Điểm nhấn
- Hội thảo khoa học: "Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"
- Tọa đàm khoa học "Vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu khoa học xã hội"
- HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA CHI ỦY, LÃNH ĐẠO VIỆN VỚI ĐẢNG VIÊN, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆN NGHIÊN CỨU GIA ĐÌNH VÀ GIỚI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024
- CHI BỘ VIỆN NGHIÊN CỨU GIA ĐÌNH VÀ GIỚI TỔ CHỨC SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ: ĐOÀN KẾT THỐNG NHẤT TRONG ĐẢNG THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
- Cuộc thi “Nét đẹp và giá trị gia đình Việt Nam” hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2024
- Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đi thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ
- Tổng mục lục Tạp chí 2023
- Viện nghiên cứu Gia đình và Giới phát động phong trào thi đua và ký Giao ước thi đua năm 2024
- Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ : “Đầu tư vào Phụ nữ - Đẩy nhanh tiến độ phát triển”
- Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024
Liên kết web
Số lượt truy cập
36
2624009
Chi tiết tạp chíSố 1 - 2014
Nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2013 và xây dựng phương hướng công tác năm 2014, vào ngày 30/12/2013 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng công tác năm 2014.
Tới tham dự Hội nghị có toàn thể cán bộ, viên chức của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; các cán bộ đã nghỉ hưu và đại diện các ban chức năng của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng công tác năm 2014. Theo đó, trong năm 2013, với những nỗ lực thực hiện kế hoạch của toàn thể cán bộ, viên chức trong Viện dưới sự chỉ đạo sát sao của Chi uỷ và lãnh đạo Viện, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ nghiên cứu, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên ngành về gia đình, bình đẳng giới và phụ nữ ở Việt Nam. Các kết quả cụ thể về hoạt động nghiên cứu như sau:
Đề tài khoa học cấp Bộ: Thực hiện 03 đề tài khoa học cấp Bộ độc lập về: i) Các quan hệ gia đình ở khu vực Bắc Trung Bộ trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; ii) Hệ giá trị gia đình Việt Nam dưới góc nhìn xã hội học (nghiên cứu trường hợp tỉnh Thái Bình); iii) Quan niệm, mức độ và các yếu tố tác động đến hạnh phúc gia đình: Nghiên cứu trường hợp tỉnh Quảng Ngãi. Đây là những chủ đề nghiên cứu mới và cơ bản nhưng còn ít có nghiên cứu tại Việt Nam. Trong năm 2013, các đề tài chủ yếu tổng quan tài liệu và xây dựng công cụ khảo sát, kế hoạch khảo sát. Theo kế hoạch, các đề tài sẽ hoàn thành công tác khảo sát thực địa vào đầu năm 2014 và triển khai phân tích, báo cáo kết quả nghiên cứu vào cuối năm 2014.
Đề tài khoa học cấp cơ sở: Năm 2013 là năm đầu tiên Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam triển khai trở lại hệ đề tài khoa học cấp cơ sở với mục đích nâng cao năng lực, kỹ năng tổ chức và thực hiện nghiên cứu độc lập cho các nghiên cứu viên, đặc biệt là các nghiên cứu viên trẻ nhằm phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu có năng lực kế cận. Trong năm 2013, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã thực hiện 9 đề tài khoa học cấp cơ sở về các chủ đề:
- Một số yếu tố tác động đến mối quan hệ người cao tuổi và con cháu trong gia đình hiện nay: nghiên cứu trường hợp tỉnh Bắc Ninh;
- Quyền chăm sóc sức khoẻ trẻ em: Những vấn đề đặt ra ở Việt Nam hiện nay;
- Định hướng giá trị của vị thành niên và thanh niên làng nghề vùng đồng bằng sông Hồng trong phát triển làng nghề bền vững;
- Nghiên cứu bạo lực đối với người cao tuổi trong gia đình: Một số vấn đề đặt ra;
- Một số vấn đề giới ở khu vực phi chính thức trong giai đoạn hiện nay;
- Giới và lao động việc làm ở khu vực nông thôn kể từ khi gia nhập WTO;
- Chăm sóc trẻ em trong gia đình dưới góc độ giới trong bối cảnh toàn cầu hoá;
- Tiếp cận giáo dục mầm non của trẻ em ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay: Qua một số cuộc điều tra quốc gia gần đây;
- Ly hôn: Một số vấn đề lý thuyết, phương pháp và hướng nghiên cứu cần quan tâm;
Kết quả nghiệm thu cho thấy việc triển khai hệ đề tài cấp cơ sở đã mở ra các cơ hội và điều kiện để đào tạo và phát triển kỹ năng nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ kế cận, đồng thời cung cấp các thông tin khoa học chuyên sâu về từng chủ đề nghiên cứu nhỏ, phục vụ cho các đề tài nghiên cứu khoa học quy mô hơn.
