Liên kết web
Số lượt truy cập

40

2787608

Chi tiết tạp chíSố 1 - 2020

English Summaries

Tác giả: PV

Trang: 138-143

Hội thảo góp ý các sản phẩm dự án ADB về “Nâng cao năng lực cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”

Tác giả: Hương Trầm

Trang: 130

Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam” do Quỹ giảm nghèo Nhật Bản tài trợ thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngày 05/3/2020, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp với ADB và Nhóm tư vấn tổ chức “Hội thảo góp ý các sản phẩm dự án ADB”. Các sản phẩm góp ý trong hội thảo gồm sổ tay nghiên cứu và Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động (KPIs). Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu đại diện lãnh đạo các đơn vị, cán bộ Phòng Quản lý khoa học và nghiên cứu viên có kinh nghiệm thuộc VASS. Hội thảo hướng tới hai mục tiêu: Hoàn thiện cuốn sổ tay dành cho nghiên cứu viên nhằm hướng dẫn thực tế cho các nhà nghiên cứu của VASS trong việc lập kế hoạch, thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phổ biến kết quả nghiên cứu; Hoàn thiện KPIs giúp hỗ trợ giám sát, đánh giá hoạt động các Viện nghiên cứu thông qua sử dụng phương pháp đánh giá có tính hệ thống và các chỉ số đánh giá có ý nghĩa và thống nhất. Sau phần trình bày của nhóm tư vấn về cấu trúc, nội dung của Sổ tay nghiên cứu và các chỉ số KPI cho VASS, hội thảo tập trung vào phần thảo luận, lấy ý kiến để hoàn thiện các sản phẩm cũng như đảm bảo tính hiệu quả vận dụng trong VASS. Về sổ tay nghiên cứu, các ý kiến tại hội thảo cho rằng sổ tay cần lưu ý hơn nữa tới bối cảnh chính sách mới cho các hoạt động nghiên cứu của VASS, hướng đến phương pháp tiếp cận đa ngành, liên ngành và xuyên ngành. Bên cạnh đó hiện vẫn có nhận thức phổ biến là mối quan tâm về giới vẫn chưa trở thành xu thế chủ đạo trong cả hoạt động nghiên cứu cũng như cơ cấu cán bộ, điều này không thể phủ nhận là có ảnh hưởng đến bối cảnh cho các hoạt động nghiên cứu của VASS. Về các chỉ số KPI, các ý kiến tại hội thảo thống nhất quan điểm: bộ chỉ số đã bao quát được bốn lĩnh vực kết quả chủ yếu (KRAs) của VASS gồm: Tăng cường quản lý nghiên cứu và chất lượng nghiên cứu; Nâng cao chất lượng tư vấn chính sách và dịch vụ tri thức; Tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao vị thế quốc tế; Phát triển và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao về nghiên cứu. Bộ chỉ số về cơ bản là cơ sở để xếp hạng các Viện nghiên cứu theo chỉ số hiệu suất (kết quả), từng chỉ số riêng biệt, đặc biệt là bộ chỉ số phụ (sub-KPIs) cần điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế hoạt động của VASS. Tổng hợp các ý kiến tại hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: sổ tay nghiên cứu và KPIs là các sản phẩm quan trọng nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị cũng như tăng cường chất lượng công tác nghiên cứu khoa học của các đơn vị thuộc và trực thuộc VASS. Do vậy cần áp dụng cẩn trọng, một mặt tôn trọng tính duy nhất của các cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của từng viện nghiên cứu, đồng thời cần có nỗ lực thực tế và có ý thức của tất cả các bên liên quan để cùng làm việc theo các phương pháp đánh giá tích hợp. Phó Chủ tịch giao nhiệm vụ cho nhóm tư vấn tiếp tục hoàn thiện sổ tay nghiên cứu và KPIs để sử dụng trong các đơn vị của VASS.

