Liên kết web
Số lượt truy cập

29

2423385

Tin hoạt động

Hội thảo khoa học: "Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"

08/09/2024
Trong khuôn khổ Hoạt động khoa học chung năm 2024, ngày 27/8/2024, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức hội thảo khoa học "Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn". Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và TS. Bùi Thị Hương Trầm, Phó trưởng phòng Phòng Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình chủ trì. Tham dự hội thảo gồm có các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Hội Xã hội học Việt Nam, trường Đại học sư phạm Đà Nẵng.

TS. Nguyễn Đình Tuấn, Viện trưởng Viện
Nghiên cứu Gia đình và Giới khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn Hội thảo TS. Nguyễn Đình Tuấn cho rằng, nghiên cứu về hạnh phúc nói chung và gia đình hạnh phúc nói riêng ngay càng nhận được quan tâm của các nhà khoa học trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Trên thế giới cho đến nay đã có nhiều báo cáo về chỉ số gia đình hạnh phúc được các tổ chức và quốc gia công bố. Do tính mở của khái niệm mà các chỉ báo được lựa chọn đưa vào đo lường, tính toán chỉ số gia đình hạnh phúc của các tổ chức và quốc gia có sự khác nhau. Tuy nhiên, các chỉ báo đo lường gia đình hạnh phúc thường tập trung vào các chiều cạnh như: Kinh tế, mối quan hệ gia đình, sự gắn kết chặt chẽ trong gia đình, và sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Ở Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số: 1449/QĐ-BVHTTDL, ngày 27 tháng 06 năm 2022 về kế hoạch tổ chức nghiên cứu xây dựng, triển khai thí điểm bộ chỉ số gia đình hạnh phúc. Theo đó, việc xây dựng dự thảo bộ chỉ số gia đình hạnh phúc dựa trên 6 chiều cạnh: 1/ Xây dựng nhóm chỉ số gia đình hạnh phúc về sức khỏe; 2/ Xây dựng nhóm chỉ số gia đình hạnh phúc về kinh tế; 3/ Xây dựng nhóm chỉ số gia đình hạnh phúc về đạo đức, lối sống, mối quan hệ trong gia đình; 4/ Xây dựng nhóm chỉ số gia đình hạnh phúc về môi trường sống; 5/ Xây dựng nhóm chỉ số gia đình hạnh phúc về điều kiện sống; 6/ Xây dựng nhóm chỉ số gia đình hạnh phúc về cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành cũng đã nghiên cứu và tính chỉ số gia đình hạnh phúc hay chỉ số hạnh phúc của người dân như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Yên Bái.

 

PGS.TS. Lê Ngọc Văn
trình bày báo cáo tham luận

TS. Nguyễn Đình Tuấn hi vọng trong buổi Hội thảo sẽ có những đánh giá, xem xét thực tiễn về bộ chỉ số gia đình hạnh phúc đã được xây dựng, và góp ý kiến cho việc xây dựng, hoàn thiện, áp dụng bộ chỉ số gia đình hạnh phúc trong nghiên cứu ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

Hội thảo được chia làm 2 phiên: phiên thứ nhất tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn về chỉ số hạnh phúc, phiên thứ 2 tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn về chỉ số gia đình hạnh phúc; trong đó, có thể nêu ra một số tham luận như:

 

  • Tham luận: “Nghiên cứu về hạnh phúc: Lý luận và ứng dụng” của PGS.TS. Lê Ngọc Văn.

 

ThS. Lê Thị Hồng Hải
trình bày báo cáo tham luận

PGS.TS. Lê Ngọc Văn chỉ ra rằng, nghiên cứu về hạnh phúc đã được tiến hành từ những năm 1960 ở các nước phương Tây. Từ năm 2012 đến nay ở cấp độ quốc tế báo cáo Hạnh phúc thế giới được công bố hàng năm, với từng chủ đề trọng tâm cho mỗi năm.

Về khái niệm hạnh phúc, PGS.TS. đã giới thiệu các khái niệm hạnh phúc được các nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu đưa ra. Theo PSG.TS. đây là một khái niệm mờ và chưa có sự thống nhất trong khoa học, mỗi lĩnh vực nghiên cứu đều đưa ra khái niệm riêng về hạnh phúc. Việc đo lường hạnh phúc, kết quả nghiên cứu hạnh phúc cũng không giống nhau do các chỉ số đo lường không được thống nhất.

 

  • Tham luận: “Chỉ số hạnh phúc ở một số nước châu Âucủa ThS. Nguyễn Hà Đông.

