Tọa đàm khoa học: Một số lý thuyết trong nghiên cứu giá trị gia đình
Tác giả: Hương Trầm
Trang: 128
Nhằm tăng cường hoạt động trao đổi khoa học giữa các phòng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, ngày 11/6/2014, tại Hà Nội, Phòng Nghiên cứu Gia đình đã tổ chức buổi tọa đàm “Một số lý thuyết trong nghiên cứu giá trị gia đình”. Đây cũng là hoạt động trong khuôn khổ triển khai đề tài cấp Bộ “Hệ giá trị gia đình Việt Nam dưới góc nhìn xã hội học” (Nghiên cứu trường hợp tỉnh Thái Bình) do Phòng Nghiên cứu Gia đình thực hiện năm 2013-2014.
Tới tham dự tọa đàm có Lãnh đạo Viện cùng các cán bộ, viên chức của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và các cán bộ tham gia đề tài cấp Bộ. Buổi tọa đàm chia làm hai phần chính: 1- Trình bày lý thuyết; 2- Thảo luận. Trong phần một, các đại biểu được nghe 03 báo cáo, gồm:
Báo cáo “Lý thuyết hiện đại hóa và hậu hiện đại hóa” do PGS.TS Lê Ngọc Văn trình bày. Sau khi khát quát một số nét về lý thuyết, tác giả tập trung phân tích tác động của hiện đại hóa tới gia đình và cách vận dụng lý thuyết hiện đại hóa vào đề tài giá trị gia đình. Báo cáo “Lý thuyết biến đổi giá trị giữa các thế hệ” do PGS.TS Mai Văn Hai trình bày. Trên cơ sở tổng kết những đặc trưng giá trị của ba xã hội - xã hội nông nghiệp, xã hội công nghiệp và xã hội hậu công nghiệp - tác giả nhấn mạnh luận điểm: sự biến đổi giá trị giữa các thế hệ là một quá trình liên tục. Báo cáo “Lý thuyết tương đối văn hóa” do TS. Đặng Thị Hoa trình bày. Nội dung chính của lý thuyết này là quá trình biến đổi văn hóa diễn ra do sự tiếp xúc của hai hay nhiều hệ thống văn hóa riêng rẽ mà kết quả là làm cho chúng ngày càng trở nên giống nhau hơn. Đây là một lý thuyết quan trọng trong nghiên cứu giá trị gia đình.
Các ý kiến thảo luận đã diễn ra rất sôi nổi trong phần hai của buổi tọa đàm. Các đại biểu không chỉ bình luận về ba lý thuyết đã trình bày mà còn thảo luận các tác động qua lại giữa giá trị gia đình và giá trị cá nhân đặt trong sự so sánh giữa xã hội phương Đông và xã hội phương Tây. Các ý kiến tại tọa đàm cũng đề cập tới một vấn đề rộng hơn, đó là sự vận dụng lý thuyết vào nghiên cứu gia đình ở Việt Nam hiện nay chia theo các cấp độ: đại lý thuyết, các lý thuyết tầm trung và các luận điểm mang tính lý thuyết.
Các đại biểu tham dự toạ đàm đã gợi ra một số vấn đề cần làm rõ hơn trong những nghiên cứu sắp tới bao gồm: việc phân tích mức độ ảnh hưởng của công nghiệp hoá và hiện đại hoá đối với sự biến đổi giá trị gia đình Việt Nam; sự biến đổi của hệ giá trị khác nhau ở các nhóm gia đình; cách thức đo lường sự biến đổi hệ giá trị gia đình; vấn đề nghiên cứu hệ giá trị trong trạng thái động; sự kết hợp các lý thuyết khác nhau trong phân tích biến đổi hệ giá trị gia đình Việt Nam; v.v. Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đánh giá cao thành công của cuộc toạ đàm và khẳng định chủ trương tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm khoa học do các phòng nghiên cứu chủ trì, tập trung vào các vấn đề khoa học theo định hướng nghiên cứu của Viện.
Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em ở thành phố Hồ Chí Minh qua một cuộc khảo sát
Tác giả: Phạm Thị Thúy
Trang: 118-127
File toàn văn đính kèm: Tải về
Bài viết dưới đây dựa trên kết quả của một nghiên cứu thực nghiệm được thực hiện tại 1 phường thuộc quận nội thành và 1 huyện ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 nhằm đánh giá mức độ quan tâm của các bậc cha mẹ đến việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát trên tổng số mẫu là 467 cha mẹ và phỏng vấn sâu 60 trường hợp với mong muốn tìm hiểu việc đưa thêm nội dung kỹ năng sống vào việc giáo dục trẻ, đặc biệt là trẻ từ 0 đến 6 tuổi, đang diễn ra thế nào? Các bậc cha mẹ thực hành điều đó ra sao? Việc thực hành đó có gì giống và khác nhau giữa các nhóm xã hội? Từ đó bài viết đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm cải thiện điều kiện giáo dục, tạo cho trẻ năng lực tâm lý xã hội có thể ứng phó với những yêu cầu và thách thức mới nảy sinh từ cuộc sống hàng ngày.
