Liên kết web
Số lượt truy cập

35

2624002

Chi tiết tạp chíSố 2 - 2018

Hội thảo khoa học “Giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay và xu hướng phát triển”

Tác giả: Nguyễn Xuân Khoát

Trang: 95-96

Trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” (Chương trình Gia đình), được sự cho phép của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), ngày 16/3/2018, tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Đề tài “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay” do TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, làm chủ nhiệm, đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay và xu hướng phát triển”. Tham dự Hội thảo ngoài lãnh đạo Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (cơ quan chủ trì đề tài) còn có đại diện Ban Chỉ đạo Chương trình Gia đình, các chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình. Đồng thời, Hội thảo còn có sự tham dự đông đảo của các nhà quản lý, nhà khoa học thuộc các bộ, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức quốc tế và trong nước có nghiên cứu và quan tâm đến vấn đề hôn nhân, gia đình. Trong những thập niên qua, gia đình ở nhiều quốc gia trên thế giới đã có những thay đổi về quy mô, cơ cấu, chức năng, tính chất, trong đó, nhiều giá trị gia đình đang có những biến đổi theo hướng cá nhân hóa, hiện đại hóa. Nhằm tìm hiểu những đặc điểm giá trị của gia đình Việt Nam hiện nay và xu hướng biến đổi trong thời gian tới, trong hai năm 2016-2017, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã triển khai đề tài “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay” thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”. Hội thảo khoa học “Giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay và xu hướng phát triển”nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau của giá trị gia đình Việt Nam; đồng thời trao đổi, thảo luận nhằm có thêm những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, quản lý và hoạch định chính sách để hoàn thiện các phân tích và đề xuất chính sách. Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Đặng Thị Hoa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thay mặt Lãnh đạo Viện cảm ơn sự góp mặt đông đảo các đại biểu tham dự; đồng thời nêu rõ mục đích của buổi hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách của các Bộ, Ban ngành về kết quả nghiên cứu của đề tài. Kết quả Hội thảo sẽ góp phần bổ sung cho những phát hiện đã có của đề tài, trên cơ sở đó gợi mở những đề xuất về mặt chính sách cho việc củng cố mối quan hệ hôn nhân, gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong báo cáo đề dẫn, TS. Trần Thị Minh Thi đã chỉ ra rằng hôn nhân và gia đình Việt Nam đang trải qua sự chuyển đổi quan trọng, từ mô hình truyền thống đến những đặc điểm hiện đại và cởi mở hơn, những đổi thay trong giá trị và chuẩn mực đã tác động mạnh mẽ đến thái độ và cách ứng xử của mỗi cá nhân trong xã hội ngày nay. Việc tồn tại cùng lúc các mức độ khác nhau của các giá trị truyền thống và hiện đại trong bối cảnh cái mới chưa hoàn thiện và cái cũ chưa mất hoàn toàn là khuôn mẫu chung của nhiều khía cạnh hôn nhân và gia đình Việt Nam. Sử dụng các lí thuyết hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa; chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân trong bối cảnh của Đổi mới, hội nhập và phát triển, nghiên cứu này góp phần làm rõ những giá trị cơ bản của gia đình và yếu tố ảnh hưởng đến giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay, từ đó chỉ ra một số xu hướng biến đổi giá trị cơ bản của gia đình trong thời gian