Liên kết web
Số lượt truy cập

38

2624025

Chi tiết tạp chíSố 2 -2024

Chăm sóc đời sống tinh thần vị thành niên của cha mẹ tại hai tỉnh Thái Bình và Sơn La

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 3-16

Bài viết phân tích kết quả nghiên cứu sự chăm sóc đời sống tinh thần cho vị thành niên trong gia đình ở ba nội dung là cảm xúc, quan hệ xã hội và vui chơi giải trí. Nghiên cứu phân tích số liệu khảo sát 518 vị thành niên tuổi trung học ở khu vực thành thị và nông thôn tại hai tỉnh Thái Bình và Sơn La. Kết quả cho thấy, các bậc cha mẹ chăm sóc đời sống tinh thần cho con vị thành niên phụ thuộc vào các đặc trưng cá nhân vị thành niên và nguồn lực xã hội của gia đình. Gia đình có nguồn lực, điều kiện kinh tế-xã hội cao hơn có khả năng chăm sóc đời sống tinh thần cho vị thành niên tốt hơn. Vị thành niên là nữ, dân tộc thiểu số và ở nhóm tuổi lớn hơn được bố mẹ chăm sóc đời sống tinh thần thấp hơn. Gia đình có bố mẹ có học vấn cao hơn, mức sống cao hơn và cư trú ở khu vực thành thị có sự chăm sóc đời sống tinh thần vị thành niên tốt hơn.

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” - Mô hình nâng cao quyền năng cho trẻ em

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hoài

Trang: 17-30

“Trẻ em là tương lai của đất nước”, việc chăm sóc và giáo dục trẻ em nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Từ năm 2016, Luật Trẻ em ra đời, trong đó nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan hữu quan và gia đình trong việc đảm bảo quyền của trẻ em. Ở Việt Nam, còn tồn tại những khu vực thuộc vùng đặc biệt khó khăn, với tỉ lệ hộ nghèo cao, nhận thức của người dân thấp, cơ hội được chăm sóc và giáo dục đối với trẻ em còn hạn chế. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra đó là làm sao để nâng cao quyền năng cho trẻ, trong đó bao gồm quyền được học tập, quyền được tham gia và quyền bình đẳng, từ đó xây dựng một thế hệ tương lai có năng lực, học vấn và các kỹ năng sẵn sàng bước vào quá trình hội nhập. Bài viết này tìm hiểu hoạt động của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” - một mô hình nâng cao quyền năng cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, nêu rõ quá trình thành lập, các điều kiện thành lập câu lạc bộ, các giá trị mà câu lạc bộ đã mang lại cho trẻ em cũng như cộng đồng địa phương, những khó khăn và thuận lợi trong xây dựng, vận hành câu lạc bộ và một số khuyến nghị rút ra từ kết quả nghiên cứu.

Các nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn ở Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây

Tác giả: Lương Thị Thu Trang

Trang: 31-48

Kết hôn là việc trọng đại của cuộc đời mỗi người nhưng không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể cùng nhau thực hiện các mục tiêu chung đến hết cuộc đời, nhất là trong thời đại đang từng ngày diễn ra nhiều biến đổi trong tất cả mọi lĩnh vực như hiện nay. Ly hôn đang trở thành hiện tượng hết sức bình thường và phổ biến trong xã hội. Có rất nhiều lý do để một người quyết định kết hôn nhưng để đi đến quyết định ly hôn các cá nhân cũng có nhiều lý do không kém. Bằng phương pháp tổng quan các nghiên cứu đi trước, bài viết tập trung làm rõ các nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của hôn nhân và kết quả là ly hôn của các gia đình ở Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Tổng quan các xu hướng việc làm của lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp khu vực đồng bằng Bắc Bộ và đề xuất một số khuyến nghị

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hường

Trang: 49-61

Bài viết sử dụng phương pháp tổng quan tài liệu thứ cấp để phân tích các xu hướng việc làm của lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, phục vụ cho xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Các xu hướng việc làm bao gồm: duy trì sinh kế nông nghiệp; nông nghiệp kết hợp phi nông nghiệp; chuyển hoàn toàn sang phi nông nghiệp và làm thuê. Bên cạnh việc phân tích các xu hướng việc làm, bài viết cũng phân tích những bất cập trong quá trình thích ứng của người lao động ở bối cảnh bị thu hồi đất nông nghiệp. Trên cơ sở các phân tích, bài viết đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết tốt vấn đề việc làm cho lao động vùng thu hồi đất nông nghiệp.