Nhận xét bước đầu về khuôn mẫu ứng xử trong gia đình người Việt hiện nay (Qua cuộc khảo sát tại tỉnh Thái Bình)
Tác giả: Nguyễn Thanh Huyền
Trang: 108-117
Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội công nghiệp và hiện đại. Trong bối cảnh đó, văn hóa ứng xử trong xã hội nói chung, trong gia đình nói riêng cũng đang vận động và biến đổi. Cho đến nay, ở Việt Nam vẫn còn ít những công trình nghiên cứu khoa học toàn diện và thấu đáo về vấn đề này, cụ thể là chúng ta chưa biết được một cách chắc chắn là hiện nay văn hóa ứng xử trong gia đình đang diễn ra như thế nào? Các khuôn mẫu cũ hay các khuôn mẫu mới đang thắng thế? Tần suất và cường độ của chúng đến đâu? Đặc biệt, sự vận hành của văn hóa ứng xử trong gia đình hiện nay có ảnh hưởng gì đến mục tiêu phát triển gia đình và xã hội bền vững mà Đảng và Nhà nước đang đặt ra? Dựa vào số liệu của đề tài cấp Bộ “Hệ giá trị gia đình Việt Nam dưới góc nhìn xã hội học” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện tại tỉnh Thái Bình năm 2014, bài viết phân tích các khuôn mẫu ứng xử trong gia đình hiện nay trên ba khía cạnh khuôn mẫu ứng xử giữa vợ và chồng, khuôn mẫu ứng xử giữa cha mẹ và con cái, khuôn mẫu ứng xử giữa các anh chị em.
Một số ứng xử mới về sự quan tâm giữa vợ và chồng ở gia đình Bắc Trung bộ và các yếu tố tác động
Tác giả: Nguyễn Hữu Minh
Trang: 94-107
File toàn văn đính kèm: Tải về
Ứng xử giữa vợ và chồng là một khía cạnh trong hệ giá trị gia đình. Nó cho thấy cách mọi người nghĩ và thực hành về những gì họ cho là tốt đẹp trong biểu lộ tình cảm giữa vợ và chồng. Trên cơ sở khảo sát tại 6 phường/xã thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, bài viết phân tích về một số hình thức ứng xử mới giữa vợ và chồng ở địa phương như tặng quà cho vợ/chồng vào dịp lễ, Tết; tổ chức mừng sinh nhật vợ/chồng; và tổ chức kỷ niệm ngày cưới. Kết quả cho thấy, có khoảng một phần tư số gia đình thực hành các ứng xử mới trong quan hệ giữa vợ và chồng, một phát hiện khá tương đồng với các nghiên cứu khác. Các giả thuyết về vai trò của yếu tố hiện đại hóa, kinh tế và văn hóa được kiểm chứng qua nghiên cứu. Nhìn chung, nam giới, nhóm trẻ tuổi, có học vấn cao, sống ở đô thị và có mức sống khá có nhiều khả năng thực hành các ứng xử mới hơn. Những người theo đạo Thiên chúa có nhiều khả năng thể hiện các ứng xử mới (được xem là du nhập từ văn hóa phương Tây) hơn những người không theo đạo.
Tiêu chuẩn lựa chọn người bạn đời ở một làng đồng bằng sông Hồng trong 75 năm vừa qua
Tác giả: Ngô Thị Thanh Quý
Trang: 85-93
File toàn văn đính kèm: Tải về
Dựa vào nguồn số liệu điều tra thực nghiệm về hôn nhân tại làng Tam Sơn (xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), bài viết phân tích các nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi các tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời của các thế hệ qua các giai đoạn từ 1938 đến 2013. Theo đó, tác giả cho rằng sự vận hành và biến đổi của các tiêu chuẩn lựa chọn người bạn đời ở làng Tam Sơn là liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác, có sự kế thừa, nâng cao và hoàn thiện hơn trong từng giai đoạn. Bằng chứng là các giá trị như khỏe mạnh, có đạo đức tốt, có lý lịch trong sạch luôn được giữ vững ở cả 3 nhóm thuộc 3 giai đoạn kết hôn khác nhau; còn các tiêu chí khác như có học vấn, có nghề nghiệp, có tình yêu… có tỷ lệ người lựa chọn tăng dần qua các thế hệ.
