Liên kết web
Số lượt truy cập

31

2787496

Chi tiết tạp chíSố 2 - 2011

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Tác giả: Phạm Thị Thoa

Trang: 3-10

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết tổng kết những kết quả đạt được của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nêu lên một số điểm cần rút kinh nghiệm cũng như những khó khăn/hạn chế khi triển khai thực hiện. Theo tác giả, để công tác phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả hơn, Hội Liên hiệp Phụ nữ trung ương và địa phương cần tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình truyền thông, đồng thời tích cực tham gia xây dựng các địa chỉ tin cậy để hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực gia đình. Tác giả cho rằng cần đưa nội dung bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình vào Chương trình mục tiêu quốc gia về gia đình.

Một số vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người

Tác giả: Lê Ngọc Hùng

Trang: 11-22

File toàn văn đính kèm: Tải về

Việc lồng ghép giới trong văn bản pháp luật đã được quy định trong Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, 2009). Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây với những phân tích về vấn đề lồng ghép giới trong pháp luật phòng, chống mua bán người và một số phương hướng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người đang được tích cực hoàn thiện để thông qua tại Quốc hội trong thời gian tới. Tác giả cho rằng trong điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay, tập trung hướng vào phòng, chống mua bán phụ nữ và mua bán trẻ em gái chính là yêu cầu và nội dung cơ bản của việc lồng ghép giới trong xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người đang thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội trong nước và quốc tế.

Một số quan điểm về phụ nữ trong lịch sử tư tưởng trước Mác

Tác giả: Trương Trần Hoàng Phúc

Trang: 23-36

File toàn văn đính kèm: Tải về

Nghiên cứu về vai trò phụ nữ có vị trí đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, sự nghiệp bình đẳng và tiến bộ cho phụ nữ luôn luôn là một tiêu chí của phát triển bền vững và là các mục tiêu của thiên niên kỉ. Bài viết này tập trung tìm hiểu các quan điểm về phụ nữ trong lịch sử tư tưởng trước khi chủ nghĩa Mác xuất hiện ở cả phương Đông và phương Tây. Nghiên cứu vai trò phụ nữ trong lịch sử tư tưởng phương Tây, tác giả nghiên cứu theo hướng chiều dài của lịch sử từ cổ đại đến giai đoạn cận hiện đại. ở phương Đông, tác giả tìm hiểu quan điểm về phụ nữ theo không gian văn hóa với các tôn giáo và hệ tư tưởng lớn chi phối tại khu vực á Đông.

Động cơ đi lao động xuất khẩu nước ngoài của phụ nữ xã Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình

Tác giả: Lê Việt Nga

Trang: 37-49

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên số liệu của cuộc điều tra về “Một số vấn đề xã hội của phụ nữ lấy chồng và lao động ở nước ngoài” thực hiện tại xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, Thái Bình 4/2010, bài viết tìm hiểu một số đặc điểm và động cơ của phụ nữ nông thôn đi lao động xuất khẩu. Lao động nữ xuất khẩu ở Đông Tân là những lao động theo hợp đồng ngắn hạn, nói chung có trình độ học vấn thấp và chủ yếu làm giúp việc gia đình (80%). Động cơ chính mà lao động nữ nông thôn đi lao động xuất khẩu là vì lý do kinh tế - nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo, tích lũy vốn làm ăn và cải thiện đời sống gia đình. Ngoài ra thiếu việc làm, nhu cầu nâng cao hiểu biết, chính sách mở cửa của Nhà nước và chính quyền địa phương, sự ủng hộ của cộng đồng làng xã tại nơi cư trú cũng là những yếu tố thúc đẩy phong trào xuất khẩu lao động.

Quan hệ giữa người cao tuổi và con cháu trong gia đình

Tác giả: Lê Ngọc Lân, Nguyễn Hữu Minh, Trần Quý Long

Trang: 50-72

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết dưới đây phân tích thực trạng mối quan hệ giữa người cao tuổi với các thế hệ con, cháu trong gia đình dựa trên số liệu, phỏng vấn người cao tuổi, đại diện hộ gia đình trong độ tuổi 18-60 và nhóm thanh thiếu niên độ tuổi 15-17 của cuộc Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 về những khía cạnh như: sự đồng thuận trong gia đình; sự tham gia của người cao tuổi vào các quyết định gia đình; sự quan tâm chăm sóc của người cao tuổi với con cháu và sự chia sẻ tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình. Những bằng chứng thực nghiệm đã khẳng định mối quan hệ khá bền chặt giữa người cao tuổi với con cháu trong gia đình Việt Nam, thể hiện thông qua sự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau giữa ông bà-cha mẹ và con cái trong cuộc sống về cả vật chất và tinh thần. Mối quan hệ bền vững đó còn thể hiện ở sự đồng thuận cả trong quan niệm và trong đời sống thực tế. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, bên cạnh trách nhiệm của gia đình, để duy trì mối quan hệ hòa thuận giữa người cao tuổi với con cháu và cải thiện điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng người già của gia đình Việt nam, Nhà nước cần có định hướng về việc xây dựng một hệ thống chính sách có tính chiến lược và toàn diện về người cao tuổi với tư cách là một bộ phận dân số quan trọng đang ngày càng gia tăng của đất nước.

