Liên kết web
Số lượt truy cập

40

2933655

Chi tiết tạp chíSố 3-2024

Di động nghề nghiệp của nhóm nông dân di cư tuổi trung niên hiện nay

Tác giả: Nguyễn Đức Chiện, Nguyễn Minh Thanh

Trang: 3-18

Dựa vào bằng chứng từ hai đợt khảo sát được thực hiện theo phương pháp nghiên cứu định tính của đề tài “Nghiên cứu sự dịch chuyển cơ cấu lao động ở nông thôn hiện nay” thực hiện từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, bài viết tập trung lý giải tính bất định trong chuyển đổi hay di động nghề nghiệp của nhóm nông dân di cư ra đô thị. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự di động nghề nghiệp của nhóm nông dân di cư ra đô thị làm công nhân hoặc ở khu vực kinh tế phi chính thức, các rào cản và thách thức trong quá trình chuyển dịch nghề nghiệp dẫn đến tính bất định hay tình thế tiến thoái lưỡng nan trong chuyển đổi nghề nghiệp của nhóm nông dân trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa.

Đời sống tinh thần của vị thành niên và các yếu tố ảnh hưởng

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 19-31

Đời sống tinh thần là một chỉ báo quan trọng phản ánh chất lượng cuộc sống của một con người nói chung và vị thành niên nói riêng. Bài viết phân tích đặc điểm, thực trạng đời sống tinh thần của vị thành niên qua ba khía cạnh: cảm xúc, quan hệ xã hội và giải trí. Kết quả phân tích cho thấy, các yếu tố đặc trưng nhân khẩu xã hội cá nhân, gia đình có mối quan hệ với các khía cạnh đời sống tinh thần của vị thành niên. Vị thành niên không ở nhóm yếu thế, gia đình có nguồn lực, điều kiện kinh tế-xã hội cao hơn có đời sống tinh thần tốt hơn. Gia đình, các bậc cha mẹ cần có sự quan tâm, chăm sóc các khía cạnh cảm xúc, quan hệ xã hội và giải trí của vị thành niên, đặc biệt là ở nhóm yếu thế nhằm nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần cho các em.

Thực trạng và nhu cầu của người cao tuổi về nhà ở

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 32-47

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nơi sống của người cao tuổi (NCT) quyết định sự già hóa khỏe mạnh của họ. Những thay đổi về sức khỏe thể chất, tinh thần khi tuổi cao khiến NCT cần một không gian sống an toàn, thuận tiện, thoải mái, phù hợp với sở thích, thói quen sinh hoạt và tình trạng sức khỏe của mình. Điều đó đặt ra vấn đề cần quan tâm đến việc sắp xếp, tổ chức nơi ở phù hợp cho NCT trong bối cảnh tốc độ già hóa diễn ra nhanh ở Việt Nam hiện nay và được dự báo tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. Dựa trên kết quả khảo sát định tính và định lượng (với số mẫu là 402 NCT từ 60 tuổi trở lên) tại thành phố Hòa Bình và thành phố Đà Nẵng năm 2023, bài viết tập trung làm rõ vấn đề nhà ở của NCT trên các chiều cạnh: nhu cầu về nhà ở của NCT, thực trạng nơi ở của NCT và ý kiến của NCT về việc sửa chữa, duy tu nhà ở theo nhu cầu. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra những điểm cần chú ý về vấn đề nhà ở cho NCT ở Việt Nam hiện nay.

Tác động của gắn kết xã hội qua các ứng dụng mạng xã hội trực tuyến đối với người cao tuổi

Tác giả: Nguyễn Hà Đông, Trần Thị Cẩm Nhung

Trang: 48-62

Trong thời đại công nghệ số, sự phát triển vượt bậc của các phương tiện công nghệ và các ứng dụng mạng xã hội trực tuyến đã làm thay đổi cách thức giao tiếp, liên lạc của con người. Các tương tác xã hội trực tuyến càng trở nên phổ biến. Gắn kết xã hội qua các ứng dụng mạng xã hội trực tuyến trở thành một nguồn quan trọng giúp người cao tuổi vượt qua những rào cản do sự thay đổi lối sống, suy giảm sức khỏe thể chất, suy giảm khả năng di động xã hội, hoặc khoảng cách địa lý với người thân và bạn bè. Tổng quan nghiên cứu từ một số nước cho thấy gắn kết xã hội qua mạng xã hội đã giúp người cao tuổi duy trì các quan hệ xã hội sẵn có và mở rộng các quan hệ mới. Hình thức gắn kết này cũng ảnh hưởng đến sự hài lòng với cuộc sống và sức khỏe của người cao tuổi nhưng đây không phải là mối quan hệ một chiều và chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố tác động.

