Hội thảo tham vấn: Bình đẳng giới và tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam
Tác giả: Trần Cẩm Nhung
Trang: 91-92
Vào ngày 22/1/2016 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và các đối tác khác đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Bình đẳng giới và tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam”. Mục đích của Hội thảo: i) trình bày kết quả nghiên cứu và tham vấn lấy ý kiến của các chuyên gia về các phát hiện của nghiên cứu và đề xuất chính sách rút ra từ nghiên cứu; ii) thảo luận về những khía cạnh giới trong mối liên hệ với tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam và đề xuất các thay đổi, điều chỉnh trong các chính sách liên quan; iii) giúp hoàn thiện báo cáo cuối cùng của nghiên cứu “Bình đẳng giới và tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam.”.
Nghiên cứu “Bình đẳng giới và tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam” do nhóm nghiên cứu của UN Women và các đối tác thực hiện năm 2015 nhằm đánh giá về tình hình phụ nữ trong việc thực hiện các chỉ số bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm và tham gia phát triển kinh tế đã được đề xuất trong các Báo cáo đánh giá Giới quốc gia trong giai đoạn 2006-2011 và phân tích tác động của chính sách kinh tế, an sinh xã hội đối với cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái theo nhiều chiều cạnh.
Hội thảo đã thu hút 60 đại biểu đến tham dự, bao gồm: đại diện của các cơ quan hoạch định chính sách: Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quốc gia, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, ủy ban Dân tộc; các tổ chức: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân nữ, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các cơ quan nghiên cứu phục vụ chính sách: Tổng cục Thống kê, Viện Xã hội học, Viện Kinh tế Việt Nam, Học viện Phụ nữ, Viện Khoa học Lao động Xã hội; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới và tăng trưởng: UNDP, UN Women, Oxfam, ActionAid Vietnam, ILO, World Bank, Asian Development Bank, USAID, DFAT; các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam có các hoạt động nghiên cứu về giới và bình đẳng giới như: Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).
PGS.TS Phạm Văn Đức, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện tổ chức UN Women tại Việt Nam phát biểu khai mạc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và ý nghĩa của nghiên cứu “Bình đẳng giới và tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam’’ do UN Women và các cơ quan đối tác thực hiện, trong đó có sự đóng góp của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thông qua các hoạt động nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và các viện chuyên ngành khác thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đại diện của tổ chức UN Women tại Việt Nam cũng nhấn mạnh đến mục tiêu của Hội thảo tham vấn là nhằm thu nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất và gợi ý cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo cuối cùng của nghiên cứu.
Sau nội dung khai mạc, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày các nội dung chính của Dự thảo báo cáo nghiên cứu “Bình đẳng giới và tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam.” Mục tiêu bao trùm của nghiên cứu này là kiểm chứng những cam kết của Việt Nam về bình đẳng giới đã được phản ánh như thế nào trong cải cách kinh tế và mô hình tăng trưởng kinh tế quốc gia; liệu những cải cách kinh tế và mô hình kinh tế này có thể thúc đẩy bình đẳng giới hiệu quả hơn. Câu hỏi này được bắt nguồn từ ý tưởng rằng chỉ mô hình tăng trưởng kinh tế thực sự toàn diện mới có thể tạo ra tiền đề để hiện thực hóa đầy đủ quyền kinh tế của phụ nữ (và nam giới). Trong báo cáo này, tăng trưởng toàn diện được hiểu là tăng trưởng tạo ra cơ hội cho sự thịnh vượng và mức sống tốt cho tất các thành phần dân cư, tập trung đặc biệt vào người nghèo và những người bị ở ngoài lề của sự tăng trưởng do giới, dân tộc và những yếu tố bất lợi khác của họ tạo ra.
Sau đó, các đại biểu tham gia thảo luận theo nhóm về các chủ đề do Ban Tổ chức đưa ra dựa trên các phần nội dung của báo cáo nghiên cứu, bao gồm: nhóm 1: phụ nữ và công việc được trả lương: tập trung vào phụ nữ trong lĩnh vực nông nghiệp; nhóm 2: phụ nữ và công việc được trả lương: tập trung vào phụ nữ trong các ngành công nghiệp xuất khẩu; nhóm 3: giảm và tái phân phối công việc gia đình và công việc chăm sóc không được trả lương: tập trung vào đầu tư vào nước và cơ sở hạ tầng nông thôn khác; nhóm 4: giảm và tái phân phối công việc gia đình và công việc chăm sóc không được trả lương: tập trung vào chăm sóc và giáo dục mầm non (ECEC).