Lễ Trao Cờ thi đua của Chính phủ và Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2020 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới

Tác giả: M.K

Trang: 127-129

Chiều ngày 24/12/2019, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức Lễ Trao Cờ thi đua của Chính phủ và Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 dưới sự chủ trì của PGS.TS. Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới và TS. Lê Ngọc Lân, Chủ tịch Công đoàn. Hội nghị vinh dự được đón tiếp GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), đại diện Văn phòng Viện Hàn lâm, Ban Tổ chức Cán bộ, Ban Hợp tác quốc tế, Công đoàn Viện Hàn lâm, Đoàn thanh niên và đại biểu từ Viện thuộc Viện Hàn lâm cùng sự tham dự đầy đủ của công chức, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Phần thứ nhất của Hội nghị, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Báo cáo nêu rõ, tiếp nối thành tích năm 2018, năm 2019 với yêu cầu nhiệm vụ chính trị hoàn thành kế hoạch nghiên cứu trong giai đoạn 5 năm (2015-2020) và xác định nhiệm vụ nghiên cứu của giai đoạn tiếp theo (2020-2025), Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, thực hiện các mục tiêu kế hoạch công tác năm 2019 với những nhiệm vụ quan trọng. Về công tác nghiên cứu khoa học, Viện tiếp tục triển khai thành công các loại hình đề tài gồm đề tài hợp tác quốc tế, đề tài Nhà nước, đề tài NAFOSTED, các đề tài cấp Bộ thuộc “Chương trình Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” (Chương trình gia đình), các đề tài cấp Bộ độc lập và hệ đề tài Cơ sở. Các đề tài do Viện thực hiện đã Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về chất lượng và hàm lượng chuyên môn, trong đó 2 đề tài cấp Bộ thuộc Chương trình gia đình và 02 đề tài cấp Cơ sở được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc. Các kết quả nghiên cứu của Viện đã góp phần phát hiện làm rõ và lý giải những vấn đề mới nảy sinh của gia đình Việt Nam, chỉ ra những đặc điểm và xu hướng biến đổi của hôn nhân gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước; đồng thời đưa ra các dự báo về xu thế phát triển trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, phụ nữ và giới ở Việt Nam trong thời gian tới. Về hoạt động xuất bản, năm 2019, các cán bộ của Viện đã đạt được thành tích ấn tượng về xuất bản trong nước và quốc tế. Các nhà nghiên cứu của Viện đã xuất bản 2 chương sách quốc tế, 5 bài báo quốc tế, 21 bài tham dự hội thảo quốc tế được tổ chức tại nước ngoài. Đối với xuất bản phẩm trong nước, các nhà nghiên cứu của Viện có 01 chương sách, 39 bài tạp chí đăng trên các tạp chí chuyên ngành và 23 bài tham dự hội thảo trong nước và 23 báo cáo hội thảo khoa học quốc gia. Nội dung của các xuất bản phẩm thể hiện kết quả trong những lĩnh vực nghiên cứu quan trong như phụ nữ tham gia chính trị, việc làm, bạo lực gia đình, người cao tuổi, giới, trẻ em và dân tộc thiểu số. Về hoạt động tư vấn chính sách, Viện đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các đề án, chương trình liên quan đến lĩnh vực gia đình và giới của các bộ, ngành trung ương. Đóng góp các báo cáo chắt lọc gửi Lãnh đạo Viện Hàn lâm về các vấn đề liên quan đến gia đình và bình đẳng giới. Trong năm 2019, nhiều cán bộ đã tham gia hoạt động tư vấn chuyên môn nghiên cứu cho các bộ ngành như Bộ Lao động - Thương binh và xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... Ngoài ra, một số các cán bộ của Viện còn trực tiếp tham gia các hoạt động tư vấn chính sách như góp ý xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi vừa được Quốc hội phê duyệt. Một số cán bộ còn chủ động tham gia hoạt động tư vấn, đánh giá dự án do các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện; tham gia biên soạn tài liệu giảng dạy, và giảng dạy tại Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam, các trường Đại học trong nước như Đại học Việt Nhật, Đại học Văn hóa, Học viện Phụ nữ... Cùng với đó, Viện đã và đang thực hiện các hoạt động ký kết và hợp tác với các đối tác là các tổ chức quốc tế, các trường đại học nước ngoài. Có thể nói, vai trò của Viện trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện các chính sách về lĩnh vực gia đình, giới, bình đẳng giới, trẻ em, người cao tuổi… ngày càng đi vào chiều sâu. Năm 2019, một số nhà khoa học của Viện đã tham gia chuẩn bị các báo cáo khuyến nghị thuộc Chương trình gia đình, báo cáo tham luận tại Hội nghị các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội XIII của Đảng do Thủ tướng chủ trì, báo cáo chuyên đề cho Đề tài Tổng kết 10 năm cương lĩnh phát triển đất nước và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 để phục