Trong năm 2013, được sự tín nhiệm và phân công của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức xây dựng Đề cương và nội dung Đề án “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế, đề xuất các luận cứ khoa học phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc” và Đề tài cấp nhà nước nghiên cứu về hạnh phúc và bộ chỉ số đánh giá hạnh phúc quốc gia. Nội dung Đề án và Đề tài đã hoàn thành và được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài các đề tài thuộc nhiệm vụ hàng năm, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu phối hợp với các tổ chức, cơ quan khác. Cụ thể:
- Tham gia triển khai công tác khảo sát thu thập thông tin cho đề tài nghiên cứu về Điều tra Sức khỏe Dân số 2013. Đây là đề tài hợp tác của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam với Hội đồng khoa học xã hội Hoa Kỳ, với sự tham gia trực tiếp của cán bộ ba Viện: Viện Xã hội học, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ.
- Hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện báo cáo nghiên cứu về Nuôi dưỡng trẻ nhỏ ở một số địa phương của Việt Nam: “Thực tiễn và Hàm ý chính sách” và “Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ bà mẹ chọn lựa dinh dưỡng bổ sung tốt và phù hợp nhất cho trẻ nhỏ tại Việt Nam”;
- Hợp tác với Ban Dân tộc Hà Nội thực hiện khảo sát: “Đời sống văn hoá của người dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội năm 2013.”
- Hợp tác với Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc hoàn thiện báo cáo và xuất bản về thực trạng bạo lực gia đình và đề xuất các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình.
- Hợp tác và hỗ trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội thực hiện khảo sát về phân công lao động trong gia đình của các cán bộ trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thủ đô.
Chào mừng Năm Gia đình Việt Nam 2013, được sự cho phép của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế: “Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh” vào ngày 7-8/11/2013 tại Hà Nội với sự tham dự của rất nhiều nhà nghiên cứu gia đình trong nước và quốc tế. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà nghiên cứu và quản lý về gia đình. Nhiều thảo luận và trao đổi khoa học tại Hội thảo đã cung cấp các thông tin bổ ích, cập nhật và đa dạng cho công tác nghiên cứu khoa học của Viện, của các cán bộ tham gia và là thông tin hữu ích cho công tác tư vấn, giảng dạy, đào tạo về gia đình.
Tại Hội nghị, các cán bộ, viên chức của Viện cũng thảo luận và xây dựng các nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2014. Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2013, trong năm mới 2014, tập thể cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới sẽ hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ công tác năm, cung cấp các luận cứ lý luận và thực tiễn cho quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách về gia đình, bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam.
Tập huấn về Kinh tế học đáp ứng vấn đề giới và bảo trợ xã hội
Trong các ngày từ 10-15/2/2014, tại Hà Nội đã diễn ra khóa tập huấn về Kinh tế học đáp ứng vấn đề giới và bảo trợ xã hội. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho các cán bộ Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới 2013-2014” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID) hỗ trợ tài chính; Cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc (UN Women) và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phối hợp triển khai. Mục tiêu của khóa tập huấn là nhằm bổ sung kiến thức về Giới và Kinh tế học phát triển, cũng như cung cấp các công cụ và khung phân tích giới có gắn với vấn đề bảo trợ xã hội cho các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.
Khóa tập huấn được tiến hành theo phương pháp đồng tham gia, kết hợp giữa bài giảng, bài tập thảo luận, bài tập thực hành và làm việc theo nhóm. Khóa tập huấn được thiết kế để phù hợp với trình độ đa dạng của học viên, trải rộng qua nhiều học phần, bao gồm: các khái niệm cơ bản về giới và kinh tế; lao động không được trả công; việc làm và thị trường lao động; giới và nghèo đói; giới và kinh tế học vĩ mô.