tới. Các nội dung chính của nghiên cứu bao gồm: i) ý nghĩa của hôn nhân và gia đình: truyền thống và hiện đại; tính cá nhân và tập thể, khác biệt giới (thời gian, hoàn cảnh tìm hiểu bạn đời, tiêu chuẩn chọn lựa bạn đời, quyết định hôn nhân, thủ tục và nghi lễ cưới; các yếu tố của gia đình bền chặt; trật tự các điều quan trọng trong cuộc sống, vv); ii) Giá trị kinh tế (trụ cột kinh tế gia đình, việc làm của gia đình, quan niệm đối với việc đi làm bên ngoài của phụ nữ và công việc nội trợ; ý nghĩa của tài sản và sự giàu có); iii) Giá trị con cái (số con, giới tính của con, vấn đề sinh con trai, ý nghĩa của con cái, giáo dục, nuôi dạy con trai và con gái, vv); iv) Giá trị về hạnh phúc gia đình; và v) Giá trị của các mối quan hệ trong gia đình. Qua hội thảo này, TS. Trần Thị Minh Thi mong muốn các nhà khoa học và các nhà quản lý sẽ có những bình luận, đánh giá, góp ý cởi mở để Ban chủ nhiệm đề tài và các nhà nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện các kết quả nghiên cứu. Hội thảo gồm 2 phiên họp: Phiên 1: Một số chiều cạnh giá trị tinh thần, tình cảm gia đình Việt Nam hiện nay (TS. Trần Thị Minh Thi và TS. Trần Tuyết ánh, Vụ trưởng vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì). Các báo cáo trình bày trong phiên họp này đã tập trung phân tích, làm rõ một số khía cạnh về giá trị hôn nhân, gia đình và tình cảm; các giá trị về hạnh phúc; quan điểm về chung thủy trong đời sống vợ chồng, các giá trị của con cái trong gia đình Việt Nam hiện nay; các yếu tố ảnh hưởng; những chiều cạnh truyền thống và hiện đại của giá trị gia đình Việt Nam hiện nay; dự báo một số khuôn mẫu giá trị gia đình trong thời gian tới; cũng như khuyến nghị một số chính sách nhằm phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam hiện nay. Phiên họp có các bài trình bày của ThS. Trần Quý Long, ThS. Nguyễn Hà Đông và ThS. Phan Huyền Dân. Phiên 2: Một số chiều cạnh về giá trị kinh tế, quan hệ liên thế hệ và cộng đồng (GS. TS. Nguyễn Hữu Minh, Phó Chủ nhiệm Chương trình và TS. Trần Thị Minh Thi chủ trì). Các diễn giả đã trình bày sâu các nội dung như giá trị kinh tế của gia đình; các mối quan hệ của gia đình với dòng họ, cộng đồng và Tổ quốc; mối quan hệ liên thế hệ của gia đình Việt Nam hiện nay, v.v. Phiên họp có các bài trình bày của TS. Trần Thị Hồng, PGS. TS. Trần Thị An, ThS. Trịnh Thái Quang và TS. Trần Thị Minh Thi. Trong các phiên thảo luận sôi nổi, Hội thảo nhận được sự đánh giá cao của các học giả, nhà khoa học, nhà quản lý từ các cục, vụ, viện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Tổ chức Allianz Mission tại Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD), Viện Xã hội học, Hội Xã hội học Việt Nam, v.v.. về sự nghiêm túc, bài bản trong nghiên cứu và những kết quả bước đầu rất thú vị về các khía cạnh của giá trị gia đình Việt Nam. Những ý kiến trao đổi của các đại biểu là nguồn tham khảo hữu ích nhằm gợi mở, hoàn thiện các kết quả phân tích. Tổng kết hội thảo, TS. Trần Thị Minh Thi một lần nữa trân trọng cảm ơn các đại biểu tới dự hội thảo và đã có những phát biểu rất thú vị và bổ ích. Hội thảo có sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu với các nhà quản lý, xây dựng chính sách và thực hành xã hội về gia đình, giới và trẻ em. Kết quả của hội thảo góp phần bổ sung các phát hiện đã có của Đề tài, trên cơ sở đó gợi mở những đề xuất về mặt chính sách cho việc củng cố giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế và phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Hội thảo khoa học “Đặc điểm cơ bản của hôn nhân hiện nay ở Việt Nam và yếu tố ảnh hưởng”