Như mục tiêu đã đề ra, Hội thảo thực sự là một diễn đàn hiệu quả để các đại biểu tham gia thảo luận tích cực và sôi nổi. Qua Hội thảo, Ban Tổ chức đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho nhóm nghiên cứu để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu cũng như gợi ý nhiều hướng nghiên cứu, cách tiếp cận cụ thể, cũng như chỉ ra các vấn đề giới và vấn đề chính sách đáp ứng vấn đề giới trong bối cảnh tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam cần được quan tâm, không chỉ đối với nhóm nghiên cứu mà cả các nhà nghiên cứu khác và các cơ quan hoạt động về bình đẳng giới và quyền đối với phụ nữ. Những ý kiến thu nhận tại Hội thảo sẽ giúp cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo cuối cùng. Sau khi nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo, Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 5/2016 tại Hà Nội nhằm giới thiệu kết quả nghiên cứu đến với nhiều cơ quan hoạch định chính sách, nghiên cứu và hoạt động về bình đẳng giới ở Việt Nam.
Phân tâm học qua sự kiến giải của Simone de Beauvoir trong tác phẩm “Giới tính thứ hai”
Tác giả: Nguyễn Việt Phương
Trang: 83-90
File toàn văn đính kèm: Tải về
Tóm tắt: Qua khảo cứu tác phẩm “Giới tính thứ hai”, bài viết tập trung làm rõ sự kiến giải của Simone de Beauvoir về phân tâm học của Sigmund Freud. Trong tác phẩm này, một mặt, Beauvoir đã khẳng định những đóng góp của phân tâm học, nhưng mặt khác bà cũng phê phán quyết liệt những yếu tố định kiến giới trong tư tưởng của người sáng lập phân tâm học. Xét ở mức độ nhất định, những kiến giải mang tính phê phán của Beauvoir thể hiện trong “Giới tính thứ hai” đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khác về phân tâm học.
Định kiến giới về phụ nữ sống thử thể hiện trên báo chí những năm gần đây
Tác giả: Đinh Việt Hà
Trang: 74-82
File toàn văn đính kèm: Tải về
Tóm tắt: Trên cơ sở khảo sát khoảng 40 bài báo in từ 2000 đến 2013 và 30 bài báo điện tử cùng 2 diễn đàn trực tuyến trên mạng những năm gần đây về vấn đề sống thử của thanh niên, bài viết xem xét định kiến giới đối với người phụ nữ sống thử được thể hiện trên báo chí trong khoảng thời gian hơn 10 năm trở lại đây. Kết quả nghiên cứu cho thấy các diễn ngôn về vấn đề sống thử trên báo chí đã có chiều hướng thay đổi theo hướng cởi mở hơn, đặc biệt trong việc nhìn nhận về phụ nữ sống thử, tuy nhiên sự thay đổi này còn tương đối ít. Các định kiến giới về phụ nữ sống thử được phản ánh trên báo chí tiếp tục lặp lại theo khuôn mẫu tiêu cực.
Vị trí và quyền quyết định của phụ nữ và nam giới trong hệ thống chính trị ở Việt Nam
Tác giả: Trần Thị Hồng
Trang: 60-73
File toàn văn đính kèm: Tải về
Tóm tắt: Sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị là tiêu chí quan trọng nhằm đảm bảo quyền của phụ nữ. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 đã đặt mục tiêu “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”. Bằng phương pháp tổng quan tài liệu, phân tích các số liệu thống kê sẵn có về tỷ lệ phụ nữ và nam giới ở các vị trí trong hệ thống chính trị, bài viết làm rõ phụ nữ và nam giới đang nắm giữ vị trí gì, phụ trách mảng công tác gì trong Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp. Kết quả cho thấy số lượng nữ trong hệ thống chính trị còn quá ít so với nam giới. Thêm vào đó, đại đa số phụ nữ không ở vị trí chủ chốt và thường phụ trách các mảng công việc ít mang tầm chiến lược cho nên phụ nữ tham chính có tiếng nói, song không thực sự mang tính quyết định.
Rào cản thể chế và văn hóa đối với sự tham gia chính trị của phụ nữ ở Việt Nam
Tác giả: Trần Thị Minh Thi
Trang: 46-59
File toàn văn đính kèm: Tải về
Tóm tắt: Dựa trên các nguồn số liệu về giới trong chính trị những năm gần đây, bài viết đưa ra những phân tích và lập luận nhằm làm rõ thực trạng phụ nữ Việt Nam tham gia các hoạt động chính trị và những rào cản đến sự tham gia và đại diện của họ. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phụ nữ trong hệ thống chính trị đã tăng lên trong những năm gần đây nhưng tỷ lệ nữ trong các vị trí quản lý cao nhất vẫn duy trì ở mức thấp. Số lượng nữ tham gia còn quá ít cho nên tiếng nói của họ không đủ mạnh. Thêm vào đó, đại đa số không ở vị trí chủ chốt hay các mảng công việc ít mang tầm chiến lược cho nên phụ nữ tham chính có tiếng nói, song không thực sự mang tính quyết định. Nghiên cứu chỉ ra năm nhóm yếu tố tác động đến sự tham chính của phụ nữ. Đó là: nhóm yếu tố thuộc chính sách và dịch vụ công; nhóm yếu tố thuộc công tác cán bộ; nhóm yếu tố liên quan đến những rào cản từ chuẩn mực văn hóa; nhóm yếu tố liên quan đến những rào cản từ gia đình; và nhóm yếu tố liên quan đến những rào cản từ đặc điểm cá nhân.
