Liên kết web
Số lượt truy cập

20

2787671

Tin hoạt động

Tọa đàm khoa học: “Thảo luận về giới và bình đẳng giới ở Ba Lan”

18/10/2024
Trong khuôn khổ Hoạt động khoa học chung năm 2024, ngày 27/8/2024, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức Tọa đàm khoa học: “Thảo luận về giới và bình đẳng giới ở Ba Lan”. Tọa đàm do TS. Nguyễn Đình Tuấn, Viện trưởng và TS. Bùi Thị Hương Trầm, Phó trưởng phòng Phòng Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình chủ trì. Tham dự Tọa đàm có các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Hội Xã hội học Việt Nam và các nhà khoa học thuộc các cơ quan khác có quan tâm.
TS. Nguyễn Đình Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu
Gia đình và Giới, chủ trì Hội thảo

Tại Tọa đàm, TS. Trần Thị Cẩm Nhung trình bày báo cáo “Quan hệ giới trong gia đình trong bối cảnh chuyển đổi xã hội ở Ba Lan”. Báo cáo chỉ ra các đặc trưng về quan hệ giới của một thiết chế xã hội quan trọng, thiết chế gia đình, và lý giải những vấn đề đã đặt ra trong lĩnh vực giới và bình đẳng giới ở Ba lan. Báo cáo trình bày quá trình chuyển đổi xã hội của Ba Lan trong 3 giai đoạn: truyền thống, chủ nghĩa xã hội và giai đoạn chuyển đổi cùng với đó là những vấn đề về giới, quan hệ giới trong gia đình ở hai chiều cạnh phân công lao động và bạo lực giữa vợ và chồng. Một điều đáng chú ý là dù Ba Lan trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu gần 20 năm nhưng những khuôn mẫu giới, chuẩn mực giới hầu như không thay đổi. Cụ thể, người phụ nữ ở vị thế phụ thuộc nam giới trong gia đình về kinh tế cũng như các quyết định, thời gian làm việc nhà của phụ nữ Ba Lan nhiều hơn nam giới. Chính những điều này đã cản trở phụ nữ Ba Lan tham gia vào thị trường lao động, khiến họ yếu thế và trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Theo diễn giả, bạo lực gia đình là vấn đề nghiêm trọng ở Ba Lan và xuất hiện ở các nhóm xã hội khác nhau; xảy ra trong tất cả các giai đoạn của hôn nhân: mới kết hôn, khi mang thai, khi đang nuôi con nhỏ. Không chỉ đối với phụ nữ đang trong hôn nhân, mà cả khi đã ly hôn; bạo lực gia đình được xem là vấn đề riêng tư của gia đình vì thế ít được báo cáo và xử lý.

 

TS. Trần Thị Cẩm Nhung, trình bày báo cáo

Lý giải cho những đặc trưng về giới và quan hệ giới trong gia đình Ba Lan trong thời kỳ chuyển đổi xã hội, diễn giả cho biết Ba Lan là một xã hội thuần nhất với đại đa số (98%) là người Ba Lan và hơn 90% người dân theo đạo Công giáo La Mã thuộc Giáo hội Công giáo Roma. Thực tế, tôn giáo có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội ở Ba Lan và đến sự thay đổi của các chính sách về bình đẳng giới. Mặt khác, quan điểm về giới và bình đẳng giới của người dân và các nhà hoạch định chính sách cũng là nguyên nhân của sự bất bình đẳng giới trong gia đình và chính sách chưa có sự quan tâm thích đáng. Thực tế, Ba Lan thiếu những thảo luận về giới, bình đẳng giới trong không gian công cộng và truyền thông.

GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, trình bày báo cáo

 

Tiếp nối Tọa đàm, GS. TS. Nguyễn Hữu Minh trình bày báo cáo “Quan hệ giới trong gia đình ở Ba Lan và Việt Nam từ một góc nhìn so sánh”. Theo diễn giả, quan hệ giới có tính lịch sử, biến đổi theo thời gian và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như trình độ phát triển kinh tế, mức độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thể chế chính trị, truyền thống văn hóa, tôn giáo, v.v.. Quan hệ giới trong gia đình thể hiện qua nhiều chiều cạnh khác nhau: phân công lao động, quyền ra quyết định trong gia đình, sở hữu tài sản, đóng góp kinh tế, ứng xử tình cảm, giải quyết mâu thuẫn, v.v.. Diễn giả chỉ ra sự tương đồng và khác biệt trong quan hệ giới trong gia đình giữa Việt Nam và Ba Lan. Theo đó, sự tương đồng thể hiện ở khuôn mẫu giới truyền thống và việc Ba Lan từng trải qua chế độ xã hội chủ nghĩa với vai trò mạnh của nhà nước đối với các vấn đề gia đình và giới; sự khác biệt được nhìn nhận ở các chiều cạnh như mức độ hiện đại hóa khác nhau, bối cảnh tôn giáo khác nhau, biến đổi phi tuyến tính (quay lại mô hình cũ) ở Ba Lan với biến đổi tuyến tính (tiếp tục bình đẳng giới) ở Việt Nam.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Tọa đàm, trao đổi của các nhà khoa học tham dự tập trung vào một số vấn đề liên quan đến việc lý giải cho những đặc trưng, mối quan hệ giới trong gia đình ở Ba Lan; các yếu tố tác động đến những đặc trưng này; các vấn đề cần quan tâm khi nghiên cứu giới và bình đẳng giới nói chung để có cái nhìn ở nhiều chiều cạnh khác nhau và lý giải vấn đề một cách tường minh, xác đáng tránh cái nhìn một chiều không đầy đủ. Cụ thể là cần làm rõ vai trò của tôn giáo, của đặc trưng văn hóa, của các yếu tố liên quan đến hiện đại hóa, công nghiệp hóa, của chính sách, các cam kết quốc tế liên quan đến vấn đề giới và bình đẳng giới nói chung và vấn đề giới và bình đẳng giới trong gia đình nói riêng.

 

Phát biểu tổng kết, TS. Nguyễn Đình Tuấn cho rằng Tọa đàm đã cung cấp cho những người tham dự có nhiều thông tin về giới và bình đẳng giới của Ba Lan. Đồng thời, có bức tranh so sánh trong quan niệm về giới ở Ba Lan và Việt Nam. Trong đó, có những điểm tương đồng và khác biệt. Tọa đàm cũng gợi mở những vấn đề cần quan tâm khi nghiên cứu về giới và bình đẳng giới ở các quốc gia trên thế giới; vai trò của văn hóa, tôn giáo đối với vấn đề giới và bình đẳng giới ở các quốc gia; quan điểm về giới và bình đẳng giới ở các quốc gia, v.v.. Thay mặt, Lãnh đạo Viện, TS đã gửi lời cảm ơn 2 diễn giả và các nhà khoa học đã tham dự Tọa đàm.

 

 

2024

 

Lê Thị Hồng Hải