Tác giả: Nguyễn Thu Trang

Trang: 94

Trong khuôn khổ Chương trình cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” (Chương trình Gia đình), ngày 5/3/2018, tại số 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Đề tài “Những đặc điểm cơ bản của hôn nhân ở Việt Nam hiện nay và những yếu tố ảnh hưởng” (KHXH-GĐ/16-19/02) do GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, làm Chủ nhiệm đề tài, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) chủ trì, đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đặc điểm cơ bản của hôn nhân hiện nay ở Việt Nam và yếu tố ảnh hưởng”. Tham dự Hội thảo có Đại diện Ban Chỉ đạo Chương trình Gia đình và các Chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình; TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, đại diện cơ quan chủ trì Đề tài. Đồng thời, Hội thảo còn có sự tham dự của các nhà khoa học thuộc các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức và cơ quan khác chuyên nghiên cứu và quan tâm đến vấn đề hôn nhân, gia đình. Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Trần Thị Minh Thi nhấn mạnh về quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định rằng, ở Việt Nam sự ổn định của gia đình chính là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đầu tư cho gia đình cũng là đầu tư cho phát triển bền vững. Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2009 và các cuộc điều tra lớn về gia đình đều xác nhận rằng hôn nhân là phổ biến ở Việt Nam. Hiện nay, tuy có nhiều hình thức gia đình đang tồn tại, không chỉ dựa vào yếu tố kết hôn, nhưng việc coi kết hôn như một tiền đề để hình thành gia đình vẫn là điều được nhiều người khẳng định. TS. Trần Thị Minh Thi nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự; đồng thời chỉ ra tầm quan trọng của việc phân tích các chỉ báo hôn nhân (tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, tiêu chuẩn chọn bạn đời cho phù hợp lối sống hiện đại, quyền quyết định hôn nhân) nhằm nhận diện những đặc điểm cơ bản cũng như đánh giá được sự biến đổi về hôn nhân ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, TS. Trần Thị Minh Thi nhấn mạnh cần chú trọng nghiên cứu vấn đề hôn nhân ở Việt Nam hiện nay một cách hệ thống và khoa học nhằm đề xuất những chính sách thích hợp cho sự phát triển của gia đình Việt Nam. Qua đó mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ từ cộng đồng các nhà khoa học, quản lý, hoạch định chính sách để phát triển hơn nữa các nghiên cứu lí luận và thực tiễn về hôn nhân và gia đình Việt Nam, đưa các nghiên cứu khoa học lên một tầm cao mới, đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình xây dựng đất nước. Trong báo cáo đề dẫn, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh đã phân tích rõ mục tiêu, phương pháp và kết quả nghiên cứu bước đầu về đề tài Hôn nhân. Mục tiêu chính của đề tài gồm: (1) Xác định các đặc điểm của sự hình thành hôn nhân; (2) Xác định các đặcđiểm sắp xếp nơi ở sau kết hôn; (3) Nhận diện những trải nghiệm hôn nhân của các cặp vợ chồng, đặc biệt trong giai đoạn đầu chung sống; (4) Đánh giá chất lượng một số khía cạnh của hôn nhân; (5) Đánh giá tác động của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đến hôn nhân hiện nay; (6) Dự báo xu hướng biến đổi, đặc điểm hôn nhân ở nước ta trong thời gian tới và đề xuất những định hướng chính sách cho vấn đề hôn nhân. Hội thảo gồm 2 phiên họp: Phiên 1: Hôn nhân – sự bắt đầu một gia đình mới (GS.TS. Trịnh Duy Luân và TS.Trần Thị Minh Thi chủ trì). Các báo cáo trình bày trong phiên họp này đã tập trung phân tích đặc điểm chung của hôn nhân; khác biệt giữa các nhóm xã hội về đặc điểm tìm hiểu và lựa chọn bạn đời; sắp xếp nơi ở sau hôn nhân của gia đình Việt Nam... Phiên 2: Chất lượng đời sống hôn nhân (PGS.TS. Lê Ngọc Văn và TS. Đặng Thị Hoa chủ trì). Các diễn giả đã trình bày các nội dung như sự hài lòng hôn nhân; sự thể hiện tình cảm vợ chồng; bất đồng trong hôn nhân ở Việt Nam hiện nay... Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách ở các bộ, ban ngành về kết quả nghiên cứu của Đề tài. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần bổ sung các phát hiện đã có của Đề tài, trên cơ sở đó gợi mở những đề xuất về mặt chính sách cho việc củng cố mối quan hệ hôn nhân trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhận thức, thực hành nuôi con bằng sữa mẹ và khởi đầu nuôi con bằng sữa mẹ