Chuẩn mực hôn nhân: những quan niệm khác biệt
Tác giả: Trần Thị Vân Nương
Trang: 76-84
File toàn văn đính kèm: Tải về
Trong bối cảnh biến chuyển xã hội dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, chuẩn mực hôn nhân là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Theo đó, sự đa dạng trong quan niệm về chuẩn mực hôn nhân là một yếu tố khiến các nhà nghiên cứu băn khoăn tìm câu trả lời. Bài viết trình bày những quan niệm khác biệt về chuẩn mực hôn nhân giữa các nhóm xã hội khác nhau và bước đầu phân tích một số yếu tố tác động đến những sự khác biệt này.
Về một khuynh hướng vận hành và biến đổi trong hệ giá trị gia đình hiện nay (Qua cuộc khảo sát tại tỉnh Thái Bình)
Tác giả: Lê Thị Hồng Hải & Mai Văn Huyên
Trang: 65-75
File toàn văn đính kèm: Tải về
Dựa vào kết quả Đề tài cấp Bộ “Hệ giá trị gia đình Việt Nam dưới góc nhìn xã hội học” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2014 tại tỉnh Thái Bình, bài viết tìm hiểu sự tiếp nhận các nhóm giá trị mới vào gia đình và coi đó như một biểu hiện của sự biến đổi của hệ giá trị gia đình hiện nay trên các phương diện: đời sống vật chất, đời sống tinh thần tình cảm và các quan hệ trong gia đình; đồng thời phân tích một số nguyên nhân và các tác động xã hội của nó. Kết quả nghiên cứu cho thấy một xu hướng biến đổi giá trị của gia đình hiện nay đó là sự tiếp nhận giá trị mới của xã hội hiện đại hoá, công nghiệp hoá với các tiện nghi tân tiến; các giá trị nhân văn như tôn trọng quyền con người, tôn trọng tự do cá nhân, xóa bỏ sự khác biệt giới. Những biến đổi giá trị của gia đình Việt Nam thể hiện những khác biệt theo thế hệ và theo mức độ hiện đại hoá, mức độ phát triển của khu vực sống (nông thôn/thành thị), trình độ học vấn và theo mức sống.
Sự tương đồng và khác biệt trong lựa chọn giá trị gia đình (Qua cuộc khảo sát tại tỉnh Thái Bình)
Tác giả: Bùi Thị Hương Trầm
Trang: 56-64
File toàn văn đính kèm: Tải về
Dựa vào kết quả Đề tài cấp Bộ “Hệ giá trị gia đình Việt Nam dưới góc nhìn xã hội học” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2014 tại tỉnh Thái Bình, bài viết đề cập tới sự lựa chọn giá trị gia đình thuộc lĩnh vực kinh tế - vật chất và thể chất. Kết quả nghiên cứu cho thấy hệ giá trị gia đình trong lĩnh vực kinh tế - vật chất và thể chất vẫn bảo lưu nhiều yếu tố truyền thống với đặc trưng cơ bản là đề cao tính đồng nhất hơn tính khác biệt. Giữa các nhóm xã hội khác nhau có cả sự tương đồng và khác biệt trong việc lựa chọn các giá trị nhưng vẫn chung xu thế là nghiêng về sự tương đồng.
Đôi nét về hệ giá trị gia đình Việt Nam trong lịch sử
Tác giả: Mai Văn Hai
Trang: 46-55
File toàn văn đính kèm: Tải về
Bài viết trình bày đôi nét tiêu biểu của hệ giá trị gia đình Việt Nam trong lịch sử cho đến trước khi có sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa, văn minh phương Tây. Những biểu hiện cơ bản của hệ giá trị gia đình Việt Nam được tác giả phân loại theo 3 nhóm giá trị đó là các giá trị trong quan hệ với môi trường tự nhiên, trong quan hệ giữa người với người và trong đời sống nội tâm của con người. Bài viết cho rằng các nhóm giá trị gia đình đó luôn mang tính thường tồn và ít thay đổi mà nguyên nhân bắt nguồn từ những nhân tố kinh tế - xã hội cơ bản như tính chất của nền kinh tế tiểu nông tự túc tự cấp, cấu trúc xã hội làng xã của người Việt Nam, ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo, và từ bình diện văn hóa là tâm lý say mê sở hữu đất đai của người Việt Nam. Theo tác giả thì hệ giá trị gia đình Việt Nam là một lĩnh vực vô cùng sâu rộng với nhiều biểu hiện đa dạng và phong phú rất cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.