Dịch vụ hỗ trợ người đồng tính nữ ở Hà Nội và tính chuyên nghiệp của các dịch vụ này
Tác giả: Lê Thị Mai Trang và Nguyễn Tuấn Anh
Trang: 32-45
File toàn văn đính kèm: Tải về
Tóm tắt: Trên cơ sở một cuộc khảo sát trực tuyến và các nghiên cứu trường hợp, bài viết trình bày ba phát hiện chính, cụ thể như sau. Thứ nhất, hiện nay đã có nhiều dịch vụ hỗ trợ dành cho người đồng tính nữ được triển khai ở các cấp độ khác nhau, trong đó, dịch vụ tư vấn tâm lý phát triển nhất với nhiều hình thức đa dạng. Tuy nhiên, một số nhu cầu quan trọng của người đồng tính nữ như chăm sóc sức khỏe, tìm việc làm thì vẫn chưa có các dịch vụ hỗ trợ đáp ứng. Thứ hai, các dịch vụ gặp một số hạn chế trong việc đảm bảo tính bền vững, không thực hiện đầy đủ tiến trình can thiệp, hoặc phân bố địa bàn tác động không đồng đều. Tuy nhiên, nhìn chung các dịch vụ hỗ trợ đã khá chuyên nghiệp trong cách thức tổ chức, triển khai. Thứ ba, một số nhân viên xã hội vẫn thể hiện thái độ kì thị tiềm ẩn với người sử dụng dịch vụ, khiến người đồng tính nữ cảm thấy không thoải mái và không an toàn khi sử dụng các dịch vụ này.
Tình dục trong hôn nhân của người khuyết tật ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
Tác giả: Nguyễn Thị Từ An, Trần Thị Kim Xuyến
Trang: 24-31
File toàn văn đính kèm: Tải về
Tóm tắt: Dựa trên dữ liệu của một nghiên cứu định tính “Những vấn đề về tình dục của người khuyết tật ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” được tiến hành năm 2013, bài viết phân tích về vấn đề tình dục trong hôn nhân của người khuyết tật. Người khuyết tật dù ở dạng tật nào cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là khía cạnh hôn nhân. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, người khuyết tật cũng có nhu cầu được yêu, được kết hôn và có một đời sống tình dục như những người bình thường trong xã hội. Nhận diện được những nhu cầu và khó khăn của người khuyết tật trong quan hệ tình dục sẽ góp phần làm thay đổi thái độ phủ nhận của cộng đồng về nhu cầu sinh lý của người khuyết tật khi cho rằng “khiếm khuyết thì không có hoặc không đáng có đời sống tình dục”.
Tính cộng đồng trong gia đình nông thôn: Nhìn từ việc sắp xếp ăn ở của người dân tại hai làng ở miền Bắc Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Đức Chiện
Trang: 12-23
File toàn văn đính kèm: Tải về
Tóm tắt: Dựa vào nguồn dữ liệu của đề tài “Toàn cầu hóa và bản sắc làng Việt ở miền Bắc”, do tác giả và nhóm nghiên cứu khảo sát năm 2012 tại làng Liên Đàm, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội và làng Quỳnh Đôi, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, bài viết đưa ra dẫn chứng và phân tích làm rõ những khía cạnh văn hóa ứng xử mang tính cộng đồng trong gia đình được người dân ở hai làng thể hiện trong cuộc sống thường ngày như các hoạt động ngủ nghỉ, nấu ăn, giặt giũ, vui chơi giải trí và thăm hỏi người thân trong cộng đồng. Nghiên cứu cho thấy việc tổ chức và sắp xếp ăn ở trong gia đình tại Quỳnh Đôi và Liên Đàm đều đang có nhiều xáo trộn do tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn đến hoạt động, các tương tác thường ngày mang tính cộng đồng cũng đang có xu hướng yếu dần, không gian và các khía cạnh của cuộc sống riêng tư cá nhân đang phát triển mạnh lên.
Vai trò của gia đình và dòng họ trong xây dựng nông thôn hiện nay
Tác giả: Đặng Thị Hoa
Trang: 3-11
File toàn văn đính kèm: Tải về
Tóm tắt: Xây dựng và phát triển nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hoá và hội nhập. Tuy nhiên quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới còn gặp khá nhiều khó khăn, trong đó một số tiêu chí về văn hoá chưa đạt so với yêu cầu đặt ra. Bài viết phân tích và làm rõ vai trò của gia đình và dòng họ trong bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống trong xây dựng nông thôn mới như: vai trò tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, phát huy vốn xã hội; vai trò kết nối, hội tụ về tinh thần của các cá nhân trong gia đình, dòng họ, xây dựng mạng lưới gia đình, dòng họ; vai trò giáo dục lối sống, định hướng nghề nghiệp và phát triển kinh tế của hộ gia đình.