Tại hầu hết các quốc gia, thời gian dành cho các công việc không được trả công nhiều hơn thời gian sử dụng vào công việc được trả công. Học phần Lao động không được trả công giúp cho học viên tiếp cận sâu hơn khái niệm về lao động không được trả công, đồng thời tìm hiểu vì sao lao động không được trả công được xem xét hoặc bỏ qua trong quá trình hoạch định chính sách. Một mục đích khác của học phần này là nêu bật những sai sót thường gặp trong công tác thu thập và trình bày các số liệu về kinh tế và xã hội. Học phần cũng đưa ra những hướng dẫn chung liên quan tới lao động không được trả công trong quá trình hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, học phần cũng gợi mở các cách thức để ước lượng và đánh giá giá trị công việc chăm sóc không được trả công.
Tiếp theo những phân tích về lao động không được trả công như là một thành tố quan trọng trong phân bổ thời gian và nguồn lực trong các hoạt động kinh tế, học phần Việc làm và thị trường lao động đưa ra những phân tích về giới từ góc độ lao động và thị trường lao động trong bối cảnh của châu á và Thái Bình Dương, bao gồm những vấn đề như cung ứng lao động và cấu trúc việc làm bị chia tách, đưa đến một bức tranh đầy đủ hơn về phân bổ thời gian và nguồn lực. Học phần cũng đưa ra bài tập lập bản đồ việc làm và thảo luận các chính sách việc làm từ góc độ giới.
Học phần Giới và nghèo đói giới thiệu những định nghĩa và thước đo về nghèo đói trong thu nhập và tiêu dùng, đồng thời tìm hiểu mối quan hệ giữa nghèo đói và cấu trúc hộ gia đình. Học phần này cũng trang bị cho học viên khả năng bóc tách các chiều cạnh giới trong sự vận động của nghèo đói.
Nhằm giúp học viên nghiên cứu kinh tế học vĩ mô có tính nhạy cảm giới, học phần Giới và kinh tế học vĩ mô giới thiệu và trình bày chi tiết một số khía cạnh quan trọng của kinh tế học vĩ mô, bao gồm cơ cấu hạch toán xã hội, dòng lưu chuyển của thu nhập và sản phẩm, tổng chi tiêu nội địa, số nhân, gia tốc và phân tích hai khoảng chênh lệch. Kinh tế học vĩ mô thường được xem là không quan tâm đến các mối quan hệ phát sinh từ giới. Nó nghiên cứu và tìm hiểu về môi trường kinh tế nói chung nhưng hiếm khi đề cập đến vấn đề giới, mà nếu có, thì giữ thái độ trung lập. Xem xét kinh tế vĩ mô dưới góc độ giới cũng chính là xem xét các mối quan hệ tương hỗ qua lại giữa chúng. Phân tích về giới trong kinh tế học vĩ mô nhấn mạnh cả hai khía cạnh: (i) sự thẩm thấu của các mối quan hệ giới trong các khái niệm kinh tế vĩ mô; và (ii) những thiếu hụt trong đo lường các hoạt động kinh tế như công việc chăm sóc không được trả công của các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Cuối khóa tập huấn, các học viên được chia nhóm 3 người tham gia bài tập thiết kế các nghiên cứu bảo trợ xã hội đáp ứng vấn đề giới ở Việt Nam. Các bài tập này sau đó được thu thập lại, chọn lọc và phát triển hoàn chỉnh thành những đề tài nghiên cứu trong tương lai.
Gia đình và hoạt động chăm sóc trẻ em ở Hà Nội
Nghiên cứu chăm sóc trẻ em trong gia đình ở Hà Nội cho thấy sự phân công lao động vẫn có sự tách biệt rõ rệt về giới. Vai trò của người mẹ không thay đổi khi so sánh giữa các khu vực cư trú hay giữa những nhóm gia đình có mức sống khác nhau. Vai trò của người bố cũng được phát huy nhưng ở tỷ lệ thấp hơn. Việc chăm sóc con cái trong gia đình chủ yếu do cả hai vợ chồng cùng quyết định và mô hình quyết định này có mối liên hệ với nơi cư trú và mức sống. Quan niệm vợ là người chịu trách nhiệm chăm sóc dạy dỗ con cái được tìm thấy ở đa số người trả lời và có sự khác biệt về giới tính, nghề nghiệp và mức sống.