vụ Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Về hợp tác quốc tế, Viện tiếp tục duy trì và mở rộng các mạng lưới hợp tác thông qua các hoạt động nghiên cứu, viết sách, tham gia hội thảo quốc tế, ký các văn bản ghi nhớ, v.v. Các kết quả đạt được từ các hoạt động hợp tác quốc tế đã tạo được uy tín và sự tin tưởng, đánh giá cao của các đối tác quốc tế. Viện tích cực thông tin đến các cán bộ trong Viện về các cơ hội học bổng, các chương trình tài trợ của các tổ chức quốc tế và trong nước nhằm mở rộng các cơ hội tham gia và nâng cao kỹ năng thực hiện nghiên cứu độc lập của các cán bộ trong Viện. Phần tiếp theo của buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Phó trưởng ban Ban Tổ chức Cán bộ Viện Hàn lâm đã công bố Quyết định số 1020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 15 tháng 8 năm 2018 trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Viện Nghiên cứu Viện Gia đình và Giới vì đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2018. Thay mặt cho Viện Hàn lâm, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm đã trao phần thưởng cao quý này cho Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Phát biểu chia sẻ tại buổi lễ, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đã chúc mừng và đánh giá cao thành tích đã được trong năm 2019 và trong những năm qua của Viện thể hiện qua vinh dự được trao tặng Danh hiệu cờ thi đua của Chính phủ. Nhấn mạnh rằng, đây là danh hiệu thi đua rất cao quý. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cho rằng, đây là nỗ lực không mệt mỏi đáng biểu dương của Lãnh đạo Viện, của Cấp ủy cũng như toàn thể cán bộ Viện qua nhiều giai đoạn; đồng thời nhấn mạnh phong trào thi đua không chỉ là mục tiêu đạt danh hiệu khen thưởng mà còn là tạo động lực phấn đấu cho mỗi cá nhân, tạo tinh thần yêu nước và đặc biệt là tạo sáng kiến đột phá cho tập thể để đạt được các mục tiêu đề ra. Năm 2019, Viện đã tích lũy được những thành tích từ nhiều năm qua và Báo cáo tổng kết của Viện đã thể hiện rất rõ và đầy đủ kết quả công tác trên nhiều phương diện như nghiên cứu khoa học, xuất bản phẩm quốc tế, hợp tác quốc tế, hội thảo trong và ngoài nước, đặc biệt công tác hỗ trợ như công tác tạp chí, đoàn thể, văn nghệ. Với những thành tích đã được chứng tỏ Viện đã có nhiều ý tưởng đột phá lớn và có năng lực để thực hiện những ý tưởng dưới sự lãnh đạo của Lãnh đạo Viện, tin tưởng rằng Viện sẽ còn có những bước tiến xa hơn, đồng thời mong muốn Viện tiếp tục phát huy được các thành tích bằng các hành động cụ thể để xứng đáng với danh hiệu đã đạt được. Đây cũng là thành tích đáng tự hào của Viện bởi tuy là đơn vị có quy mô nhỏ nhưng thành tích và tầm ảnh hưởng trong công tác thi đua, nghiên cứu của Viện đã vượt ra khỏi quy mô thông thường của Viện. Cùng với đó, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng đã chia sẻ một số yêu cầu và thách thức trong thực hiên nhiệm vụ của năm 2020, theo đó Viện Hàn lâm tập trung nâng chuẩn về khoa học, quản lý khoa học và sẽ ứng dụng chỉ số KPI (Chỉ số đo lường hiệu quả công việc) trong đánh giá năng lực chuyên môn, đánh giá thi đua, tính đến các chỉ số như có bài báo quốc tế, tiến độ nghiệm thu các đề tài theo hợp đồng, kỳ hạn xuất bản tạp chí… Đánh giá về hoạt động nghiên cứu, GS.TS Đặng Nguyên Anh cho rằng Viện đã có nhiều thế mạnh trong nghiên cứu cơ bản cũng như nghiên cứu ứng dụng, vì vậy, mong muốn năm 2020 Viện sẽ tập trung nghiên cứu về vấn đề giới và bình đẳng giới, bên cạnh các nghiên cứu về gia đình trong thời gian qua đã làm rất tốt. Phát biểu bế mạc Hội nghị, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng, Tổng biên tập Tạp chí đã thay mặt công chức, viên chức, người lao động của Viện cảm ơn sự biểu dương và động viên của lãnh đạo Viện Hàn lâm, và cho rằng đây sẽ là động lực cho tập thể cán bộ Viện hoàn thành tốt công tác năm 2020, đồng thời bày tỏ quyết tâm của tập thể Viện để hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra. Về các hướng nghiên cứu, Viện xin tiếp thu các chỉ đạo của Phó Chủ tịch Viện. Năm 2020, Viện mong muốn được ủng hộ triển khai các điều tra có quy mô về bình đẳng giới, phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn tiếp theo. Viện cam kết tiếp tục nỗ lực trong công tác chuyên môn, đào tạo và tư vấn chính sách để những năm tiếp theo hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế, đào tạo của Viện tiếp tục giữ vững được truyền thống và có thành tựu cao hơn nữa để đóng góp vào thành tích chung của Viện Hàn lâm và đóng góp chung vào phát triển xã hội với sự ủng hộ của lãnh đạo Viện Hàn lâm trên mọi lĩnh vực công tác và sự phối hợp hiệu quả từ các ban chức năng và đơn vị giúp việc của Viện Hàn lâm.