Biến đổi hệ giá trị gia đình trong thời kỳ hiện đại qua các tài liệu nghiên cứu nước ngoài
Tác giả: Trần Thị Cẩm Nhung
Trang: 34-45
File toàn văn đính kèm: Tải về
Hệ giá trị gia đình và sự biến đổi của nó trong thời kỳ hiện đại là một chủ đề hấp dẫn, đang được quan tâm nghiên cứu của ở hầu khắp các nước trên thế giới. Nhằm góp phần thực hiện đề tài cấp Bộ “Hệ giá trị gia đình Việt Nam dưới góc nhìn xã hội học” (Nghiên cứu trường hợp tỉnh Thái Bình) của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới năm 2013-2014, với nguồn tài liệu có được, bài viết này cố gắng điểm lại chủ đề nghiên cứu vừa nêu trên các phương diện cụ thể như: một số khái niệm liên quan và các nội dung được luận bàn về sự biến đổi giá trị trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình thông qua một số tài liệu nghiên cứu của nước ngoài mà tác giả tiếp cận được. Hy vọng bài viết sẽ mang lại ít nhiều bổ ích cho việc nghiên cứu hệ giá trị gia đình hiện nay ở nước ta.
Một số tiếp cận lý thuyết về giá trị hiện nay
Tác giả: Trần Thị Minh Thi
Trang: 21-33
File toàn văn đính kèm: Tải về
Bài viết tìm hiểu các quan điểm và lý thuyết của một số học giả được đánh giá là có ảnh hưởng nhiều nhất đến các nghiên cứu về giá trị hiện nay trên thế giới, từ đó phân tích hướng áp dụng trong bối cảnh văn hóa, xã hội và lịch sử Việt Nam. Phân tích cho thấy những tiếp cận lý thuyết về hiện đại hóa và sự tồn tại của các giá trị văn hóa truyền thống là khá phù hợp với bối cảnh chuyển đổi hiện nay ở Việt Nam, khi có hệ giá trị mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế và đồng thời còn tồn tại một số giá trị truyền thống. Tuy nhiên, theo tác giả, việc áp dụng một thang đo giá trị sẵn có là một thách thức không nhỏ. Lí do là cùng một phạm trù giá trị dù là bao trùm hay đơn lẻ, nội hàm và cách hiểu là không hoàn toàn như nhau ở những nền văn hóa khác nhau. Do đó, việc xây dựng hệ thang đo giá trị cá nhân của Việt Nam theo hướng áp dụng những thang đo đã được áp dụng trên thế giới là cần thiết để có thể so sánh các phân tích về giá trị của Việt Nam với các quốc gia khác.
Tiếp cận lý thuyết nhân học trong nghiên cứu gia đình
Tác giả: Đặng Thị Hoa
Trang: 14-20
File toàn văn đính kèm: Tải về
Bài viết tổng hợp một số nội dung cơ bản của các lý thuyết nhân học được áp dụng trong nghiên cứu gia đình như thuyết tương đối văn hoá, thuyết chức năng, thuyết cấu trúc, trường phái văn hoá và nhân cách; đồng thời đề cập đến các quan điểm của một số nhà nhân học trên thế giới và Việt Nam nghiên cứu về gia đình. Tác giả cho rằng, cho đến nay, vẫn chưa có quan điểm thống nhất hay một khái niệm được thừa nhận một cách thuyết phục nhất về gia đình. Những vấn đề liên quan đến khái niệm, các loại hình, cấu trúc, các mối quan hệ trong gia đình, các giá trị của gia đình dưới góc độ văn hóa, v.v. vẫn cần tiếp tục được làm rõ.
Nghiên cứu xã hội học về giá trị gia đình: Mấy vấn đề lý luận và phương pháp luận
Tác giả: Lê Ngọc Văn
Trang: 3-13
File toàn văn đính kèm: Tải về
Nghiên cứu xã hội học về giá trị gia đình là một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam, do đó chúng ta chưa có nhiều tri thức và kinh nghiệm. Bài viết tập trung vào bốn vấn đề có ý nghĩa lý luận và phương pháp luận, đó là: 1) làm rõ khái niệm giá trị gia đình trong hệ thống các giá trị xã hội; 2) xem xét giá trị gia đình trong sự khác biệt giữa các nền văn hóa; 3) giá trị gia đình trong tương quan với cấu trúc xã hội; và 4) sự biến đổi của hệ giá trị gia đình, hay nói khác đi là hệ giá trị gia đình với tư cách là một phạm trù lịch sử. Những nội dung được trình bày trong bài viết cũng góp phần trả lời cho các câu hỏi: giá trị gia đình là gì? Nó khác với các giá trị xã hội khác ra sao? Tại sao mỗi nền văn hóa, cũng như mỗi nhóm xã hội trong cấu trúc của một nền văn hóa lại có sự khác nhau về giá trị gia đình? Các giá trị gia đình có biến đổi không, nếu có thì chúng biến đổi như thế nào trong những điều kiện lịch sử khác nhau?