Công tác xã hội là một ngành khoa học mới được công nhận ở Việt Nam nhưng nó đã chứng tỏ vai trò của mình trong công tác trợ giúp những đối tượng yếu thế trong xã hội. Bài viết phân tích một số vấn đề gặp phải ở nhóm trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, và quy trình vận dụng phương pháp công tác xã hội cá nhân để can thiệp, trợ giúp trẻ giải quyết những khó khăn trong việc chăm sóc y tế, tiếp cận giáo dục và các vấn đề về tâm lý-xã hội để vươn lên hoà nhập cộng đồng một cách hiệu quả và bền vững.
Một số đặc điểm di cư lao động ở Hà Nội
Trên cơ sở số liệu từ cuộc khảo sát “Giới và tiền chuyển về của lao động di cư”, bài viết xem xét một số đặc điểm di cư lao động ở Hà Nội. Kết quả từ nghiên cứu cho thấy Hà Nội là điểm đến lý tưởng cho nhiều người lao động di cư hiện nay. Người lao động di cư phải trải qua các khó khăn liên quan nhiều đến vấn đề về tình trạng cư trú, an sinh xã hội và nghèo đa chiều. Các lợi ích của quá trình di cư đem lại cho người lao động như tăng thu nhập và mở mang hiểu biết về xã hội đã góp phần biến đổi vai trò giới trong phân công lao động và tăng quyền trong gia đình theo chiều hướng tích cực.
Cô dâu Việt Nam thành công ở Đài Loan: Hai nghiên cứu trường hợp
Dựa trên cơ sở hai nghiên cứu trường hợp cô dâu Việt Nam thành công trong hôn nhân ở Đài Loan, bài viết góp phần không chỉ làm rõ cuộc sống của họ ở nhà chồng (một chủ đề ít được khảo sát một cách đáng tin cậy từ các nghiên cứu trong nước), mà còn phá bỏ nhận định rằng những người thành công là nhờ may mắn. Tán thành xu hướng lý thuyết nhấn mạnh tính tích cực chủ động của các cô dâu trong việc vun đắp cuộc sống gia đình, nhưng bài viết mở rộng phạm vi xem xét ra ngoài gia đình, và tính tới những thế lực thuộc về cấu trúc ở cấp độ vĩ mô của xã hội Đài Loan, để khẳng định tính tích cực của họ không chỉ trong gia đình, mà cả khi đối diện với các thế lực này.
Nhường nhịn lẫn nhau trong ứng xử để xây dựng sự hòa thuận và hạnh phúc của gia đình
Bài viết trình bày về mối quan hệ vợ chồng và những ứng xử trong cuộc sống gia đình hàng ngày. Theo tác giả, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc đòi hỏi sự chung sức của cả đôi vợ chồng, với cách ứng xử tế nhị, tình cảm của người vợ và sự thành tâm, nhiệt tình của người chồng, vì hạnh phúc lứa đôi và tương lai con cái.
Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục con cái: từ góc nhìn của cha mẹ học sinh
Dựa trên dữ liệu từ cuộc khảo sát về “Thực trạng sự phối hợp và mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2012 tại 12 quận/huyện thuộc Hà Nội, bài viết phân tích sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục con cái và tìm hiểu những vấn đề đặt ra. Kết quả nghiên cứu cho thấy các gia đình cũng đã lựa chọn nhiều cách để phối hợp với nhà trường trong giáo dục, quản lý con cái, ví dụ như gặp trực tiếp, gọi điện, tham gia họp phụ huynh, thông báo những biểu hiện bất thường của con cho giáo viên… Tuy nhiên, nhiều gia đình thường dừng lại ở việc “hỏi thăm” tình hình của con em với giáo viên chủ nhiệm mà chưa thực sự có ý thức bàn bạc hoặc dành thời gian thích đáng quan tâm uốn nắn những hành vi của trẻ. Gia đình còn thụ động “chờ” những phản hồi từ phía giáo viên; nhà trường chủ yếu vẫn liên hệ với gia đình qua “thông báo” hoặc “sổ liên lạc” mà ít thực hiện những cuộc tham vấn, trao đổi trực tiếp.