Hội thảo khoa học “Hôn nhân và Gia đình ở Việt Nam: Những kết quả nghiên cứu nổi bật năm 2019 và những vấn đề chính sách đặt ra”

Tác giả: Thanh Mai

Trang: 125-126

Nhằm nhận diện đặc điểm hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay và xu hướng biến đổi trong thời gian tới, ngày 5 tháng 12 năm 2019, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức Hội thảo Khoa học “Hôn nhân và Gia đình ở Việt Nam: Những kết quả nghiên cứu nổi bật năm 2019 và những vấn đề chính sách đặt ra”. Tham dự Hội thảo về phía các Bộ, Ban ngành có Bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu, Hội Nữ Trí thức Việt Nam, và đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, v.v. Đến dự Hội thảo còn có sự tham gia của giảng viên đến từ các trường đại học; các nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các đại diện đến từ các tổ chức quốc tế như UN Women, v.v. Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phát biểu khai mạc hội thảo và trình bày báo cáo đề dẫn nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của nghiên cứu khoa học về vấn đề hôn nhân và gia đình: “Sự ổn định và phát triển của gia đình là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nghiên cứu về Hôn nhân và gia đình có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chính sách nhằm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Trong hơn ba thập niên qua Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã thực hiện nhiều nghiên cứu tập trung vào chủ đề hôn nhân và gia đình và đã có một số đóng góp quan trọng cả về khía cạnh khoa học và thực tiễn xây dựng chính sách về gia đình”. Hội thảo được chia thành 2 phiên với 11 báo cáo trình bày giới thiệu kết quả nghiên cứu. Phiên thứ nhất với chủ đề “Các đặc điểm chung về hôn nhân và gia đình Việt Nam” gồm 5 bài trình bày: “Gia đình trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi” của TS. Vũ Phương Ly, đại diện UN Women; “Các đặc điểm nổi bật của khuôn mẫu hôn nhân ở Việt Nam” của GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam; “Một số đặc điểm cơ bản của hôn nhân khác dân tộc ở Việt Nam hiện nay” của Th.S. Phí Hải Nam và GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; “Sự tham gia và tính tích cực xã hội của gia đình trung lưu ở Việt Nam hiện nay” của GS.TS. Trịnh Duy Luân, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học; “Ly hôn ở Việt Nam hiện nay: quy mô, nguyên nhân và xu hướng” của PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Phiên thứ hai với chủ đề “Đặc điểm các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam” gồm 6 bài trình bày: “Một số đặc điểm về hôn nhân và gia đình công nhân khu công nghiệp hiện nay” của PGS.TS. Đặng Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; “Chăm sóc người cao tuổi nhìn từ khía cạnh chính sách và dịch vụ” của TS. Lê Ngọc Lân, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; “Sức khỏe tâm thần của học sinh THCS và những thách thức từ phía gia đình” của TS. Đặng Bích Thủy, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; “Chăm sóc trẻ em trong gia đình Việt Nam hiện nay” của Th.S. Trần Quý Long, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; “Giáo dục đạo đức và lối sống cho con cái trong gia đình và các hàm ý chính sách” của TS. Trịnh Thái Quang và PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; “Ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu của gia đình nông dân qua một số nghiên cứu gần đây của Th.S. Đặng Thanh Nhàn, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao hàm lượng chuyên môn của các kết quả nghiên cứu được trình bày trong việc đóng góp các căn cứ khoa học cho việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách liên quan đến hôn nhân và gia đình. Các vấn đề nghiên cứu mới tiếp tục cần đặt ra như chính sách phù hợp cho các gia đình đơn thân, dịch vụ công cho gia đình, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc trẻ em cho các gia đình có bố mẹ đều đi làm, v.v. Đồng thời, trong bối cảnh già hóa dân số và tỷ lệ người cao tuổi là nữ giới chiếm tỷ lệ đa số, các chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi cũng cần quan tâm đến vấn đề này. Hội thảo tập trung chia sẻ và thảo luận sôi nổi về các nội dung và kết quả của các nghiên cứu. Quan hệ giới trong gia đình thay đổi chậm hơn do nhận thức của phụ nữ về bình đẳng giới tăng lên nhiều trong khi nhận thức của nam giới về mất đi sự gia trưởng của mình lại chậm hơn. Ly hôn đã dễ dàng hơn do nhận thức xã hội cởi mở hơn nhưng vấn đề cấp dưỡng của nam giới đối với phụ nữ phải nuôi con sau ly hôn rất hạn chế, cũng như các bước hòa giải trong giải quyết ly hôn còn nhiều điểm cần trao đổi, v.v. Hội thảo cũng đưa ra nhiều ý tưởng, chủ đề cho các hướng nghiên cứu tiếp theo về hôn nhân, gia đình và giới trong những năm tới. Hội thảo đã thành công trong việc kết nối, chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học hợp tác quốc tế và trong nước của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trong thời gian qua đến các đại điện bộ, ban, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức làm việc về lĩnh vực hôn nhân và gia đình ở Việt Nam, v.v. Đồng thời, Hội thảo cũng là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và thực thi chính sách trao đổi và đề xuất các khuyến nghị chính sách về lĩnh vực hôn nhân, gia đình, người cao tuổi, chăm sóc trẻ em, giáo dục trẻ em, v.v. Báo cáo toàn văn của các nghiên cứu có tại thư viện Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.