Nghiên cứu định lượng, định tính và sự tích hợp hai phương pháp trong nghiên cứu gia đình hiện nay

Tác giả: Lê Thị Kim Dung

Trang: 62-80

Nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng là hai phương pháp thu thập dữ liệu cơ bản và quan trọng trong nghiên cứu khoa học xã hội nói chung và xã hội học nói riêng. Việc vận dụng phương pháp định tính và định lượng, dù là đơn lẻ hay tích hợp với nhau, trong nghiên cứu gia đình đã được nhiều nhà nghiên cứu xã hội học thực hiện và khẳng định tính phù hợp. Tuy nhiên, để lựa chọn được thiết kế nghiên cứu phù hợp với chủ đề gia đình đòi hỏi nhà nghiên cứu cần nắm vững bản chất và yêu cầu của mỗi phương pháp. Bài viết này tập trung làm rõ lợi thế của từng phương pháp, từ đó hướng tới việc tích hợp hai phương pháp này trong một nghiên cứu về gia đình. Phương pháp tổng hợp và phân tích tài liệu thứ cấp được vận dụng trong bài viết để hệ thống hóa các tài liệu về phương pháp định tính và định lượng trong nghiên cứu khoa học xã hội và nghiên cứu gia đình. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong các nghiên cứu gia đình, phương pháp định lượng được quan tâm sử dụng nhiều hơn bởi các ưu thế nổi bật về tính khách quan của các chỉ số cụ thể, phương pháp định tính dù ít được sử dụng nhưng cũng giúp giải mã và giải thích ý nghĩa của các hiện tượng xảy ra trong bối cảnh gia đình. Để tối đa ưu điểm và khắc phục hạn chế của cả hai phương pháp, thiết kế nghiên cứu kết hợp định tính và định lượng đang được quan tâm nhiều vì nó thể hiện được tính ưu việt; tuy nhiên, việc vận dụng thiết kế tích hợp trong nghiên cứu gia đình cần phải được xem xét cẩn thận vì không phải vấn đề nào của gia đình cũng phù hợp với phương pháp nghiên cứu tích hợp này.

Phát huy vai trò, vị thế của gia đình trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc, phản văn hóa, phản động trong tình hình mới

Tác giả: Phạm Đi

Trang: 81-91

Gia đình là tế bào của xã hội, là thiết chế xã hội độc đáo mà nhân loại đã hình thành để thực hiện những chức năng nhất định. Tại gia đình, chẳng những con người được sinh ra và lớn lên mà chính môi trường này đã lưu giữ, giáo dục, trao truyền những hệ giá trị của quốc gia, dân tộc. Trong gia đình, văn hóa được hội tụ và lan tỏa; được bảo tồn và phát huy, nối nguồn mạch sống và mang lại hạnh phúc cho mỗi con người, cộng đồng, dân tộc. Để gia đình trở thành thành trì vững chắc, văn hóa gia đình trở thành loại vắc-xin hữu hiệu miễn nhiễm trước thông tin sai trái, phản văn hóa, phản động cần phải vừa phát huy các nét văn hóa truyền thống, vừa phải tăng cường công tác gia đình trong tình hình mới.

Trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay

Tác giả: Trương Diệu Hải An

Trang: 92-104

Trong xu thế hội nhập và phát triển, phụ nữ đã và đang tiếp tục đóng góp rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt rõ nét trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, cụ thể như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay. Thông qua kết quả hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh cung cấp, trên cơ sở số liệu từ các báo cáo, bài viết tập trung phân tích các kết quả đạt được của địa phương, góp phần làm rõ hơn ý thức trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk hiện nay.

Thực hiện chính sách chăm sóc người khuyết tật tỉnh Quảng Trị

Tác giả: Lê Đức Thọ

Trang: 105-118

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp để tìm hiểu công tác thực hiện chính sách chăm sóc người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2019-2023 về các hoạt động: chính sách của tỉnh, công tác trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế, giao thông, dạy nghề và tạo việc làm… Bài viết chỉ ra những ưu điểm và hạn chế trong thực tiễn thực hiện chính sách chăm sóc người khuyết tật tại tỉnh Quảng Trị. Từ đó, bài viết cũng đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách chăm sóc người khuyết tật tại tỉnh Quảng Trị hiện nay.