Một số vấn đề xã hội của lao động giúp việc gia đình ở đô thị hiện nay

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 73-85

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết sử dụng số liệu điều tra của nghiên cứu “Đánh giá thực trạng hoạt động giúp việc gia đình ở đô thị và đề xuất giải pháp quản lý” năm 2008 để phân tích một số vấn đề xã hội nảy sinh của loại hình lao động giúp việc gia đình ở đô thị hiện nay nhằm làm rõ những bất cập về tiền lương, thời gian làm việc, chế độ nghỉ phép, nghỉ lễ, trình độ chuyên môn của người lao động, hoạt động của Trung tâm Giới thiệu việc làm đối với loại hình lao động giúp việc gia đình. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc thiếu sự ký kết hợp đồng lao động với những điều khoản rõ ràng qui định quyền lợi và trách nhiệm giữa người sử dụng lao động và người lao động góp phần làm nảy sinh tình trạng “thả nổi” mức lương trên thị trường lao động, tình trạng nghỉ làm việc về thăm nhà của người lao động giúp việc gia đình. Bên cạnh đó, bài viết còn đề cập đến tình trạng “bỏ ngỏ” của thị trường đào tạo nghề cho lao động giúp việc gia đình trong nước và tình trạng không đáp ứng được nhu cầu cung cấp nguồn lao động của các Trung tâm Giới thiệu việc làm.

Tận dụng cơ hội dân số vàng ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và các gợi ý chính sách

Tác giả: Trần Thị Vân Nương

Trang: 86-92

File toàn văn đính kèm: Tải về

Kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 chỉ ra rằng Việt Nam đã bước vào thời kỳ mà các nhà nhân khẩu học và kinh tế gọi là thời kỳ “cơ hội dân số vàng”. Thời kỳ này được cho là cơ hội duy nhất, “có một không hai” trong quá trình quá độ nhân khẩu học của một quốc gia và ở Việt Nam nó sẽ kéo dài khoảng 30 năm bắt đầu từ năm 2010. Trong thời kỳ này, ít nhất hai người hoạt động kinh tế sẽ hỗ trợ cho một người không hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh đó, “cơ hội dân số vàng” được coi là một trong những vấn đề trọng tâm của Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội Việt Nam trong thập kỷ tới cũng như Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2011-2015 và đã được đưa vào Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 cũng như các chính sách và chiến lược của các ngành. Báo cáo “Cơ hội dân số vàng ở Việt Nam: cơ hội, thách thức và gợi ý chính sách” được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thực hiện trong chương trình của Kế hoạch Một Liên hợp quốc (UN One Plan). Báo cáo này tổng quan và phân tích cụ thể về các vấn đề chính sách hiện nay cũng như đề xuất các chính sách đến các nhà hoạch định và lập chính sách nhằm tận dụng tối đa tiềm năng của “cơ hội dân số vàng”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Diễn đàn Đối thoại chính sách về bình đẳng giới 2011

Tác giả: T.D.

Trang: 94-96

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 1/2011

Tác giả:

Trang: 1-96

Mục lục số 2 năm 2011 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Phạm Thị Thoa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với công tác phòng, chống bạo lực gia đình 3 Lê Ngọc Hùng Một số vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người 11 Trương Trần Hoàng Phúc Một số quan điểm về phụ nữ trong lịch sử tư tưởng trước Mác 23 Lê Việt Nga Động cơ đi lao động xuất khẩu nước ngoài của phụ nữ xã Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình 37 Lê Ngọc Lân, Nguyễn Hữu Minh, Trần Quý Long Quan hệ giữa người cao tuổi và con cháu trong gia đình 50 Trần Thị Hồng Một số vấn đề xã hội của lao động giúp việc gia đình ở đô thị hiện nay 73 Trần Thị Vân Nương Tận dụng cơ hội dân số vàng ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và các gợi ý chính sách 86 Cẩm Nhung Chương trình nghiên cứu khoa học: "Một số vấn đề cơ bản về gia đình và giới ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 93 T.D. Diễn đàn Đối thoại chính sách về bình đẳng giới 2011 94