Nhận thức của cha mẹ về các quy định xâm hại tình dục trẻ em trong Luật Trẻ em

Tác giả: Lê Việt Nga

Trang: 116-124

Tóm tắt: Dựa trên thông tin định tính từ Đề tài cấp Cơ sở “Thực hiện Luật Trẻ em: Nhận thức của cha mẹ về xâm hại tình dục đối với trẻ em” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2019, bài viết tìm hiểu nhận thức của cha mẹ về các quy định xâm hại tình dục đối với trẻ em. Kết quả nghiên cứu cho thấy, xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề ngày càng đáng lo ngại ở Việt Nam trong khi nhận thức cha mẹ về quy định xâm hại tình dục trẻ em trong Luật Trẻ em 2016 còn khá mờ nhạt, nhiều cha mẹ chưa nắm được cụ thể về các quyền của trẻ dù việc tiếp cận thông tin của họ là khá đa dạng. Ít người chủ động tìm hiểu về quy định của Luật Trẻ em cho thấy cần có sự truyền thông mạnh mẽ và sâu rộng hơn về Luật Trẻ em nói chung, đặc biệt truyền thông về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của 17 cơ quan bảo vệ trẻ em, hướng dẫn cụ thể những địa chỉ cần đến để bảo vệ trẻ bị xâm hại tình dục.