Tác giả: Đoàn Phương Thúy

Trang: 87-93

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ đảm bảo cho trẻ phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần, đồng thời hạn chế được những bệnh nguy hiểm như suy dinh dưỡng, các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp cho trẻ. Vì lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ cần hiểu thấu đáo những kiến thức về lợi ích của sữa mẹ, cũng như thực hành đúng cách về khởi đầu nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Bài viết này phân tích nhận thức của các bà mẹ về lợi ích của sữa non, thời gian cho con bú, ăn dặm và thực hành cho con bú ngay sau khi sinh. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện nay đa số các bà mẹ ở mẫu khảo sát đã hiểu đúng về lợi ích của việc trẻ bú sữa mẹ ngay khi sinh, tuy nhiên việc thực hành đúng nuôi con bằng sữa mẹ thì vẫn còn những khoảng trống và còn sự khác biệt giữa các nhóm bà mẹ.

Tổng quan mô hình hệ thống y tế của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới

Tác giả: Phan Huyền Dân

Trang: 77-86

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết mô tả những đặc điểm cơ bản về hệ thống y tế của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó tập trung vào vai trò nhà nước, các loại hình bảo hiểm và một số dịch vụ y tế quan trọng như chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe dài hạn. Mỗi quốc gia với những khác biệt về quản lý hệ thống, thiết lập các trụ cột an sinh và xây dựng các loại hình dịch vụ y tế sẽ là những mô hình hữu ích để Việt Nam đánh giá và từng bước hoàn thiện hệ thống y tế trong nước.

Mô hình bệnh tật của người dân Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thái Quỳnh Chi, Nguyễn Thị Nga, Trần Thị Minh Thi

Trang: 62-76

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Sử dụng kết quả khảo sát đại diện hộ gia đình tại 12 xã với tổng số 1.621 người trả lời của 6 tỉnh/thành phố năm 2017, bài viết phân tích một số đặc điểm về cơ cấu bệnh tật hiện tại và xu hướng mô hình bệnh tật của người dân Việt Nam nhằm tìm hiểu những đặc trưng và khác biệt giữa các nhóm nhân khẩu xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam có xu hướng phân loại mô hình bệnh tật phù hợp với các nước đang phát triển với gánh nặng bệnh tật kép của bệnh truyền nhiễm và bệnh không truyền nhiễm. Chỉ có 15 trên tổng số 21 chương bệnh theo phân loại bệnh tật ICD-10 được người dân báo cáo về tỷ lệ mắc. Các chương bệnh không được báo cáo về tỷ lệ mắc trong nghiên cứu này gồm: bệnh của máu, cơ quan tạo máu và các rối loạn liên quan đến cơ chế miễn dịch; rối loạn tâm thần và hành vi.

Cách thức duy trì tình cảm vợ chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975

Tác giả: Trần Thị Vân Nương

Trang: 51-61

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Trên cơ sở dữ liệu định lượng và định tính từ khảo sát tại ba xã là An Ninh, An Quý và An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình về gia đình nông thôn Bắc Bộ giai đoạn 1960-1975, trong khuôn khổ hệ đề tài cấp cơ sở năm 2017 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, bài viết trình bày và bàn luận về chủ đề duy trì đời sống tình cảm vợ chồng trong gia đình nông thôn những năm 1960-1975. Kết quả nghiên cứu chỉ ra một số yếu tố như sự quan tâm chăm sóc đến những nhu cầu cơ bản hàng ngày, sự chung thủy và tôn trọng giá trị chung thủy; các hành động thể hiện sự chia sẻ để vượt qua khó khăn và cách thức giải quyết mâu thuẫn tích cực có vai trò lớn trong việc duy trì đời sống tình cảm của các cặp vợ chồng trong giai đoạn này.

