thu Thủy, Bùi Thị Minh Phượng, Bùi Thị Hồng

Trang: 22-33

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết phân tích vai trò và vị thế của người phụ nữ Nhật Bản trong gia đình hạt nhân hiện nay, nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của thiết chế IE/家 (nhà) cùng với “chính thể dân tộc” đối với phụ nữ Nhật Bản, chỉ ra những thay đổi to lớn vị thế của phụ nữ Nhật. Cũng giống như Nhật Bản, tại Việt Nam, vai trò và vị trí của người phụ nữ đang dần được thay đổi, người phụ nữ ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong gia đình và có nhiều đóng góp tích cực đối với sự phát triển xã hội hiện đại. Trên cơ sở các phân tích về vai trò, vị thế của người phụ nữ Nhật Bản và phụ nữ Việt Nam trong gia đình, bài viết sẽ cố gắng chỉ ra những điểm tương đồng, và sự khác biệt giữa những phụ nữ ở hai quốc gia này.

Những yếu tố tác động đến sự tham gia cộng đồng của phụ nữ giai đoạn 1976-1986

Tác giả: Nguyễn Đức Tuyến

Trang: 12-21

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết cho thấy ở giai đoạn 1976-1986, tỷ lệ tham gia vào cộng đồng ở vị trí và mức độ tham gia thấp của nữ cao hơn nam giới, nhưng ở vị trí và mức độ tham gia cao lại kém nam giới. Nguyên nhân được phát hiện là người phụ nữ sống cùng gia đình nhà chồng được ủng hộ tham gia cộng đồng nhưng bị cản trở trong việc giữ vị trí trong cộng đồng; quan niệm cho rằng năng lực phụ nữ hạn chế đã cản trở phụ nữ nắm các chức vụ trong cộng đồng; điều kiện kinh tế kém hoặc việc dành quá nhiều thời gian và sức lực vào hoạt động kinh tế làm giảm sự tham gia cộng đồng của phụ nữ.

Thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và một số vấn đề trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu dành cho nạn nhân tại Việt Nam

Tác giả: Hoàng Thị Thu Huyền

Trang: 3-11

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích hệ thống luật pháp chính sách của Nhà nước và các tài liệu thứ cấp về vấn đề bạo lực gia đình, bài viết khái lược thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, phân tích khả năng vận hành, đáp ứng của hệ thống dịch vụ thiết yếu, cũng như đặt ra một số vấn đề trong tiếp cận dịch vụ thiết yếu đối với nạn nhân bị bạo lực giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang tồn tại dai dẳng, trong khi khả năng đáp ứng các dịch vụ thiết yếu dành cho nạn nhân bị bạo lực tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khiến nhiều nạn nhân khó tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ này. Nguyên nhân chủ yếu là do các chương trình thí điểm còn ở quy mô nhỏ, các biện pháp ứng phó thực hiện một cách rời rạc, bỏ qua những mối liên hệ rõ ràng giữa các hình thức khác nhau của bạo lực giới.