Đặc điểm dân số và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội ở miền Trung hiện nay

Tác giả: Phạm Thị Ngọc Hà

Trang: 105-115

Tóm tắt: Dựa trên số liệu thống kê về dân số của Tổng cục Thống kê từ 2005 đến nay, bài viết khái quát một số đặc điểm dân số khu vực miền Trung hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy miền Trung là vùng có quy mô dân số lớn, tỷ lệ gia tăng dân số thấp hơn mức trung bình của cả nước, cơ cấu dân số theo độ tuổi đã bước vào “thời kỳ vàng”, cơ cấu giới tính dân số cân bằng nhưng tỷ số giới tính khi sinh lại đang mất cân bằng nghiêm trọng. Từ thực trạng này bài viết đã phân tích và chỉ ra những vấn đề ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền Trung từ góc độ cơ hội và thách thức đối với các lĩnh vực như giáo dục đào tạo, hệ thống y tế và công tác chăm sóc sức khỏe, đối với vấn đề lao động, việc làm, nguồn nhân lực và đối với cả vấn đề di dân.

Trải nghiệm công việc của nam giới bán dâm (Nghiên cứu trường hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh)

Tác giả: Ngô Văn Huấn

Trang: 96-104

Tóm tắt: Ở Việt Nam hoạt động mại dâm được coi là bất hợp pháp và các cơ quan chức năng đang nỗ lực sử dụng những công cụ hành chính để quản lý hoạt động này. Nhưng trong thời gian qua, quy mô và sự đa dạng của ngành công nghiệp tình dục đang ngày càng gia tăng, trong đó hoạt động mại dâm nam đang có xu hướng gia tăng cả về quy mô và hình thức. Dựa vào dữ liệu định tính phỏng vấn sâu 11 trường hợp nam giới tham gia hoạt động mại dâm, bài viết phân tích trải nghiệm công việc của mại dâm nam thông qua mô tả chân dung xã hội của nhóm nam giới bán dâm, đối tượng khách hàng, cơ chế và môi trường làm việc, thu nhập, thái độ và dự định của nhóm nam giới bán dâm về tương lai của họ.

Nhận thức và thái độ về hành vi bạo lực đối với nhân viên y tế hiện nay (Qua nghiên cứu một số bệnh viện ở Hà Nội)

Tác giả: Nguyễn Đức Tuyến, Phí Hải Nam

Trang: 89-95

Tóm tắt: Trên cơ sở dữ liệu định tính của một Đề tài cấp Cơ sở năm 2019, bài viết khảo sát nhận thức và thái độ của người dân và nhân viên y tế về bạo lực đối với nhân viên y tế. Kết quả khảo sát cho thấy nhận thức về bạo lực của người dân và nhân viên y tế đều khá rõ ràng cả về bạo lực tinh thần và bạo lực thể chất. Về thái độ, hầu hết người tham gia khảo sát bày tỏ thái độ không chấp nhận bạo lực, một số ít còn châm chước cho bạo lực tinh thần trong một số trường hợp, nhưng không ai thông cảm với bạo lực thể chất. Nhìn chung, nhân viên y tế có thái độ chấp nhận, chịu đựng, tránh né (nhưng không đấu tranh) đối với các hành vi bạo lực; một số người không chịu đựng được đã bỏ việc hoặc đi làm nơi khác.

Ảnh hưởng của gia đình đến định hướng nghề nghiệp của thanh niên hiện nay

Tác giả: Trương Thúy Hằng, Dương Kim Anh

Trang: 76-88

Tóm tắt: Thanh niên Việt Nam thường có định hướng lựa chọn nghề nghiệp tương lai ngay từ khi còn học trung học phổ thông. Trong quá trình này, gia đình có vai trò như một nhân tố có ảnh hưởng đến khác biệt giới của con em trong định hướng nghề nghiệp của họ. Dựa trên nguồn số liệu khảo sát tại thị xã Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh năm 2019, bài viết chỉ ra mức độ ảnh hưởng của gia đình đến khác biệt giới trong định hướng nghề của thanh niên hiện nay, bên cạnh ảnh hưởng của các yếu tố khác. Mức độ ảnh hưởng này của gia đình là khác biệt bởi nhiều biến số như độ tuổi, học vấn của bố/mẹ, địa bàn cư trú, hay mức sống của gia đình. Qua đó, bài viết đưa ra các khuyến nghị chính sách, nhằm tối ưu hóa những định hướng lựa chọn nghề nghiệp tương lai của thanh niên góp phần giảm thiểu định kiến giới trong lĩnh vực này.