Trải nghiệm của phụ nữ cao tuổi với các tiện ích thể thao công cộng ở ngoại thành Hà Nội

Tác giả: Đào Thị Hồng Nguyên, Nguyễn Thu Hương

Trang: 63-76

Tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam đang ngày càng tăng đặt ra nhu cầu cấp thiết về nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Dựa trên dữ liệu nghiên cứu định tính và định lượng, bài viết phân tích trải nghiệm của một số phụ nữ cao tuổi khu vực ngoại thành Hà Nội về tiếp cận, sử dụng các thiết bị, dụng cụ hỗ trợ tập luyện được lắp đặt ngoài trời nơi công cộng. Các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy mối liên quan mật thiết giữa tính sẵn có về tiện ích thể thao công cộng, cũng như cơ chế đảm bảo sự tham gia của người dân trong quá trình quy hoạch, xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng ở địa phương với sự trải nghiệm tiếp cận, sử dụng tiện ích thể thao công cộng của phụ nữ cao tuổi.

Rào cản và sự hỗ trợ từ gia đình đối với công việc của nữ hướng dẫn viên du lịch

Tác giả: Nguyễn Thị Vân Hạnh, Nguyễn Thị Phượng Vĩ

Trang: 77-90

Nguồn nhân lực nữ trong ngành du lịch đóng vai trò vô cùng quan trọng nhưng nữ giới trong ngành này còn gặp nhiều rào cản và bất bình đẳng trong công việc. Theo Tổ chức du lịch thế giới, bình đẳng là một trong những thành tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Thực tiễn xã hội và học thuật đã chỉ ra tầm quan trọng cũng như sự thiếu hụt của những nghiên cứu về bình đẳng giới trong lĩnh vực du lịch. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn sâu người làm hướng dẫn viên du lịch, bài viết này hướng tới việc tìm hiểu những rào cản và sự hỗ trợ từ gia đình đối với công việc của các hướng dẫn viên nữ, nhằm đóng góp thêm một góc nhìn cho những nghiên cứu về bất bình đẳng giới trong lĩnh vực du lịch. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nữ hướng dẫn viên du lịch đều gặp những rào cản mang tính giới nhất định từ phía gia đình, nhưng đồng thời gia đình cũng lại là nguồn hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện cho các nữ hướng dẫn viên yên tâm theo đuổi nghề.

Quyền quyết định giữa vợ và chồng trong các việc quan trọng của gia đình

Tác giả: Hoàng Thị Hoa Mai

Trang: 91-103

Quyền quyết định của người vợ và người chồng trong gia đình là chỉ báo thể hiện mức độ bình đẳng giới trong gia đình. Bài viết dựa trên số liệu khảo sát định lượng của nhiệm vụ khoa học cấp Bộ “Xây dựng bộ chỉ số về bình đẳng giới”, thuộc Chương trình “Xây dựng bộ chỉ số đảm bảo an sinh quốc gia” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan chủ trì. Cuộc khảo sát thu thập thông tin về thực trạng bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, giáo dục, lao động việc làm, chăm sóc sức khỏe, gia đình và bạo lực giới, với 601 bảng hỏi người dân trong độ tuổi 20 - 60, đang có vợ/chồng, sinh sống trên địa bàn bốn xã, phường tại Thái Nguyên và Sóc Trăng. Bài viết phân tích quan niệm, thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến quyền ra quyết định giữa vợ và chồng trong các công việc quan trọng của gia đình. Ở đa số các gia đình trong mẫu nghiên cứu, hai vợ chồng cùng quyết định các công việc quan trọng của gia đình. Các yếu tố học vấn, nghề nghiệp, độ tuổi, việc sử dụng Internet có những ảnh hưởng nhất định đến sự tham gia của cả vợ và chồng trong quyền quyết định các công việc gia đình.

Sự lựa chọn cuộc sống độc thân của phụ nữ (Qua một nghiên cứu định tính tại Hà Nội)

Tác giả: Trần Thị Thanh Loan

Trang: 104-120

Vận dụng cách tiếp cận chu trình cuộc sống và lý thuyết lựa chọn hợp lý, bài viết xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn cuộc sống độc thân của các phụ nữ và những cân nhắc của họ khi quyết định sống độc thân. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc lựa chọn cuộc sống độc thân của người phụ nữ là một quá trình và chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố từ phía cá nhân, gia đình và xã hội. Các phụ nữ trong nghiên cứu này hoàn toàn chủ động lựa chọn cuộc sống của mình và họ đã có những cân nhắc kỹ lưỡng trước mỗi quyết định của mình để đảm bảo sự lựa chọn của họ là tối ưu.