Giá trị của sự giàu có về tiền bạc đối với gia đình Việt Nam

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 41-50

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên kết quả phân tích mức độ đồng ý của 1.759 đại diện hộ gia đình với 3 nhận định thể hiện các mức độ tăng dần về giá trị của sự giàu có đối với gia đình, bài viết xem xét ý nghĩa của sự giàu có về tiền bạc đối với gia đình Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường. Các phân tích cho thấy sự giàu có về tiền bạc được nhận định không trực tiếp mang lại hạnh phúc gia đình nhưng nó giúp đảm bảo hạnh phúc gia đình khi gia đình có đủ nguồn lực kinh tế để chăm sóc, nuôi dưỡng các thành viên, thực hiện các hoạt động giải trí. Có sự khác nhau trong quan điểm về ý nghĩa của sự giàu có về tiền bạc giữa các nhóm xã hội: nhóm nam giới, nhóm những người trẻ tuổi, nhóm có mức sống nghèo, nhóm dân tộc thiểu số, nhóm sinh sống ở khu vực nông thôn có tỷ lệ cho rằng mục tiêu của gia đình là phải giàu có cao hơn so với nhóm nữ giới, nhóm những người lớn tuổi, nhóm có mức sống khá giàu, nhóm dân tộc Kinh, nhóm sinh sống ở khu vực thành thị.

Sự biến đổi giá trị gia đình ở Việt Nam (tổng quan nghiên cứu trong nước)

Tác giả: Nguyễn Đức Tuyến

Trang: 32-40

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết sử dụng phương pháp tổng quan, phân tích tài liệu để tìm hiểu khái niệm về giá trị, giá trị gia đình và phân tích sự biến đổi giá trị gia đình ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số giá trị gia đình truyền thống dù có sự thay đổi nhưng vẫn được đề cao trong xã hội như các giá trị về hôn nhân, giá trị của việc có con; trong khi một số giá trị truyền thống khác lại có sự suy giảm tầm quan trọng như giá trị về sự trinh tiết, giá trị đông con; đáng chú ý là một số giá trị mới đã xuất hiện và ngày càng nhận được sự ủng hộ của xã hội như giá trị về kiểu loại hình gia đình phi truyền thống.

Chính sách của Đảng và Nhà nước về chức năng sinh sản của gia đình từ năm 1986 đến nay

Tác giả: Phạm Quốc Nhật

Trang: 23-31

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết tổng quan và phân tích các chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến chức năng sinh sản của gia đình từ năm 1986 đến nay. Kết quả cho thấy việc chuyển hướng từ mục tiêu dân số và kế hoạch hóa gia đình sang dân số phát triển là hướng đi kịp thời của Đảng và Nhà nước trong quản lý và điều hành chính sách nhằm hỗ trợ gia đình thực hiện chức năng sinh sản. Tuy nhiên, cũng cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó cân nhắc việc gắn các vấn đề dân số, trẻ em, bình đẳng giới và gia đình thành một thể thống nhất để gia đình phát huy được đầy đủ chức năng, đóng góp cho sự ổn định và phát triển của xã hội.

Thực trạng và xu hướng biến đổi nhân khẩu học xã hội của gia đình Việt Nam hiện nay

Tác giả: Nguyễn Quốc Anh

Trang: 11-22

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở các kỳ và điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam, bài viết phân tích thực trạng biến đổi gia đình Việt Nam qua các thời kỳ từ 1976 đến nay và xem xét tác động của xu hướng biến đổi nhân khẩu học đến gia đình và dự báo về dân số và hộ gia đình Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy những thay đổi về mặt nhân khẩu học từ năm 1976 đến nay đã có tác động đến hộ gia đình. Hộ gia đình ở Việt Nam đã có sự chuyển đổi nhanh sang mô hình gia đình hạt nhân, qui mô nhỏ ít người và đến năm 2030 dự báo dân số sẽ tiếp tục tăng, đây là những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm khi hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Biến đổi phúc lợi gia đình Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới

Tác giả: Nguyễn Xuân Mai

Trang: 3-10

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Phúc lợi gia đình theo nghĩa rộng bao hàm hệ thống thể chế, các hoạt động nhằm đảm bảo đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của gia đình và các thành viên, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương. Bài viết phân tích sự biến đổi phúc lợi gia đình Việt Nam giữa giai đoạn 1975-1999 và giai đoạn từ 2000 cho đến nay ở các khía cạnh nhà ở, thu nhập, chi tiêu của hộ gia đình. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng phúc lợi gia đình về nhà ở và mức sống đã gia tăng khá mạnh mẽ trong thời kỳ Đổi mới và ít nhiều chịu tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế vĩ mô, cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế; nhưng bên cạnh đó sự bất bình đẳng về phúc lợi gia đình trong xã hội cũng ngày càng tăng lên.