Xung đột của hộ gia đình ven đô ở Đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa

Tác giả: Nguyễn Đức Chiện

Trang: 63-75

Tóm tắt: Cộng đồng ven đô là khu vực có vị trí địa lý giáp ranh giữa thành thị và nông thôn. Trong truyền thống nơi đây là những làng mạc có đặc trưng kinh tế, văn hóa, cấu trúc và quan hệ xã hội nông thôn. Tuy nhiên, bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa đã làm thay đổi không gian sinh tồn, phân hóa xã hội, và biến đổi sâu sắc các quan hệ xã hội, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, giá trị giữa các nhóm hộ gia đình gia tăng. Thực tế này đe dọa ổn định, an toàn cộng đồng và để lại hệ lụy xã hội lâu dài đối với phát triển địa phương, đòi hỏi chúng ta phải tìm hiểu tính quy luật của hiện tượng xã hội này. Dựa vào nguồn dữ liệu nghiên cứu định tính, định lượng thuộc đề tài cấp Bộ: “Vai trò của vốn xã hội trong giảm thiểu xung đột ở cộng đồng ven đô hiện nay”, bài viết nhận diện các loại hình xung đột lợi ích, giá trị giữa các nhóm hộ gia đình ở hai địa phương ven đô thuộc đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa.

Quyền được ưu tiên khi sử dụng một số dịch vụ của người cao tuổi (Nghiên cứu tại Hà Nội)

Tác giả: Nguyễn Hà Đông

Trang: 51-62

Tóm tắt: Bài viết sử dụng dữ liệu nghiên cứu định tính của Đề tài cấp Cơ sở “Tìm hiểu việc thực hiện một số quyền trong Luật Người cao tuổi năm 2009” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2019 nhằm đánh giá về quyền được ưu tiên khi sử dụng một số dịch vụ theo quy định của Luật Người cao tuổi và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc thực thi quyền này đang gặp nhiều trở ngại. Một mặt, nhận thức của người cao tuổi về quyền còn hạn chế. Quá trình thực thi luật cũng còn phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ. Mặt khác, đối với một số người cao tuổi, việc không sử dụng quyền ưu tiên này là một cách họ đóng góp cho nhà nước. Tâm lý này cũng cần được quan tâm đến trong việc thực thi và ban hành các quyền liên quan đến người cao tuổi.

Thực hiện quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Tác giả: Hà Thị Minh Khương

Trang: 38-50

Tóm tắt: Dựa trên việc phân tích các văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu thứ cấp và thông tin định tính của Đề tài cấp Cơ sở “Tìm hiểu việc thực hiện quy định mang thai hộ trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014” của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2019, bài viết tìm hiểu việc thực hiện quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ thống pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đang ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, khiến cho một bộ phận các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có cơ hội làm cha mẹ; tuy nhiên một số quy định luật quá chặt chẽ tạo ra các rào cản đối với các cặp vợ chồng có nhu cầu mang thai hộ trên thực tế và đặt ra sự cần thiết hoàn thiện chính sách trong thời gian tới.

Thực trạng sử dụng bảo hiểm y tế của công nhân khu công nghiệp hiện nay (Nghiên cứu trường hợp công nhân khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc)

Tác giả: Dương Thị Thu Hương, Nguyễn Ngọc Thu

Trang: 29-37

Tóm tắt: Nghiên cứu tập trung phân tích tình trạng sức khoẻ của công nhân khu công nghiệp (KCN) Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng như thực trạng sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT) của công nhân khu công nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy công nhân có nguy cơ cao với các vấn đề liên quan đến môi trường lao động: buồn ngủ, đau nhức mắt, căng thẳng, đau lưng cũng như gặp phải nhiều bệnh mãn tính khác, trong đó nam giới phổ biến hơn nữ. Tỉ lệ công nhân hiện sở hữu BHYT cao, chiếm gần 97%, tuy nhiên còn một bộ phận chưa bao giờ đi khám chữa bệnh hoặc không dùng BHYT khi đến khám chữa bệnh, tỉ lệ khám sức khoẻ định kỳ chưa cao, đặc biệt là nam giới. Kết quả nghiên cứu đưa ra những gợi ý về các đề xuất giải pháp tăng cường sức khoẻ cho người lao động, hạn chế rủi ro về sức khoẻ trong môi trường lao động, đặc biệt là xóa bỏ rào cản sử dụng BHYT trong khám chữa bệnh, bao gồm cả khám sức khoẻ định kỳ đối với người lao động trong KCN.