 

Báo cáo giới thiệu bộ chỉ số hạnh phúc ở Vương quốc Anh, bộ chỉ số tình trạng cuộc sống ở Ý và bộ chỉ số hạnh phúc ở Đức. Các bộ chỉ số này đã được sử dụng để đánh giá cuộc sống của người dân. Tuỳ theo mỗi mục tiêu của các nước, các bộ chỉ số không giống nhau về nội dung, tiêu chí xây dựng và chỉ báo thu thập; và giai đoạn thực hiện khảo sát cũng không giống nhau. Các bộ chỉ số này đều là những chỉ số quan trọng, được cân nhắc cẩn thận và đạt được mục đích đánh giá của từng nước.

 

  • Tham luận: “Chỉ số hạnh phúc của người dân thành phố Đà Nẵng” của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hằng.
     Đạil biiểu thảo luận

 

Báo cáo chia sẻ hoạt động nghiên cứu về hạnh phúc tại thành phố Đà Nẵng. Khảo sát tiến hành thăm dò ý kiến nhận thức về hạnh phúc của người dân thành phố Đà Nẵng tại 7 quận huyện, 2 phường, 3 tổ dân phố. Khảo sát được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1, với quy mô là 1855 người (1790 người dân, 30 nhà khoa học, 35 cán bộ quản lý); Giai đoạn  2: 1535 người (1470 người dân, 30 nhà khoa học, 35 cán bộ quản lý).

 

Dựa trên kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã xây dựng Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc gồm 5 nhóm yếu tố và 9 lĩnh vực, tương ứng với 230 chỉ số.

 

  • Tham luận:  Quan niệm gia đình hạnh phúc và tiêu chí gia đình hạnh phúc qua một số nghiên cứu” của ThS. Lê Thị Hồng Hải.

 

Toàn cảnh hôiỉ thảo

Báo cáo phân tích các quan niệm về gia đình hạnh phúc và các tiêu chí của gia đình hạnh phúc. Bốn tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc gồm: (1) Tài chính/vật chất, (2) Mối quan hệ tốt đẹp và thành công trong gia đình, (3) Sự gắn kết trong gia đình, (4) Gia đình mạnh khỏe.

 

  • Tham luận: “Bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” do TS. Bùi Thị Hương Trầm đại diện nhóm nghiên cứu trình bày.

 

Báo cáo giới thiệu nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở thành phố Hồ Chí Minh. Ba chiều cạnh đánh giá gia đình hạnh phúc ở thành phố Hồ Chí Minh gồm: (1) Đời sống kinh tế, vật chất và thể chất của gia đình, (2) Các mối quan hệ gia đình và xã hội, (3) Đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng của gia đình. Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đã xác định bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc gồm 5 nhóm tiêu chí: (1) nhóm tiêu chí về ứng xử trong gia đình, (2) nhóm tiêu chí về điều kiện vật chất, (3) nhóm tiêu chí về điều kiện tinh thần, (4) nhóm tiêu chí về giáo dục, (5) nhóm tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe.

 

Ngoài ra, tại Hội thảo các tham luận và thảo luận cũng đã tập trung vào làm rõ hệ thống khái niệm và các chỉ báo đo lường đánh giá về hạnh phúc, gia đình hạnh phúc và hạnh phúc của các nhóm xã hội. Các ý kiến thảo luận cho rằng, việc xác định khái niệm về hạnh phúc, gia đình hạnh phúc ở mỗi quốc gia là khác nhau, tương ứng với đó là các chỉ báo đo lường khác nhau. Và ngay cả giữa các nhóm xã hội cũng có sự khác nhau khi bàn về chỉ số hạnh phúc, gia đình hạnh phúc. Do vậy, khi nghiên cứu, sử dụng so sánh kết quả của các bộ chỉ số cần cẩn trọng, cần hiểu về việc xây dựng bộ chỉ số. Việc tham khảo các chỉ số của thế giới là cần thiết, nhưng phải có những lưu ý để chỉnh sửa để phù hợp với thực tế của Việt Nam.

 

Phát biểu bế mạc và tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Tuấn nhấn mạnh thành công của Hội thảo và cho rằng qua các bài tham luận được trình bày và 2 phiên thảo luận đã phần nào làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn nghiên cứu về hạnh phúc và gia đình hạnh phúc. Đồng thời cũng gợi ra những vấn đề cần quan tâm từ xác định khái niệm, xác định các chỉ báo, phương pháp nghiên cứu đến việc tính toán chỉ số hạnh phúc và chỉ số gia đình hạnh phúc. Hội thảo thực sự là diễn đàn khoa học nhằm trao đổi, chia sẻ ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà quản lý. TS. Nguyễn Đình Tuấn cũng bày tỏ sự cảm ơn đến các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài Viện đã viết bài, tham gia thảo luận, trao đổi và chia sẻ tại Hội thảo./.

 

Tháng 8/2024

 

 

Nguyễn Đức Tuyến